AI thắng con người còn nghệ thuật đã chết? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

AI thắng con người còn nghệ thuật đã chết?

A.I vẽ tranh Midjourney là một dạng anti-artist (phản nghệ sĩ?)
AI thắng con người còn nghệ thuật đã chết?

Nguồn: Midjourney/Jason Allen.

1. Điều gì vừa xảy ra?

Tác phẩm Théâtre D’opéra Spatial của nghệ sĩ nghiệp dư Jason Allen vừa được trao giải nhất hạng mục nghệ thuật số hôm 29/08 trong 1 triển lãm của bang Colorado, Mỹ.

Bức tranh mô tả một buổi biểu diễn opera tráng lệ trong không gian. Các nét vẽ được cộng đồng nhận xét là điêu luyện, hình ảnh mang nét cổ điển với sự xuất hiện của một đại sảnh theo kiến trúc Baroque, cùng một ô tròn đầy nắng làm điểm nhấn (theo Vice.)

Theo Morningbrew, Jason Allen đã tạo ra khoảng 900 hình ảnh biến thể cùng một chủ đề nhà hát opera trong không gian thông qua AI Midjourney. Sau đó, anh đã chỉnh sửa và hoàn thiện những tác phẩm yêu thích bằng Adobe Photoshop rồi in chúng lên những tấm canvas.

2. Tranh cãi nổ ra sau đó là gì?

Sự việc này gây chú ý và dẫn đến tranh cãi gay gắt, khi Jason Allen “khoe” trên Discord của cộng đồng Midjourney về chiến thắng này. Genel Jumalon, họa sĩ hoạt hình từng đoạt giải ENNIE chỉ trích, "Ai đó đã tham gia một cuộc thi nghệ thuật với tác phẩm do AI tạo ra và giành giải nhất. Thật tồi tệ làm sao."

Tuy nhiên, đây chỉ là khởi đầu cho một cuộc thảo luận lớn hơn về nghệ thuật, đạo đức hết sức sôi nổi trên cả Twitter, Reddit và kênh Discord của Midjourney. Các chủ đề được bàn tán chủ yếu xoay quanh bản chất nghệ thuật đích thực và ý nghĩa của việc trở thành nghệ sĩ.

3. AI vẽ tranh là giết chết nghệ thuật đích thực?

Trên tờ New York Times, Jason Allen (tác giả của Théâtre D’opéra Spatial) quả quyết rằng trí tuệ nhân tạo sẽ tiếp tục phát triển và không dừng lại. Jason chia sẻ, "Nghệ thuật chết rồi. AI thắng. Con người thua." Không ít người cũng cùng suy nghĩ này, nhưng ở góc độ lo lắng về tương lai của nghệ thuật.

Nhiều người bày tỏ sự lo ngại về những thứ AI làm được. "Chúng ta đang chứng kiến cái chết của nghệ thuật ngay trước mắt mình” hay “những kỹ năng cao đòi hỏi ở người nghệ sĩ có nguy cơ lỗi thời.”

Có người lại cho rằng AI chính là một dạng Anti-Artist (phản nghệ sĩ) cũng như đặt ra câu hỏi, tính đạo đức ở đâu khi AI có thể cướp mất công việc của nhiều họa sĩ minh họa, nhân viên thiết kế?

Đó có phải là nghệ thuật đích thực? Hay nghệ thuật đã chết vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ. Cuộc tranh luận vẫn sẽ tiếp tục diễn ra chứng nào còn có người thực hành và thảo luận về nó.

Ở hiện tại, những tác phẩm do Midjourney tạo ra vẫn dựa nhiều trên ý tưởng của con người. Tương tự, những phong cách nghệ thuật trong các tác phẩm này cũng đang dựa trên tác phẩm của những nghệ sĩ nổi tiếng. Suy cho cùng, đây vẫn là một công cụ được tạo ra bởi con người và phục vụ con người.

4. Góc nhìn nào tươi sáng về A.I vẽ tranh?

Bên cạnh những cái nhìn hoài nghi kể trên, không ít người vẫn tỏ ra tích cực về tương lai của nghệ thuật với AI. Những người lạc quan cho rằng, nghệ thuật sẽ phát triển và thích ứng với các công nghệ mới ra đời. Thi ca, âm nhạc... cũng đã từng có những câu chuyện tương tự do AI sáng tạo nên.

Một số cho rằng chúng giúp tạo ra nhiều tác phẩm mẫu hay giao tiếp dễ hơn với khách hàng. Hoặc đây có thể là bước đầu tiên trong quá trình sáng tạo, mở ra nhiều khả năng mới.

Những công việc mất hàng tiếng đồng hồ như tạo ra hình ảnh bối cảnh trong game nay chỉ cần mất vài phút với AI. Vấn đề ở đây không phải là AI cướp mất việc làm mà đòi hỏi nghệ sĩ sẽ phải xuất sắc hơn. Họ sẽ phải hoàn hiện tác phẩm bằng tài năng và kỹ thuật mà họ sở hữu.

5. Tại sao ta nên cẩn thận với AI vẽ tranh?

Trên thực tế, hàng triệu người đang "chơi" với các công cụ tạo hình ảnh được hỗ trợ bởi AI như DALL-E và Midjourney. Cùng với đó, hàng tỷ tác phẩm nghệ thuật mới đã và đang được tạo ra trên thế giới.

Nhiều người người dùng Midjourney (thậm chí là AI vẽ tranh trên TikTok) bởi vì tò mò. Có người tạo ra tác phẩm có phần đáng kinh ngạc (ví dụ như Jason Allen) nhưng đa số tác phẩm chỉ để... vui chơi.

Trang Techcrunch cho rằng, tất cả các sản phẩm hình ảnh tạo trên Midjourney không phải là sáng tạo của riêng bạn, hoặc chí ít việc bản quyền vô cùng rối rắm.

Bên cạnh đó, những người sử dụng Midjourney ngoài mục đích tò mò cần xem xét tính pháp lý và bản quyền khi sử dụng vào các mục đích khác (như thương mại chẳng hạn.) Người sử dụng cũng có thể gặp rắc rối và có thể bị tố "đạo nhái" khi sử dụng nền tảng này.