3 Lời khuyên để nhập cuộc chơi với “gã khổng lồ” Amazon | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
01 Thg 09, 2022
Xu Hướng Kinh Doanh

3 Lời khuyên để nhập cuộc chơi với “gã khổng lồ” Amazon

Với sự hỗ trợ của Amazon Global Selling, các thương hiệu nội địa đang có nhiều cơ hội để bước ra thị trường thương mại điện tử quốc tế.
3 Lời khuyên để nhập cuộc chơi với “gã khổng lồ” Amazon

Nguồn: Bobby Vu cho Vietcetera

Amazon là công ty công nghệ đa quốc gia số một về thị trường thương mại điện tử trên thế giới. Sau gần 30 năm hoạt động, Amazon đã thu hút hơn 300 triệu khách hàng trên toàn cầu, đồng thời trở thành mảnh đất màu mỡ cho ai muốn kiếm tìm cơ hội kinh doanh. Theo thống kê, Amazon đang có hơn 9,5 triệu tài khoản bán hàng, và 73% trong số họ sử dụng FBA (Fulfillment by Amazon), dịch vụ hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon.

Tại Việt Nam, thị trường thương mại điện tử có mức tăng trưởng 20%, một con số ấn tượng so với số trung bình trên thế giới (16%). Trước tiềm năng đó, Amazon đã thiết lập hoạt động tại Việt Nam bằng cách giúp các thương hiệu nội địa, các nhà sản xuất Việt Nam bán và xuất khẩu sản phẩm đến nhiều quốc gia thông qua Amazon Global Selling, đồng thời mở ra cơ hội cho rất nhiều cá nhân và doanh nghiệp mong muốn thử sức tại thị trường thương mại điện tử quốc tế.

Trong tập 13 của Vietnam Innovators, host Miro Nguyễn và anh Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc khu vực miền Bắc của Amazon Global Selling thảo luận về câu chuyện của Amazon, cách thương hiệu vận hành và hỗ trợ người bán để mang lại những dịch vụ chất lượng nhất cho khách hàng.

Xu hướng thương mại điện tử tại Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam là thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Các chuyên gia dự đoán thị trường nội địa có tiềm năng tăng trưởng rất lớn, lên đến 20% trong vòng 5 năm tới.

Tuy giá cả hàng hóa tăng vì mức lạm phát kỷ lục, người tiêu dùng vẫn được hưởng lợi từ sự tiện dụng, đa dạng hàng hóa, cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn của Amazon như hàng loạt các ngày hội mua sắm lớn với vô số ưu đãi, khuyến mãi lớn trong năm như Prime Day, Cyber Monday, Black Friday,...

Khác biệt và đột phá: Sức hấp dẫn toàn cầu của Amazon

Tính toàn cầu

Sau gần 30 năm thành lập, Amazon hiện sở hữu 300 triệu tài khoản người mua, trong đó có hơn 200 triệu khách hàng Prime, và hơn 5 triệu khách hàng doanh nghiệp toàn cầu. Amazon có thể vận chuyển hàng hoá đến khách hàng tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài ra, Amazon còn có 400 trung tâm hoàn thiện đơn hàng rải rác khắp nơi trên thế giới.

Tính sáng tạo

Amazon luôn sáng tạo không ngừng phát triển để áp dụng công nghệ, tính năng để trở thành nền tảng thương mại điện tử và công nghệ hàng đầu thế giới. Vốn chỉ từ một website chuyên phân phối sách đơn thuần, nay phát triển trở thành thành tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới với các sản phẩm và dịch vụ đột phá như sàn thương mại điện tử Amazon, máy đọc sách Kindle, Alexa, Amazon Prime…

Tính đột phá của Amazon còn có thể nhìn thấy ở giải các Trung tâm hoàn thiện đơn hàng của Amazon (Fulfillment Center).

alt
Nguồn: Bobby Vu cho Vietcetera

Tại trung tâm hoàn thiện đơn hàng Amazon hỗ trợ người bán hàng sử dụng dịch vụ FBA (Hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon) bằng cách phụ trách toàn bộ các khâu như đóng gói hàng, vận chuyển, chăm sóc khách hàng,...

