“Bà ngoại bảo, có hai thứ mà đời người không được bỏ lỡ. Một là chuyến tàu cuối cùng về nhà, hai là đứa bạn có thể ngồi nghe 8000 câu than thở của mình từ năm này sang năm khác.”
Có một người bạn tốt không phải điều dễ dàng. Có một người bạn tốt có thể lắng nghe hàng tá câu chuyện chẳng vui vẻ gì của mình lại càng khó hơn. Khi ở vai trò một người bạn, hầu như chẳng ai ý thức được: việc kiên nhẫn lắng nghe ai đó than thở về cuộc sống của họ thực chất đang tiêu tốn rất nhiều năng lượng!
Bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ nét hơn về công việc “làm bạn”, về những hao tổn hay hi sinh thầm lặng mà những người bạn đã đánh đổi để luôn ở bên và lắng nghe tâm sự của bạn.
Năng lượng đã tiêu hao để trở thành một người bạn tốt nhiều như thế nào?
Chúng ta thường nghĩ, như thở và ăn, tâm sự và lắng nghe là những chuyện quá đỗi hiển nhiên của con người. Tuy nhiên, bạn nên biết rằng, nói – nghe, đặc biệt là cố gắng để nghe và nói những điều mình thâm tâm chẳng muốn lắm, có thể tiêu tốn rất nhiều năng lượng, chẳng thua kém gì lao động trí óc hay chân tay!
Trong tâm lý học có một thuật ngữ là: Lao động cảm xúc (emotional labour)
"Chỉ những hành động cố gắng bắt nhịp với cảm xúc của người khác hay thể hiện một cảm xúc nhất định để phù hợp với mong đợi của xã hội thay vì biểu lộ những gì hiện có trong lòng."
Trong mối quan hệ bạn bè, hành vi này được thể hiện rõ nét nhất khi một người cố gắng xác định cảm xúc của bạn mình và nỗ lực tìm cách đáp trả “hợp ý” với những điều đối phương kỳ vọng. Dĩ nhiên khi phải “vận hành” một loại cảm xúc không xuất phát từ tự nhiên, một người sẽ dễ dàng mệt mỏi hay thậm chí, kiệt sức.
Lấy một ví dụ đơn giản thường gặp trong tình bạn: cô A sau một ngày làm việc mệt mỏi, chuẩn bị leo lên giường đi ngủ thì nhận được một cuộc gọi từ cô B, bảo rằng: “Tao buồn quá!”. Thế là cô A, với mong muốn là một người bạn tốt, dù buồn ngủ đến mấy cũng hỏi lại: “Có chuyện gì vậy?”. Từ đó trở về sau, cô A bị kẹt trong 7749 câu than vãn của cô B về một rắc rối nào đó vừa xuất hiện và cố gắng đáp lời trong cơn buồn ngủ. Khoảng thời gian từ khi câu chuyện của B được khơi gợi cho đến khi họ gác máy chính là thời gian A “lao động cảm xúc” cho B.
Lắng nghe những câu chuyện tiêu cực không chỉ ảnh hưởng đến năng lượng mà còn tác động đến cả hoạt động của các cơ quan bên trong cơ thể. Những nghiên cứu được thực hiện đã chỉ ra rằng, việc xả nỗi bực tức với bạn bè, hay ở trạng thái căng thẳng hơn là “cùng rủa cái đứa đáng ghét đó” có thể khiến tuyến thượng thận giữa hai người đang tâm sự được đồng điệu hoá. Hoóc môn Cortisol (một loại hoóc môn chống stress) cũng sẽ xuất hiện những giao động tương đồng.
Những sự đồng điệu trong việc xả stress có thể tạo ra tình trạng căng thẳng và suy nhược ở tất cả những người tham gia câu chuyện. Thậm chí, cho dù chỉ ngồi im lắng nghe và không bình luận bất cứ điều gì, bạn cũng chịu chung những cảm xúc tiêu cực.
Chúng ta thường có xu hướng đòi hỏi bạn bè phải tiêu hao năng lượng cho mình
Tình bạn được phát triển dựa trên sự cho đi và nhận lại giữa những người có cùng điểm chung về niềm tin, sở thích cá nhân và sự đầu tư công bằng từ mọi phía.
Tình bạn cũng được xây dựng trên một số lý thuyết tương tự các nguyên tắc kinh tế.
– Theo Suzanne Degges-White, tác giả quyển sách “Toxic Friendships: Knowing the Rules and Dealing with the Friends Who Break Them“.
Nhưng thực tế, trong rất nhiều mối quan hệ bạn bè, sẽ có những người hi sinh nhiều hơn, có những người hi sinh ít hơn, cho dù là vì tính cách hay hoàn cảnh. Sau nhiều cuộc thảo luận phục vụ việc nghiên cứu về “lao động cảm xúc” giữa những người bạn, một sự thật đã được phát hiện: chúng ta thường đặt nhu cầu của bản thân lên trước cảm nhận của người khác, đòi hỏi bạn mình phải lắng nghe, thoả mãn những cảm xúc bạn mong đợi mà quên mất việc quan tâm xem họ đang trong tình trạng thế nào, có muốn nghe bạn nói hay không.
