5 Cái "oan" của nghề viết | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
25 Thg 03, 2021
Truyền Thông

5 Cái "oan" của nghề viết

Như bao nghề khác ngoài kia, nghề Viết mang những định kiến mà “khổ lắm, nói mãi” vẫn không rửa được hết. 
5 Cái "oan" của nghề viết

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Là kẻ chưa từng một lần nghĩ rằng mình sẽ trở thành người viết, nay lại ngồi đây gõ những con chữ này, tôi thấy cuộc đời thật lắm cái “oan”.

Oan vì tháng trước bảo với bạn mình rằng mình không hợp đi dạy, nhưng tháng sau lại đang làm cái nghề “dạy đời”.

Oan cho cái nghề “chuyên nói đạo lý”. Lúc mình đứng ngoài thì đánh giá bài này “hay”, bài kia “dở” và đủ các kiểu “tàm tạm”, vào trong mới biết mọi thứ chỉ đơn giản đi từ “dở” đến “đỡ hơn”.

Oan vì nghề viết, cũng như bao nghề khác ngoài kia, mang những định kiến mà “khổ lắm, nói mãi” vẫn không rửa được hết.

“Làm nghề viết là chết đói”

Lời khẳng định này có thể đúng ở thế kỷ trước, thời mà nói đến nghề viết, người ta chỉ nghĩ đến nhà văn, nhà thơ. Tác giả thường phải tự nuôi mình trong ít nhất 3 tháng, vắt sức để nặn chữ thành một cuốn sách, nhưng lại chẳng thể biết độc giả đồng cảm với tâm huyết của mình tới mức nào. Chưa kể có khi họ còn phải đèo bòng gia đình.

“Chết đói” là cách nói phóng đại, nhưng đói ăn là chuyện thực tế. Giá một tờ báo giấy thường phải không quá cao, nếu không nói thấp, để tiếp cận được với đại chúng. Lương của đội ngũ làm nghề vì vậy cũng thường ở mức tương đương.

Lagravem nghề viết lagrave chết đoacutei
Chết đói là nói phóng đại, nhưng đói ăn là chuyện thực tế của vài thập kỷ trước.

Ngày nay, danh sách nghề viết đã có thể dài hơn bài sớ: viết báo, viết sách, viết blog, viết kịch bản, viết nội dung mạng xã hội, viết copy quảng cáo, copy bán hàng, viết newsletter… Thu nhập trong nghề sẽ thay đổi tùy thuộc vào dạng văn bản, sản phẩm.

Cụ thể, mức lương phổ biến của một content writer, làm việc cho một tổ chức/doanh nghiệp, thường rơi vào khoảng:

  • Junior (1-3 năm kinh nghiệm): 7 - 12 triệu đồng/tháng
  • Senior (3-5 năm kinh nghiệm): 12 - 25 triệu đồng/tháng

Ngoài ra, với mức độ kết nối của xã hội hiện tại, cơ hội tăng thêm thu nhập cho người làm nghề viết không chỉ dừng lại tại đây. Một tác giả có thể kiêm luôn vai trò diễn giả truyền cảm hứng, đứng lớp các khóa học, hoặc làm KOL, nhận hợp đồng quảng cáo cho các nhãn hàng. Thu nhập vì vậy có thể lên mức gần trăm triệu mỗi tháng.

Ở thời đại này, đối với đa số các trường hợp, nghề viết không còn đồng nghĩa với thu nhập thấp. “Chết đói” hay “lên hương” phụ thuộc nhiều ở kỹ năng.

“Viết mà thành nghề là phải giỏi Văn dữ lắm”

Có lẽ ai đang làm nghề viết cũng từng được nghe câu này một lần. Từ chối thì bị bảo “khiêm tốn”, nhưng sự thật rằng dù giỏi Văn đến cỡ nào thì một sản phẩm hay, được nhiều người đọc đón nhận, hiếm khi chỉ là công sức của một người. Viết mà thành nghề là phải chấp nhận mình không bao giờ đúng, và kết hợp nhịp nhàng với biên tập viên, hoặc ít nhất là phải tự liên tục chỉnh sửa.

Đi kèm với “truyền thuyết” về giỏi Văn này, thường có thêm vế “giỏi Văn, thì dốt Toán”.

Viết hay thường lagrave giỏi Văn Giỏi Văn thigrave hay dốt Toaacuten
Tính nhẩm sai là do nhầm tí thôi!

Câu chuyện học sinh chuyên Toán, nhưng đạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi Văn xôn xao khắp các ngõ mạng vào đầu năm nay, chứng minh rằng “định lý” này có ngoại lệ. Nam sinh Phạm Trần Tuấn Anh chia sẻ rằng bố cục và cách hành văn của bạn đều được vận dụng lối tư duy logic bạn học được từ môn Toán.

