5 Mẹo gây ấn tượng đậm sâu ngay 7 giây đầu gặp gỡ | Vietcetera
Billboard banner
03 Thg 01, 2023
Cuộc SốngTâm Lý Học

5 Mẹo gây ấn tượng đậm sâu ngay 7 giây đầu gặp gỡ

Trung bình bạn có 7 giây để quyết định “mình là ai” trong mắt người mới, bạn sẽ làm gì?
5 Mẹo gây ấn tượng đậm sâu ngay 7 giây đầu gặp gỡ

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Khảo sát của Forbes cho biết, chúng ta chỉ cần 7 giây để phán đoán sơ bộ về một con người, và 10 giây để bắt đầu kết luận “người này có đáng tin hay không?”. Dù là vô thức hay có ý thức, những đánh giá trong thời gian ngắn ngủi này đều hoàn toàn có logic và cơ sở từ tâm lý con người.

Nắm bắt ngọn ngành cách tâm lý vận hành khi gặp gỡ và xây dựng các mối quan hệ mới sẽ giúp ta dễ dàng ghi điểm hơn trong các tình huống xã hội, đặc biệt là khi phỏng vấn, gặp gỡ bạn bè, hay mở rộng networking.

Chúng ta thật sự “làm quen có chủ đích”

Bạn đã bao giờ gặp một người vừa nhìn đã mến?

Nghiên cứu từ SAGE Journals năm 2004 đã chỉ ra, chúng ta không hề kết bạn một cách ngẫu nhiên. Đằng sau mọi lời mời kết bạn là kết quả phân tích chớp nhoáng của não xem liệu người này có mang lại “giá trị” gì cho ta trong tương lai hay không. Giá trị ở đây không chỉ thuần vật chất mà có thể là sự đồng điệu cảm xúc, uy tín, tin tưởng, giúp đỡ nhau đi lên,…

Một ví dụ đơn giản: “Bạn này nói chuyện hài, đi chơi với nó chắc sẽ vui lắm”. Đây gọi là Predicted Outcome Value Theory - dịch: Thuyết Dự đoán Giá trị Nhận lại, cho chúng ta động lực và lý do kết thêm các vòng tròn quan hệ mới (Sunnafrank & Ramirez, 2004).

Từ nghiên cứu này, có thể lý giải những người ít bạn mặc dù đã cố gắng làm quen, là vì họ đã bỏ quên những yếu tố giúp bản thân trở nên lôi cuốn. Họ quá tập trung vào việc "đẩy" thay vì "kéo".

Vậy thì yếu tố giúp bản thân trở nên lôi cuốn là gì? Làm sao để duyên dáng hé lộ ưu điểm ngay từ 7 giây đầu gặp gỡ? 5 chiến thuật tâm lý sau đây sẽ giúp bạn.

5 Cách giúp ta trở nên thu hút từ giây phút đầu tiên

Nhớ tên một ai đó

“Tên một người là âm thanh thân thương và quan trọng nhất với họ, dù là ở ngôn ngữ nào” - Dale Carnegie trong Đắc Nhân Tâm đã nhấn mạnh. Việc bạn ghi nhớ tên một ai đó cho thấy rằng bạn quan tâm và giữ một ấn tượng nhất định với họ - đáp ứng nhu cầu được nghe và thấu hiểu của con người, dù 2 bạn chỉ là người mới quen.

alt
Gọi một người bằng tên riêng sẽ tạo cảm tình rằng bạn đang quan tâm đến sự hiện diện của họ.

Nếu được hãy gọi tên người mới trong suốt cuộc trò chuyện, như bạn Thanh, anh Thanh, chị Thanh,... để bày tỏ sự tôn trọng và tử tế. Việc nhớ tên còn giúp bạn ghi điểm trong mắt người đối diện và trở nên khác biệt hơn so với những người không nhớ tên (tất nhiên là nếu những người kia không biết đến quy tắc này).

Ngày nay, mẹo nhớ tên một người đang ngày càng phổ biến đặc biệt trong ngành Sales. Vì thế, chúng ta cần phối hợp nhiều hơn 1 chiến thuật để gây được ấn tượng đầu tiên.

