5 Tư duy đang kìm hãm sự phát triển của bạn | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
05 Thg 08, 2024
Chất Lượng Sống

5 Tư duy đang kìm hãm sự phát triển của bạn

Muốn nâng cao năng lực, rèn tư duy tốt là chưa đủ, phải mạnh dạn ‘nhổ bỏ” cả tư duy xấu, nhổ một cách triệt để.
5 Tư duy đang kìm hãm sự phát triển của bạn

Nguồn: Pexels

Nếu ví von tâm trí của chúng ta giống như một khu vườn, tư duy tốt giống như hạt giống cần gieo trồng, chăm chút. Còn tư duy xấu lại là cỏ dại, nếu không dọn dẹp chúng sẽ chiếm lấy hết không gian và dinh dưỡng của khu vườn, lúc đó dù ta có muốn gieo bao nhiêu hạt giống tốt xuống cũng khó mà phát triển được.

Ở bài viết trước mình đã chia sẻ 3 tư duy mà chúng ta nên loại bỏ càng sớm càng tốt để giải phóng tiềm năng của bản thân. Hy vọng bạn đã loại bỏ được phần nào những loại cỏ dại này. Tới phần thứ hai này mình sẽ đề cập tới 5 loại tư duy nữa để bạn có thể ‘nhổ bỏ” một cách triệt để nhất những cỏ dại không mong muốn, giúp cho khu vườn tâm trí trở nên tươi đẹp hơn.

1. Tư duy “tôi biết rồi”

Mình hay nói đùa đây là lời nguyền của những người tự cho là mình thông minh. Với tư duy “tôi biết rồi”, khi mới tiếp cận một thông tin hay vấn đề hay gì đó, chúng ta ngay lập tức cho rằng mình đã biết, và đã hiểu luôn giải pháp là gì, không cần phải nghe thêm nữa.

  • Đứa bạn vừa mới than thở được hai câu thì bạn ngay lập tức cắt ngang: “Rồi rồi, tao biết vấn đề của mày rồi, mày phải thế này nè…”
  • Một đồng nghiệp trong công ty chuẩn bị làm workshop chia sẻ về kinh nghiệm làm marketing với tập thể, mà marketing lại là chuyên môn của bạn, thế nên ngay lập tức trong đầu bạn nảy số “xời, chắc toàn là mấy cái mình biết rồi”. Và thế là bạn không thấy hứng thú để tham gia workshop đó nữa.

Để bỏ đi tư duy “tôi biết rồi”, có một mẹo đơn giản là luôn tự nhắc bản thân câu nói nổi tiếng và dễ nhớ của Socrates: Tôi biết rằng tôi không biết gì cả. Thật sự dù chúng ta có giỏi giang, biết nhiều kiến thức thế nào đi chăng nữa thì cũng sẽ không bao giờ đủ cho thế giới chúng ta đang sống với đầy rẫy vấn đề phức tạp và luôn biến động không ngừng.

Bên cạnh đó, sẽ luôn có những điểm mù, là những khía cạnh không thể quan sát, hiểu rõ được. Đó là nơi chúng ta cần dũng cảm thừa nhận “tôi không biết” hay “tôi chưa biết”. Những điểm mù này không chỉ là về thế giới bên ngoài, mà còn là cả thế giới bên trong chúng ta.

Theo quan sát cá nhân của mình thì điểm mù tập trung nhiều nhất ở hai nơi trong quá trình tư duy:

Ở giữa niềm tin cốt lõi và tư duy

Trong bữa cơm gia đình, ba luôn nhắc bạn là phải tập trung nhiều thời gian để học hành cho tốt, sau này mới kiếm được công việc tốt, bạn thường “dạ, con biết rồi” để cho qua chuyện. Dù hiểu rằng học tập sẽ có lợi cho bản thân đó, nhưng tư duy của bạn lại luôn chọn giải trí khi có thể.

Xu hướng này có thể xuất phát từ việc bạn có niềm tin cốt lõi là bạn vẫn còn trẻ, còn nhiều thời gian để học sau này, giờ chơi cái đã. Chính niềm tin đó khiến cho bạn lãng phí một quãng thời gian thời gian đáng giá của tuổi trẻ, ảnh hưởng tới sự phát triển trong tương lai của bản thân.

Để xóa dần các điểm mù ở khu vực này, chúng ta cần phát triển khả năng tự nhận thức, khả năng này giúp bạn tự nhìn nhận và điều chỉnh lại các niềm tin không phù hợp ở sâu thẳm bên trong,

Ở giữa tư duy và quá trình đưa ra quyết định

Khi mới tiếp cận một thông tin hay vấn đề hay gì đó bạn vội đưa ra kết luận “tôi biết rồi” có thể là do bạn thiếu tư duy phản biện, sáng tạo.

