4 Dấu hiệu bạn đang "nhập vai chính" trong bộ phim cuộc đời | Vietcetera
Billboard banner
09 Thg 11, 2023
Cuộc SốngTâm Lý Học

4 Dấu hiệu bạn đang "nhập vai chính" trong bộ phim cuộc đời

Hình ảnh “hoàn hảo” về một người chưa chắc phản ánh cuộc sống thực của họ.
4 Dấu hiệu bạn đang "nhập vai chính" trong bộ phim cuộc đời

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Việc đăng ảnh “sống ảo” trên mạng xã hội là điều khá bình thường với chúng ta. Nhưng với một số người, mạng xã hội trở thành nơi để họ tạo ra một cuộc sống “ảo” theo đúng nghĩa đen, một hình ảnh khác xa so với đời thực của họ.

Họ sống cuộc đời bình thường, nhưng trên mạng xã hội lại đăng toàn ảnh đi siêu xe, mang túi hiệu, tiệc tùng ở những nơi xa hoa. Cá biệt có những hội nhóm còn chung tiền thuê xe sang, khách sạn đắt đỏ chỉ để chụp những tấm ảnh như vậy. Và cũng đã có không ít câu chuyện “dở khóc dở cười” xảy ra khi danh tính ảo của họ bị người thân, bạn bè phát hiện.

Vì sao họ lại “lao tâm khổ tứ” xây dựng một bản dạng như vậy, và họ nhận được gì từ nó ngoài lượng like lớn và bình luận có cánh? Main character syndrome có thể là câu trả lời bạn đang tìm kiếm.

Main character syndrome là gì?

Main character syndrome, hay hội chứng vai chính xảy ra khi một người nhìn nhận họ là vai chính trong bộ phim của cuộc đời. Mọi người xung quanh đều là nhân vật phụ, và phải xoay quanh chỉ một nhân vật chính là họ. Hội chứng vai chính còn thể hiện ở việc tưởng tượng ra một phiên bản hư cấu về cuộc đời, và cố gắng thể hiện “cuộc sống” đó qua mạng xã hội.

Thuật ngữ này không được ghi nhận là một hội chứng tâm lý, mà trái lại nó phổ biến nhờ TikTok. Không ít video trên nền tảng này thể hiện thông điệp mỗi người nên là vai chính trong cuộc đời mình, thay vì mãi làm vai phụ cho cuộc đời người khác. Tuy nhiên vấn đề sẽ nảy sinh khi main character syndrome khiến bạn trở nên ái kỷ, tin rằng “bộ phim” cuộc đời mình quan trọng hơn những người khác.

Main character syndrome thường có những dấu hiệu gì?

Nhà trị liệu Cynthia Catching nhận định, người mắc hội chứng vai chính thường tưởng tượng ra một bản dạng và hành động theo nó. Điều này thường thể hiện ở các dấu hiệu như:

Cố gắng tạo nên một bản dạng “hoàn hảo”

Chuyên gia Catching cho biết thêm, người mắc hội chứng vai chính thường xây dựng hình tượng không thật về bản thân trên mạng xã hội, để “bán” cốt truyện của bộ phim hư cấu về cuộc đời họ cho các khán giả.

Chẳng hạn họ chỉ đăng những hình ảnh không tì vết, thậm chí không ngại photoshop hoặc đưa các thông tin sai lệch (chẳng hạn cầm túi hiệu của người khác chụp hình, nhưng lại nói là của mình). Bởi không gian số là nơi họ ít bị “check VAR”, do đó họ thể hiện cuộc sống của mình qua lăng kính màu hồng, khiến nó trông tích cực hơn nhiều so với thực tế.

Nhân vật chính Koo Ae Jin trong phim Shadow Beauty là một ví dụ như thế. Cô vốn bị bắt nạt ở trường và thậm chí bị người lạ xúc phạm vì ngoại hình. Tuy nhiên sau giờ học, cô lại sống một cuộc đời hoàn toàn khác: dành nhiều giờ trang điểm và chỉnh sửa ảnh để hoá thân thành Genie, ngôi sao mạng xã hội với 770 nghìn người theo dõi.

03nov20232ce484f7fb49c263604b5bb252ee9837jpg
Koo Ae Jin hóa thân thành Genie - bản dạng trái ngược với cô ngoài đời. | Nguồn: Phim Shadow Beauty

Lấn át người khác, hướng mọi sự tập trung về chính mình

Họ có thể nói không ngớt về những vấn đề của bản thân, mà không dành thời gian lắng nghe vấn đề của người khác. Họ cũng thiếu sự đồng cảm với mọi “vai phụ” khác trong đời, từ gia đình, bạn bè cho đến đồng nghiệp.

Trong các cuộc thảo luận nhóm, họ cũng thường lấn át ý kiến của người khác, cố gắng thể hiện họ giỏi hơn mọi người. Nhiều khi họ cố tình “dìm” người khác để bản thân trở nên nổi bật, thu hút sự chú ý từ sếp hoặc thầy cô.

Không có khả năng tiếp thu phê bình, góp ý

Vì ý thức quá cao về tầm quan trọng của bản thân, họ nhận định mọi lời góp ý đều là sự công kích vào bản dạng hoàn hảo họ tạo ra. Do đó họ phản ứng dữ dội mỗi khi bị phê bình, và trở nên khó hợp tác trong các công việc chung.

03nov2023intext1jpg
Vì ý thức quá cao về bản thân, họ coi mọi lời góp ý đều là sự công kích.

Khát khao sự công nhận từ người khác

Họ có thể xin feedback về ngoại hình, cuộc sống hay chất lượng công việc của mình. Nhưng như đã giải thích ở trên, họ chỉ đón nhận ý kiến tích cực và phản ứng dữ dội với ý kiến tiêu cực. Lý do bởi cái họ thực sự muốn không phải là cải thiện bản thân, mà là sự công nhận từ người khác.

Theo giáo sư tâm lý học Phil Reed, cuộc sống thật của những người này vốn không hoàn hảo. Do đó, sự xác nhận ở “bản dạng ảo” là cách dễ dàng để họ có được cảm giác đang thực sự “làm chủ” cuộc đời mình.

Vậy vì sao tâm lý này lại xảy ra, và nó nên được nhìn nhận thế nào? Mời bạn đón đọc ở phần tiếp theo của bài viết.