Mặc đẹp chứ không mặc cảm

7 giây đầu gặp gỡ sẽ cho người khác ấn tượng về ngoại hình bạn ngay trước khi bạn kịp lên tiếng. Và dù không muốn thừa nhận, chúng ta đều vô thức đánh giá một người dựa trên ngoại hình của họ, điều này là hết sức hiển nhiên khi con người vốn có xu hướng duy mỹ, hướng về cái đẹp.

Từ đó, mặc đẹp sẽ giúp chính chủ xây dựng “bộ mặt” đẹp, ấn tượng sâu, ghi dấu thật lâu trong lòng mọi người sau mỗi cuộc gặp gỡ. Cách bạn chỉn chu trong ăn mặc cũng thể hiện rằng bạn đang tôn trọng chính mình, là tiền đề để người khác biết cách đối xử và tôn trọng bạn.

Vậy thì cần nằm lòng những nguyên tắc cơ bản nào để mặc đẹp?

  • Thoải mái là chân ái: quần áo chật chội thừa trước thiếu sau khiến chúng ta bị đau, phải ngồi lại chỉnh đốn gây mất điểm. Hãy chọn đồ thoải mái và an toàn nhất có thể.
  • Quần áo thẳng thớm: chỉ vài nếp nhăn cũng dễ khiến bạn trông lôi thôi. Bạn có thể chọn những loại vải ít nhăn, như vải voan, kate, cotton lạnh, khi dự sự kiện nhé.
  • Giữ giày sạch sẽ: một đôi giày chỉn chu cũng nói lên nhiều điều về thân chủ nó. Hãy siêng làm sạch giày, và hạn chế mang dép lê vào những dịp trang trọng nhé.
  • Hợp hoàn cảnh: quần áo khi đi làm - đi chơi - đi họp mặt gia đình sẽ khác nhau. Hãy chú ý những quy tắc “ngầm” ví dụ như đi ăn đám cưới không ăn bận rực rỡ lấn át “spotlight” của cô dâu chú rể.

Tự tin là chính mình

Bạn đã từng trở về nhà sau một ngày ngoại giao gặp gỡ, lòng không ngừng dằn vặt về những chuyện đã xảy ra? “Ước gì mình đừng nói câu đùa ngớ ngẩn đó, mình làm không khí trở nên ngượng ngùng, lỗi tất cả là tại mình”.

Có 1 sự thật rằng thật ra người khác thích bạn nhiều hơn bạn nghĩ. The Spotlight Effect (Hiệu ứng Tâm điểm) chỉ ra rằng chúng ta là tâm điểm trong thế giới của riêng mình, từ đó ta vô tình chú ý nặng nề đến sai lầm vặt của bản thân và cho rằng người khác cũng như thế.

Một vết bẩn trên áo hay vết son không đều có thể khiến ta hoảng loạn sợ người ngoài đánh giá. Nhưng thực ra sai sót của bạn chỉ như gió thoảng mây bay trong đầu người khác, vì họ cũng đang bận tâm trong “thế giới” của riêng họ.

Lời khuyên ở đây là, bất cứ khi nào bạn lo âu khi bước vào một khán phòng nào đó, hãy nhẩm rằng ta chỉ đang bị chi phối bởi “The Spotlight Effect” và rằng không ai ngoài kia quan tâm đến ta cả. Một khi đã gạt qua áp lực từ đám đông, bạn có thể luyện phong thái tự tin bằng cách:

  • Thả lỏng cơ thể, thử cầm ly nước hay danh thiếp trên tay để đỡ trống trong các buổi tiệc, sự kiện.
  • Thẳng lưng, đưa mình ra phía trước. Đừng khum vai hay cúi người vì trông bạn sẽ lúng túng, tạo cảm giác “thấp hơn”.
  • Nói chậm nhưng chắc, tốc độ chậm cho thấy bạn thoải mái từ bên trong.
  • Tập nhìn thẳng và không né tránh ánh mắt người khác.
  • Nghiên cứu cho thấy những người tự ti thường ngồi thu mình, co cụm và chiếm ít không gian xung quanh họ nhất có thể. Hãy đứng ngồi dứt khoát và chiếm đủ không gian cho bạn thoải mái.

Nói chuyện có duyên, dễ gây lưu luyến

alt
Những người hài hước hay pha trò thường hấp dẫn chúng ta một cách tự nhiên, tại sao lại thế?

