9 Kiểu “văn mẫu” chúng ta vẫn hay lừa dối bản thân | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
30 Thg 10, 2022
Chất Lượng Sống

9 Kiểu “văn mẫu” chúng ta vẫn hay lừa dối bản thân

Theo Mark Manson, chúng ta không giỏi làm trọng tài cho các cảm xúc của mình. Vì vậy, nói dối chính mình là cách dễ nhất để ta cảm thấy tốt hơn.
9 Kiểu “văn mẫu” chúng ta vẫn hay lừa dối bản thân

Nguồn: Vin Stratton @ Unsplash

Được chuyển ngữ từ bài viết “9 Subtle Lies We All Tell Ourselves”, đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Hồi còn học đại học, tôi khá chắc kèo rằng tôi muốn trở thành một cố vấn đầu tư tài chính làm việc ở phố Wall. Chỉ một năm sau, ước mơ đó trở thành hiện thực - để rồi tan thành mây khói. Bởi tôi nhận ra mong muốn làm cố vấn đầu tư của mình không mãnh liệt bằng mong muốn trở thành người có ảnh hưởng rộng.

Cũng có một thời gian nọ tôi đinh ninh rằng, mình bị bạn gái cũ “đá” vì không đủ tốt. Vậy là tôi phải chứng minh bản thân mình với bất kỳ cô gái nào tôi gặp bằng cách chiều chuộng và bù đắp cho họ. Sau rất nhiều lần như vậy, tôi mới nhận ra rằng mình hoàn toàn ổn, thậm chí ổn hơn rất nhiều nếu không ở bên cô ấy.

Tôi cũng từng nghĩ, mọi cảm xúc tồi tệ mình từng trải qua đều do một chấn thương tiềm ẩn nào đó gây nên. Vì vậy chỉ cần vượt qua chúng là tôi có được sự chuyển mình mạnh mẽ. Nhưng kỳ thực là, có những lúc bạn thấy tệ chỉ vì bạn thấy tệ thôi.

Chúng ta không giỏi làm trọng tài cho cảm xúc của chính mình. Vì vậy để cảm thấy tốt hơn, thì lừa dối cảm xúc là cách dễ dàng và nhanh chóng nhất. Thế nên nhiều điều ta vẫn coi là “sự thật” về cơ bản chỉ là cách để ta chống lại một sự thật đắng lòng nào đó.

Việc nói dối bản thân giúp ta thế chấp những nhu cầu dài hạn để đổi lấy sự thỏa mãn tức thời. Thế nên có thể nói “phát triển bản thân” đơn giản chỉ là quá trình học cách bớt lừa dối bản thân lại, hạ thấp cái tôi xuống để nhận ra lỗ hổng trong tư duy của mình. Nếu để ý, bạn sẽ nhận ra có những kiểu “văn mẫu” tương đồng trong cách chúng ta lừa dối bản thân như sau:

1. “Nếu mình đạt được X, thì cuộc sống đã tốt hơn rất nhiều”

Mỗi người sẽ điền vào dấu X một đáp án khác nhau: Kết hôn, sinh con, được thăng chức, tăng lương, mua nhà mới, xe mới, du lịch thế giới, vân vân và mây mây. Dù vậy, các đáp án này có một điểm chung: là điều mà trạng thái không hài lòng của chúng ta ở hiện tại khao khát muốn có được.

Đây thực ra là bản năng tự nhiên của con người. Điều này cũng tồn tại ở nhiều loài linh trưởng: những con có tham vọng lớn thường có khả năng sống sót và sinh sản thêm nhiều hơn. Đây là một chiến lược xuất sắc để tiến hóa, nhưng tệ hại để đạt được hạnh phúc.

Nếu cứ giữ lối tư duy “không hài lòng với những gì mình có”, ta sẽ không bao giờ tìm thấy hạnh phúc ở hiện tại. Về lý thuyết, ta có thể học cách thay đổi cách suy nghĩ. Nhưng đây vốn là bản năng con người, vậy cách duy nhất để chống lại nó là học cách sống chung với nó. Ta có thể thực hiện bằng việc học cách tận hưởng thử thách, sự thay đổi và những cung bậc cảm xúc khi theo đuổi một mục tiêu cao hơn.

Một quan niệm sai lầm của thế giới self-help là đặt việc “enjoy cái moment này” và “cố gắng cho tương lai tươi sáng hơn” vào tình thế đối nghịch. Thực tế hai việc này không hề mâu thuẫn nhau, thậm chí còn tồn tại được song hành. Nếu cuộc sống là một cuộc đua không ngừng nghỉ, thì mục tiêu không phải là chạy đến đích, mà là tìm ra cách để biến việc chạy thành niềm vui.

