Anh cô đơn trong cuộc vui nhiều người | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
07 Thg 02, 2021
Điện ẢnhDVD

Anh cô đơn trong cuộc vui nhiều người

Những bộ phim khai thác chủ đề cô đơn đôi khi lại là một liệu pháp tinh thần giúp chúng ta vượt qua nó.

Anh cô đơn trong cuộc vui nhiều người

Cảnh phim 'Her' và 'Lost In Translation'. | Nguồn: Focus Features & Stage 6 Films.

Đạo diễn huyền thoại Orson Welles từng nói rằng: “Chúng ta sinh ra một mình, chúng ta sống một mình, chúng ta chết một mình. Chỉ có sự kết nối qua tình yêu và tình bạn, chúng ta mới có thể tạo ra một ảo tưởng rằng con người không đơn độc. "

Câu nói trên gợi nhớ đến hình ảnh của ông trùm truyền thông Charles Foster Kane chết đơn độc ở tòa lâu đài dang dở Xanadu trong kiệt tác để đời Citizen Kane.

Nỗi cô đơn luôn là một chủ đề lớn của điện ảnh. Và trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới phải sống trong cảnh giãn cách, “lockdown” vì dịch bệnh, những bộ phim khai thác chủ đề này đôi khi lại là một liệu pháp tinh thần giúp chúng ta vượt qua nỗi cô đơn. Hoặc ít nhất, được an ủi rằng, trên thế giới này có hàng triệu sinh linh phải đối mặt với nỗi cô đơn, không chỉ riêng ta.

Còn thở là còn cô đơn

Trong bộ phim Cast Away (2000) của đạo diễn Robert Zemeckis, tôi nhớ mãi phân đoạn Chuck Nolan (Tom Hanks) kể lại nỗi cô đơn cùng cực khi sống ở một hòn đảo hoang ngoài Thái Bình Dương trong suốt 4 năm trời sau một tai nạn máy bay. Chuck Nolan đã từng tìm đến cái chết để giải thoát khỏi sự đơn độc, nhưng cái chết chối bỏ anh. Và anh tiếp tục sống với nỗi cô đơn bủa vây, bởi “còn thở là còn cô đơn”.

alt
Nguồn: 20th Century Fox.

Thực ra Cast Away là một bộ phim về chủ đề sinh tồn, về cách mà con người chiến thắng thiên nhiên hoang dã. Đó là một bức chân dung đầy thú vị và mạnh mẽ của một Robinson Crusoe thời hiện đại, kẻ đã dùng liệu pháp tinh thần để sống sót và tồn tại. Nhưng đây đồng thời cũng là một bộ phim khai thác chủ đề cô đơn xuất sắc qua màn độc diễn của Tom Hanks.

Giữa bốn bề là biển cả và hòn đảo hoang không người sinh sống, Chuck Nolan phải tìm cách kết nối để thấy mình không đơn độc. May mắn thay, sóng biển đã đem tới Wilson, người bạn mới của anh và cũng là một… quả bóng chuyền trôi dạt. Wilson “kiệm lời”, cùng Chuck tâm sự, kể chuyện, chia sẻ, giận hờn và nhắc nhở anh rằng, phải chiến đấu để tồn tại.

alt
Chuck và người bạn thân Wilson. | Nguồn: 20th Century Fox.

Cũng như Chuck, chúng ta ai cũng có một Wilson, một “ego” của riêng mình. Vậy nên lúc Wilson bị trôi dạt giữa biển khơi mà Chuck Nolan không cách nào tìm lại được, anh đau đớn gào khóc như mất đi một người bạn tri kỷ. Đó là một phân đoạn có thể lấy nước mắt của người xem và diễn tả nỗi cô đơn cùng cực khi đánh mất sự kết nối cuối cùng trong cuộc sống, sự kết nối với chính mình.