Khi ta bật cười khoái chí một trò đùa nào đó, vỏ não trước trán sẽ được “kích hoạt”. Phần não này giúp ta xâu chuỗi thông tin, tạo cảm giác sảng khoái khi hiểu ra “chỗ mắc cười” của câu chuyện cười. Hiểu được rồi, 'khu vực phần thưởng' (reward area) trong não lại tiếp tục trỗi dậy, đây là khu vực hoạt động tích cực nhất khi cảm xúc chạm “đỉnh” như được crush đồng ý, được ăn ngon hay khen thưởng.

Đây là lý do ta trở nên “ghiền” cảm giác được vui khoái chí, biến “giải trí” thành một nhu cầu của con người trong mọi tình huống xã hội, và biến người hài hước trở nên thu hút lạ thường.

Ai cũng có thể trở nên duyên dáng và hấp dẫn hơn trong giao tiếp nhờ nắm bắt một số mẹo đơn giản như:

  • Không nên đem người đối diện ra đùa, an toàn nhất vẫn là đùa về chính mình.
  • Chú ý cảm xúc người nghe, thấy họ không phản ứng thì nên giải thích hoặc ngưng đùa lại vì có thể họ đang không “cảm” được ta.
  • Hoặc đơn giản nhất, hãy cười khi người khác đùa (dĩ nhiên là cười khi bạn thực sự thấy vui).

Ở một diễn biến khác, cố gắng trở nên hài hước sẽ dễ khiến ta vô tình “kém duyên” lúc nào không hay. Vậy, đâu là cách để né vô duyên?

  • Thừa nhận mình không biết thay vì chém gió tỏ ra “biết tuốt”.
  • Đừng đánh đồng trải nghiệm người khác cũng giống mình “Tưởng gì thất tình như bạn hồi đấy tôi cũng thế, bình thường mà”.
  • Lắng nghe, đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được.

Cùng sở thích là nhích

Những người càng giống nhau sẽ càng dễ thu hút nhau và kết bạn. Điều này được chứng minh qua bản năng con người từ thời cổ chí kim, khi ta phát triển khả năng phân biệt giữa đồng loại và kẻ thù. Và cách nhận diện “đồng loại” nhanh nhất là xác định điểm chung giữa cả 2: cùng ngoại hình, tính cách, sở thích…

Ngày nay, ta có thể dễ dàng tìm “đồng đội” của mình khắp mọi nơi. Một người nghe nhạc Taylor Swift sẽ thành cặp bài trùng với một người khác cũng mê Taylor, một Gen Z lướt TikTok sẽ tự động xích lại gần một Gen Z khác cũng làm TikTok.

Con người tìm hiểu nhau dựa trên sở thích và điểm chung. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải trở thành người "biết tuốt" để có thể làm quen với người khác. Mấu chốt nằm ở chỗ bạn mang lại cho họ cảm giác được quan tâm. Một số tips mà bạn có thể cân nhắc:

  • Đồng cảm cùng vui cùng buồn khi họ tỏ lòng về một bộ phim, tác phẩm, câu chuyện họ tâm đắc.
  • Đặt câu hỏi gợi ý cho họ kể thêm, thể hiện rằng ta đang quan tâm.
  • Chủ động tìm sở thích chung khác bằng việc ứng biến gợi mở theo tình huống “Sắp Tết rồi, cậu có tính đi du lịch không? Cậu thường du lịch ở đâu nhỉ?”

Nhìn chung, biết nắm bắt cảm xúc người khác trong ứng xử là một trong những kỹ năng EQ cần có để tạo nên thành công sau này.

Kết

Tóm lại, chúng ta có xu hướng tìm kiếm giá trị của từng mối quan hệ qua những đánh giá vô thức từ 7 giây đầu gặp mặt, rồi mới xác định muốn “đi” với người này hay không.

Một người sẽ hấp dẫn khi sở hữu nhiều ưu điểm mà người khác mong muốn có được. Để gây ấn tượng đậm sâu trong lòng người mới, trước tiên hãy gây ấn tượng với chính mình bằng kỹ năng mới, phẩm chất hay, hoàn thiện chính mình bạn nhé!