Sách self-help: Yêu hay ghét? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpLET’s GO
12 Thg 06, 2022
Chất Lượng Sống

Sách self-help: Yêu hay ghét?

Hơn cả yếu tố giải trí hay làm giàu tâm hồn, tôi luôn khát khao học được những bài học rõ ràng, có tính ứng dụng cao từ sách self-help. Nhưng nó cũng là dòng sách gây cho tôi nhiều khó chịu nhất.
Sách self-help: Yêu hay ghét?

Nguồn: Shiromani Kant/Unsplash

Bạn có trải qua cảm giác vừa yêu vừa ghét sách self-help?

Lần đầu tiên tôi cầm lên cuốn sách Đắc Nhân Tâm là năm 15 tuổi. Khi đó tôi mới học cấp hai, thường xuyên lang thang cuối tuần với cô bạn thân ở phố sách Đinh Lễ.

Tâm hồn tôi lúc đó như tờ giấy trắng, hầu như chưa biết gì về đối nhân xử thế cuộc đời. Thế nên khi nhìn thấy dòng giới thiệu “Tác giả Dale Carnegie – ‘Ông tổ’ của dòng sách self-help (tự lực)” in đậm trên bìa sách, tôi liền chú ý, cầm lên ngó nghiêng.

Thấy vậy, cô bạn tôi dòm vào bảo: “Tao chúa ghét những kiểu sách mà tác giả dạy đời mình phải sống thế này, thế kia! Đọc sốt ruột lắm!” Nghe thế, tôi vội buông ngay cuốn sách xuống.

Mặc dù khi đó với tôi khái niệm “self-help” mới chỉ rất lờ mờ, lời nói kia của người bạn cũng đủ khiến tôi lập tức cảm thấy xấu hổ. Cảm giác như mình vừa bị bắt quả tang đang “có vấn đề” và cần cầu cứu người khác chỉ cho biết sống thế nào mới là đáng sống. Cảm giác ngượng ngùng này theo tôi đến vài năm sau đó.

Lần thứ hai tôi cầm lên cuốn Đắc Nhân Tâm là năm 19 tuổi. Khi đó tôi đã là sinh viên năm hai đại học, với nhiều vấn đề về trưởng thành, va vấp trong quan hệ giữa người với người.

Lần này có thêm điểm khác là tôi bắt gặp cuốn sách ở phiên bản tiếng Anh tại một hiệu sách ngoại văn cũ gần Hồ Tây. Tựa gốc của nó dài hơn nhưng thu hút tôi ngay: How to win friends and influence people (tạm dịch: Làm sao để có bạn bè và tạo ảnh hưởng đến người khác).

Đọc thêm lời giới thiệu trên bìa sách và lướt qua nội dung, tôi biết thêm đó là cuốn sách được xây dựng dựa trên các câu chuyện kinh doanh, đối nhân xử thế của các doanh nhân lớn, những người tạo ra ảnh hưởng, ít nhất là về mặt kinh tế cho xã hội hiện đại.

“Chà, khá là thú vị đấy nhỉ.” Tôi nghĩ thầm, định bụng sẽ quay lại đọc tiếp cuốn sách sau. Nhưng một sự kiện xảy ra đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ ít nhiều.

Thời điểm đó, tôi đang chuẩn bị cho chuyến đi nước ngoài đầu tiên tới Mỹ và Peru để dự hội nghị APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương).

Đó là năm 2008, cả thế giới chao đảo vì khủng hoảng tài chính. Là một sinh viên ngành Quốc tế học, tôi cũng đã nghe nói ít nhiều về cuộc khủng hoảng này, nhưng phải đặt chân đến hội nghị APEC rồi, tôi mới thấm thía được ảnh hưởng của nó lớn đến như thế nào. Hầu hết mọi nguyên thủ quốc gia, chuyên gia tài chính, chủ doanh nghiệp lớn đều xuất hiện trong hội nghị với những cái chau mày mệt mỏi.

Tôi còn nhớ ông trưởng đoàn của tôi, một giáo sư người Mỹ, đưa cho sinh viên truyền tay tờ quảng cáo của chương trình năm ngoái (năm 20o7) và nói hãy nhìn vào các thương hiệu tài trợ in ở bìa sau: General Motors, Lehman Brothers…

“Trời ơi, họ đều đã phá sản hoặc đang bên bờ vực phá sản!” – Tôi sững sờ. Càng theo dõi sát hội thảo, càng nghe thêm nhiều điều về khủng hoảng kinh tế, tôi càng nhận ra những cái tên – những doanh nhân “sừng sỏ” mà cuốn Đắc Nhân Tâm nhắc đến nay đang khốn đốn như thế nào.

