AI hát ai nghe? | Vietcetera
Billboard banner
28 Thg 04, 2023
Sáng TạoÂm NhạcTóm Lại Là

AI hát ai nghe?

AI (Trí tuệ nhân tạo) có thể tạo ra âm nhạc nhưng liệu có thể thay thế ca-nhạc sĩ? 
AI hát ai nghe?

AI làm nhạc thế nào mà xáo trộn làng nhạc thế giới?

1. Chuyện gì vừa xảy ra?

Ngày nảy ngày nay, có một tài khoản là Ghostwriter đã dùng AI để tạo ra những sản phẩm âm nhạc gốc sao chép âm nhạc của nghệ sĩ khác. Cụ thể ngày 25/04 vừa qua, tài khoản này đã đăng tải một bài hát với sự “góp giọng” của hai ngôi sao âm nhạc là Bad Bunny và Rihanna do trí tuệ nhân tạo làm ra.

Trước đó, Ghostwriter đã khiến nhiều người ngỡ ngàng khi tung ra bài hát Heart On My Sleeve mô phỏng phong cách âm nhạc và giọng hát của hai nghệ sĩ Drake và The Weeknd.

Khi Heart On My Sleeve được đăng tải trên các nền tảng trực tuyến, bao gồm cả Apple Music, Spotify, YouTube, TikTok, nó đã nhanh chóng trở thành hit với hàng triệu lượt nghe. Bài hát bị gỡ ngay sau đó nhưng vẫn là minh chứng cho thấy Al đang “xâm chiếm” ngành ghi âm.

Công chúng cũng dễ dàng nhìn thấy AI “làm giả” các giọng hát và bản nhạc khác nhau trên YouTube. Ví dụ như: Lana Del Rey hát Amy Winehouse (phiên bản AI) hay Kanye West hát Shake It Off của Taylor Swift nhưng do trí tuệ nhân tạo làm ra.

2. AI làm nhạc thế nào?

Heart On My Sleeve do Ghostwriter tạo ra là ví dụ hoàn hảo để mô tả cách AI tạo ra một bài nhạc như thế nào: Nghe giống như nghệ sĩ thật hát; lời bài hát gốc (original lyrics) và Beat được đánh giá là phù hợp để “leo top” (ngay lập tức thịnh hành trên TikTok.)

Không quá phức tạp để tạo ra một Ghostwriter, khi AI đã thực sự lớn mạnh trong từng lĩnh vực riêng lẻ để làm nên một sản phẩm âm nhạc gồm: sáng tác, sản xuất, trình bày, hậu kỳ.

  • AI Music Composer: Những AI được đào tạo để sáng tác thông qua việc truy cập vào kho nhạc có sẵn và tạo ra những sản phẩm tương tự. Người sử dụng có thể tạo ra bài hát bằng một số tiêu chí như tâm trạng (mood), nhịp độ (tempo), thể loại (genre). Một số AI tiêu biểu trong mảng này như Amper Music, Aiva, Jekedeck, Amadeus Code, Humtap, Ecrett Music, Soundraw…
  • AI Lyrics generators: Nếu ChatGPT có khả năng thay thế con người trong việc viết lách (nội dung nói chung), Midjourney thay thế thiết kế đồ hoạ 2D, 3D thì các AI như Aiseo, Toolbaz, Audoir, BoredHumans… có thể viết ra lời bài hát thông qua các từ khoá, cảm giác, tâm trạng mà bạn đưa ra.
  • AI Music Production: Những AI như Amper Music, Aiva, Amadeus Code, Odesli, Melodrive có thể sản xuất âm nhạc dựa trên việc xác định và thay đổi hợp âm, đề xuất giai điệu…

Bên cạnh ba yếu tố kể trên, những trí tuệ nhân tạo như AI Sound changer (biến giọng hát thành nhạc cụ; hoặc biến một âm thanh của nhạc cụ này thành âm thanh của nhạc cụ khác;) AI Mastering (tạm dịch: hậu kỳ âm nhạc), AI music separation (AI tách lời và giai điệu)…. cũng góp phần hoàn thiện việc AI tạo ra âm nhạc.

3. Ngành âm nhạc phản ứng ra sao?

Các cá nhân (nghệ sĩ) và ngành âm nhạc (hãng ghi âm, nền tảng trực tuyến) đang có những phản ứng mạnh mẽ trước tình trạng AI “xâm chiếm" ngành này. Có người tỏ ra thất vọng, tức giận nhưng cũng có người cho rằng đây là cơ hội để tạo ra thứ âm nhạc tuyệt vời hơn.

Ở cấp độ nghệ sĩ, rapper Drake là người đầu tiên lên tiếng phản đối khi Ghostwriter tạo ra bài hát dựa trên sáng tạo và phong cách nghệ thuật của anh. Trong khi đó, ca sĩ - nhạc sĩ Grimes có vẻ như ủng hộ AI.

Ca sĩ, nhạc sĩ Grimes cùng Elon Musk. | Nguồn: Getty Images.