Hiện có khoảng hơn 400 trung tâm hoàn thiện đơn hàng Amazon trên toàn thế giới. Những trung tâm này vận hành bằng cách kết hợp giữa con người và robot nhằm tối ưu hoá hiệu suất vận hành, đảm bảo quy trình trở nên nhanh chóng, thuận tiện hơn.

Tái đầu tư cho nhà bán hàng

Chỉ trong năm 2020, Amazon đã chi 1 tỷ USD để phát triển những giải pháp, công cụ giúp những nhà bán hàng thành công. Qua khảo sát của Amazon, dù phần lớn thừa nhận rằng thương mại điện tử xuyên biên giới rất quan trọng, 83% doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp khó khăn với hình thức này.

Tại nước ta, Amazon Global Selling đầu tư cho sự phát triển dài lâu và bền vững của thương mại điện tử Việt Nam. Một trong số này là sáng kiến “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” do Amazon khởi xướng, phối hợp thực hiện với Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (iDEA) và Bộ Công Thương bảo trợ nội dung; nhằm mục tiêu phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.

Tham gia chương trình, các doanh nghiệp và nguồn nhân lực trẻ Việt Nam sẽ được đào tạo với 20+ khóa học đa dạng nội dung như: thương mại điện tử xuyên biên giới, nghiên cứu thị trường, xây dựng danh mục sản phẩm, đăng ký và bảo vệ thương hiệu, quy trình bán hàng trên Amazon.

Sản phẩm Việt ở đâu trong cuộc chơi "xuyên biên giới"?

alt
Nguồn: Bobby Vu cho Vietcetera

Dù mới có mặt trên Amazon trong khoảng 3 năm trở lại đây, sản phẩm Việt Nam đã nhận được nhiều phản hồi tích cực về chất lượng, sự đa dạng về mẫu mã từ bạn bè quốc tế. Anh Toàn đánh giá 3 doanh nghiệp Việt sau đây có nhiều tiềm năng xuất khẩu trực tuyến:

  • Các nhà sản xuất truyền thống chuyển dịch sang xuất khẩu online: Gia dụng Sunhouse, hạt điều Lafooco, nón bảo hiểm Royal Helmet, nhựa phân huỷ sinh học AnEco...
  • Thương hiệu đã có chỗ đứng tại thị trường Việt Nam và thế giới: Cà phê Trung Nguyên, gốm sứ Minh Long, giày Bitis
  • Startup: Rong nho Trường Thọ, thiệp 3D pop-up HMG, các sản phẩm quà tặng vào dịp lễ Valentine, ngày của Cha, ngày của Mẹ,...

Những lời khuyên để sản phẩm Việt bứt phá

Việc bán hàng trên một nền tảng không quen thuộc có thể khiến nhiều người e dè. Nhưng anh Toàn khẳng định rằng, Amazon Global Selling có mặt tại Việt Nam để đồng hành và thu hẹp khoảng cách của các sản phẩm Made-in-Vietnam với thị trường thế giới.

Anh đưa ra 3 lời khuyên cho các đối tác bán hàng Việt Nam để bước đi cùng Amazon:

  • Tập trung vào khách hàng (Customer focus): Hãy ưu tiên quan sát, tìm hiểu, tập trung vào khách hàng. Bạn đang tiếp cận tệp khách hàng quốc tế thay vì nội địa. Họ có hành vi tiêu dùng khác với người Việt nên hãy xây dựng sản phẩm đáp ứng với nhu cầu và thói quen mua hàng của họ. Đồng thời, cần liên tục theo dõi review của khách hàng để cải thiện sản phẩm tốt hơn.
alt
Nguồn: Bobby Vu cho Vietcetera
  • Tập trung vào sản phẩm (Product focus): Luôn đề cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ luật và tiêu chuẩn đối với ngành hàng ở thị trường quốc tế, vì việc bán hàng sang các quốc gia mới sẽ có những quy định khác biệt so với thị trường sở tại.
  • Tập trung vào thương hiệu (Branding focus): Để phát triển bền vững, cần đầu tư xây dựng thương hiệu quốc tế cho sản phẩm và thương hiệu của mình. Bán hàng trên Amazon là một hành trình dài với nhiều cam kết. Trước tiên, bạn cần có sự đầu tư bài bản, và sự đột phá sẽ đến với bạn vào 1-2 năm sau đó.