Bà Xuân Phượng: Chỉ cần có niềm tin thì “Khắc đi… khắc đến” | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Bà Xuân Phượng: Chỉ cần có niềm tin thì “Khắc đi… khắc đến”

"Sau khi thấy tranh của ông Hào, tôi mạnh dạn gạt hết bao lời dèm pha, mỉa mai, phán xét, quyết tâm treo chúng lên trong buổi triển lãm đầu tiên."
Bà Xuân Phượng: Chỉ cần có niềm tin thì “Khắc đi… khắc đến”

Nguồn: Khooa Nguyen cho Vietcetera

Xem Yêu lành mùa 4 khiến tôi nhớ đến nhân vật người vợ trong cuốn sách đã đọc từ lâu. Trong cuốn sách, cô vợ ở nhà mòn mỏi chờ chồng đi chiến trận, để nhận lại tin báo anh đã hy sinh không rõ nguyên nhân. Không tin vào sự thật, cô dành hơn 30 năm sang Tây Tạng hiểm trở để tìm chồng. Và khi có người hỏi “Cô làm vậy để làm gì?”, cô nhẹ nhàng đáp: “Vì tình yêu.”

Tuy không dành ngần ấy thời gian bôn ba nơi Tây Tạng trắc trở, nhưng bà Xuân Phượng cũng dành gần nửa cuộc đời, đặt trọn tình yêu cho nghệ thuật, với châm ngôn: Chỉ cần có niềm tin, thì “Khắc đi... khắc đến”.

Cụm từ này cũng là tên cuốn sách vừa mới phát hành của bà, kể về hành trình thành lập phòng tranh Lotus, về niềm tin trọn vẹn của bà Xuân Phượng dành cho chính mình, cho những hoạ sĩ trẻ tiềm năng lúc bấy giờ, và cho hành trình đưa văn hoá Việt Nam ra thế giới.

Đánh thức niềm tin đang ngủ gật ở góc triển lãm bị lãng quên

Điểm đặc biệt trong Yêu lành mùa 4, là bà Xuân Phượng sẽ chọn một bức tranh mình yêu thích để làm chủ đề chính xuyên suốt cuộc trò chuyện. Lần này, bà chọn tác phẩm tự hoạ của hoạ sĩ Trương Đình Hào để đại diện cho niềm tin bà dành cho bản thân, cho nghệ thuật, cao cả hơn là tin vào những điều tốt đẹp trong đời.

Quay về thời điểm hơn 30 năm trước, trong lúc đang đi tìm kiếm những tác phẩm ưng ý để mở phòng triển lãm tranh, bà vô tình thấy được những bức tranh của ông Hào. Ngay lập tức, một dòng điện xẹt qua người khi bà thấy những nét cọ mạnh mẽ, dứt khoát, màu sắc đối chọi chan chát, uyển chuyển hoà vào nhau trên nền giấy dó, và đặc biệt là trên những tờ giấy báo nhàu nát.

alt
Cuộc gặp định mệnh đó đã mở đầu cho hành trình sưu tầm hơn 4000 bức tranh do ông Hào sáng tác của bà | Nguồn: Khooa Nguyen cho Vietcetera

Không hiểu có gì đó thôi thúc, bà dùng toàn bộ vốn liếng mình đang có để mua hết tác phẩm của ông, và quyết định trưng bày chúng tại buổi triển lãm đầu tiên của Lotus. Bà kiên định mặc cho những lời can ngăn, mỉa mai: “Mười Hào chưa bán được một đồng, chị dám mở triển lãm à?”.

May thay, đúng như mong đợi, tranh của ông được bán gần hết trong ngày khai trương, bước đầu chứng minh rằng niềm tin của bà là đúng đắn.

