Loại bỏ 3 tư duy này để giải phóng tiềm năng | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
25 Thg 07, 2024
Chất Lượng Sống

Loại bỏ 3 tư duy này để giải phóng tiềm năng

Muốn nâng cao năng lực, rèn tư duy tốt là chưa đủ, phải mạnh dạn ‘nhổ bỏ” cả tư duy xấu
Loại bỏ 3 tư duy này để giải phóng tiềm năng

Nguồn: Pexels

Khi sinh ra ai cũng được giao cho một mảnh đất tâm trí màu mỡ. Nhưng thông qua quá trình học hành, được dạy dỗ và trải nghiệm sẽ có những loại hạt giống khác nhau được gieo lên mảnh đất đó. Có loại ‘hạt giống’ tốt, như là tư duy phát triển, tư duy phản biện chẳng hạn, sau một thời gian chúng sẽ phát triển thành những loại cây cho hoa thơm, trái ngọt.

Ngược lại, có những loại tư duy xấu, giống như cỏ dại, dù vô tình hay cố ý, chúng sẽ mọc lên, tranh giành chất dinh dưỡng với những loại cây trái của tư duy tốt. Thậm chí tệ hơn nó còn làm mảnh đất tâm trí của bạn ngày càng cằn cỗi, nghèo nàn.

Do đó, bên cạnh gieo trồng và chăm sóc những hạt giống tư duy tốt, chúng ta còn phải liên tục quan sát khu vườn của mình, để loại bỏ bớt những loài cỏ dại, tư duy xấu. Hai việc này cần làm song song với nhau mới giúp nâng cao tư duy của bạn.

Mình sẽ chia sẻ cụ thể về những tư duy xấu mà mình đã gỡ bỏ sau nhiều năm, để bạn có một danh sách đối chiếu và tham khảo. Trong bài viết này mình tập trung vào 3 tư duy trước, và trong bài viết sau mình sẽ nói thêm vài tư duy khác nữa để cho bạn cái nhìn toàn diện nhất có thể. Mong là sẽ giúp bạn nhận ra những "cỏ dại" trong chính tâm trí mình.

1. Tư duy cái tôi trung tâm

Tư duy cái tôi trung tâm là khi chúng ta nghĩ rằng mình là trung tâm của vũ trụ, rằng mọi thứ đều xoay quanh mình và mình là quan trọng nhất. Khi đó chúng ta thường đưa ra quyết định dựa trên quan điểm của bản thân.

Nhưng sự thật là, chúng ta không phải là mặt trời, và ngay cả mặt trời cũng không phải là trung tâm của vũ trụ. Đây là một sự thức tỉnh mà mình nghĩ ai cũng cần có trong quá trình trưởng thành.

Dạng suy nghĩ này sẽ chia thành hai loại nhỏ sau đây:

Lấy mình làm trung tâm một cách yếm thế

Những người có suy nghĩ này thường sợ bản thân thiệt thòi. Bạn không dám bước ra khỏi vòng an toàn của mình vì sợ mất mát. Ví dụ bạn muốn có thêm các nguồn thu nhập khác, nhưng lại không dám bắt đầu vì sợ thất bại và cho phép bản thân lười biếng, dù sự thật là bạn không hài lòng với mức thu nhập hiện tại.

alt
Nguồn: Pexels

Rồi bạn sẽ có suy nghĩ bản thân tội nghiệp, luôn cảm thấy mình gặp xui xẻo và không được người khác coi trọng. Mỗi khi gặp khó khăn lại thấy tự ti và tự trách mình không đủ tốt. Hoặc là bạn sẽ phàn nàn về mọi thứ và luôn tìm cách đổ lỗi cho yếu tố bên ngoài. Đây chính là tư duy nạn nhân.

Lấy mình làm trung tâm một cách ngạo mạn

Kiểu tư này lại luôn muốn bản thân đạt được nhiều lợi ích. Bạn sẽ có xu hướng lợi dụng người khác, tranh giành và thậm chí làm việc xấu để đạt được lợi ích cho mình. Đây là tư duy win-lose, nghĩa là bạn phải thắng và người khác phải thua.

Bên cạnh đó, bạn còn có thể mang tâm lý phục tùng người giàu có, ở địa vị cao còn những người nghèo, yếu thế hơn lại tỏ ra coi thường. Giống như những người ở công ty nịnh bợ sếp, về nhà lại chửi mắng vợ con, đối xử phách lối với đồng nghiệp ngang hàng.

