Xin lỗi chưa bao giờ là một việc làm dễ dàng.
Sống trên đời, sai sót là chuyện không thể tránh. Ai cũng ít nhiều mắc sai lầm để có thể trưởng thành, nhưng đưa ra một lời xin lỗi thực sự hiệu quả vẫn là bài toán khó dù ở độ tuổi nào.
Bạn có biết lời xin lỗi cũng được phân loại thành 5 ngôn ngữ – tương tự tình yêu? Khi nắm được lý do, cấu trúc, hoàn cảnh sử dụng đằng sau mỗi ngôn ngữ xin lỗi, việc xin lỗi sẽ không chỉ bớt khó khăn hơn cho người nói mà còn thực sự có hiệu quả đến người nghe.
Nguồn gốc của 5 ngôn ngữ xin lỗi
“5 ngôn ngữ xin lỗi” có cùng cha đẻ với “5 ngôn ngữ tình yêu” là bác sĩ, giáo sư Gary Chapman. Sau khi xuất bản “5 ngôn ngữ tình yêu” vào năm 1992, Gary Chapman cùng cộng sự là bác sĩ Jennifer Thomas xuất bản "5 ngôn ngữ xin lỗi" vào năm 2006 với mục đích giúp người đọc xác định cách thức xin lỗi phù hợp để hàn gắn các mối quan hệ ý nghĩa.
5 Ngôn ngữ xin lỗi bao gồm
- Thể hiện sự hối lỗi (Expressing regret)
- Chịu trách nhiệm (Accepting responsibility)
- Cam kết sẽ bù đắp (Making restitution)
- Chân thành sửa lỗi (Genuinely repenting)
- Mong muốn được tha thứ (Requesting forgiveness)
1. Thể hiện sự hối lỗi
“Tôi xin lỗi bạn.”
Đây là lời xin lỗi cơ bản nhất nhưng là nền tảng của bất cứ hành động xin lỗi nào. Nó như một thông báo chính thức đến người nhận rằng bạn đã ý thức được hành động mình là sai. Theo bác sĩ Jennifer Thomas, để lời xin lỗi này không trở thành câu nói suông chỉ vì hậu quả bị phát hiện, bạn cần kèm theo việc tự xác nhận những ảnh hưởng đã gây ra cho đối phương.
Ví dụ: Cho em xin lỗi chị vì đã sơ suất báo giá sai cho khách ạ.
2. Chịu trách nhiệm
Chấp nhận trách nhiệm với lỗi lầm tương tự như một lời đảm bảo. Nó không chỉ thể hiện sự uy tín mà còn cho thấy bạn thực sự có chí cầu tiến học hỏi từ sai phạm. Khi đồng ý chịu trách nhiệm, bạn đã hạ cái tôi xuống và chấp nhận bị phán xét – đó cũng chính là biểu hiện của lòng dũng cảm.
Tiếp tục với ví dụ trên, lời xin lỗi đó sẽ là: Cho em xin lỗi chị vì đã sơ suất báo giá sai cho khách, làm mối quan hệ của khách với công ty bị ảnh hưởng và khiến chị mất thời gian, công sức để làm lại hợp đồng ạ.
3. Cam kết sẽ bù đắp
“Nói đi đôi với làm.”
Những lời nói ngọt có thể lọt tai ngay lúc đó, nhưng ảnh hưởng từ hậu quả sẽ còn lâu dài nếu không có sự bù đắp. Để xác nhận hành động sửa sai, cần có một lời cam kết để trấn an sự tức giận và lo lắng của đối phương. Lời cam kết này có thể mang hình thức tựa một lời hứa, kế hoạch hoặc câu hỏi gợi mở để truy tìm nguyên nhân/giải pháp cho vấn đề.
Đặc biệt với những hậu quả không thể sửa đổi một sớm một chiều, lời cam kết là yếu tố rất quan trọng để người khác có cơ sở cho bạn cơ hội được tin tưởng thêm lần nữa.
Ví dụ: Cho anh xin lỗi vì đã lỡ hẹn với em chiều nay, ngày mai anh có thể đưa em đi chơi bù được không?
