Càng lớn tuổi, ta càng dành nhiều thời gian để nhìn lại quá khứ. Đây là lẽ tự nhiên khi ta ngày càng có nhiều trải nghiệm sống.
Trong nhiều trường hợp, hồi tưởng còn được áp dụng như một liệu pháp để điều trị trầm cảm và sa sút trí tuệ. Đó là vì những kiểu hồi tưởng khác nhau sẽ mang lại những hiệu ứng khác nhau cho tâm lý chúng ta.
Theo hai nhà tâm lý Lisa Watt và Paul Wong, có 6 kiểu hồi tưởng phổ biến mà hầu hết chúng ta đều trải qua trong đời (considerable.com). Cùng Vietcetera tìm hiểu những giá trị chúng mang lại cho cuộc sống qua bài viết dưới đây.
1. Hồi tưởng ám ảnh (obssessive reminiscence)
Hồi tưởng ám ảnh tập trung vào các sự kiện tiêu cực trong quá khứ, thường gắn với cảm giác cay đắng. Nó có xu hướng lặp lại nhiều lần, ngay cả khi trải nghiệm gây ra nó không còn ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống hiện tại của chủ thể.
Một ví dụ điển hình của hồi tưởng ám ảnh là nỗi hối hận sống sót (survivor’s guilt). Dù đều là nạn nhân của một sự kiện thảm khốc, họ luôn cảm thấy tội lỗi khi sống sót trong khi những người khác thiệt mạng.
Hồi tưởng ám ảnh khiến ta thấy khó khăn khi tiếp tục cuộc sống, cũng như rút ra bài học từ sự việc đã qua. Vì vậy nó bị coi là có hại, và người hồi tưởng kiểu này nên đi tư vấn tâm lý càng sớm càng tốt.
2. Hồi tưởng thoát ly (escapist reminiscence)
Đây chính là hiện tượng “ăn mày quá khứ” - cảm giác luôn thấy quá khứ tốt đẹp hơn hiện tại. Kiểu hồi tưởng này dễ xảy ra khi cuộc sống hiện tại không như ý muốn. Hệ quả là ta tìm về những hồi ức khi xưa, đôi khi phóng đại nó lên để giải thoát cho bản thân khỏi hiện thực đau khổ ta đang phải đối mặt.
Bản thân việc hồi tưởng ký ức đẹp không mang lại tác hại nghiêm trọng. Trái lại, nó còn giúp bạn thấy lạc quan, thoải mái và hy vọng vào tương lai tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, việc chìm đắm trong quá khứ có thể khiến bạn trì hoãn giải quyết vấn đề ở cuộc sống hiện tại, khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Bên cạnh đó, nó cũng có thể là dấu hiệu bạn đang gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần cần chú ý.
3. Hồi tưởng tường thuật (narrative reminiscence)
Hồi tưởng tường thuật đơn thuần kể lại những sự việc trong quá khứ. Chúng ta thường gặp nó ở người lớn tuổi, hoặc bạn bè lâu năm không gặp cùng nhau ôn lại chuyện cũ. Series Thời chúng tôi chính là ví dụ điển hình của kiểu hồi tưởng này.
Hồi tưởng tường thuật có thể mang lại những cuộc trò chuyện tích cực, song không nhất thiết giúp bạn hiểu nhiều hơn về bản thân mình hoặc người khác.
4. Hồi tưởng truyền tải (transmissive reminiscence)
“Hồi bằng tuổi con bây giờ, bố/mẹ đã phải vừa đi học, vừa ra chợ phụ ông bà buôn bán…”. Chắc ai cũng từng nghe những câu như vậy từ các bậc tiền bối trong nhà. Đây chính là hồi tưởng truyền tải - kể lại một trải nghiệm trong quá khứ nhằm truyền lại một bài học, kinh nghiệm sống hay giá trị truyền thống cho người nghe.
