5 Từ tiếng Anh để hiểu vì sao quyền phá thai ở nhiều nơi gây tranh cãi thế | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

5 Từ tiếng Anh để hiểu vì sao quyền phá thai ở nhiều nơi gây tranh cãi thế

Phán quyết về quyền phá thai, Roe v. Wade, được ban hành vào năm 1973 của Toà án Mỹ có khả năng sẽ bị đảo ngược. Có những luồng ý kiến nào về sự việc này và điều gì tạo ra các luồng ý kiến đó?
5 Từ tiếng Anh để hiểu vì sao quyền phá thai ở nhiều nơi gây tranh cãi thế

Nguồn ảnh: Gayatri Malhotra/Unplash, Grace Hollar/IndyStar, Evelyn Hockstein/CNS/Reuters.

“Phá thai hay không?” bản thân nó đã là một câu hỏi khó. Thế nhưng, ngay cả khi một người phụ nữ rơi vào hoàn cảnh phải trả lời câu hỏi đó và đã tự mình đưa ra quyết định, thì họ vẫn còn vô số băn khoăn khác. Rằng mình “có-được phá thai?” Gia đình có đồng ý, xã hội có công nhận, hay quan trọng là pháp luật có cho phép?

Một ngày của bạn có thể trôi qua êm đềm hơn, không cần dằn vặt suy nghĩ những điều đó, nhưng có lẽ bạn sẽ muốn biết điều gì đang khiến hàng ngàn, hàng triệu phụ nữ khác trên thế giới đang xuống đường biểu tình. Vài tháng trước phụ nữ Colombia vừa ăn mừng vì Toà án đã cho phép phá thai dưới 24 tuần tuổi. Tháng này, nước Mỹ sôi sục vì một mẩu tài liệu bị rò rỉ ra ngoài cho thấy rằng quyền phá thai có thể bị huỷ bỏ.

Sự thật là những sự kiện tương tự có thể sẽ tiếp tục xảy ra ở đâu đó. Nhưng ngay cả khi chúng hết sôi sục thì vẫn mãi còn âm ỉ. Bằng chứng là đi qua hơn nửa thế kỷ phụ nữ đấu tranh cho quyền (cấm) phá thai, những luồng ý kiến trái chiều có những cơ sở chính trị, tôn giáo, xã hội khác nhau vẫn khó dung hoà.

1. Pro-choice

Đây là một trong hai luồng ý kiến chủ đạo khi nói về việc phá thai. Những người “pro-choice” là những người tin rằng phụ nữ có quyền được chọn không giữ thai nhi nếu bản thân không mong muốn, vì bất kỳ lý do gì. Bởi với họ, cơ thể là riêng tư và họ có quyền được làm chủ cơ thể của mình.

Họ thường bị phe “pro-life” chỉ trích là lợi dụng luật cho phép phá thai để “dung túng cho hành động ích kỷ.”

2. Pro-life

Theo từ điển Cambridge, pro-life mang nghĩa đối lập với pro-choice. Những người đi theo quan điểm pro-life phản đối việc phá thai hay bất kỳ hành động nào khác tước đi cơ hội sống vốn có của con người.

Ví dụ điển hình là những người ủng hộ việc cấm phá thai ở bang Texas, Mỹ. Bang này mới thông qua một bộ luật vào tháng 9 năm 2021, được cho hà khắc nhất nước Mỹ. Bộ luật cấm nạo phá thai khi phát hiện hoạt động của tim thai, tức khoảng 6 tuần đầu và không có ngoại lệ.

Đối với nhiều người theo quan điểm pro-life, nếu sợ sinh mà không thể nuôi con thì cũng không nên phá. Thay vào đó, hãy chọn sinh con rồi cho con nuôi, vì ngoài kia có rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn hay những cá nhân, tổ chức khác có khả năng hỗ trợ.

Nhiều người kecircu gọi cho con nuocirci thay vigrave phaacute thai
Một cặp đôi từ bang Virginia kêu gọi các phụ nữ đang có ý định phá thai hãy cho con nuôi. | Nguồn: Sarah Marie Thomas.