2. “Nếu mình có nhiều thời gian hơn, mình sẽ làm việc X”.

Cái này thì tôi phải nói thẳng - tất cả chỉ là ngụy biện. Nếu bạn thật sự muốn, bạn sẽ tìm cách làm việc đó bằng được; còn không muốn, thì sẽ tìm lý do để thoái thác.

Chẳng hạn tôi muốn lướt những con sóng bạc đầu, nhưng cứ thử lướt được vài giờ là tôi mất sạch hứng thú. Tôi cũng thấy việc chơi cờ giỏi cool ngầu lắm, nhưng tôi không muốn dành quá nhiều thời gian cho nó. Nhưng riêng việc học tiếng, thì tôi thực sự muốn nói lưu loát nhiều ngôn ngữ. Vì vậy, tôi dành ra một khoảng thời gian để học ngoại ngữ mỗi ngày.

Nhiều người muốn khởi nghiệp, muốn có cơ bắp 6 múi hay muốn chơi đàn điêu luyện. Nhưng thực tế là họ không “muốn” chúng, bởi nếu thực sự muốn thì họ sẽ dành thời gian và quyết tâm cho chúng rồi. Cái mà họ thực sự “muốn” là hào quang của những mục tiêu này, chứ không phải là mồ hôi và nước mắt đi kèm để đạt được chúng.

27oct2022pexelsandreapiacquadio3764164jpg
Nếu bạn thực sự muốn đạt một mục tiêu, bạn sẽ tìm cách. Còn nếu không, bạn sẽ tìm lý do. | Nguồn: Pexels

“Mình bận lắm” chỉ là cái cớ để thoái thác, vì bận rộn cũng là một sự lựa chọn đầu tư về thời gian. Ví dụ nếu bạn làm việc 80 tiếng một tuần, đó là điều bạn muốn hơn bất kỳ thứ gì khác trên đời, vì nó giúp bạn kiếm được nhiều tiền hơn. Nếu thực sự muốn đạt một trong các mục tiêu trên, bạn hoàn toàn có thể giảm bớt việc để dành nhiều thời gian hơn cho chúng.

3. “Nếu mình nói hoặc làm điều X, mọi người sẽ nghĩ mình ngốc”

Sự thật là mọi người không quan tâm đến bạn nhiều như bạn nghĩ. Mà kể cả nếu họ quan tâm thật, thì họ sẽ để tâm đến những gì bạn nghĩ về họ nhiều hơn. Thực tế bạn không sợ người khác sẽ nghĩ bạn nhảm hay ngu ngốc, mà bạn sợ chính mình sẽ suy nghĩ như vậy.

Lời nói dối này bắt nguồn từ cảm giác bất an rằng bạn không đủ tốt. Nó không liên quan đến việc những người xung quanh bạn tốt xấu thế nào. Và thực tình họ cũng chẳng quan tâm đâu, bởi họ đã quá bận rộn lo lắng xem bạn nghĩ gì về họ rồi.

4. “Nếu mình nói hoặc làm điều X, người ấy sẽ thay đổi”

Bạn không bao giờ thay đổi được người khác, mà chỉ có thể giúp họ thay đổi chính mình. Nếu bạn nghĩ chỉ cần làm thêm một việc sẽ khiến người kia thay đổi theo ý mình, thì bạn đang gắn bó với người ấy theo cách không lành mạnh, hoặc bạn gặp vấn đề trong việc đặt ranh giới.

Nếu muốn hỗ trợ hay khuyên nhủ ai đó, bạn phải làm một cách vô điều kiện, chứ đừng nên mong đợi sự thay đổi kỳ diệu nào xảy ra. Yêu thương một người là chấp nhận con người đầy khuyết điểm của họ, chứ không phải con người hoàn hảo mà bạn muốn họ trở thành.

5. “Mọi việc đều tuyệt vời/Mọi việc đều tệ hại”

Trong hình này, ly nước nửa đầy hay nửa vơi là do cách nhìn của bạn. Mọi việc trên đời cũng vậy, nên hãy chọn cách nhìn đúng đắn nhất cho từng trường hợp.

27oct2022halffullhalfemptyjpg
Ly nước nửa đầy hay nửa vơi là do cách nhìn của bạn. | Nguồn: Markmanson.net

6. “Chắc chắn có điều gì đó sai về mình/Mình khác biệt theo một cách tiêu cực”

Kiểu tư duy này là nền tảng của sự xấu hổ cá nhân, rằng có điều gì đó ở mình khiến mình trở nên sai trái hoặc khác biệt theo cách không tốt. Chúng ta vốn được khuyến khích so sánh bản thân với các tiêu chuẩn xã hội, và tư duy này là hệ quả của việc đó.

