6 Điều độc hại trong mối quan hệ mà bạn coi là bình thường | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
29 Thg 05, 2021
Thương

6 Điều độc hại trong mối quan hệ mà bạn coi là bình thường

Theo Mark Manson có những điều trong mối quan hệ được coi là độc hại nhưng nhiều người trong số chúng ta vẫn ngó lơ.
6 Điều độc hại trong mối quan hệ mà bạn coi là bình thường

Nguồn: Anastasia Sklyar/Unsplash

Được chuyển ngữ từ "6 Signs You’re in a Toxic Relationship", đăng trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Chẳng có trường lớp nào dạy bạn cách để không trở thành người bạn trai/gái tồi. Khoảng thời gian chúng ta lần mò trong thế giới hẹn hò vốn đã phức tạp là một chuỗi các mối quan hệ độc hại. Rất nhiều thói quen độc hại trong tình cảm lại bắt nguồn từ chính văn hóa của chúng ta.

Nhiều người trong số chúng ta thậm chí còn chẳng nhận ra rằng niềm tin của mình về mối quan hệ vốn không lành mạnh.

6 Dấu hiệu của một mối quan hệ độc hại mà bạn nghĩ là bình thường

Một mối quan hệ độc hại xảy ra khi một hoặc cả hai người đề cao tình yêu hơn những thứ cấu thành một mối quan hệ lành mạnh: sự tôn trọng, niềm tin và thiện ý.

Mối quan hệ độc hại tồn tại ở nhiều dạng. Có những dấu hiệu bạn có thể dùng để lật tẩy nó nhưng rất nhiều người chọn phớt lờ hoặc tệ hơn, nghĩ rằng đây là dấu hiệu của một mối quan hệ lành mạnh.

1. Mối quan hệ hơn thua

Đó là gì: Khi người bạn đang hẹn hò liên tục đổ lỗi cho bạn bởi những sai lầm trong quá khứ. Nếu cả hai người đều làm như vậy thì đây được coi là “mối quan hệ hơn thua”, khi nó biến thành một trận chiến phân định ai tồi tệ hơn, để rồi quyết định xem người nào là kẻ mắc nợ.

Vì sao nó độc hại: Bạn không chỉ làm chệch hướng vấn đề hiện tại bằng cách tập trung vào lỗi lầm quá khứ, mà còn đào cảm giác tội lỗi và cay đắng trước đây lên để khiến đối phương thấy tồi tệ.

Nếu điều này kéo dài đủ lâu, cả hai rồi sẽ dành tất cả năng lượng vào việc chứng minh ai là kẻ ít tội lỗi hơn, thay vì giải quyết vấn đề hiện tại.

toxic relationship
Mối quan hệ mà hai người dành tất cả năng lượng chỉ để bới móc lối lầm của người kia.

Nên làm gì: Giải quyết những vấn đề một cách độc lập trừ khi chúng thật sự liên quan đến nhau. Đừng cố đào bới quá khứ.

Bạn cần hiểu rằng khi chọn ở bên một người nghĩa là bạn chấp nhận sống chung với quá khứ của họ. Phủ nhận chúng đồng nghĩa với không chấp nhận nửa kia của mình. Nếu điều khiến bạn không hài lòng đã diễn ra một năm trước, bạn nên giải quyết chúng vào lúc đó.

2. “Bóng gió” và gây hấn thụ động

Đó là gì: Thay vì nói thẳng, một trong hai người cố gắng khiến người kia phải tự hiểu. Thay vì nói ra thứ khiến bạn khó chịu, bạn làm những điều vụn vặt để chọc giận họ, để rồi cảm thấy mình có lý khi phàn nàn.

Vì sao nó độc hại: Nó thể hiện rằng cả hai không thoải mái để giao tiếp một cách cởi mở và rõ ràng. Một người chẳng có lý do gì để đi gây hấn thụ động nếu họ cảm thấy an toàn để bộc lộ cơn giận và sự bất an. Một người chẳng bao giờ cần phải “bóng gió” nếu họ nghĩ rằng mình sẽ không bị đánh giá hoặc chỉ trích khi nói thật.

