3 Cấp độ kỳ thị mà người bệnh tâm lý phải đối mặt | Vietcetera
Billboard banner
05 Thg 04, 2022
Tâm Lý Học

3 Cấp độ kỳ thị mà người bệnh tâm lý phải đối mặt

Trong nhiều trường hợp, tự tử không phải là quyết định của cá nhân, mà là kết quả của sự kỳ thị theo nhiều cấp độ khác nhau.
3 Cấp độ kỳ thị mà người bệnh tâm lý phải đối mặt

Nguồn: Engin Akyurt @ Pexels

Trong thời gian qua đã xảy ra những vụ việc thương tâm về học sinh tự tử. Đi kèm với đó là các cuộc tranh luận còn chưa ngã ngũ về lý do dẫn đến quyết định đau lòng của các em. Vì sao các em (và nhiều người mắc bệnh tâm lý khác) lại không chủ động chia sẻ về vấn đề của mình để tìm sự trợ giúp? Câu trả lời có lẽ nằm ở sự kỳ thị ở mức độ khác nhau mà họ gặp phải.

Theo nhà tâm lý học Christine Morgan, để khuyến khích người muốn tự tử nói về ý định của họ, cần phải cho họ không gian an toàn. “Cần chắc chắn họ không bị đánh giá về những gì muốn nói, để họ có thể mở lòng và tiếp cận sự hỗ trợ. Nhưng sự kỳ thị khiến việc này trở nên khó khăn hơn”, Morgan chia sẻ.

Kỳ thị sức khỏe tinh thần là gì?

Theo Medical News Today, kỳ thị sức khỏe tinh thần (mental health stigma) là sự coi thường của xã hội đối với người mắc các rối loạn tâm lý, hoặc mong muốn tìm kiếm sự giúp đỡ cho những vấn đề này. Nó chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân:

Thiếu hiểu biết về bản thân căn bệnh: Nếu không hiểu rõ về các chứng rối loạn tâm lý, nhiều người dễ quan niệm chúng khiến người bệnh mất khả năng tư duy logic, có thể gây nguy hiểm cho người khác.

Thiếu hiểu biết về xuất thân, nghề nghiệp của người bệnh: Trong sự kiện cố ca sĩ Sulli và Goo Hara tự tử năm 2019, nhiều cư dân mạng đã bình luận ác ý rằng, nếu đã chọn trở thành người nổi tiếng thì phải biết chịu đựng áp lực. Vì vậy, việc họ chọn cái chết để giải thoát chỉ thể hiện sự yếu đuối.

Khác biệt thế hệ: Nhiều người ở thế hệ trước lớn lên trong điều kiện kinh tế khó khăn. Vì vậy, họ cho rằng các vấn đề tâm lý của giới trẻ ngày nay là biểu hiện nhu nhược, dễ chùn bước trước khó khăn.

Theo nghiên cứu của Nicholas Rusch, Matthias Angermeyer & Patrick Corrigan, có 3 cấp độ kỳ thị về sức khỏe tinh thần mà người bệnh thường xuyên phải đối mặt:

Kỳ thị cấu trúc (structural stigma)

Kỳ thị cấu trúc xảy ra khi các tổ chức lớn (chính phủ, cơ quan hay trường học) đặt ra những chính sách hạn chế quyền và cơ hội của người mắc bệnh tâm lý. Một ví dụ điển hình là ở Lithuania, người mắc bệnh tâm lý mãn tính không được quyền sở hữu nhà.

Họ cũng có thể bị từ chối các cơ hội việc làm, thăng tiến hoặc các chương trình giáo dục bậc cao chỉ vì mắc bệnh tâm lý. Hệ quả là họ bị mắc kẹt ở những công việc lương thấp, không tận dụng được hết tiềm năng của mình.

04apr2022pexelsinzmamkhan1134204jpg
Người mắc bệnh tâm lý có thể bị từ chối các cơ hội việc làm hoặc giáo dục do kỳ thị cơ cấu. | Nguồn: Pexels

Ngay cả người có sự nghiệp ổn định cũng có nguy cơ thành nạn nhân của kỳ thị cơ cấu. Theo một khảo sát của Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ (NLM), 1 trong 15 bác sĩ phẫu thuật tại Mỹ từng có ý định tự tử. Tuy nhiên 60% trong số họ không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ, vì sợ bị tước giấy phép hành nghề.

Kỳ thị xã hội (societal stigma)

Đây là những quan điểm tiêu cực của cộng đồng với người mắc bệnh tâm lý, dẫn đến việc phân biệt đối xử với họ. Kỳ thị xã hội có thể xảy ra trong bối cảnh gia đình, bạn bè và các tương tác hàng ngày.

Chẳng hạn người mắc bệnh tâm lý bị xa lánh, khó kết nối với cộng đồng mà họ làm việc hoặc sinh hoạt. Nguyên nhân do người khác cho rằng họ không thể hành xử như người bình thường, hoặc dễ gây nguy hiểm cho người khác.

Kỳ thị xã hội cũng xảy ra với những cá nhân hoặc tổ chức gắn liền với người bệnh. Ví dụ, gia đình của bệnh nhân tâm lý bị buộc tội đã “gây bệnh” cho họ, hoặc chứa chấp một thành phần gây nguy hiểm cho xã hội. Việc trách cứ phụ huynh của nam sinh lớp 10 tự tử tại Hà Nội gần đây chính là ví dụ điển hình.

04apr2022pexelscottonbro7407376jpg
Kỳ thị xã hội có thể xảy ra trong phạm vi gia đình, bạn bè và các tương tác hàng ngày. | Nguồn: Pexels

Tự kỳ thị (self-stigma)

Đây là cấp độ kỳ thị cuối cùng, xảy ra khi người bệnh tiếp nhận những ý kiến tiêu cực của công chúng và ám thị chúng vào bản thân mình. Nó tác động xấu đến cách họ nghĩ về bản thân và quan hệ với người khác, thậm chí ảnh hưởng đến động lực hồi phục và sự hiệu quả của các phương pháp điều trị.

Một hệ quả thường thấy của tự kỳ thị là nạn nhân cảm thấy họ đáng trách, vô giá trị và không đáng sống. Do đó họ né tránh các tương tác xã hội, và trong trường hợp nghiêm trọng có thể ngược đãi bản thân hoặc tự sát.

Kết

Chúng ta vẫn thường truyền miệng rằng, nếu gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần, nên nhờ đến trợ giúp sớm nhất có thể. Tuy nhiên sự kỳ thị hướng đến bệnh nhân vẫn là một trở ngại lớn, khiến họ ái ngại chia sẻ và tìm kiếm sự giúp đỡ. Trong nhiều trường hợp, nó có thể dẫn đến những quyết định đáng tiếc.

Vì vậy đối với người mắc các bệnh tâm lý, điều tối thiểu ta có thể làm là lắng nghe và không phán xét các vấn đề của họ. Bằng cách này, ta mở ra một không gian an toàn, khuyến khích họ chia sẻ và tìm kiếm sự trợ giúp cần thiết.