Với Taxi Driver (1975), Martin Scorsese cũng tạo ra một kiệt tác điện ảnh, một bộ phim hay nhất từng được sản xuất qua diễn xuất kiểu “method acting” của Robert DeNiro. Lấy bối cảnh thành phố New York về đêm qua góc nhìn của Travis Bickle (DeNiro), một cựu chiến binh trở về từ Việt Nam mang theo vết thương PTSD (hội chứng chấn thương tâm lý sau chiến tranh), Taxi Driver trở thành một bộ phim bất hủ về character study (nghiên cứu nhân vật) mà ở đó, chủ đề cô đơn và sự cứu rỗi linh hồn nổi bật hơn cả.

alt
Thành phố New York về đêm qua đôi mắt của một kẻ cực đoan. | Nguồn: Columbia Pictures.

Bị chứng mất ngủ hành hạ và mối tình chớm nở tan theo mây khói sau một hành xử nóng vội, cơn thịnh nộ của Travis Bickle chực chờ bùng phát khi anh ta chứng kiến sự tồi tệ và dối trá, bẩn thỉu của New York về đêm. Và khi tìm cách để giải cứu một cô gái điếm vị thành niên (Jodie Foster đóng), gã lái taxi giận dữ đã biến thành một tên đao phủ loạn trí, thay trời hành đạo với một cái kết hỗn loạn và đẫm máu.

Taxi Driver được xem là bộ phim hay nhất về sự tăm tối của đô thị qua con mắt của một kẻ cô đơn và cô độc đến tận cùng. Đó là một bức chân dung tả thực sự suy sụp tinh thần của một gã đàn ông khi cả thế giới đều dường như xa lánh anh ta. Chủ đề cô đơn của bộ phim được nâng tầm mạnh mẽ với màn trình diễn đáng kinh ngạc của Robert DeNiro, biến Travis Bickle trở thành gã đàn ông cô độc nhất trong thế giới điện ảnh.

alt
Sự cô đơn đã khiến Travis đánh mất lý trí. | Nguồn: Columbia Pictures.

“Cô đơn” là một nguồn cảm hứng lớn cho những tác phẩm điện ảnh xuất sắc, Krzysztof Kieslowski, đạo diễn tài danh người Ba Lan cũng góp mặt với một bộ ba (trilogy) có tên là Three Colors (Ba Màu, 1992-1994) mà ông thực hiện trong những năm cuối đời.

Blue (Màu Xanh), phần đầu tiên trong bộ ba, được xem là phần hay nhất và thành công nhất. Với diễn xuất sầu muộn và đầy tinh tế của Juliette Binoche và tông màu xanh lam bao phủ suốt bộ phim, ta như cảm nhận được từng nỗi đau và sự cô đơn mà nhân vật nữ chính phải đối mặt.

alt
Nguồn: Rialto Film.

Sau khi phải đối mặt với nỗi đau cùng cực khi mất cả chồng và con gái bé nhỏ trong một tai nạn xe hơi, Julie (Binoche) tin rằng cách duy nhất để cô đối phó với sự mất mát của mình là hoàn toàn ngắt kết nối với quá khứ và bắt đầu một cuộc sống mới. Nhưng càng cố gắng cô lập bản thân với nỗi cô đơn trong suốt, những ký ức lại quay về một cách mạnh mẽ hơn và xâm chiếm cô.

alt
Nguồn: Rialto Film.

Rất ít thoại và triệt tiêu toàn bộ kịch tính, Three Colors: Blue là một quan sát đầy cảm động sự cô đơn của một người phụ nữ bị tàn phá về mặt cảm xúc khi đối mặt với mất mát quá lớn. Và chỉ khi đi đến tận cùng nỗi cô đơn đó, người ta mới có thể thoát khỏi nó để có thể bắt đầu lại cuộc sống.

Cô đơn giữa những tấp nập phồn hoa

Nếu những bộ phim nói trên khai thác nỗi cô đơn của con người khi sống trong một môi trường khắc nghiệt, một thế giới tách biệt, ẩn dật hoặc đánh mất khả năng kết nối với đám đông - thì cặp phim dưới đây lại là một ví dụ khác về nỗi cô đơn ngay cả khi họ sống giữa những tấp nập phồn hoa. Gọi đây là cặp phim dù ra đời cách nhau một thập niên, có lẽ vì hai đạo diễn làm ra chúng cũng đã từng một thời hạnh phúc bên nhau.

