“Mày sống kiểu gì thế con?” có lẽ giành ngay vị trí “câu cảm thán được các bậc phụ huynh yêu thích nhất” nếu có cổng bình chọn. Đặc biệt là khi sự thay đổi của xã hội đang tạo ra hàng loạt khái niệm mới về phong cách sống.
4 sự “bình thường” dưới đây của chúng ta có thể khiến bố mẹ, thậm chí cả những người không quen biết ngoài xã hội, chau mày. Nhưng không soi mói, không phán xét sẽ là cách tốt nhất khi đó là các quyết định cá nhân.
HENRY - Thu nhập cao, nhưng chưa giàu
HENRY chẳng phải tên của một chàng trai nào… mà là viết tắt của cụm từ “High Earning, Not Rich Yet”, xuất hiện lần đầu trong tạp chí Fortune năm 2003. Ban đầu HENRY được dùng để chỉ một phổ nhân khẩu học có thu nhập từ 250.000 đến 500.000 USD mỗi năm, nhưng sau được dùng rộng hơn với nghĩa các bạn trẻ có thu nhập cao (từ 6 chữ số trở lên) và “biết hưởng thụ cuộc sống”.
Xét theo mức lương trung bình của người Việt, HENRY thường có thu nhập từ 10.370.000 VND/tháng trở lên.
Đặc điểm nhận dạng: thường xuyên mua sắm, dư dả để du lịch, nhưng khi hỏi đến thì vẫn bảo thấy “nghèo cháy túi” hoặc “sắp giàu, đợi 50 năm nữa”. Ngoài ra, họ có xu hướng sử dụng các ứng dụng kinh tế chia sẻ như nhà ở, phương tiện đi lại nhưng lại không muốn hoặc chưa có khả năng sở hữu.
Ngắn gọn, đây chính là đội “làm hết mình, chơi hết sức” (work hard, play hard). Tuy nhiên, để không phải gọi tên bạn “Lương” những ngày cuối tháng, HENRY được khuyên nên cố gắng tiết kiệm được ít nhất 10% thu nhập hàng tháng.
PANK - Người cô/dì yêu công việc, không con cái
PANK là viết tắt của cụm từ “Professional Aunt, No Kids”. Đây là người cô, người dì không có mối bận tâm về gia đình con cái. Sở thích của cô ngoài công việc còn là “toàn làm hư bọn trẻ” bằng cách chiều chuộng và thương yêu hết mức.
Cụm từ được nhà sáng lập trang web SavvyAuntie tạo ra để mô tả người đọc của mình.
- Họ là “nhà tài trợ” quan trọng trong cuộc đời của nhiều người cháu.
- Họ dám đi ngược kỳ vọng “yên bề gia thất”, và thường có “máu” kinh doanh, lãnh đạo.
- Họ hoạt động thường xuyên trên mạng xã hội, là người ảnh hưởng đến quyết định của nhiều người khác, bao gồm cả những bà mẹ.
“PANK” được xem là một sự ghi nhận vai trò đa dạng của phụ nữ trong khi xã hội, nơi vẫn không ít người coi việc làm mẹ là thành tựu lớn nhất của “phái yếu”. Theo Forbes, đối tượng này sẽ đóng góp lớn vào sự phát triển của giới startup, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á.
Nếu bạn đang có cháu, yêu sự nghiệp, chưa lập gia đình, và thấy lũ trẻ thật đáng yêu thì nhiều khả năng bạn đang chính là một PANK tập sự. Tại một số nước trên thế giới, các gia đình tổ chức hẳn một ngày lễ tri ân các cô, các chú vào ngày 26 tháng 7 hàng năm.
DINK - Góp gạo thổi cơm chung, không con cái
DINK là viết tắt của cụm từ “Dual Income, No Kids”. Lối sống này được cho là bắt nguồn từ các cặp đôi có thu nhập khá, suy nghĩ tiến bộ ở các nước phát triển vào những năm 1980.
Họ cùng chia tiền nhà, tiền sinh hoạt, từ đó giảm chi phí cơ bản hàng tháng của từng cá nhân. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng dư kha khá đầu tư cho sức khỏe, du lịch, giải trí, giáo dục…
Tuy nhiên, không phải vì DINK không có con nên mặc nhiên có của ăn để, và tự động thành tầng lớp trung lưu. Nhiều trường hợp gia đình vẫn đông đúc, “nếp tẻ” có đủ vì chọn nuôi các em thú được cưng như con. Chỉ có một điều chắc chắn là họ sẽ được ai đó (có thể là bố mẹ) phát cho nhãn “ích kỷ”, không sinh cháu cho gia đình.
Nguyên nhân để các cặp đôi trở thành DINK rất đa dạng. Họ không muốn, chưa muốn, hoặc không thể có con. Họ là cặp đôi đồng tính. Họ là những bố mẹ có con đã rời tổ, nay quay trở lại làm “cặp vợ chồng son”.
DEWK - Đôi vợ chồng cùng tiến, cùng đi làm, cùng nuôi con
DEWK là viết tắt của cụm từ “Dually Employed, With Kids”.
Trạng thái thường trực của các DEWK là cân đo chi phí nuôi con và thu nhập của vợ chồng. Mục đích để xem xét cả hai đều nên đi làm hay ở nhà chăm con. Họ luôn được các chiến dịch marketing “ưu ái” đưa vào danh sách yêu thích vì thường chi tiêu nhiều.
Nguyên nhân để các cặp đôi theo đuổi lối sống này không hẳn chỉ vì nhu cầu kinh tế để nuôi con chung. Đối với nhiều người đó còn là cảm giác thành công, hay đơn giản là vì họ yêu công việc, hoặc muốn được nghỉ phép vài tiếng một ngày, khỏi công việc toàn thời gian “làm cha/làm mẹ/làm vợ/làm chồng”.
Dưới đây là một số họ hàng khác liên quan đến DEWK.
Gia đình bánh kẹp (Sandwich Households)
Cặp đôi “siêu nhân” vừa chăm con, vừa lo cho bố mẹ già. Xu hướng có con muộn hơn và tăng tuổi thọ góp phần tạo nên hiện tượng này.
Con cái “boomerang” (Boomerang Children)
Những người con từng “rời tổ” đi học, sau chọn trở về sống cùng bố mẹ khi đã hết chương trình, tương đương với đến tuổi đi làm.
Họ còn được gọi với cái tên là KIPPERS (Kids In Parents’ Pockets Eroding Retirement Savings) - Trẻ sống trong túi của bố mẹ, bào tiền “lương” hưu. Người đời hay gọi là “ăn bám”. Cách nói này mang màu sắc tiêu cực, nhưng trong thực tế, không ít các gia đình mong con cái trở về vì muốn gần gũi, làm dày đời sống tình cảm.
Các “boomerang children” vẫn có thể có thu nhập riêng và không phụ thuộc vào bố mẹ. Một số trường hợp, bố mẹ còn đóng vai “chủ cho thuê nhà”, để rạch ròi chuyện con cái phải tự lập. Tại Mỹ, quốc gia nổi tiếng với tính cá nhân, cũng có đến 17.8% các thanh niên trong độ tuổi 25-34 đang sống cùng gia đình (theo số liệu năm 2019).