5 Cấp độ chán việc, bạn đang ở đâu? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
14 Thg 08, 2023

5 Cấp độ chán việc, bạn đang ở đâu?

Và giải pháp cho chúng là gì?
5 Cấp độ chán việc, bạn đang ở đâu?

Nguồn: Unsplash

Công việc cũng giống như những mối quan hệ khác, có lúc vui, lúc không. Một khảo sát của công ty Office Team cho thấy trung bình thời gian nhân viên chán nản trong công việc là khoảng 10.5 giờ trong một tuần, tương đương với cả một ngày làm công. Nhưng không phải sự chán chường nào cũng “lồ lộ” nơi công sở.

Có người làm việc chăm chỉ, hăng say nhưng tâm trí họ đã rời khỏi bàn làm việc từ lúc nào. Có người chán đến mức phải “qua mắt” sếp bằng cách giả vờ bận rộn. Chờ thời gian trôi rồi xách ba lô về là tình trạng không ít nhân viên công sở gặp phải.

Trang Harvard Business Review định nghĩa cảm giác buồn chán là khi bạn muốn vui nhưng bằng một cách nào đó bạn không thể. Trước đây, trạng thái này trong tâm lý học thường có thiên hướng tiêu cực với sự kích thích thấp, gợi lên cảm giác trống rỗng và khó chịu.

Nhưng một nghiên cứu vào năm 2006 đăng trên tạp chí Motivation and Emotion đã chỉ ra rằng có đến 5 mức độ chán nản với tính chất khác nhau. Từ “sương sương” đến “sâu sắc”, những cấp độ này sẽ cho bạn biết mình đang chán việc như thế nào.

Chán hững hờ (Indifferent boredom)

Kiểu chán này đa phần hướng tới những tác động từ bên ngoài như môi trường, tính chất công việc. Bạn không muốn nhìn mặt đồng nghiệp, mệt mỏi với những cuộc họp cho có hay thở dài trước sự cáu kỉnh của khách hàng. Khi những yếu tố này được gạt bỏ, niềm vui và sự yêu đời có cơ may trở lại.

Đôi lúc sự bội thực với thế giới bên ngoài khiến bạn ngán ngẩm và chỉ muốn thu lại trong vỏ ốc của mình. Điều này không nhất thiết là bạn đi làm với vẻ mặt “bí xị”, thườn thượt.

Bạn vẫn có thể chăm chỉ cống hiến, nhưng một khi tan làm, ngả lưng hoặc đi đâu đó là cảm giác khuây khỏa tuyệt vời. Một sự thở phào nhẹ nhõm khi bạn được thư giãn, không màng đến những phiền toái ngoài kia.

Nhìn chung, đây là một trạng thái có thể kiểm soát và phục hồi. Nó thường báo hiệu đã đến lúc bạn cần nghỉ ngơi để lấy lại sức sau những ngày bận rộn.

Vậy chúng ta có thể làm gì để nghỉ ngơ sau khoảng thời gian bận rộn? Hãy tham khảo những gợi ý của Vietcetera dưới đây:

Chán lưng chừng (Calibrating boredom)

Kiểu chán lưng chừng chỉ những người bị phân tán trong việc, tâm trí lạc trôi dù không cố ý. Tay bấm phím nhưng đầu óc lại nghĩ vẩn vơ tối nay ăn gì, phim nào hay, nghỉ lễ đi đâu. Do không chủ động tìm cách mua vui nên não bộ tự động chuyển sang chế độ “nằm mơ giữa ban ngày”.

Vấn đề là bạn muốn làm cái gì đó nhưng lại không biết mình phải làm gì. Nói đơn giản, bạn buồn nhưng không hiểu vì sao buồn. Khi cảm thấy thiêu thiếu, cơ thể thường “ngứa ngáy” với những hoạt động bơm dopamine tức thì như lướt Tiktok, chơi điện tử.

Những công việc nhàm chán bị trì hoãn càng lâu càng tốt. Lâu dần, điều này trở thành một thói quen khó bỏ, ảnh hưởng đến chất lượng công việc và tinh thần.

Để cảm giác chán lưng chừng không bị tiêu cực, ở giai đoạn này, hãy cố gắng cải thiện và nâng cao khả năng tập trung của bạn, đồng thời học cách sắp xếp lại cuộc sống của mình.

Chán kích thích (Searching boredom)

Bạn cồn cào những điều mới mẻ và những bước ngoặt. Đây là một sự buồn chán khi bạn cố gắng thay đổi tình thế và phấn đấu cho những yếu tố phù hợp hơn.

Bạn bắt đầu học kỹ năng mới và hình thành những sở thích mới. Dù mang cảm giác khó chịu nhưng trong cái chán thường “ló” những ý tưởng sáng tạo và sự phát triển tích cực.