Hồi tưởng truyền tải nhìn chung tương đối hữu ích. Nó vừa giúp người nghe tiếp thu thêm kiến thức, vừa giúp người kể thấy hạnh phúc khi giúp được người khác. Tuy nhiên, người kể cần chú ý tông giọng và ngữ cảnh để tránh biến câu chuyện theo xu hướng “giáo điều”, ép người nghe phải làm theo kinh nghiệm của mình.
5. Hồi tưởng cụ thể (instrumental reminiscence)
Hồi tưởng cụ thể xảy ra khi ta liên hệ đến một trải nghiệm quá khứ, nhằm tìm kiếm lời khuyên cho một vấn đề đang gặp phải ở hiện tại. Nó khác hồi tưởng truyền tải ở chỗ chỉ xảy ra khi chủ thể đang gặp khó khăn, và cũng không nhất thiết có yếu tố chia sẻ với người khác.
Kiểu hồi tưởng này mang tính xây dựng. Nó giúp ta đối mặt trực tiếp với những điều tiêu cực trong quá khứ để tìm ra bài học hữu ích cho hiện tại. Chính vì vậy, nó thường xuyên được áp dụng trong tư vấn tâm lý. Tư vấn viên sẽ đặt các câu hỏi gợi mở, giúp ta phản chiếu quá khứ một cách hiệu quả, từ đó tìm hướng giải quyết cho vấn đề đang gặp.
6. Hồi tưởng tích hợp (integrative reminiscence)
Kiểu hồi tưởng này kết hợp cả những ký ức đẹp và xấu của một trải nghiệm, giúp bạn trả lời câu hỏi “vì sao việc này lại xảy ra?”. Kết quả là bạn hiểu bản thân tốt hơn, hoặc tìm ra gốc rễ của một vấn đề kéo dài và có cách can thiệp phù hợp.
Trong nhiều trường hợp, hồi tưởng tích hợp giúp ta hiểu được sự khác biệt giữa lý tưởng và thực tế, chấp nhận những đặc điểm mình không thể thay đổi và tìm ra cách sống chung với chúng.
Chẳng hạn bạn khi mới ra trường luôn vật lộn với làm việc đa nhiệm (multitasking) và thường bị sếp quở trách vì điều này. Dù đã cố gắng, bạn không hiểu tại sao mình không thể làm việc kiểu “ba đầu sáu tay” hiệu quả như những đồng nghiệp khác.
Rồi bạn tình cờ tìm hiểu được rằng, người hướng nội thường không giỏi xử lý quá nhiều thông tin cùng một lúc (medium.com). Khi xâu chuỗi lại mọi việc, bạn mới nhận ra những đồng nghiệp giỏi làm đa nhiệm đều hướng ngoại, trong khi bạn là người hướng nội - đây chính là gốc rễ vấn đề.
Bạn hiểu ra đây là đặc điểm của bản thân. Và thay vì tiếp tục gồng mình làm việc đa nhiệm, bạn loại trừ những công việc yêu cầu kỹ năng này và tìm con đường sự nghiệp khác phù hợp hơn với bản thân.
Ứng dụng từng kiểu hồi tưởng trong cuộc sống
Vậy là trừ hồi tưởng ám ảnh, 5 kiểu hồi tưởng còn lại đều có vai trò riêng trong cuộc sống. Chẳng hạn khi gặp một vấn đề, ta có thể áp dụng chúng như sau:
- Hồi tưởng thoát ly để “chạy trốn” khi quá căng thẳng với hiện tại (nhưng đừng chìm đắm quá lâu).
- Hồi tưởng cụ thể để tìm kiếm những kinh nghiệm có thể áp dụng lại.
- Tìm đến bố mẹ, thầy cô hoặc sếp để xin kinh nghiệm từ quá trình họ hồi tưởng truyền tải.
Về sau khi nhớ lại sự kiện này, ta hồi tưởng tường thuật để ôn lại kỷ niệm cũ, hoặc hồi tưởng tích hợp để hiểu bản thân hơn. Nhưng cũng có thể xảy ra biến cố khiến ta rơi vào hồi tưởng ám ảnh, gặp nhiều khó khăn trong khôi phục cuộc sống. Trong trường hợp này, cần tìm kiếm sự giúp đỡ càng sớm càng tốt.