Bà Xuân Phượng: “Tại sao lại chờ chết? Cái chết phải chờ mình!” | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Bà Xuân Phượng: “Tại sao lại chờ chết? Cái chết phải chờ mình!”

“Mình chọn nghĩ đến điểm kết đấy luôn, còn lại là thời gian mình sống.”
Bà Xuân Phượng: “Tại sao lại chờ chết? Cái chết phải chờ mình!”

Nguồn: Khooa Nguyen cho Vietcetera

Điều gì sẽ gây tò mò nhất về một người ở tuổi 95? Là những chuyện đã qua trong đời họ? Hay những chuyện sẽ đến nối dài thêm tháng năm cuộc đời? Ở bà Xuân Phượng có cả hai. Cuộc đời bà đầy ắp câu chuyện để kể, để minh chứng cho câu nói thời gian rồi sẽ trả lời những câu hỏi.

Nghe lời chiêm nghiệm của bà về những buồn vui trong đời, về giấc mơ và về cách khép lại tất cả mọi thứ, chợt thấy những trăn trở trong đời xoay vần rồi cũng yên, đi qua thăng trầm khắc đến ngày dừng chân an lành.

Sức sống mạnh mẽ từ bức tranh chưa hoàn thiện

Trong tập này, bà Xuân Phượng chọn nói về một bức tranh không hẳn là… bức tranh, bởi vì nó là tổ hợp rất nhiều ký họa của họa sĩ Dương Bích Liên. Lúc bà mua “tranh” về, bồi lại giấy, đóng khung treo lên đã có vài người bạn nói: “Đây có phải là tranh đâu, ký họa vớ vẩn”. Bà lặng im không nói, những người đó không hiểu tranh.

Bình thường khi ký hoạ, người ta phác họa xong là đem bỏ, vẽ tiếp sang tờ thứ hai. Còn ông Dương Bích Liên, trên một khổ giấy chỉ khoảng chừng hơn một thước ông vẽ gần 100 ký họa. Tại vì ông không đủ điều kiện để có giấy thỏa sức vẽ, ông chỉ được nhà nước cấp cho một tờ.

Nhưng giới hạn đó không cản được niềm đam mê của ông. Trong một diện tích giấy vỏn vẹn 20 cm, ông có thể vẽ năm, sáu khuôn mặt đầy sống động, hiện lên hình ảnh những em bé ngơ ngác, đôi mắt trong veo.

alt
"Tôi trân trọng cái tác phẩm ấy quá, tôi thấy nó quý quá. Cái khó không làm ông ấy bỏ cuộc, cái khó làm cho ông ấy càng vẽ càng đẹp lên" - Bà Xuân Phượng nói về bức tranh của họa sĩ Dương Bích | Nguồn: Khooa Nguyen cho Vietcetera

Bà đưa bức tranh cho một người họa sĩ ở Viện Hàn Lâm Đức xem. Bà không nói gì, ông cũng không nói gì. Nhưng có lẽ cả hai cùng thấy một sự đồng điệu, họ nhìn ra thứ hiện hữu trên bức tranh không chỉ là nét bút, hình dáng mà còn là tinh thần vượt khó vươn lên của những họa sĩ Việt Nam. Sau đó, người họa sĩ quỳ xuống, hôn bức tranh và thốt lên: “Respect” (tôn kính).

Mọi người vẫn thường nhìn thấy một tác phẩm khi nó đã được hoàn thiện, ở một dáng vẻ chỉn chu, tròn trịa. Nhưng bức tranh đặc biệt của họa sĩ Dương Bích Liên lại cho ta thấy đôi khi những điều còn dang dở cũng ẩn chứa giá trị ý nghĩa không kém.

Vậy nếu ước mơ vẫn còn dang dở thì sao?

Tâm thế bà Xuân Phượng nhìn vào bức tranh của họa sĩ Dương Bích cũng là tâm thế của bà khi theo đuổi sự nghiệp mở phòng tranh. Với ước mong đưa nghệ thuật Việt Nam ra thế giới, bà mở biết bao triển lãm tranh ở nhiều quốc gia, người ngoài nhìn vào chắc mẩm bà giàu lắm.

