Ở các nước phương Tây, văn hoá bàn ăn kiểu quý tộc phức tạp đến mức người ta đã chuẩn hoá thành bộ quy tắc và mở lớp học cho nó. Còn ở châu Á, chúng ta hay nói tới cốt-cách trong chuyện ăn uống một cách tế nhị hơn, nhưng không kém phần cầu kỳ, tinh tế.
Ít ai khi bàn về ăn uống mà nói rằng ợ hơi là một điều tốt, tiếng xì xụp khi ăn có thể tạo cảm giác ngon miệng và ăn bằng tay là một thú vui.
Chúng ta thường xuyên “gồng" trong ăn uống để giữ-phép-lịch-sự, nhưng thực tế bạn không nhất thiết phải vậy.
Nhai chóp chép, húp xì xụp? Đừng... dừng lại.
Đây là những âm thanh tạo ra khi ăn mì, soup, hoặc uống rượu. Người Trung Quốc và Nhật Bản có quan niệm sợi mì đại diện cho sự trường thọ. Vì vậy khi ăn mì, họ sẽ “hút” trọn cả sợi thay vì cắn đứt thành miếng nhỏ.
Tại Nhật Bản, phát ra tiếng động lớn khi ăn cũng thể hiện cho việc bạn đang cảm thấy rất ngon miệng. Âm thanh ăn uống của bạn cho người đầu bếp biết họ đã nấu thành công mà không cần phải hỏi “Món ăn có vừa miệng không?”.
Về mặt sinh lý học, khi ăn no, cơ thể sẽ sản sinh ra hormone serotonin - một trong 4 loại hormones khiến chúng ta hạnh phúc. Video ASMR hoặc mukbang là minh chứng cho việc sử dụng âm thanh để kích thích cảm giác này.
Những âm thanh có phần “kì quặc” của một người ngồi ăn một mình hoặc chạm vào các đồ vật thông dụng thu hút về hàng triệu views bởi chúng gợi lên sự “êm dịu trải dài khắp cơ thể”, giúp giải toả căng thẳng, dễ ngủ.
Tiếng xì xụp khi ăn phát ra từ cái hít hơi dài của mũi kết hợp cùng lúc với búp vị giác trên lưỡi. Đây là điều thường thấy trong bất kì bộ phim Hàn Quốc nào. Bạn có đồng ý rằng nhìn họ ăn rất ngon mà không hề có vẻ thô thiển không?
Ợ thế nào thì được coi là dễ thương?
Cũng giống như hắt xì hơi, ợ khiến cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn. Điều bạn không thích về ợ không hẳn là vì âm thanh phát ra, hay mùi hương có phần khiếm nhã. Bạn chỉ không thích việc ợ của mình vì nó làm phiền người xung quanh, biến bạn thành một kẻ bất lịch sự trong-mắt-người-khác.
Bé sơ sinh có hệ tiêu hóa còn non yếu, các van trong dạ dày hoạt động chưa đồng bộ nên khi bú, bé dễ nuốt hơi vào dạ dày. Lượng hơi “dư thừa” này làm bé dễ no hơn và dẫn tới hiện tượng nôn trớ khá phổ biến. Bởi vậy, người lớn thường hay vỗ vào lưng để bé có thể ợ ra hơi thừa như một cách hỗ trợ tiêu hoá.
Khi lớn lên, không ai vỗ lưng chúng ta nữa. Vì thế, ợ là một phản ứng bình thường của cơ thể khi bạn ăn quá nhanh, hoặc uống nước có ga...
Mặt khác, nếu không thể thải lượng không khí thừa ra khỏi cơ thể, chúng ta còn phải đối mặt với sự đầy hơi, chướng bụng khó chịu. Vào lúc này, ợ là “vị cứu tinh” của bạn.
Theo kinh nghiệm dân gian và y học cổ truyền, cơ thể có một huyệt gọi là trung-quản. Khi bị đầy hơi, có thể kết hợp xoa bóp bụng theo chiều kim đồng hồ với ấn nhẹ vào trung quản, sẽ giúp đẩy khí dư ra ngoài hiệu quả và cảm thấy dễ chịu ngay lập tức.
Tóm lại, ợ là một phản ứng của cơ thể để tự bảo vệ và tự cân bằng. Bạn hoàn toàn có thể biến phản ứng tự nhiên của mình trở nên lịch sự hơn bằng cách quay mặt ra ngoài, hoặc đi ra chỗ không có ai và giải toả nỗi niềm rồi quay lại bàn ăn. Thậm chí người ta sẽ thấy sự xấu hổ ý nhị này của bạn là một điều dễ thương nữa là khác.