Thậm chí trong nhiều trường hợp, những tương tác này còn mang tính một chiều: một người thì luôn luôn xả, còn một người thì luôn luôn hứng. Và kết quả của sự “lệch pha” và vô tâm này thường là những điều chẳng hay ho gì trong một tình bạn, chẳng hạn như: cãi vã, hoặc nghỉ chơi luôn!
Hãy hiểu rằng: năng lượng cho tình bạn là tài nguyên có hạn
Đa số chúng ta đều có một nhóm những địa chỉ liên lạc “khẩn cấp” khi tâm trạng không mấy vui vẻ. Họ là số ít người được tin tưởng giao cho “nhiệm vụ”: làm “thùng rác” để ta xả cơn tức giận. Tuy nhiên, dù khắng khít đến mấy, không phải lúc nào họ cũng có mặt để lắng nghe bạn. Bởi khả năng con người luôn bị giới hạn và không bao giờ có thể gánh hết nỗi buồn và phiền muộn của người khác.
Câu chuyện tình bạn được Degges White ví như chuyện tiền nong trong tài khoản. Bạn cũng thường xuyên theo dõi số dư tài khoản của mình, phải không? Sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra nếu số dư còn nhiều. Nhưng khi tài khoản gần cạn kiệt, chúng ta sẽ rơi vào lo lắng, khủng hoảng và sẽ cân nhắc kĩ lưỡng trước mọi quyết định chi tiêu, đầu tư.
Tương tự với tình bạn, khi năng lượng của một phía gần kiệt quệ thì họ chắc chắn sẽ phải nhìn lại những gì đã đầu tư và sự so đo rất có khả năng xảy ra. Vì vậy, là một người bạn tốt hãy cố gắng giữ cho năng lượng cảm xúc của bạn mình luôn dồi dào bằng cách cân đối giữa tâm sự và lắng nghe, giữa hi sinh và “xả lũ”.
Những cặp bạn thân hãy ngồi xuống và thẳng thắn chia sẻ vấn đề đang xảy ra. Hãy nói cho họ biết bạn đã cảm thấy “quá tải” với những nỗi bực tức, khó chịu của họ. Nhưng đừng quên nhắc họ nhớ rằng bạn thật sự quan tâm đến họ, chỉ là… câu chuyện đã đi vào hồi “chán ngán” mà thôi.
– Theo lời khuyên của Degges-White khi một mối quan hệ đã mất đi sự cân bằng và bắt đầu có những dấu hiệu so đo, sứt mẻ.
Với những người bắt đầu thay đổi thái độ theo chiều hướng tiêu cực và phán xét những lời bộc bạch, những cảm nhận cá nhân của bạn, đó chính là dấu hiệu rõ ràng của một mối quan hệ bạn bè chóng vánh. Và có lẽ bạn nên suy xét lại tình bạn với con người chỉ muốn nhận, không biết cho này.
Kết
Nền tảng của mọi “lao động cảm xúc” giữa những tình bạn bền chặt dựa trên sự thấu hiểu và sẵn sàng thấu hiểu chứ không thuộc vào phạm trù “nghĩa vụ”.
Sự đầu tư nghiêm túc cho một mối quan hệ dẫn đến lao lực khi làm người bạn tốt là có thật. Đã có những tình bạn đi vào ngõ cụt khi cả hai bên không hiểu được bản chất và không tìm ra giải pháp cho những lao lực ấy. Thân đến đâu thì cũng có những vấn đề cá nhân cần ưu tiên, kiên nhẫn đến đâu thì thời gian và năng lượng con người cũng có giới hạn.
Vì thế, khi đã hiểu được sự lao lực của người đã ngồi hàng giờ lắng nghe bạn xả cơn uất ức, hãy thầm cám ơn họ và bắt đầu tập thói quen:
Trước khi bắt đầu tâm sự một điều tiêu cực nào đó, chúng ta nên hỏi xem bạn của mình có thật sự muốn nghe mình than thở?
Điều này có vẻ thật xa lạ và khách sáo giữa những người bạn thân lâu năm. Tuy nhiên, với một “nhiệm vụ” đòi hỏi sự “lao động” nghiêm túc, tiêu hao năng lượng cơ thể thì nếu không trả lương, ít nhất, với vai trò là một người bạn đúng nghĩa, chúng ta cũng nên thể hiện sự tôn trọng cảm xúc của bạn mình một tí, phải không?
Bài viết được thực hiện bởi Vân Trần, dựa trên nguồn cảm hứng từ Rebecca Renner tại Forge by Medium.
Hình ảnh được thực hiện bởi Trà Nhữ.