Có rất nhiều phim khai thác về nỗi cô đơn, lạc lõng của con người trong thời hiện đại, nhưng rất hiếm tác phẩm chạm được vào những điều riêng tư thầm kín của nhiều khán giả như Lost in Translation và Her.

alt
Nguồn: Focus Features & Stage 6 Films.

Cho dù cả hai đều đã ra mắt khá lâu, tôi vẫn thấy đây có lẽ là hai bộ phim tình bi (romance/drama) đương đại hay nhất từ đầu 2000 tới nay.

Hay, vì chúng vừa mang màu sắc cá nhân, mang nhiều nỗi niềm của những người sáng tạo, lại giàu giá trị phổ quát vì chia sẻ sự đồng cảm của rất rất nhiều đôi tình nhân, vợ chồng đang hoặc từng ở bên bờ vực của tan vỡ; và những kẻ luôn thấy mình lạc lõng trong cuộc vui nhiều người.

Lost In Translation và Her, cho dù kể hai câu chuyện khác nhau hoàn toàn, thực ra lại rất giống nhau và khám phá nhiều ý tưởng đồng điệu đến lạ lùng, đặc biệt là nỗi cô đơn và sự mất kết nối với cuộc sống.

Biên kịch kiêm đạo diễn của hai bộ phim này là Spike Jonze và Sofia Coppola (con gái đạo diễn phim Bố Già F.F Coppola) và cả hai đều đoạt giải Oscar cho Kịch bản gốc xuất sắc nhất nhờ hai bộ phim này. Spike và Sofia đều là nhà làm phim tài năng hàng đầu trong thế hệ của họ, đặc biệt là trong giới làm phim độc lập. Họ là những đồng nghiệp ngưỡng mộ tài năng của nhau trước khi yêu nhau. Cả hai kết hôn với nhau từ năm 1999 đến năm 2003 nhưng đã ở bên nhau nhiều năm trước đó.

alt
Sofia Coppola và Spike Jonze. | Nguồn: popsugar.

Khi họ chuẩn bị hoàn tất thủ tục ly hôn vào cuối năm 2003, thì bộ phim Lost in Translation của nữ biên kịch, đạo diễn Sofia Coppola cũng vừa ra mắt rộng rãi tại Mỹ sau khi gây tiếng vang lớn tại LHP Venice tháng 9 cùng năm. Bộ phim, được xem là lời tuyên bố cá nhân của Sofia Coppola về tình yêu và hôn nhân của mình, cho dù rất khó để nhận ra điều đó.

Trong phim, Scarlett Johansson đóng vai một cô gái trẻ theo chồng đến Tokyo để rồi phải đối mặt với sự cô đơn, lạc lối giữa thành phố đông đúc, xa lạ và bất đồng về ngôn ngữ. Cho dù là một cặp đôi mới cưới, anh chồng trẻ suốt ngày đi công tác xa và để cô lại một mình trong khách sạn sang trọng Park Hyatt Tokyo.

alt
Những kẻ đồng cảnh ngộ. | Nguồn: Focus Features.

Để rồi trong những ngày tháng cô đơn lạc lõng, cô gặp một nam diễn viên trung niên sắp về vườn (Bill Murray đóng không thể xuất sắc hơn) – người được mời sang Tokyo để quay quảng cáo về một loại rượu whisky. Giữa hai người bọn họ hình thành một mối quan hệ tri âm của những kẻ đồng cảnh ngộ, và cũng chỉ có thế (mà đoạn kết vẫn khiến ta xốn xang khi họ quyến luyến phút chia tay trên phố đông người).

Không oán trách, không hờn giận, không kêu than - ta chỉ thấy hình ảnh của cô vợ trẻ Charlotte (Scarlett Johansson) xuất hiện trong bộ phim với một nỗi cô đơn đến bình thản, thậm chí vô cảm. Cái dáng cô bước một mình với chiếc dù trắng dưới mưa trên đường phố đông đúc của Tokyo mà ta cảm giác như cô bước giữa chốn không người. Cái cách cô mặc chiếc quần lót mỏng manh ngồi trên bệ cửa sổ của khách sạn Park Hyatt nhìn ra ô cửa kính lớn bên ngoài mà ta cảm giác cô đang ở đâu đó xa xôi hoang lạnh tận Nam Cực. Cái cách cô nhìn mọi thứ xung quanh với một đôi mắt hờ hững, nụ cười thoáng qua trên gương mặt cô không biểu lộ một điều gì, không buồn cũng không vui.

alt
Nguồn: Focus Features.