Như ví dụ đề cập phía trên, bạn không hứng thú tham gia vào workshop của đồng nghiệp vì cho rằng nội dung sẽ toàn những thứ bạn biết rồi. Điều này vô tình làm bạn mất đi những kiến thức tiềm năng, thậm chí là mất đi cơ hội để hiểu cách tư duy của người đồng nghiệp kia, giúp bạn hợp tác với họ tốt hơn sau này.

Chính vì thiếu tư duy phản biện, sáng tạo nên bạn đã không đặt ra những câu hỏi như: Liệu cùng một chủ đề, góc nhìn của họ có gì khác với mình không? Nếu có sự khác nhau, điều gì khiến họ có tư duy đó? Mình có thể sáng tạo ra ý tưởng gì để giúp workshop của đồng nghiệp thú vị hơn?

Những câu hỏi này sẽ kích thích sự tò mò và giúp bạn hứng thú hơn với workshop của đồng nghiệp. Cho nên, càng học càng thấy mình không biết là như vậy. Hãy luôn giữ cho mình sự khiêm tốn, tự nhắc nhở bản thân còn cần phải học thêm nhiều, và đừng quên:“Điều gì thật sự đúng, trong những gì ta nghĩ là đúng?”

2. Tư duy đánh đồng cảm xúc với thực tế

Tên tiếng Anh còn gọi là emotional reasoning (lý luận cảm xúc). Nghĩa là khi bạn cảm thấy một điều gì đó, thường là tiêu cực, thì bạn tin rằng cảm giác đó chính là sự thật.

Ví dụ trong quá trình đi học, hoặc đi làm, có thể bạn đã gặp một vài thất bại và cảm thấy mình kém cỏi. Vô tình, bạn đánh đồng cảm xúc đó với chính mình, rồi bạn thực sự tin rằng bản thân mình kém cỏi, không có khả năng.

Dạng tư duy này ngăn chúng ta nhìn nhận sự việc một cách khách quan và đánh giá đúng bản chất của vấn đề. Để bắt đầu loại bỏ tư duy này, hãy nhắc nhở bản thân tách bạch giữa cảm xúc đối với vấn đề, và bản chất của vấn đề đó. Hay nói cách khác là phân biệt được suy nghĩ theo cảm xúc, và suy nghĩ theo logic.

Tập thói quen nhận biết, gọi tên cảm xúc sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc điều chỉnh hành vi. Đồng thời, thói quen này còn giúp bạn tăng “đề kháng” khi phải đối diện với những tình huống khó khăn, bạn sẽ không dễ rơi vào trạng thái nóng giận, buồn bã, hay tuyệt vọng nữa.

3. Tư duy “cốc nước vơi”

Tư duy này sẽ khiến chất lượng cuộc sống của bạn giảm đi rất nhiều, vì nhìn đâu ta cũng chỉ thấy mất, không thấy được. Chẳng hạn, khi bạn cần trình bày bản báo cáo công việc đã dày công chuẩn bị, sếp nhận xét tổng thể rất tốt, chỉ có một số lỗi cần được cải thiện thêm. Dẫu vậy ngày hôm đó, tâm trí bạn chỉ nhớ những lỗi sai ấy mà quên đi bạn thân đã nỗ lực thế nào để hoàn thành báo cáo, và lời khen tổng thể của sếp.

Tư duy này thật ra xuất phát từ hệ thống sinh tồn được cài đặt để giúp chúng ta nhớ lâu hơn những thứ có thể gây hại để tránh ở lần tiếp theo. Nhưng hơn thế tâm lý của chúng ta còn có thiên hướng nhìn nhận nỗi đau lớn gấp đôi niềm vui. Trong tâm lý học thiên hướng này có tên là hiệu ứng lỗ hổng (loss aversion)

Ví dụ, trong ngày hôm đó bạn đi xe bị công an tấp vào lề và phạt 1 triệu, tới chiều bạn được nhận thưởng 1 triệu. Bù qua bù lại, tính ra là không mất gì, không vui, không buồn. Nhưng đến cuối ngày, bạn vẫn sẽ cảm thấy bực bội vì mất 1 triệu nhiều hơn là vui sướng vì kiếm được 1 triệu.

Để loại bỏ tư duy này bạn không cần phải luôn luôn lạc quan, mà đơn giản hãy nhìn nhận đúng hai mặt được và mất của những gì đang xảy ra. Bạn có thể bắt đầu thực hành thái độ biết ơn, dành ra khoảng 5 phút mỗi ngày để cảm ơn 5 điều bạn đang có, dù là nhỏ nhất.

4. Tư duy đơn độc

Việc trở nên độc lập và tự quyết định những việc mình làm là một thứ gì đó có thể gây nghiện, bởi vì bản chất của con người muốn có tự do và quyền lực. Tự do để làm thứ mình thích và quyền lực để chọn lựa đích đến mà mình muốn.