Nên làm gì: Nói ra cảm xúc và nguyện vọng của mình một cách cởi mở. Và làm rõ rằng người kia không nhất thiết phải chịu trách nhiệm hoặc bị trói buộc vào những cảm xúc ấy, bạn chỉ mong muốn được họ ủng hộ. Nếu yêu bạn, họ sẽ cho bạn điều ấy.

3. Sử dụng mối quan hệ như một con tin

Đó là gì: Khi một người chỉ trích, phàn nàn và hăm dọa người kia bằng cách sử dụng mối quan hệ. Chẳng hạn, nếu họ cảm thấy bạn đang lạnh nhạt với họ, thay vì nói “Anh cảm giác thỉnh thoảng em lạnh nhạt với anh”, họ sẽ nói “Anh không thể hẹn hò với người lúc nào cũng lạnh nhạt với mình”.

Vì sao nó độc hại: Đây là khởi đầu của tấn bi kịch không cần thiết. Ngay cả những trục trặc nhỏ nhất cũng dẫn đến khủng hoảng trong mối quan hệ. Hai người nên biết rằng mình có thể trao đổi suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực một cách an toàn mà không cần phải đe dọa tương lai của mối quan hệ. Thiếu đi tự do để thành thật, cảm xúc và suy nghĩ của cả hai sẽ bị đè nén. Điều này sẽ tạo nên môi trường thiếu niềm tin và độc hại.

toxic relationship
Thiếu đi sự tự do để thành thật, cảm xúc và suy nghĩ của cả hai sẽ bị đè nén.

Nên làm gì: Cũng ổn thôi nếu bạn khó chịu với đối phương hoặc không thích một điểm gì đó ở họ. Nhưng hãy hiểu rằng cam kết với một người không đồng nghĩa với việc bạn luôn thích họ. Bạn có thể hết lòng với họ nhưng thỉnh thoảng vẫn khó chịu và tức giận. Góp ý mà không phán xét hoặc đe dọa sẽ củng cố mối quan hệ về lâu dài.

4. Đổ lỗi cho đối phương về cảm xúc của bạn

Đó là gì: Bạn có một ngày tồi tệ nhưng nửa kia lại không mấy cảm thông - có thể họ đang có một cuộc gọi về công việc hoặc phân tâm khi bạn ôm họ. Bạn muốn nằm lì cả ngày ở nhà để xem phim cùng nhau nhưng nửa kia đã có kế hoạch đi chơi với bạn bè.

Bạn thấy bản thân bị xúc phạm bởi sự thiếu nhạy cảm của đối phương. Bạn chẳng bao giờ yêu cầu một sự ủng hộ về mặt tinh thần, nhưng đối phương cũng nên tự biết cách làm bạn cảm thấy tốt hơn chứ.

Vì sao nó độc hại: Đổ lỗi cho nửa kia bởi cảm xúc của mình là ích kỷ và là ví dụ điển hình của sự kém cỏi trong việc duy trì ranh giới cá nhân. Khi bạn thiết lập một tiền lệ trong việc đối phương phải chịu trách nhiệm cho cảm xúc của mình mọi lúc (và ngược lại), mối quan hệ sẽ trở nên phụ thuộc. Khi một người không vui, mong muốn của người còn lại bị gạt đi bởi nghĩa vụ phải khiến đối phương cảm thấy tốt hơn.

toxic
Một người phải chịu trách nhiệm cho cảm xúc của người còn lại.

Vấn đề lớn nhất của khuynh hướng phụ thuộc là chúng nuôi dưỡng sự căm phẫn. Tôi biết, nếu bạn gái tôi bực dọc chỉ vì cô có một ngày chẳng ra sao và cần sự chú ý, điều đó cũng dễ hiểu. Nhưng nếu nó trở thành sự kỳ vọng rằng cuộc đời tôi chỉ xoay quanh sức khỏe tinh thần của cô, tôi sẽ trở nên bất mãn và bị lôi kéo bởi cảm xúc của cô ấy.