Thêm một dấu hiệu nữa đó là sự thiên vị bản thân, người ngạo mạn sẽ luôn hợp lý hóa mọi vấn đề theo hướng có lợi cho bản thân, hay còn được gọi là có tiêu chuẩn kép. Họ có thể vượt đèn đỏ, vì cho rằng mình có lý do chính đáng là đang trễ giờ, nhưng khi thấy người khác vượt đèn đỏ thì lại tặc lưỡi phán xét.

Trước đây, lúc vẫn còn tư duy này, mình thường hay điều hướng các câu chuyện về bản thân, thậm chí còn hay xen vào câu chuyện của người khác để kể về trải nghiệm tương tự của mình. Đây cũng là biểu hiện của tư duy lấy mình làm trung tâm, tuy ở mức độ nhẹ hơn nhưng nó ít nhiều cũng ảnh hưởng tới sự thoải mái của những mối quan hệ xung quanh.

Vì vậy, loại bỏ tư duy cái tôi trung tâm sẽ giúp chúng ta trở thành những con người cởi mở, thấu hiểu và trưởng thành hơn. Mỗi người đều có câu chuyện riêng của mình và thế giới này không xoay quanh một mình ai cả.

2. Tư duy trắng - đen

Tư duy trắng đen, hay còn gọi là tư duy nhị nguyên, là một cách suy nghĩ đơn giản hóa mọi vấn đề bằng cách phân thành hai cực đối lập và triệt tiêu lẫn nhau: một việc phải luôn đúng hoặc sai, nếu không tốt thì chắc chắn là xấu.

Tư duy trắng đen sẽ có một số biểu hiện cụ thể hơn như sau:

  • Kỳ vọng hoàn hảo: Bạn đặt ra những tiêu chuẩn không thực tế cho bản thân hoặc người khác. Chẳng hạn, “nếu không đạt điểm cao nhất thì tôi là kẻ thất bại”.
  • Phân loại mọi thứ: Bạn dễ dàng phân loại người khác thành “tốt” hoặc “xấu” dựa trên một số ít hành động hoặc lời nói của họ. Trong khi thực tế là một người đối xử không tốt với bạn, không có nghĩa là họ người xấu và sẽ đối xử tệ với tất cả mọi người.
  • Khó chấp nhận thay đổi, thích kiểm soát: Bạn có xu hướng muốn kiểm soát mọi thứ theo cách của mình vì tin rằng chỉ có một cách đúng duy nhất để làm mọi việc, dẫn đến căng thẳng và mâu thuẫn khi mọi thứ không diễn ra như mong muốn.

Hãy tưởng tượng mình đang mang một lăng kính 2 màu đơn sắc trắng đen nhìn cuộc sống, bạn hãy thử bỏ nó xuống để cảm nhận vô vàn sắc màu rực rỡ khác cũng đang hiện diện. Khi đó, chúng ta sẽ tránh được thiên hướng quy chụp cho bất kỳ điều gì trong cuộc sống, và nhìn nhận mọi thứ với một cái nhìn bao dung, tích cực hơn.

Mỗi lần đưa ra đánh giá về điều gì đó, hãy tự hỏi bản thân vài câu hỏi như sau để làm chậm quá trình suy nghĩ của bản thân, tránh vội để vàng quy chụp:

  • Liệu mình có đang phán xét nhanh quá không?
  • Điều gì làm mình đưa ra kết luận vậy?
  • Nếu mình là người đó, mình sẽ làm gì?

Như hồi mình khoảng 22-23 tuổi có thử học chơi guitar, sau một vài buổi tập mà vẫn không thấy có tiến bộ rõ ràng, mình đã ngay lập tức nghĩ “chắc là mình không hợp chơi món này rồi” - đó là biểu hiện của màu đen trong tư duy trắng đen.

Nghĩ không thể chơi được, nên mình đã bỏ ngang ngay sau đó. Nhưng giả sử khi ấy, mình tích cực hơn và nghĩ theo thiên hướng màu trắng: “Mình sẽ sớm chơi guitar thành thạo thôi” thì cũng vẫn chưa phải là cách tư duy đúng.

Suy nghĩ đúng phải là nhìn nhận quá trình học tập như một dải màu với nhiều cấp độ khác nhau. Có thể hôm nay bạn đàn được đoạn nhạc ngắn, sang hôm sau lại trầy trật với hợp âm mới. Nhiều khi bạn chỉ tiến bộ một chút, chưa đến mức “thành thạo”, nhưng điều đó vẫn đáng ghi nhận. Quan trọng là bạn cần ghi nhận bản thân đang tiến lên mỗi ngày lại tốt hơn một chút.