Nhưng mỗi lần đưa đoàn họa sĩ đi, toàn người ít ra nước ngoài, không quen ăn đồ Tây, mà đồ ăn Việt bên đó thì đắt nên bà lại tất bật lo toan. Bên trong vali quần áo chẳng có bao nhiêu còn lại toàn là nước mắm, tỏi, ớt, mì chính, thậm chí có cả hai, ba thùng mì gói. Đi qua hải quan chỉ lo nơm nớp chai nước mắm bị lộ.

Bà dồn hết lòng, hết sức và… hết tiền như thế để đưa họa sĩ đi học hỏi, được mở mang tầm mắt chứng kiến những kiệt tác hội họa nổi tiếng. Cuối cùng, bà lãi được một dàn họa sĩ từ những người không được biết đến giờ tranh đều đã thành danh. Còn chính bà lãi nhất là được thỏa mãn niềm yêu, được đi thưởng lãm hội họa ở nhiều nơi và giúp đỡ được nhiều người đến vậy.

alt
Bà Xuân Phượng: "Mình bán phòng tranh đi đau đớn lắm, không khác gì mất một mối tình, mấc một đứa con đâu." | Nguồn: Khooa Nguyen cho Vietcetera

Thế nên, ngày phải bán phòng tranh, bà chẳng dám đi ngang chốn cũ trên con đường Pasteur để tránh chạm vào vết thương lòng. Đêm về thỉnh thoảng bà vẫn trằn trọc biết bao nhiêu điều chưa làm được, nhưng ngẫm lại trong 30 năm theo nghề, bà không "tự thấy hèn với mình". Bởi vì, bà chưa từng đánh mất sơ tâm, vẫn luôn hết mình đi trên con đường mình đã chọn làm, cho tới lúc chọn dừng.

Có gì ở phía sau giấc mơ và phía trước cái chết?

Sau khi chấp nhận đứa con tinh thần to lớn đã không còn, bà dồn hết tâm tư vào cuốn hồi ký Khắc đi Khắc đến, viết để cứu vớt mình khỏi nỗi buồn. Suốt ba thập kỷ mở phòng tranh, hay 95 năm sống trên đời, nghe thấy thật dài, nhưng trong mắt bà Xuân Phượng sao nhanh một cách lạ lùng. Người ta hay bảo thôi già rồi thì chết, còn với bà khi sống lâu lại càng sợ chết.

Nhưng bà chọn nghĩ đến điểm kết đấy luôn, còn lại là thời gian mình sống. Cái chết trong suy nghĩ của bà đã rõ hình hài, không mồ không mả, chỉ mong tro cốt hòa vào với dòng chảy của sông Hương để mình lại tiếp tục được viễn du mà chẳng cần xe cộ gì cả. Ở trong nhà, tìm một cái ảnh đẹp treo lên, mọi người tưởng nhớ bà, thì nghĩ đến bà trong lòng là được, không cần phải bó buộc vào hình thức nào cả.

alt
Bà Xuân Phượng:"Tại sao lại chờ chết? Cái chết phải chờ mình!" | Nguồn: Khooa Nguyen cho Vietcetera

Còn bây giờ, khi vẫn đang sống, bà muốn mình tập trung trọn vẹn trong từng thời khắc mình có. Mỗi sáng bà có cho mình một kỷ luật ngủ dậy tập yoga, ăn sáng xong rồi ngồi viết sách. Tại vì bà sợ nghe câu già rồi chờ chết, thứ bà luôn tâm niệm là: “Tại sao lại chờ chết? Cái chết phải chờ mình!"

Khi ở phía sau giấc mơ và phía trước cái chết, bà vẫn đang bận sống và yêu cuộc sống. Sống để yêu, sống để lúc nào con tim mình cũng rộng mở rung động trước mọi điều, để bao dung và trao đi. Khó lắm nhưng mà còn thở là còn gắng.