Tuy nhiên, với những người theo quan điểm pro-choice, phương án này cũng không hoàn toàn hiệu quả khi việc tìm kiếm người nhận nuôi và thủ tục cho nuôi không đơn giản. Và ngay cả khi đã cho con nuôi thì các vấn đề cảm xúc, tâm lý cũng không dễ dàng giải quyết dứt điểm. Mặt khác, việc cấm phá thai không hẳn có thể giúp tỷ lệ nạo phá thai giảm xuống.

Theo nghiên cứu của Viện GuttMacher, khi không thể phá theo cách chính thống, nhiều người vẫn tìm cách phá chui hoặc tìm đến dịch vụ hợp pháp ở quốc gia khác.

3. Fetal viability

Fetal viability là ngưỡng mà thai nhi có thể sống sót bên ngoài tử cung sau khi sinh tự nhiên, hoặc được hỗ trợ bởi y học hiện đại. Cụm từ này được sử dụng trong luật Hiến pháp của Hoa Kỳ kể từ sau vụ kiện Roe v. Wade. Cụ thể, Toà án cho phép phụ nữ phá thai trước khi thai đạt ngưỡng “fetal viability,” tức là vào khoảng 23, 24 tuần.

Ngưỡng này có sự thay đổi tương đối giữa các quốc gia. Tại Việt Nam là 22 tuần. Nhỉnh hơn một chút là 24 đến 26 tuần ở Hà Lan. Việc đưa ra luật cho phép phá thai nhưng kèm theo giới hạn như vậy được cho là tạo ra một điểm cân bằng chung cho hai luồng ý kiến pro-life và pro-choice.

Thực tế, hiến pháp ở nhiều nơi cũng không cấm phá thai hoàn toàn, hoặc cho phép phá thai tự do 100%. Chẳng hạn, ngoài quy định về tuần tuổi thai nhi, một giới hạn khác có thể đặt ra là nguyên nhân phá thai.

Theo số liệu từ Liên Hợp Quốc, hơn 97% các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã cho phép phá thai để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của phụ nữ. Trong đó, hơn 50% các quốc gia cho phép phá thai khi sức khỏe của thai phụ bị đe dọa, 49% các quốc gia cho phép phá thai khi bị khiếm khuyết hoặc việc mang thai là kết quả của hành vi tội phạm tình dục. Chỉ khoảng 34% các quốc gia cho phép phá thai vì lý do kinh tế - xã hội hoặc phá thai theo yêu cầu.

Như vậy, khi nhắc đến quyền phá thai, gần như luôn có điều kiện đi kèm. Đây là điều mà nhìn chung nếu không tìm hiểu kỹ có thể gây ra hiểu lầm và dễ tranh cãi.

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp cực đoan. Theo phân tích từ Viện Guttmacher hồi tháng 4, hơn một nửa bang của Mỹ có khả năng hoặc gần như chắc chắn cấm phá thai nếu Tòa án Tối cao Mỹ đảo ngược phán quyết trong vụ Roe v. Wade. Hiện tại, phá thai vẫn hợp pháp ở mọi tiểu bang của Mỹ và mỗi bang có ít nhất một phòng khám phá thai được cấp phép.

4. Fetal personhood

Fetal personhood có thể hiểu là “tính người của phôi thai.”

Việc cho phép phá thai đi kèm với giới hạn như mô tả ở phần trên được cho là cách trung hoà hai quan điểm pro-life và pro-choice. Thế nhưng, vẫn có những ý kiến cho rằng hoàn-toàn không nên phá thai. Nguyên nhân nằm nhiều ở gốc rễ tôn giáo, với quan điểm chủ chốt về việc khi nào thì sự sống bắt đầu.

Theo quan điểm của Công giáo, tính “người” có sẵn trong một hợp tử hay một phôi thai. Hay nói cách khác, thai nhi đã là một “người” ngay từ trước khi thành hình, do đó xứng đáng có đầy đủ các quyền công dân cần được bảo vệ theo hiến pháp.