Khác với kiểu chán lưng chừng, bạn biết mình cần làm gì và chủ động tìm kiếm niềm vui lâu dài. Chẳng hạn, khối lượng công việc không đủ thách thức sẽ thôi thúc bạn tự đề xuất giao thêm việc. Thậm chí, bạn có thể “dứt áo ra đi” nếu không thấy sự phát triển trong môi trường hiện tại.

Điều cần làm lúc này là nhanh chóng vượt qua giai đoạn này trước khi "chuyển hoá" sang giai đoạn tiếp.

Chán giải tỏa (Reactive boredom)

Kiểu chán này là kết quả của những công việc có tính chất lặp đi lặp lại, máy móc. Bạn rơi vào thế bị động và phải tuân thủ theo trình tự nhất định trong công việc. Mơ mộng về những lựa chọn khác, “sao nhìn người ta thích thế?” nhưng lại không đủ can đảm để thay đổi.

Điều này khiến bạn bị mắc kẹt trong công việc hiện tại và dồn nén những bất mãn vào trong. Giống như quả bom nổ chậm, một lúc nào đó bạn cảm thấy quá sức chịu đựng và “xả” một cách bộc phát, hung hăng. Những mối quan hệ cá nhân của bạn có thể bị vạ lây bởi những tràng than thở, bực tức “không đâu”.

Đây là cấp độ có mức tiêu cực cao nhất vì sức ảnh hưởng của nó có thể lan ra ngoài phạm vi công việc. Vậy chúng ta cần làm gì?

Chán buông xuôi (Apathetic boredom)

Đây là một nỗi buồn chán chạm đáy, không thiết tha công việc, không màng sự đời. Cảm xúc hoàn toàn tách rời khỏi việc đang làm và những hoạt động khác trong cuộc sống.

Chỉ cần vặn dây cót, bạn sẽ tự chạy theo những gì được yêu cầu một cách không mục đích, hứng thú. Tự hỏi “đi làm vì điều gì?” nhưng bạn không tìm thấy ý nghĩa nào ngoài “vì phải như thế”.

Đây không hẳn là sự bức bối, bồn chồn mà là một trạng thái trống rỗng, trôi dạt. Trong nghiên cứu được nhắc đến ở đầu bài, những sinh viên tham gia đã trải qua trạng thái này nhiều nhất trong quá trình học tập.

Nguyên nhân có thể là do căng thẳng mãn tính, trầm cảm hoặc các vấn đề tâm lý, dẫn đến cảm giác tuyệt vọng và bất lực. Những người này thường vô cảm với mọi việc xung quanh, "lập lờ" trong mọi vấn đề và cũng không biết phải xử lý thế nào. Nói một cách khác, họ đã bỏ việc trong tư tưởng.

Khi đã buông xuôi rồi, hãy bình tĩnh và đừng ra quyết định vội vàng trong thời gian gần, bạn hãy ngồi lại và xác định rõ ràng những bước đi tiếp theo qua các câu hỏi cụ thể.

Dù đang ở cấp độ nào, cũng hãy nghĩ đến giải pháp trước khi từ bỏ

Chán chường hay buồn tẻ là một trong những cảm xúc cần thiết và đôi khi cũng là tín hiệu để cơ thể và tâm trí của bạn được thay đổi tốt hơn. Để có thể chủ động trước cảm giác chán nản ập tới cũng như có xử lý mọi thứ hiệu quả hơn, dưới đây là một vài quy tắc bạn có thể để ý và thực hành.

  • Đo cấp độ buồn chán: Trước tiên bạn cần ghi nhận những thời điểm xuống tinh thần trong công việc. Phân tích điểm chung giữa các tình huống và tự hỏi điều gì làm bạn không hài lòng. Sau đó, hãy đánh giá cảm giác của bạn theo thang mức độ ở trên (hoặc theo thang số từ 1 đến 5).
  • Suy nghĩ giải pháp tương ứng: Trong lúc buồn chán, bạn cần tránh những quyết định vội vàng như nghỉ việc để thoát khỏi cảm giác khó chịu. Thay vào đó, đối chiếu nguyên nhân và tìm cách thay đổi qua việc điều chỉnh thói quen, học kỹ năng mới hoặc trao đổi thẳng thắn về vấn đề.
  • Tìm niềm vui trong sự buồn chán: Những khoảnh khắc chán nản cũng là cơ hội để bạn cảm nhận hiện tại và tách rời guồng quay công việc. Trước khi chuyển tab sang Facebook, Instagram, hãy tận dụng khoảng thời gian trống để hít thở, ngồi thiền hoặc đi dạo. Biết đâu ý tưởng thú vị sẽ lóe lên và niềm vui mới sẽ tìm đến.