3. Tư duy đổ lỗi

Tư duy đổ lỗi là khi chúng ta luôn tìm lý do ở bên ngoài, không thể tự do chọn thái độ sống. Thay vì nhận trách nhiệm về bản thân và hành động để thay đổi, chúng ta lại đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc người khác.

Chẳng hạn, bạn cảm thấy không thể tiết kiệm được tiền vì chi phí sinh hoạt quá cao. Nhưng nếu bạn xem xét lại các khoản chi tiêu và tìm cách tối ưu hóa chúng, bạn sẽ thấy rằng mình có thể tiết kiệm được một phần không nhỏ.

Bạn cho rằng dự án không hoàn thành đúng hạn là do đồng nghiệp không hỗ trợ. Nhưng có thể là do bạn chưa thực sự cố gắng giao tiếp và phối hợp tốt với đồng nghiệp.

Ngay cả khi thực sự lỗi không phải do mình, chúng ta vẫn có thể mắc tư duy đổ lỗi khi quá tập trung vào việc tìm người mắc lỗi, mà không hướng tới tìm giải pháp. Hãy tưởng tượng bạn đang đứng trước một chiếc gương bám đầy bụi bẩn. Thay vì trách sao cái gương dơ quá, hãy lau sạch cái gương để nhìn rõ chính mình. Đó cũng chính là cách cần làm để loại bỏ tư duy đổ lỗi.

Hãy nhớ rằng, trong hầu hết trường hợp chúng ta có thể kiểm soát và thay đổi tình hình nếu chúng ta chịu trách nhiệm và tập trung vào giải pháp. Có thể bạn sẽ cảm thấy đây là một gánh nặng nhưng thực chất là chúng ta đang hướng tới trạng thái tự do, trạng thái có lẽ bất kỳ ai cũng muốn tìm kiếm.

Tuy nhiên “ngưng đổ lỗi” thôi là chưa đủ để bạn thực sự có trách nhiệm với cuộc đời của mình. Để hướng tới tự do, bạn cần loại bỏ thêm một tư duy khác mà mình tạm gọi là tư duy người được chở. Thay vì tự lái xe đời mình, chúng ta hay ngồi ở ghế phụ và để người khác quyết định hướng đi. Đây là một cách sống thụ động, làm mất đi quyền kiểm soát cũng như tự do của đời mình.

alt
Nguồn: Pexels

Sẽ không khó để thấy được ngoài xã hội, rất nhiều người để bố mẹ quyết định mọi thứ, từ việc học gì, làm gì đến khi nào thì lấy vợ, sinh con. Dù họ không hài lòng với những quyết định đó, nhưng lại không dám tự quyết định và luôn sợ làm trái ý người khác.

Những người này luôn khó chịu khi ngồi ở băng ghế sau, nhưng lại không đủ dũng cảm để tự cầm lái. Chỉ đến khi đã đi quá xa trên hành trình, họ mới nhận ra rằng mình đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội để tự định đoạt cuộc đời mình.

Để đạt được sự tự do thật sự, bạn cần rời khỏi ghế phụ, học cách lái xe và tìm cho mình phương tiện cũng như con đường phù hợp. Hay nói cách khác hãy bắt đầu từ việc dũng cảm đứng lên chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình, tập thói quen đưa ra quyết định nhỏ, lắng nghe, học hỏi rồi dần dần nâng cao lên những quyết định quan trọng hơn.

Điều này sẽ bồi đắp nên sự tự tin và quyết đoán cho bạn để dám bước đi trên con đường mình chọn. Những con đường được dọn sẵn thì có vẻ an toàn đấy, nhưng sẽ không thể nào thú vị như những con đường chẳng mấy ai đi được.

Suy nghĩ cuối

Bản chất của cuộc sống là chuỗi những sự lựa chọn đánh đổi. Con chim muốn bay lên trời cao, nó phải rời khỏi cái tổ êm ấm. Muốn có kết quả cao trong kì thi, phải đổi lại là những ngày tháng vất vả học tập.

Việc thay đổi tư duy không dễ nhưng có những cách nghĩ chúng ta cần bỏ lại để vươn lên. Chúc bạn sẽ diệt được cỏ tận gốc, để mảnh đất tâm trí rộng rãi đón thêm nhiều hạt giống chất lượng và vun trồng nên những giá trị tốt đẹp mà bạn hằng theo đuổi.