Đó có lẽ là nỗi cô đơn mang màu sắc hiện sinh nhất trên màn ảnh mà tôi từng nhìn thấy. Cho đến khi tôi gặp lại nỗi cô đơn hiện sinh ấy ở gã nhà văn Theodore trong bộ phim Her.

Phải đến một thập niên sau, Spike Jonze mới tung ra bộ phim Her, được coi là câu trả lời của anh về những cảm xúc riêng tư của một người trong cuộc, dù cũng phải tinh ý lắm mới nhận ra. Bởi nếu Sofia Coppola kể một câu chuyện riêng tư mang màu sắc ý nhị, nhẹ nhàng và đậm đặc nữ tính thì cách mà Spike Jonze đáp lại cũng tinh tế, sâu sắc và quá nam tính (xin đừng hiểu nam tính theo kiểu đàn ông cơ bắp, đại trượng phu ăn sóng nói gió, mà đơn giản là cách một người đàn ông dám trung thực với cảm xúc, nỗi cô đơn và dám nhận trách nhiệm của mình).

Trong Her, Spike Jonze dùng màu sắc siêu thực cho một câu chuyện lãng mạn ở thời tương lai gần, khi công nghệ chi phối tất cả mọi mặt của đời sống. Theodore (Joaquín Phoenix) - gã nhà văn cô độc sắp li dị vợ, không thể tìm thấy sự kết nối tình cảm với con người, cuối cùng lại yêu một... giọng nói gợi cảm của một hệ điều hành thông minh nhân tạo đầu tiên trên thế giới mang giới tính nữ tên là Samantha (trùng hợp thay lại do Scarlett Johansson lồng tiếng với sự quyến rũ chết người).

alt
Tình nhân của Theodore. | Nguồn: Stage 6 Films.

Để diễn tả nỗi cô đơn của người đàn ông, đặc biệt là với diễn xuất xuất thần của Joaquin Phoenix trong vai gã nhà văn cô độc Theodore, biên kịch và đạo diễn Spike Jonze đã cho nhân vật của mình chìm trong những cơn trầm tư mặc tưởng hoặc nỗi cô đơn của một kẻ luôn thấy mình là kẻ xa lạ trong cuộc vui nhiều người.

alt
Dáng ngồi mệt mỏi, đôi mắt vô cảm giữa phố đông. | Nguồn: Stage 6 Films.

Điều này dẫn đến một lựa chọn cực đoan có phần biến thái của anh ta sau đó - yêu giọng nói của một hệ điều hành máy tính thông minh có khả năng đáp ứng tất cả mọi yêu cầu mà không cần đòi hỏi đáp lại.

Cũng giống như Sofia Coppola, Spike Jonze chỉ chia sẻ một câu chuyện riêng tư với góc nhìn của người nam mà không tìm cách đổ lỗi hay bày tỏ sự bực bội, nhỏ nhen với người nữ khi cuộc tình/hôn nhân của họ đang bên bờ vực kết thúc. Bộ phim, thậm chí còn như một lời xin lỗi nhẹ nhàng mà chính đáng của anh đến người phụ nữ từng đầu gối tay ấp một chặng đường đời.

Lost in Translation và Her, một cặp phim kỳ lạ ra đời cách nhau 10 năm, nói với chúng ta rất nhiều điều về những mối quan hệ tình cảm bấp bênh và nhiều đổ vỡ trong thời hiện đại. Về sự lạc lõng trong kết nối của hai kẻ yêu nhau, dẫn đến sự cô đơn và cô độc của hai kẻ dị mộng trên một chiếc giường xa cách.

Bởi có những mối quan hệ không thể tiếp diễn, dù họ vẫn yêu và tôn trọng nhau.

Cho đến khi cả hai chấp nhận dừng lại.

Và bước tiếp.