Nghĩ về lời hẹn quay lại đọc cuốn sách, tôi chần chừ: Liệu lời khuyên của họ có giá trị không khi bản thân họ hiện rơi vào tình huống như thế này? Nếu thực sự là “vĩ nhân,” tại sao họ còn gặp thất bại lớn đến thế?

Tất nhiên, bây giờ nhìn lại, tôi hiểu rằng việc thất bại trong kinh doanh không đồng nghĩa với việc những bài học về cuộc sống của họ là sai, hay cách đối nhân xử thế của họ không hợp lý. Chúng ta đôi khi học được nhiều hơn từ những câu chuyện thất bại. Nhưng tôi của năm 19 tuổi thì không nghĩ được đến thế.

Lần thứ ba tôi cầm lên cuốn Đắc Nhân Tâm là năm 25 tuổi. Mọi thứ sau 6 năm đã hoàn toàn đổi khác. Kinh tế thế giới dần ổn định. Hiệu sách ngoại văn cũ năm nào đã chuyển sang một ngõ nhỏ ở phố Châu Long. Còn tôi thì đã đi làm và cũng ít nhiều được thực tế dạy cho thế nào là “đắc nhân tâm.”

Lần này tôi cầm cuốn sách lên, không ngại ngùng, không giấu diếm, không bị thúc ép về thời gian. Lần đầu tiên, tôi đọc nhập tâm từ đầu cuốn sách. Nhưng thật ngạc nhiên, tôi không hề thích cuốn sách này.

Dù có cố gắng tập trung đến đâu, tôi cũng không thể đọc quá một nửa cuốn sách. Và đó cũng là lần cuối cùng tôi cầm lên cuốn sách này.

Nhưng tôi không thích không có nghĩa rằng Đắc Nhân Tâm không phải là một cuốn sách thú vị. Tôi từng biết rất nhiều người, đặc biệt những người làm kinh doanh, đã học được nhiều điều bổ ích từ cuốn sách này. Nhiều người còn khẳng định đây là cuốn sách đã làm thay đổi cuộc đời họ. Thậm chí cho tới tận bây giờ, sau gần 90 năm ra mắt phiên bản đầu tiên, Đắc Nhân Tâm vẫn là một cuốn sách được mọi người tìm đến nhiều nhất trong dòng self-help.

Như vậy, nói một cách chính xác hơn, cuốn sách này và tôi không hợp nhau.

Nhìn lại, khó có thể chỉ ra một lý do duy nhất khiến tôi không thích cuốn sách này. Nó có thể là vì cách tiếp cận của cuốn sách quá kinh doanh, quá “thị trường.” Có lẽ vì phong cách viết, vì lối suy nghĩ và tính cách của tác giả không hợp với tôi… Vì lý do gì đi chăng nữa, việc đọc cuốn sách này khiến tôi nhận ra điểm đặc biệt của dòng sách self-help.

Sách self-help rất dễ đọc, nhưng cũng rất kén người đọc

Nếu hợp, sách có thể trở thành tài liệu thiêng liêng, quý giá, thân thiết – mỗi lúc gặp bế tắc trong cuộc sống thì mở ra xem (tựa như Kinh thánh vậy). Nhưng nếu không hợp, rất khó để đọc qua dù chỉ một chương.

Kể từ khi nhận ra điều này, tôi đọc rất nhiều sách self-help. Đặc biệt khi khả năng đọc tiếng Anh của tôi tốt hơn và tiếp cận được nhiều hơn những loại sách self-help hiện đại, tôi nhận ra rằng self-help có rất nhiều loại.

Không chỉ có sách về kiếm tiền, về kinh tế, mà còn về cuộc sống, về con người. Như thể nếu ta có bất kể vấn đề gì trong cuộc sống, thị trường sách self-help sẽ có cuốn trả lời ngay vấn đề đó của ta.

Có cả những loại sách self-help thiên về học thuật, sử dụng những tài liệu nghiên cứu khoa học để chứng minh cho luận điểm của mình (như The Defining Decade hay Quiet). Đây là loại sách mà cá nhân tôi thích đọc.