Đây chính là quá trình xã hội hóa (socialization). Nó vốn dĩ phục vụ một mục đích tốt là giúp con người tiếp thu những đặc điểm văn hóa được chấp nhận bởi số đông vào nhân cách của họ, từ đó học cách cùng tồn tại với nhau. Nếu không có quá trình này, thì chúng ta có lẽ đã chém giết lẫn nhau để lấp đầy bụng khi đói.

Nhưng mặt trái của xã hội hóa là nó khiến chúng ta hình thành niềm tin nội tại, rằng ta không đủ tốt, không xứng đáng để được yêu thương. Một số người nội tâm hóa những niềm tin này nhiều hơn người khác, đặc biệt nếu họ từng bị lạm dụng hoặc gặp chấn thương tâm lý. Lâu dần nó làm ta đánh giá thấp mọi hành động và suy nghĩ của mình, vì vậy mà không ngừng đau khổ.

Thế nhưng vấn đề thực sự nằm ở chỗ, chúng ta sợ hãi việc phải từ bỏ niềm tin này. Bởi ở một khía cạnh khác, nó khiến ta trở nên đặc biệt. Nhờ nó mà ta có thể dễ dàng đóng vai nạn nhân, hay nghĩ mình cao thượng trong suốt phần đời còn lại.

Nếu ta từ bỏ niềm tin này, cũng là từ bỏ quyền làm người đặc biệt để trở nên vô danh trong biển người ngoài kia. Vì vậy mà ta cố chấp giữ lấy nó, và đeo nó như một tấm huân chương danh dự. Bởi đó là danh tính duy nhất mà ta biết…

7. “Mình muốn thay đổi, nhưng lại không thể vì X…”

Trừ khi X là “mình không thực sự muốn”, thì tư duy này cũng chỉ là ngụy biện. Giống như câu văn mẫu thứ 2 ở trên, bạn chỉ đang tìm lý do để bao biện. Nếu bạn thực sự muốn thay đổi thì bạn đã tìm bằng được cách thực hiện. Còn nếu không, thì thực tế là những gì đang làm bạn khốn khổ cũng đang khiến bạn có lợi theo một cách vô thức nào đó.

Tôi từng gặp một khách hàng có mong muốn khởi nghiệp. Nhưng anh lại đổ lỗi cho sự bất công của nền kinh tế và hệ thống xã hội hiện nay khiến anh không thể thực hiện ý tưởng đó. Sau khi trò chuyện, anh có nhận ra một vài niềm tin của anh thực chất chỉ là lý do để bao biện cho việc anh vốn đã không vui.

Nhưng anh vẫn không làm. Bởi hóa ra việc đổ lỗi cho hệ thống xã hội không chỉ giúp anh trốn tránh hành động, mà còn cho anh cái cớ để đóng vai “người đặc biệt”. Anh tin rằng nếu anh được thử khởi nghiệp thì chắc chắn anh sẽ thành công - nhưng xã hội không cho anh làm thế!!!

Do đó, anh thà bám víu lấy sự khốn khổ để có cớ chửi đời, còn hơn là thử liều mình một lần rồi thất bại.

8. “Mình không thể sống thiếu X”

Không phải vậy đâu. Trong hầu hết trường hợp, bạn hoàn toàn có thể. Sau khi đi đến nhiều nơi hoang sơ và thiếu thốn, tôi nhận ra rằng con người có khả năng thích nghi cực kỳ nhanh chóng.

Tôi (và nhiều người khác) từng bán hoặc cho đi khá nhiều tài sản của mình để bắt đầu cuộc sống mới. Thực sự tôi chỉ nhớ chúng một thời gian ngắn, sau đó thì tôi hoàn toàn ổn. Lâu nay chúng ta đã chịu ảnh hưởng nhiều từ chủ nghĩa tiêu dùng. Có lẽ vì vậy mà chúng ta quên rằng, thực tế ta đã có mọi thứ mình cần.

Tâm lý chúng ta có khả năng thích ứng cực nhanh với những gì có sẵn trong tự nhiên, từ đó tìm ra cách đáp ứng mọi nhu cầu của ta. Và khi vượt ngoài một mức độ thoải mái nhất định, điều quan trọng không phải là những gì ta làm hay sở hữu, mà là ý nghĩa ta tìm thấy ở những hoạt động hay mối quan hệ này.

Tối ưu hóa cuộc sống để nâng cao ý nghĩa cho từng trải nghiệm bạn có - đây chính là thước đo của thành công.

9. “Mình biết mình đang làm gì”

Chúng ta thường định hướng cuộc sống bằng những phỏng đoán. Nhưng thực tế, nó là một quá trình thử-và-sai diễn ra liên tục, và không ai nói chắc được điều gì.