4. Chân thành sửa lỗi
Ngôn ngữ xin lỗi này được đưa ra khi cam kết đã trở thành hành động thực sự. Đây là lời xin lỗi dành cho những người coi trọng kết quả và sự thay đổi sau đó nhiều hơn là lời nói. Khi có hành động cụ thể, sự chân thành sẽ được củng cố và niềm tin sẽ được phục hồi.
Ví dụ: Mình xin lỗi vì hôm qua đã làm mất cuốn sách của bạn. Mình đã mua lại một cuốn mới, với mình có mua thêm chai nước làm quà hối lỗi cho bạn nè.
5. Mong muốn được tha thứ
Ngôn ngữ xin lỗi cuối cùng này là một cách cho người chịu thiệt hại thời gian xử lý cảm xúc tiêu cực, tự chữa lành và hình thành đủ bao dung để tha thứ. Bản chất con người ai cũng có lòng vị tha, song lòng vị tha lại cần có thời gian để chấp nhận sự thật và trao đi.
Ví dụ: Con xin lỗi mẹ vì đã không phụ mẹ dọn nhà chiều nay làm mẹ vất vả. Mẹ có thể tha thứ cho con lần này được không?
Lời xin lỗi phù hợp với một số đối tượng cụ thể
Sau khi đã biết được 5 ngôn ngữ xin lỗi, bạn cũng cần hiểu rằng mỗi đối tượng sẽ muốn nhận lời xin lỗi khác nhau. Sau đây là một số mẹo bạn có thể áp dụng với từng đối tượng cụ thể.
Với người yêu/bạn đời:
Theo nhà tâm lý học Amy Morin, “giữ cho cảm xúc khăng khít là chìa khóa để giữ vững mối quan hệ”. Bác sĩ Jennifer cũng cho rằng “tính cam kết rất quan trọng với đối tượng yêu đương”. Vì thế, lời xin lỗi cần ưu tiên cho đối tượng này là Thể hiện sự hối lỗi, Cam kết sẽ bù đắp và Chân thành sửa lỗi.
Với bạn bè:
Bạn bè là những người luôn đối xử chân thành với bạn, chính vì thế bạn cũng nên dùng sự “Chân thành sửa lỗi” để xin lỗi họ. Một buổi cà phê, một món quà nhỏ, hay chỉ là bài hát hay… đều có thể là minh chứng cho sự nỗ lực và trân trọng tình bạn giữa hai người.
Với đồng nghiệp:
Trong công việc, chữ tín luôn là hàng đầu. Vì thế bạn cần phản ánh tinh thần trách nhiệm và uy tín của mình với đồng nghiệp bằng việc kết hợp Thể hiện sự hối lỗi và Chịu trách nhiệm. Đặc biệt bạn đừng quên “nói chín thì phải làm mười”, vì mức tín nhiệm trong công việc có ảnh hưởng trực tiếp đến cả quá trình làm việc sau này của bạn.
Với bố mẹ:
Bố mẹ chúng ta luôn biết con cái sẽ phạm sai lầm và sẽ có xu hướng bỏ qua cho bạn, nhưng không có nghĩa chúng ta được lơ là những tổn thương ta đã gây ra cho họ. Khi xin lỗi với bố mẹ, bạn nên áp dụng cả năm ngôn ngữ xin lỗi với sự thành thật cao nhất. Cuối cùng, hãy cố gắng để trở nên tốt hơn, vì bố mẹ nào cũng muốn được nhìn con trưởng thành.
Với trẻ em:
Xin lỗi một đứa trẻ cũng là một cách để dạy bé những điều hay lẽ phải. Hãy dành cho bé sự tôn trọng và đưa ra lời xin lỗi chỉn chu như cách bạn xin lỗi một người trưởng thành – chân thành và không ép buộc phải nhận được sự tha thứ. Khi xin lỗi một em nhỏ đúng cách, chính bạn đang làm gương cho một người lớn tương lai có lòng vị tha và biết chịu trách nhiệm với hành động của mình.