Tại sao tôi yêu sách self-help?

Tôi yêu sách self-help vì những cuốn sách này luôn dạy cho tôi những điều mới lạ, chạm đến những phần thầm kín trong tôi mà những cuốn giả tưởng hay học thuật không thực sự với tới được.

Tác giả thành công của dòng sách này, hoặc là họ phải làm nghiên cứu rất lâu, hoặc họ phải sống qua rất nhiều thăng trầm (hoặc cả hai) để viết được những cuốn sách nhiều thông tin và sâu sắc.

Mỗi lần gấp lại một cuốn self-help hay, tôi đều cảm thấy mình được truyền thêm cảm hứng, đầu óc được gợi mở, và có thêm động lực để làm những điều tôi muốn. Mặc dù trong thâm tâm, tôi, cũng như người bạn thân năm 15 tuổi của mình, không thích nghe người lạ “lên lớp” về cuộc sống. Chẳng có ai trong chúng ta thích điều đó cả.

Chẳng ai thật sự thoải mái khi đọc cuốn sách nói rằng cuộc sống hiện tại của ta chưa thật sự tốt và hô hào ta phải làm gì đó để thay đổi lối sống của mình. Nhưng liệu có ai trong chúng ta có thể khẳng định rằng cuộc sống của mình hoàn hảo? Liệu có ai trong chúng ta có thể vỗ ngực và nói rằng ta không cần phải học thêm, không cần phải thay đổi thêm gì cho cuộc sống tốt hơn?

Tất cả những người thành đạt nhất mà tôi biết, họ đều đọc rất nhiều. Thậm chí họ đọc cả những cuốn sách về thành công được viết bởi những người dưới tầm thành công của họ. Họ đọc vì họ biết, mình vẫn có thể phát triển hơn nữa, để ngày mai có thể khôn ngoan hơn, trưởng thành hơn hôm nay.

Nguồn Ryoji IwataUnsplash
Bài học thành công có thể đến từ bất kỳ ai. | Nguồn: Ryoji Iwata/Unsplash

Bản thân tôi là một người yêu văn học và từng viết truyện ngắn và thơ rất nhiều khi còn đi học. Nhưng càng lớn lên, thời gian đọc càng ngắn lại, tôi buộc phải ưu tiên sách phi giả tưởng lên trên giả tưởng. Hơn cả yếu tố giải trí hay làm giàu cho tâm hồn, tôi luôn khát khao học được những bài học rõ ràng, có tính ứng dụng cao, có khả năng làm thay đổi cuộc sống của mình một cách sâu sắc.

Ngoài ra, “triết lý” đọc sách của tôi rất đơn giản. Nếu như tôi đầu tư thời gian và tâm sức đọc một cuốn sách và học được ít nhất một điều mới (chỉ một điều thôi cũng được) từ cuốn sách đó, tôi cho vậy là hài lòng. Coi như mọi công sức, thời gian, sự tập trung của tôi đều đã được đền đáp.

Khi nào tôi "hết yêu" sách self-help?

Có thể nói sách self-help là dòng sách tôi thích nhất, nhưng đồng thời cũng là dòng sách gây cho tôi nhiều khó chịu nhất.

Có quá nhiều sách self-help hiện nay trên thị trường. Đôi lúc tôi cảm thấy như ai cũng có thể xuất bản sách self-help, với một ít trải nghiệm, một ít khả năng viết lách (và một ít tiền?).

Có những cuốn bìa ngoài, tiêu đề “hoành tráng” nhưng ruột thì mỏng tang, loanh quanh một vài câu chuyện gượng ép. Có những cuốn khác tuy viết tốt, nội dung phong phú, khiến cho người đọc cuốn vào, nhưng đọc đến cuối cùng cũng chỉ quanh đi quẩn lại một thông điệp cũ rích.

“400 trang sách chỉ để lặp đi lặp lại một ý: ‘Muốn thành công hãy làm việc chăm chỉ hơn’ – Thật sao? Có cần viết nhiều như vậy chỉ để tóm gọn một câu như thế không? Thật khó chịu vô cùng!” – FightMediocrity, một Youtuber hay bình luận về sách self-help, từng bức xúc kết luận như vậy.

Tôi cũng từng gặp phải tình trạng này, không chỉ một lần. Chính vì thế, tôi càng ngày càng “kỹ tính” hơn trong việc chọn đọc sách self-help.