Khi mình bắt đầu vào đại học, trải qua nhiều đồ án với các nhóm khác nhau lối tư duy “tự nỗ lực - tự hưởng thụ” lại càng hiện rõ. Mình luôn cảm thấy những người bạn khác trong nhóm chưa thực sự cố gắng hết sức, chỉ có mỗi bản thân là đầu tư công sức để tìm ra cách làm tốt nhất. Mỗi lần như vậy mình lại tự rước thêm bực bội và càng tin rằng tự lực tự cường mới là chân lý.

Đến khi đi làm, mình thường tham gia các dự án độc lập, chỉ cần một designer và làm việc trực tiếp với ít người nhất có thể. Lúc bắt đầu làm việc từ xa cho công ty nước ngoài, mình lại càng được thỏa chí làm việc một mình hơn, mình như một con sói đơn độc có thể tự kiếm ăn mà không cần ở trong bầy sói nào cả.

Cho đến đâu đó tầm 27-28 tuổi, mình nhận ra việc là một con sói đơn độc không tốt như mình tưởng. Khi có ý tưởng thú vị, mình không biết chia sẻ với ai để nghe ý kiến, khi dự án thành công, mình không biết nói với ai để chia sẻ niềm vui. Giống như 1 câu nói: “Food tastes better when you eat with your family and friends” (Bữa ăn sẽ ngon hơn, khi bạn ăn với gia đình và bạn bè).

Bên cạnh đó, làm một con sói đơn độc cũng sẽ chỉ săn được những con mồi nhỏ bé, vì một cá thể sẽ có sức mạnh hạn chế. Nó sẽ không bao giờ được nếm thử những thành tựu lớn hơn, những miếng mồi giàu chất dinh dưỡng hơn nếu luôn tự dựa vào sức mình.

5. Tư duy phụ thuộc mục đích lớn

Những người có tư duy này làm gì cũng cần phải có mục đích, phải hướng tới một ước mơ lớn lao mới thấy đáng để làm. Nếu bạn cũng như vậy, để mình kể cho bạn nghe một câu chuyện mà mình tạm đặt tên là “Triết lý sống như một con ong (và một con bướm)”.

Ong và bướm cùng gặp nhau trên một bông hoa hướng dương. Bướm hỏi: “Này ong, đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao chúng ta lại hút mật hoa mỗi ngày?”

Ong đáp: “Ai biết lý do của cậu là gì? Tôi thì phải lấy mật về cho đàn, đó là nhiệm vụ của tôi.”

“Ô, thật thú vị! Tôi hút mật để đôi cánh này thêm rực rỡ, đập những sải dài cho hành trình phiêu lưu. Tôi thấy đó là mục tiêu vĩ đại nhất của mình.” Bướm đáp vội.

“Tôi không nghĩ mình cần một mục tiêu vĩ đại như thế, chăm chỉ làm việc cần làm mỗi ngày là đủ.” - Ong trả lời trong lúc đáp xuống nhụy hoa.

Bướm lại nói: “Bộ cậu không thấy mệt à? Nếu không có mục tiêu vĩ đại, làm thế nào để cậu có thể chăm chỉ hoài như vậy?”

Ong thì thầm vì đã bắt đầu hút mật: “Mỗi giọt mật mang về tổ đều có ý nghĩa, từng việc đang làm là để cho đàn phát triển, chỉ cần như vậy là đủ rồi.”

Cả ong và bướm đều không nhận ra rằng những hành động nhỏ bé hàng ngày của chúng đang góp phần vào một mục đích vĩ đại hơn cả. Việc thụ phấn giúp cây cối sinh sôi nảy nở, tạo ra thức ăn cho con người và động vật khác.

Ong không biết rằng bản thân nó còn quan trọng hơn nó nghĩ. Thế nhưng nó vẫn chăm chỉ làm những việc nó cho là đúng, là ý nghĩa, vậy là đủ. Vậy nên có mục đích lớn thì tốt, nhưng nếu chưa có thì hãy làm tốt một điều gì đó có giá trị cho dù nhỏ thôi cũng đã là điều đáng quý.

Suy nghĩ cuối

Mong rằng bài viết này đã giúp bạn nhận thức rõ hơn về tình hình phát triển trong khu vườn tâm trí của mình. Từ cảnh quan um tùm cỏ dại, tới khu vườn xinh xắn, tươi tốt cần qua nhiều thời gian.

Hơn nữa, một khu vườn là một thực thể sống, sẽ không ngừng thay đổi, bạn không thể chỉ dọn dẹp một lần là xong. Nhưng có lẽ đấy cũng là vui thú của người làm vườn. Mỗi ngày đều dành thời gian tưới tắm, chăm bón, tỉa tót, và nhìn những cái cây dần lớn lên.