Qua câu chuyện này, bà cũng muốn gửi gắm một thông điệp đến giới trẻ rằng, khi mình có đủ đam mê, hoài bão thì đừng ngần ngại thực hiện điều đó.

alt
Dù gian nan, vất vả tới đâu, hãy cứ đi từng bước nhỏ nhất, vì “Khắc đi… khắc đến” | Nguồn: Khooa Nguyen cho Vietcetera

Dùng ⅓ cuộc đời để chứng minh niềm tin của bản thân

Điều đáng buồn là hơn 20 năm sau, tranh của ông Hào hầu như… không bán được. Dù vậy, bà vẫn đều đặn 6 tháng một lần, lặn lội từ Hà Nội về Bắc Giang - quê nhà của ông Hào để mua tranh. Khi quỹ của phòng tranh không còn nhiều, bà lại bỏ tiền túi của mình ra để mua tiếp, với niềm tin trong tương lai, những tác phẩm của ông sẽ được để mắt đến.

Chỉ đến năm 2014, bà mới gặp được một vị khách ngỏ ý mua lại tranh của ông Hào để đem trưng bày tại bảo tàng danh tiếng ở Pháp. Buổi triển lãm hôm đó trưng bày 118 tác phẩm của ông và bán được hơn 70 bức. Lúc này, bà nhận ra sự chờ đợi suốt bấy lâu nay của mình là đúng đắn.

Dù khi được hỏi tại sao bà lại đoán trước được tranh của ông sẽ bán được mà sưu tầm nhiều đến thế, bà cũng không thể lí giải tại sao. Vì suốt bấy lâu nay, động lực để bà tiếp tục sưu tầm tranh ông Hào chỉ là niềm tin vào gu thẩm mỹ của bản thân, tin vào tài năng hội hoạ của ông Hào, và tin những gì bà đang làm là đúng đắn và tốt đẹp.

Dù chỉ còn một chút hy vọng vẫn phải vững tin

Bà chọn tranh tự hoạ của ông Trương Đình Hào để cắt nghĩa về niềm tin, vì bà thấy được một phần bản thân trong đấy. Khi vẽ bức tranh, ông Hào đang mất niềm tin sâu sắc vào cuộc sống. Nhưng dù đau khổ là thế, ông vẫn không ngừng vẽ để phác hoạ nỗi đau của mình, như một lời tuyên ngôn đanh thép: Khốn khó đến mấy cũng không thể ngăn tôi cầm cọ.

alt
Bức tự hoạ bà Xuân Phượng nhắc đến được ông Hào vẽ trên một tờ báo nhàu nát. Bức tranh khắc hoạ nỗi cô đơn cùng cực khi không có ai hiểu mình cùng ngàn câu hỏi: "Tại sao tôi phải là tù nhân trong cuộc đời này?" | Nguồn: Lotus Gallery

Bản thân bà cũng không thể tránh khỏi những lúc cơ cực như thế. Trong suốt hành trình gầy dựng phòng tranh, bà đã trải qua những ngày phải vay nặng lãi để đóng tiền điện, những ngày ngồi trên đống lửa vì tranh đã chất quá nửa nhà mà không bán được, hay đau lòng hơn là những lúc suy sụp khi đứng trước xưởng tranh bị cháy, chỉ còn lại một đống tro tàn.

May mắn là vào những phút giây hỗn loạn đấy, khi niềm tin sắp thua sự khắc nghiệt của hiện thực, bà đã nhận được sự sẻ chia từ những người đồng hành - những người bà lựa chọn tin tưởng, và cuối cùng, họ cũng lựa chọn tin tưởng bà.

Bà Xuân Phượng đã dành tuổi trẻ của mình để tin rằng Việt Nam sẽ giành độc lập, rồi lại dành tuổi xế chiều để tin bản thân có thể góp sức đưa văn hoá nước nhà ra thế giới, tin hoạ sĩ tài năng rồi sẽ có chỗ đứng cho riêng mình.

Và ngay giờ phút ngồi kể về những chuyện đã qua, bà tin rằng nếu ta kiên định, không lung lay với mong ước của mình, rồi ta sẽ làm được những điều ta mong mỏi, gặp được người ta cần gặp, và đưa ta đến những nơi ta thuộc về.