Số đông không đạt được mức độ cân bằng xuất sắc như Tuấn Anh. Nhưng không thiếu những người đang làm nghề viết đã từng có mối quan hệ khá ổn với cả Văn và Toán.

Điều này có thể giải thích bằng khoa học não bộ. Các nghiên cứu gần đây cho thấy: Khi chúng ta làm toán (logic) hay chơi nhạc (sáng tạo), các liên kết tại hai bán cầu não đều phát sáng. Nghĩa là không hề có “thiên hướng” não trái, não phải như chúng ta vẫn từng nghĩ. Nếu không giỏi Toán, đơn giản là vì chúng ta không luyện tập để tạo ra các liên kết thần kinh về tính toán. Việc tập trung vào việc sử dụng ngôn ngữ không làm ảnh hưởng đến việc tăng hay giảm các liên kết thần kinh này.

“Đa sầu đa cảm mới ra văn vẻ”

Nếu chia thế giới này thành hai loại người: hướng nội và hướng ngoại, thì người làm nghề viết cũng có hai loại tương ứng.

Các nhà văn như Ernest Hemingway, Kurt Vonnegut, Anaïs Nin, và Mark Twain, đều được cho là có tính cách “hướng ngoại” hơn. Còn nhà văn J.K. Rowling và John Green tự nhận mình là người có xu hướng “hướng nội”.

Lagravem nghề viết lagrave hướng nội
"Hướng nội" để vài tiếng sau "hướng ngoại".

Quá khứ đau khổ mà chúng ta thường thấy ở những đại văn hào không là yếu tố quyết định khiến họ có những áng văn để đời. Điều này xảy ra là nhờ động lực phải viết ra, được thôi thúc từ nỗi đau quá mạnh.

Nếu đổi “nỗi đau” thành một động lực khác, văn vẫn có thể “văn vẻ”, nhưng không nhất thiết là “văn chương”.

“Viết giỏi thì thấy viết dễ”

Viết càng nhiều, tốc độ viết có thể tăng lên (nhờ quen với một chủ đề nhất định), nhưng độ dễ của việc viết không vì thế tăng theo.

Các sản phẩm luôn được người đọc kỳ vọng có sự nghiên cứu kỹ càng. Giọng văn phải mang lại “cảm giác” khách quan. Duy trì được điều này không bao giờ là điều dễ dàng.

Ngay cả các đại văn hào cũng chia sẻ rằng họ không thấy việc diễn đạt ngôn ngữ bên trong não bộ thành chữ viết là điều dễ dàng, chỉ là họ đã quen việc vật lộn với trí tưởng tượng.

“Viết cho nhiều mới viết giỏi”

Con chữ là kết quả thấy được của việc viết, nhưng thực chất, chúng chỉ là công cụ để người viết truyền tải một ý niệm trừu tượng trong não bộ. Nếu tác giả chưa nghiên cứu đủ nhiều, thì việc cố viết theo chủ nghĩa “có còn hơn không” sẽ cho ra kết quả “thà không có còn hơn”. Đây là cái bẫy thường gặp của những người mới bắt đầu viết, và các tác giả bị áp lực về thời gian viết.

Trong trường hợp này, bằng cách người viết đọc nhiều hơn, trao đổi nhiều hơn để các ý tưởng va chạm, ý niệm cốt lõi họ muốn truyền tải mới dần có hình khối. Lúc này, tư duy rành mạch sẽ phản chiếu thành ngôn ngữ rõ ràng. Việc viết ra nháp, hoặc nói thành tiếng có thể giúp mạch suy nghĩ trở nên thông suốt hơn.

Qua được bước ý tưởng, công thức “viết cho nhiều mới giỏi” mới phát huy tác dụng. Mục đích là để tìm ra phong cách cá nhân, một khái niệm được định nghĩa tương tự trong lĩnh vực thời trang. Qua nhiều lần thử các kiểu quần áo khác nhau, bạn chọn được cho mình bộ trang phục có chất liệu, hoạ tiết, đường may yêu thích nhất. Chỉnh sửa văn phong, cách diễn đạt lúc này được xem như một công việc thủ công.

Đại văn hagraveo Ernest Hemingway Nguồn Factinate
Đại văn hào Ernest Hemingway. Nguồn: Factinate

“Chỉ có một kiểu viết duy nhất là viết đi viết lại mà thôi.” (“The only kind of writing is rewriting”). Câu nói nổi tiếng này của đại văn hào Ernest Hemingway đã trở thành kim chỉ nam của nhiều thế hệ theo đuổi nghề viết.

Nếu luyện tập nhiều vẫn không giúp việc viết dễ hơn, thì hoặc là cường độ chưa đủ để tạo ra sự khác biệt, hoặc là bạn phù hợp hơn với ngôn ngữ hội hoạ, hoặc ngôn ngữ âm nhạc...