Một điều nữa khiến tôi khó chịu với dòng sách này là vì nó khiến nhiều người trở nên “nghiện” tuyên ngôn, khẩu hiệu, lúc nào cũng nói về những điều mình có thể làm thay đổi thế giới… nhưng lại không làm gì cả. Bạn có biết ai đó như vậy không?

Những người mà chỉ nằm nhà ngồi không đọc sách, rung đùi nghĩ mình một ngày nào đó sẽ thành Warren Buffett, thành Bill Gates? Những người mà đọc được vài chương sách đã chỉ tay năm ngón, phát xét người khác là như thế này, thế kia, trong khi bản thân mình thì chưa nhúc nhích được làm gì để thay đổi cuộc sống của chính mình?

Đối với những người này, đọc thêm sách self-help chỉ làm bài mòn thêm ý chí mà thôi. Bởi vậy, đối với dòng sách này, đọc phải đi đôi với hành động. Nếu không, hậu quả có thể còn tệ hơn rất nhiều khi chưa đọc sách.

Nên đọc sách self-help thế nào?

Đối với sách self-help, trước khi quyết định đọc nghiêm túc, tôi thường đứng ngay tại tiệm sách đọc nhanh qua nội dung chính, phong cách viết, và cách tiếp cận của tác giả. Nếu không thể ra tiệm sách thì có thể lấy vài chương đọc thử miễn phí trên mạng.

Ngoài ra, tôi còn tìm đọc thêm bình luận của nhiều người đã đọc qua cuốn sách mình đang quan tâm. Nếu có thể, tôi tìm hiểu trước về tác giả, xem qua các bài phát biểu để hiểu phần nào về họ trước khi thực sự “cam kết” bản thân với một cuốn sách.

Đối với tôi, chọn đọc sách self-help là chọn mở lòng mình cho tác giả chạm đến những phần mong manh nhất của bản thân, từ đó tìm được sự đồng cảm sâu sắc và thay đổi cuộc sống của mình. Bởi vậy, tôi luôn cảm thấy mình cần tin tưởng tác giả và cuốn sách trước khi mở lòng mình.

Nguồn Clay BanksUnsplash
Chọn đọc sách self-help có khi là chọn mở lòng mình cho tác giả chạm đến những phần mong manh nhất của bản thân. | Nguồn: Clay Banks/Unsplash

The Present Writer có phải là self-help blog?

Mỗi khi cầm một cuốn sách mới lên, tôi thường cảm thấy như mình đang bắt đầu làm quen với một người bạn mới. Và cũng như trong cuộc sống – có người sẽ trở thành bạn thân ngay lập tức, có những người sẽ mãi mãi chỉ là bạn bè xã giao – sách cũng sẽ có cuốn hợp, cuốn không. Nhiều khi không phải do sách hay hay sách dở, mà là do cái duyên, sự gắn kết, và thời điểm đúng khi đến tay người đọc.

Bởi thế, tôi luôn cảm thấy thú vị khi nghe một ai đó giới thiệu về The Present Writer: “Đây là blog về phong cách sống”, “Đây là blog về tối giản”, “Đây là blog về tư duy tích cực”, hay “Đây là blog về self-help.”

Thú vị là bởi dường như blog này có thể là bất cứ điều gì mà bạn đọc cho là điều đó (là bạn đọc chứ không phải là tôi!). Bản thân tôi vốn không phải là người thích gọi tên cho những sản phẩm sáng tạo của mình và cũng chưa bao giờ hạn chế văn viết của mình ở bất kỳ một thể loại hay một đề tài nào nhất định.

Và có thể vì thế, nhiều bạn đọc dễ tìm được sự đồng cảm, cảm hứng sống, và lời khuyên hữu ích ở đâu đó nơi đây. Tôi lấy làm tự hào nếu bạn cho đây là “self-help blog” vì self-help là thể loại tôi yêu thích, và tôi hy vọng mình không lặp lại những điều “khó chịu” nếu trên của dòng văn viết này.

Nhưng đối với tôi, The Present Writer đơn thuần chỉ là một blog về cuộc sống, mà cuộc sống thì muôn màu muôn vẻ. Nó có thể là bất kỳ thứ gì bạn muốn, dưới bất kỳ hình hài nào bạn thích, và đến với bạn ở mọi thời điểm bạn cần.