4 Câu hỏi cần trả lời để giúp não bớt “cá vàng” | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

4 Câu hỏi cần trả lời để giúp não bớt “cá vàng”

Quá trình để giải quyết vấn đề "não cá vàng" thực chất gần gũi và dễ thực hiện hơn bạn nghĩ.
4 Câu hỏi cần trả lời để giúp não bớt “cá vàng”

Nguồn: Unsplash

“Làm sao để tăng cường trí nhớ?” xứng đáng là câu hỏi tỷ đô, bởi đó chính là quy mô của thị trường này hiện nay. Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “tăng cường trí nhớ”, chúng ta có thể dễ dàng tìm được hàng trăm cuốn sách, khóa học, các loại thực phẩm chức năng,...

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu từ lâu đã luôn phân tích, tìm tòi những phương pháp để nâng cao trí nhớ của con người. Và kết quả của những công trình nghiên cứu này sẽ khiến bạn sửng sốt vì độ gần gũi và dễ thực hiện của nó.

Bài viết này sẽ liệt kê ra 4 câu hỏi để bạn tự trả lời, từ đó tạo nên những phương pháp tăng cường khả năng ghi nhớ áp dụng cho riêng mình.

1. Ăn gì?

Có những loại thực phẩm có tác dụng cải thiện trí nhớ đã được chứng minh bởi khoa học. Và 2 chất mà bạn nên lưu tâm đó chính là Acid béo Omega 3 và nhóm chất chống oxy hóa.

Trong cơ thể chúng ta, não bộ chỉ chiếm khoảng 2% trọng lượng nhưng tiêu thụ lên đến 25% tổng lượng Oxy của cơ thể. Có thể nói não bộ rất nhạy cảm với trạng thái stress gây ra bởi sự mất cân bằng chuyển hóa Oxy (Oxidative Stress).

Tuy nhiên bản thân não bộ không có khả năng sản xuất chất chống Oxy hóa, nên việc bổ sung chất này qua đường tiêu hóa là điều vô cùng quan trọng để đảm bảo cho hoạt động ghi nhớ được tối ưu.

Acid béo Omega 3 có nhiều trong các loại cá, dầu olive và các loại hạt như óc chó, macca, hướng dương,... Còn chất chống Oxy hóa thì có thể dễ dàng bổ sung qua cà phê hay trà. Việc tìm những chất này không khó, tuy nhiên chúng ta lại thường mắc sai lầm ở cách sử dụng.

alt
Cà phê hoặc trà là chất chống oxy hóa hiệu quả. | Nguồn: Unsplash

Dinh dưỡng chính là một phần của thói quen hằng ngày chứ không phải là đường tắt để “ăn gian” trong những khoảng thời gian gấp rút. Tuy nhiên, nhiều người lại thường đợi đến gần kì thi, kiểm tra hay những lúc áp lực cận kề thì mới bắt đầu bổ sung thêm thức ăn “bổ não”.

Trong khi đó tác dụng của các chất dinh dưỡng này là giúp xây dựng một bộ não khỏe mạnh. Đó là một quá trình phải được bắt đầu và duy trì rất lâu trước ngày “deadline” ập đến.

2. Tập gì?

Có rất nhiều bằng chứng khoa học cho thấy việc tập thể thao giúp cải thiện hoạt động não bộ. Và lời giải cho câu hỏi trên rất đơn giản: Tập gì cũng được!

Bạn có thể chạy bộ, nhảy dây, đánh cầu lông, bóng bàn, tennis,... Chỉ cần đảm bảo rằng thời gian tập luyện kéo dài ít nhất 30 phút (không tính giờ giải lao). Mỗi tuần chỉ cần duy trì từ 3 - 4 buổi, khi cảm thấy buổi tập không làm khó mình được nữa, bạn có thể từ từ tăng tần suất hoặc độ nặng của buổi tập.

alt
Chạy bộ, nhảy dây, đánh cầu lông, bóng bàn, tennis - môn nào cũng được miễn là bạn tập đều đặn. | Nguồn: Unsplash

Có thể nhiều bạn sẽ tặc lưỡi “mình vận động chỉ thấy mệt chứ có thấy minh mẫn đâu.”

