Chúng ta là thế hệ cởi mở hơn khi nói về tình dục nhưng lại ít khi nghiêm túc ngồi xuống trao đổi về giáo dục giới tính và tình dục an toàn. Vậy bạn đã sẵn sàng chưa? Hãy cùng Vietcetera nói về virus HPV và sức khỏe tình dục, vì sự an toàn của bạn.
1. STD và STI
Lần đầu bạn nghe thấy cụm từ STD là khi nào? Trên truyền thông, qua miệng nhỏ bạn hay trong bài hát mới của Low G?
STD (Sexually Transmitted Disease) là bệnh lây nhiễm qua đường tình dục chẳng hạn như bệnh giang mai, bệnh lậu hay herpes sinh dục. Không chỉ thông qua quan hệ xâm nhập, STD còn có thể được truyền từ bộ phận sinh dục của một người sang một người khác bằng miệng hoặc cổ họng và ngược lại. Trong khi đó, STI (Sexually Transmitted Infection) là nhiễm trùng qua đường tình dục.
Dù nhiễm trùng và bệnh là hai tình trạng khác nhau, STI và STD thường được dùng lẫn khi nói đến những vấn đề sức khỏe có liên quan đến đường tình dục. Ở đây, chúng ta cần lưu ý rằng không phải khi nào nhiễm trùng cũng dẫn tới bệnh.
Nhiều người sẽ nghĩ ngay tới HIV (Human Immunodeficiency Virus) khi nhắc đến tác nhân gây bệnh STD, nhưng bên cạnh đó HPV cũng là một tác nhân cần lưu tâm.
2. HPV
HPV là từ viết tắt của Human Papillomavirus, thường được giải thích là virus gây u nhú ở người. Theo từ điển Oxford, Papilloma là một danh từ nói đến một cục thịt nhỏ mọc trên da giống như mụn cóc và thường không gây nguy hiểm.
Theo nhiều nghiên cứu, gần như 100% các trường hợp mụn cóc sinh dục đều do HPV gây nên, bên cạnh đó là các loại ung thư liên quan đến đường sinh dục, như ung thư cổ tử cung (gần 100%), ung thư âm đạo (từ 60% đến 90%), hay cả ung thư dương vật (45%).
Một thông tin có lẽ bạn chưa biết tới, đó là người tìm ra virus HPV nhận được… nửa giải Nobel. Vào năm 2008, Giải thưởng Nobel Y học đã trao cho Harald zur Hausen (nhà khoa học người Đức) vì đã tìm ra HPV là nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung, đồng thời cũng trao cho Francoise Barre-Sinoussi và Luc Montagnier (hai nhà khoa học người Pháp) vì đã tìm ra HIV.
3. Cervical Cancer - Ung thư cổ tử cung
Khi nói tới HPV, nhiều người sẽ nói tới ung thư cổ tử cung. Cổ tử cung là đoạn nối tiếp giữa âm đạo với tử cung, là nơi cản trở vi khuẩn xâm nhập vào tử cung. Ung thư cổ tử được xác định khi các tế bào ở cổ tử cung bắt đầu phát triển vượt quá mức kiểm soát của cơ thể và tạo ra khối u trong cổ tử cung.
Tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung là căn bệnh ung thư phổ biến thứ 5 ở phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 44, theo báo cáo của Trung tâm thông tin HPV năm 2020.
Một báo cáo về ung thư cổ tử cung do Bộ Y tế đăng tải năm 2019 nêu rằng mỗi năm, Việt Nam có khoảng 4.177 người mắc mới, còn số người tử vong lên tới 2.420 - tương đương khoảng 7 người ra đi mỗi ngày.
4. Chủng 16, chủng 18
Trong các thảo luận về HPV, bạn có thể nghe thấy chuyên gia y tế nói về chủng 16 và chủng 18.
Đây là 2 chủng tiêu biểu trong hơn 100 chủng virus HPV được tìm thấy. Trong khi hầu hết các chủng HPV đều vô hại khi bị nhiễm, chủng 16 và chủng 18 là 2 trong số 15 chủng có nguy cơ cao. Hai chủng 16 và 18 được nhà khoa học Harald zur Hausen người Đức tìm thấy có mối liên hệ với ung thư cổ tử cung trong các nghiên cứu giúp ông nhận giải Nobel năm 2008.
Điều may mắn là ngày nay, nhân loại đã có phương thức phòng ngừa một vài chủng nguy hiểm của HPV. Theo nhiều nghiên cứu, HPV 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52, 58 là 9 chủng thường gặp nhất, gây ra ung thư và các bệnh liên quan, nhưng hiện đều có thể dự phòng.
Mỗi người trưởng thành có xác suất nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời, với tỉ lệ nam giới là 91% và nữ giới là 85% khi có ít nhất 1 bạn tình.
HPV là virus gây ung thư nguy hiểm, nhưng hoàn toàn có thể được phòng ngừa sớm nhờ các biện pháp dự phòng, xét nghiệm đảm bảo an toàn cho bản thân và người thân.
Dự phòng HPV sớm với 2 bước:
- Tham khảo thông tin chi tiết tại hpv.vn.
- Đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn.
Nội dung này do Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam cung cấp và được MSD tài trợ vì mục đích giáo dục VN-GSL-00512 18122025