Nữ nghệ sĩ đăng tải lên Twitter, sẽ chia 50% tiền bản quyền cho bất kỳ bài hát nào do AI tạo ra khi sử dụng giọng hát của cô. Có nhiều câu chuyện đằng sau phát biểu này của Grimes, liên quan đến việc cô kết thúc hợp đồng với hãng ghi âm Columbia Records; hay vấn đề “giết chết bản quyền” mà cô đề cập tới.

Nếu các nghệ sĩ đối mặt với AI ở khía cạnh giả mạo, tính sáng tạo thì ở cấp độ ngành âm nhạc, AI thực sự là một thách thức. Các hãng ghi âm và các nền tảng trực tiếp phải đối mặt với các vấn đề như bản quyền, luật pháp, doanh thu…

Hãng thu âm lớn nhất thế giới - Universal Music Group đã cảnh báo về “sự giả mạo và gian lận” do AI tạo ra. Theo đó, người tạo ra và sử dụng AI phải “có trách nhiệm pháp lý và đạo đức cơ bản để ngăn chặn việc sử dụng dịch vụ của họ theo cách gây hại cho các nghệ sĩ.”

4. AI có thể thay thế nghệ sĩ âm nhạc?

Ở hiện tại, AI đang gây ra một cuộc xáo trộn nho nhỏ trong thị trường âm nhạc, ở cả người sáng tạo lẫn khán giả thưởng thức. Những sản phẩm do AI làm ra có thể bất ngờ và gây tò mò nhưng nhìn chung vẫn mang lại cảm giác “giả trân”, chất lượng âm thanh không cao…

DJ, nhà sản xuất âm nhạc David Guetta cho rằng tương lai ngành âm nhạc nằm ở trí tuệ nhân tạo. Sở dĩ anh nhận định như vậy bởi sự lớn mạnh và sự thay đổi của âm nhạc trong thời gian qua gắn liền mật thiết với công nghệ. Guetta cũng cho rằng, AI sẽ là công cụ của các nhạc sĩ trong tương lai.

Tờ The Verge đặt câu hỏi, AI có khả năng tạo ra âm nhạc nhưng liệu điều đó có khiến AI trở thành nghệ sĩ? Câu hỏi này đáng suy ngẫm, nhưng liệu một nhóm nhạc KPop như aespa có cả phiên bản người thật và AI sẽ được hiểu như thế nào?

Bạn có thể cho rằng AI tạo ra một cuộc cách mạng trong thế giới âm nhạc, nhưng ở thời điểm hiện tại, điều này mới chỉ ở trên bề mặt. AI có thể là một công cụ tốt nhưng rất khó để thay thế các nhà soạn nhạc hay nhạc sĩ là con người.

5. Còn ai ám ảnh AI?

Từ Elon Musk (ông chủ Tesla, Twitter…) đến Mark Zuckerberg (Meta/Facebook) đều có những ám ảnh nhất định về AI. Nếu như Elon muốn tạo ra TruthGPT, thì Zuckerberg tiếp tục dành một khoản đầu tư lớn của Meta để phát triển AI. Thậm chí có người còn mỉa mai rằng Mark Zuckerberg sẽ đổi tên Meta thành MetAI.

Không thể phủ nhận, có một cuộc chạy đua phát triển AI, đặt ra nhiều vấn đề khác nhau khi công nghệ AI ngày càng phát triển. Tuy nhiên, cũng đã có không ít người lo sợ về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo nói chung.

Nhóm nhạc Kpop Aespa vừa có phiên bản người thật vừa có phiên bản AI | Nguồn: SM Entertainment.

Ian Hogarth là một nhà đầu tư của hơn 50 dự án khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo ở châu Âu và Mỹ từ năm 2014. Tới năm 2021, ông thành lập quỹ đầu tư Plural chuyên về mảng công nghệ, và bản thân Ian là "nhà đầu tư thiên thần" của một số công ty đi đầu trong lĩnh vực này. Ông cũng là đồng tác giả của báo cáo thường niên về ngành công nghiệp AI.

Trong một bài viết dài trên Financial Times, Ian Hogarth bày tỏ nỗi lo về sự phát triển của AI mà ông cho là quá nhanh: "nhanh tới mức chính những người làm ra chúng không thể kiểm soát sản phẩm của mình."

Ian điểm tên một số nguy cơ từ hiện tượng này, sau đó đào sâu vào những lỗ hổng bên trong ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo: thiếu minh bạch, thiếu giám sát, và nguy hiểm nhất là phát triển sản phẩm để cạnh tranh lợi nhuận, chứ không vì lợi ích của con người.

Từ đó, ông kêu gọi ngưng việc phát triển các mô hình trí tuệ nhân tạo lớn cho tới khi có một quy trình hoàn thiện về việc giám sát, kiểm soát AI, cũng như đảm bảo chúng sẽ đứng cùng bên với những lợi ích và giá trị của con người.