Nhưng sự thật thì: “Mất 4 tuần để bạn nhận thấy những thay đổi của cơ thể, 8 tuần để bạn bè của bạn nhận ra những thay đổi và 12 tuần để tất cả mọi người đều nhận ra thay đổi của bạn.”

Đặc biệt là đối với trí nhớ, những thay đổi thể hiện ở tất cả các hoạt động trong đời sống ở một mức rất nhẹ nhàng. Việc chúng ta trò chuyện trôi chảy hơn, bớt quên những chuyện vặt hằng ngày hơn, hay chỉ đơn giản là suy nghĩ ít bị “tắc” hơn sẽ là những biểu hiện của trí nhớ được cải thiện.

3. Nghe gì?

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng một số dòng nhạc có thể tạo ra tác động tích cực lên quá trình ghi nhớ của não bộ. Trong số đó nổi bật nhất chính là Binaural Beats.

Giải thích ngắn gọn thì Binaural Beats (hay các dạng âm nhạc có hiệu quả này) có tần số giúp não bộ chúng ta chuyển sang trạng thái tối ưu cho việc ghi nhớ và học tập.

Nhưng đừng vội bỏ mặc những playlist thân thuộc của bạn ngay, Binaural Beats chỉ là thể loại nhạc có cơ chế và bằng chứng rõ ràng nhất mà thôi. Còn những loại nhạc khác vẫn có những tác dụng nhất định lên khả năng ghi nhớ và học tập của chúng ta, nhất là tạo cảm giác thoải mái hay gợi cảm hứng cho việc học.

alt
Một số dòng nhạc có thể tạo ra tác động tích cực lên quá trình ghi nhớ của não bộ. | Nguồn: Unsplash

Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng mải nghe nhạc quên học bài, bạn cần tránh những giai điệu gây chú ý cao. Theo ông Kevin Wood, Giám đốc Khoa học tại Brain.fm, các âm thanh tối ưu cho việc tập trung phải lược bỏ yếu tố gây chú ý như tiếng tiếng hát, nhịp trống lẫy (snare) hay các giai điệu dễ gây nhún nhảy.

Và sẽ còn tối ưu hơn nếu tần số của các giai điệu nằm trong khoảng từ 12.5 tới 30hz, đây là một tần số trung tính thường được biết đến với cái tên tần số beta.

4. Nhớ để làm gì?

Có thể bạn đã từng bắt gặp những chiếc meme than vãn về việc “Tại sao không thể nhớ bài học như cách chúng ta nhớ về sở thích (thần tượng, trò chơi điện tử, phim ảnh,...) của mình." Đó là bởi vì cảm xúc kết nối giữa chúng ta và kiến thức.

Nếu việc ngồi đọc để ghi nhớ đã không có hiệu quả thì dù bạn có bỏ ra bao nhiêu tiếng đồng hồ cũng vô ích, như tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đã nói rằng: “Nếu cho tôi 6 giờ để chặt một cái cây, tôi sẽ dành 4 tiếng để mài rìu.”

Trước khi ngồi vào bàn, lật sách ra đọc, bạn cần xác định mục đích rõ ràng trong đầu. Việc bạn đã từng đọc một trang sách không có ý nghĩa gì nếu bạn không thể ghi nhớ hay vận dụng được bất cứ thông tin gì từ trang sách đó.

Việc tạo nên những cảm xúc gắn kết để tăng hiệu quả việc học là một điều phải được đầu tư nghiêm túc. Cách phổ biến nhất để tạo ra sự liên kết với kiến thức đó là đặt vào hoàn cảnh sử dụng cụ thể hay liên kết với các kiến thức mà chúng ta sẵn có, hoặc vận dụng để trả lời hoặc giải những bài thi, bài kiểm tra,...

Nếu hoàn toàn không thể nào tạo ra nguồn động lực gì để thực sự kết nối và quan tâm đến chủ đề cần ghi nhớ, bạn vẫn có thể thử dùng sự tò mò hay áp dụng mô hình trò chơi như flash card, câu đố,... để khiến việc ghi nhớ trở nên thú vị hơn.