Lại có thêm học sinh tự sát | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
02 Thg 04, 2022
Đời sốngOpinion

Lại có thêm học sinh tự sát

Áp lực học tập của ngôi trường chuyên trong thời đại của sự cạnh tranh toàn cầu, của những thành tích học sinh giỏi, của sự mất kết nối với gia đình có thể đẩy người trẻ tới quyết định cực đoan nhất.
Lại có thêm học sinh tự sát

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Không phải cái chết duy nhất

Sự ra đi của người trẻ thường gây ra những đau xót khôn nguôi, vì tuổi trẻ hay gắn liền với hy vọng. Đau xót đó nhân lên gấp bội khi khoảnh khắc cuối cùng trong cuộc đời em được ghi lại bằng camera an ninh trong căn hộ của gia đình, và lan truyền với tốc độ thuật toán trên mạng xã hội.

7 phút chiếc video trôi qua là 7 phút nặng nề nhất trong cuộc đời tôi. Tôi ứa nước mắt vì đau đớn nhưng cũng cảm thấu đến tim gan. Vì là một cựu học sinh trường chuyên, tôi cũng từng trải qua biết bao trạng thái tâm lý tương tự. Áp lực học tập của ngôi trường chuyên trong thời đại của sự cạnh tranh toàn cầu, của những thành tích học sinh giỏi, của sự mất kết nối với gia đình có thể đẩy người trẻ tới quyết định cực đoan nhất.

Đáng buồn là, sự ra đi thương tâm của em nam sinh vào sáng 1/4 không phải vụ tự sát tuổi học trò duy nhất. Vào ngày 31/3, một nữ sinh lớp 8 ở Bắc Ninh cũng được phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ.

Theo đuổi chủ đề nghiên cứu về đời sống của học sinh trường chuyên trong khoá luận tốt nghiệp và luận văn thạc sĩ, tôi buộc phải công nhận rằng chuyện người trẻ tìm đến cái chết là không hề hiếm gặp. Mặc dù chúng ít khi xuất hiện trên mặt báo.

Tự sát không phải quyết định của mình cá nhân

Trước các vấn đề tâm lý ở lứa tuổi học sinh-sinh viên, xã hội chúng ta thường loay hoay với những lời khuyên ít tác dụng. “Thế hệ ngày xưa trải qua khó khăn gấp bộn phần ngày nay, tại sao phải phản ứng cực đoan thế?”, “Hãy nghĩ tới trách nhiệm gia đình”, “Đừng buồn nữa”... Những “động viên” có tính chất trách móc, răn đe này từng xuất hiện trên nhiều kênh truyền thông chính thống.

Có lẽ chúng ta đã hiểu sai cơ chế đằng sau hành động tự sát. Chúng ta thường có xu hướng tách rời tự sát ra khỏi văn cảnh và quy nó về trách nhiệm cá nhân. Khi một người trẻ kết thúc cuộc sống của mình, giả thuyết được đưa ra nhiều nhất là nạn nhân bị trầm cảm. Trầm cảm chỉ được nhìn như một tình trạng bệnh lý cá nhân và bị lược đi mọi yếu tố xã hội xung quanh.

Nói cách khác, hành động tự sát không được quyết định một mình. Nó là kết quả của hằng hà sa số sự xô đẩy tới từ những người thân xung quanh, áp lực học tập của nhà trường, và định kiến xã hội. Cái chết là khoảnh khắc riêng tư nhất của mỗi cá nhân, nhưng trên con đường đi đến điểm kết, người ta không đi một mình.

Áp lực xã hội lên học sinh trường chuyên

Trong một nghiên cứu về áp lực xã hội được tạo ra bởi truyền thông và tác động tới học sinh trường chuyên được tôi thực hiện vào năm 2019, những người “tuổi trẻ tài cao” chịu gánh nặng từ khuôn mẫu kỳ vọng xã hội. Hình tượng về những học sinh giỏi toàn diện, xuất sắc về cả thành tích học thuật và hoạt động ngoại khoá được khuếch tán trên mặt báo.

Học sinh giỏi thường được kỳ vọng là có tố chất lãnh đạo, có khả năng học thuật hơn người, là những công dân toàn cầu có thể nói nhiều ngoại ngữ, và cũng có thiên hướng nghệ thuật.

Những chân dung báo chí này chỉ là một phần sự thật về cuộc sống học sinh trường chuyên. Trong thực tế, đối với những em có đủ điều kiện tài chính gia đình và được bố mẹ đầu tư học hành từ nhỏ để trở nên xuất sắc, các em gặp áp lực khổng lồ trong việc duy trì thành tích.

Mọi khó khăn cuộc sống thường bị giản lược hoặc không được nhắc đến, để rồi truyền thông chỉ nói về nhóm xuất sắc nhất với thành tích và lối sống hoàn hảo. Đối với các em có ít điều kiện đầu tư vào học tập hơn, giá trị của nhóm tinh hoa nhất, hoàn hảo nhất trở thành tiêu chuẩn phấn đấu mà các em không bao giờ có thể với tới.

Nhưng với sự xuất hiện tràn lan của những mẫu hình học sinh hoàn hảo trên báo chí, nhiều gia đình không có sự thấu hiểu và có xu hướng so sánh, chỉ trích con mình nếu con không được như “con nhà người ta”. Hậu quả là sự ganh đua và sợ hãi thất bại vô tận.

Cảm thấu với thế hệ trẻ vì một đời sống tâm lý lành mạnh

Góc nhìn của người trẻ về áp lực học tập, ganh đua, đáp ứng kỳ vọng của xã hội cần được lắng nghe nhiều hơn. Để làm được điều đó, chúng ta cần nhìn giáo dục trong một bức tranh toàn cảnh: những chính sách giáo dục vĩ mô kỳ vọng xây dựng thế hệ tương lai như thế nào, và thực tế diễn ra ra sao?

Quan trọng hơn, những bậc phụ huynh, giáo viên, và người hoạch định chính sách giáo dục cần thâm nhập vào đời sống con trẻ sâu hơn để thấu hiểu những gì thế hệ sinh sau đẻ muộn đang trải qua. Để việc thiết kế chính sách vĩ mô có sự đóng góp của thế hệ trẻ, và hướng đến lợi ích của thế hệ trẻ.

[Bài viết] "Người tự tử không chạy trốn, mà bởi họ không còn có thể chạy trốn"

[Bài viết] “Nếu con điểm thấp, mẹ sẽ bỏ con à?” - Tác giả: Thùy Minh