Nên làm gì: Chịu trách nhiệm cho cảm xúc của chính bạn và kỳ vọng rằng đối phương cũng như vậy. Có một sự khác biệt tuy nhỏ nhưng quan trọng giữa việc hỗ trợ đối phương và bị trói buộc bởi họ. Bất kỳ hy sinh nào cũng nên xuất phát từ sự tự nguyện chứ không nên là kỳ vọng. Khi bạn phải chịu trách nhiệm về tâm trạng của nhau, nó sẽ khiến cả hai mong muốn che giấu cảm xúc thật của mình và thao túng người kia.

5. Cho rằng phải yêu thì mới ghen

Đó là gì: Bực mình khi đối phương nói chuyện, tiếp xúc, gọi điện, nhắn tin, đi chơi với người khác. Sau đó thì trút giận và cố gắng kiểm soát hành động họ. Điều này dẫn đến những hành vi mất trí như hack vào tài khoản email, đọc trộm tin nhắn hoặc thậm chí bám theo nửa kia.

Vì sao nó độc hại: Tôi bất ngờ rằng nhiều người lại coi đây là cách để thể hiện tình yêu. Nếu nửa kia của bạn không có chút ghen tuông điều đó đồng nghĩa với việc họ không yêu bạn đủ.

Điều này thật điên rồ. Thay vì tình yêu, nó chỉ là hành động kiểm soát và thao túng. Truyền đi thông điệp về sự thiếu tin tưởng sẽ tạo nên mối bất hòa không cần thiết. Tệ hơn cả, đó là một sự hạ thấp. Nếu đối phương không thể tin tưởng việc tôi tiếp xúc với những người phụ nữ khác, điều đó đồng nghĩa với việc cô ấy cũng chẳng tin tôi.

Nên làm gì: Hãy đặt trọn niềm tin vào đối phương. Tôi biết điều này cực đoan, bởi ghen tuông là một phản ứng rất tự nhiên. Nhưng ghen tuông quá mức và kiểm soát là dấu hiệu của việc bạn không cảm thấy mình xứng đáng. Bạn nên học cách đối mặt với nó thay vì ép uổng nửa kia. Bằng không, bạn đang đẩy họ rời xa mình.

6. Giải quyết bất đồng bằng vật chất

Đó là gì: Cứ mỗi khi mâu thuẫn xảy đến trong mối quan hệ, thay vì giải quyết bạn lại che đậy nó bằng cách mua những thứ đẹp đẽ hoặc chuyến du lịch đắt tiền.

Vì sao nó độc hại: Nó không chỉ là việc bạn lùa đống rác trong phòng xuống gầm giường, mà còn thiết lập một tiền lệ không lành mạnh trong mối quan hệ. Đây không phải là vấn đề của riêng giới nào, nhưng tôi sẽ dùng một ví dụ “truyền thống” dựa trên giới tính để giải thích.

Hãy tưởng tượng mỗi khi một người phụ nữ nổi giận với bạn trai/chồng mình, anh ta lại “giải quyết” vấn đề bằng cách mua quà hoặc dẫn cô đến nhà hàng đắt tiền. Điều này không những vô thức cho cô thêm động cơ để nổi giận với anh, mà còn khiến anh mất đi động lực để chịu trách nhiệm cho các vấn đề trong mối quan hệ.

toxic relationship
Che đậy những bất đồng bằng vật chất không sẽ dẫn đến những vấn đề lớn hơn.

Nên làm gì: Đối diện với vấn đề. Nếu bạn không tin tưởng đối phương, cảm thấy bị phớt lờ hay không được biết ơn, hãy trao đổi về những cảm xúc đó với họ.

Chẳng có gì sai với việc chuộc lỗi với nửa kia sau một trận cãi vã để thể hiện sự kết nối, ăn năn hoặc khẳng định tình cảm. Nhưng đừng nên sử dụng vật chất để thay cho việc giải quyết vấn đề tiềm ẩn trong cảm xúc. Quà tặng và những chuyến du lịch được coi là xa xỉ bởi vì một lý do - bạn chỉ quý trọng chúng khi mọi thứ khác đều đã tốt đẹp. Nếu dùng chúng để che đậy vấn đề của mình, bạn đang tạo ra những vấn đề khác còn lớn hơn nhiều.

Còn tiếp...