Ăn bằng tay là chân ái
Bạn đã từng mở lòng bàn tay cho ai đó xem chỉ tay chưa? Đôi bàn tay chúng ta ẩn chứa rất nhiều điều. Nó mang trong mình sự rắc rối của thuật tướng pháp đến những khảo nghiệm của khoa học. Hình dáng, độ ẩm, màu sắc, nhiệt độ của bàn tay, độ dài ngắn của ngón tay, độc nhất vô nhị của vân tay, chỉ tay…
Người ta cũng nói những biến thiên trong lòng bàn tay có tương quan với thể trạng, tính cách, bệnh tật và thân phận của mỗi người. Càng nhìn vào lòng bàn tay, càng nhận ra nhiều khám phá kỳ thú. Chúng ta nhiều khi miên man trong những điều kỳ diệu bất khả tri đó, rồi chiêm nghiệm với bản thân mình và thấy cuộc đời này thật đáng sống.
Các cao nhân sành ẩm thực đã đúc kết thành một nghệ thuật, rằng những bí quyết để giữ và làm thăng hoa hương vị tự nhiên của những món ăn truyền thống là chúng phải được chế biến bằng đôi tay trần.
Nếu bạn đến ăn sushi ở một nhà hàng Nhật mà thấy đầu bếp đeo bao tay khi chế biến, thì có lẽ bạn nên dừng ăn ở nhà hàng đó. Người Nhật khi ăn sushi cũng cầm bằng tay, xoay mặt cá xuống dưới để chấm nước tương.
Ở phương Tây, những món ăn nhẹ thưởng thức bằng tay có tên gọi là "finger-food". Những món này thường bao gồm một lát bánh mì nướng nhỏ, topping món ăn kèm bên trên (thịt nguội, pho mai, cà chua, cá hồi hun khói v.v...). Finger-food thường được phục vụ trước bữa ăn chính, giúp tạo ra cảm giác thân thiện, gần gũi hơn giữa các vị khách trên bàn ăn.
Người Ấn Độ cũng là một dân tộc nổi tiếng với thói quen "ăn bốc", do ảnh hưởng từ Phật giáo và Hồi giáo. Họ cho rằng, đồ ăn thức uống của con người có được là do đấng tối cao ban cho, nên khi đón nhận, phải dùng tay trần một cách thành kính.
Người Ấn cũng cho rằng, 5 ngón tay tượng trưng cho 5 yếu tố: không gian, không khí, lửa, nước, Trái Đất. Việc ăn bằng tay sẽ giúp kích thích 5 yếu tố này và tiết dịch tiêu hóa trong dạ dày, làm cho người ăn thấy ngon miệng hơn.
Vì sao chúng ta yêu những món ăn đạm bạc nhà làm? Bạn có đồng tình rằng đó là bởi có đôi bàn tay của bà, của mẹ truyền vào tình yêu thương vô hình không?
Vậy nên nếu bạn muốn ăn bằng tay thì đó cũng là một điều hết sức bình thường. Chỉ bằng một cái chạm tay vào món ăn của mình, chúng ta sẽ biết được những điều mà đôi mắt không thể nhìn ra.
Mỗi ngày đều là một ngày vui
Niềm vui là cảm xúc mang tính phổ quát. Nó không phân biệt văn hoá, địa vị, nghề nghiệp, chủng tộc hay giới tính. Ai cũng có thể tận hưởng thú vui khi ăn.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng viết rằng việc thưởng thức một chén trà ngon rất gần với chánh niệm. Có nghĩa là nếu nhận ra “phương pháp” uống trà, chúng ta cũng sẽ sống trọn vẹn, hạnh phúc hơn.
Chỉ khi thực sự có mặt trong phút uống trà, bàn tay bạn mới có thể cảm nhận được hơi ấm dễ chịu. Chỉ khi đó, bạn mới ngửi được mùi hương, nếm được vị ngọt, thưởng thức được những điều tế nhị, nhỏ bé. Nếu quẩn quanh trong quá khứ hoặc lo lắng đến tương lai, bạn sẽ hoàn toàn bỏ lỡ trải nghiệm thưởng trà. Bạn sẽ chỉ nhìn xuống chén và thấy trà đã biến mất.
Cuộc sống cũng giống như vậy. Bạn đã bỏ lỡ cảm xúc, hương thơm, sự tao nhã và vẻ đẹp xung quanh mình mà vẫn luôn có cảm giác bị bỏ lại phía sau. Khi thôi ngẫm nghĩ về những gì đã đến, ngừng lo lắng về những điều có thể không bao giờ xảy ra, bạn sẽ sống với hiện tại. Từ đó, bạn sẽ bắt đầu trải nghiệm niềm vui trong cuộc sống.