Tương tự, trong giáo lý đạo Phật, Hindu giáo, sự hình thành của phôi thai là một cột mốc thiêng liêng, đánh dấu sự đầu thai của một người trong kiếp luân hồi. Cắt mối kết nối giữa 2 cõi âm - dương vì vậy là một hành động tạo nghiệp. Do đó, nhiều người, dù đau đớn khi phải nghĩ đến việc mình vẫn sẵn sàng để làm mẹ, cuối cùng vẫn chọn giữ đứa bé.

Nguồn UrsaHoogleE via Getty Images
Khoa học có thể quan sát những giai đoạn phát triển khác nhau của thai nhi nhưng không thể xác định chính xác khi nào sự sống bắt đầu. | Nguồn: UrsaHoogle/E+ via Getty Images

Tuy nhiên, nếu xem phôi thai là một người và việc phá bỏ thai nhi là một hành động “giết một người vô tội,” trái với luân lý, thì có một mâu thuẫn khác cần được giải quyết. Cụ thể, bản thân bào thai là một phần cơ thể của người mẹ, vậy trong một số trường hợp người mẹ không muốn giữ thai nhi thì quyền của thai nhi hay quyền thân thể của người mẹ cần được ưu tiên hơn?

Hiện tại, các văn bản pháp luật nhân quyền toàn cầu như UDHR, ICCPR, ICESCR,... cũng không trả lời rõ ràng câu hỏi này, đồng thời không đưa ra khái niệm hay thời điểm xác định sự bắt đầu của một con người.

Chẳng hạn, Điều 1 của UDHR có nhận định rằng “mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền”. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, từ “sinh ra” được sử dụng ở đây là một cách cố ý để loại bỏ trường hợp gây tranh cãi về quyền sống đối với thai nhi.

Giống với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam chưa có quy định cụ thể về quyền sống của thai nhi. Tuy nhiên, các quy định pháp luật về nạo phá thai ở Việt Nam có phần rộng mở hơn so với ở nhiều quốc gia khác. Việc nạo phá thai cơ bản được thực hiện theo yêu cầu của người mẹ, ngoại trừ trường hợp xuất phát từ nguyên nhân lựa chọn giới tính.

5. Constitutional right

Constitutional right, quyền hiến định, là các quyền được Hiến pháp quốc gia bảo vệ và ghi nhận.

Một trong những nguyên do khiến cho luật (cấm) phá thai gây tranh cãi là vì nó liên quan đến nhiều loại quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp. Quy định về quyền của một nhóm đối tượng này đôi khi có thể gây ảnh hưởng hoặc mâu thuẫn với nhóm khác.

Cụ thể, ngoài quyền phá thai của phụ nữ và quyền sống của thai nhi đã nhắc ở các phần trên, còn một quyền quan trọng khác là quyền được bảo vệ đời tư, hay quyền riêng tư (right to privacy).

Trong phán quyết Roe v. Wade, Tòa án cấp cao đã ngầm phán quyết về quyền riêng tư của các bác sĩ. Chẳng hạn, chính phủ không nên can thiệp vào quyền của bác sĩ trong việc giúp một phụ nữ phá thai. Đồng thời, các phụ nữ cũng có quyền tự do cá nhân trong việc phá bỏ bào thai trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ.

Vậy nếu Toà án muốn lật ngược Roe v. Wade và cấm phá thai, họ có thể đang vi phạm quyền riêng tư của các thai phụ hay các bác sĩ. Vấn đề vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi của các nhà lập hiến.

Kết

Có những vấn đề luật pháp, chính trị và xã hội tưởng chừng xa xôi nhưng thực tế chúng đang xảy ra đâu đó rất gần trong đời sống xung quanh chúng ta. Việc bạn tìm hiểu thêm về quyền phá thai và luật cấm phá thai cũng là cách để tìm hiểu thêm và quyền con người.

Hy vọng bài viết phần nào giúp bạn đọc có góc nhìn nhiều chiều hơn khi muốn bước vào một cuộc tranh luận nào đó.