Nếu phải tả cuộc đời mình trong 4 bức tranh, bạn sẽ chọn tranh nào? | Vietcetera
Billboard banner

Nếu phải tả cuộc đời mình trong 4 bức tranh, bạn sẽ chọn tranh nào?

Bạn đoán xem, những mảnh ghép nào của cuộc đời bà Xuân Phượng được thể hiện trong 4 bức tranh bà chọn?
Nếu phải tả cuộc đời mình trong 4 bức tranh, bạn sẽ chọn tranh nào?

Nguồn: Lotus Gallery

Đó chính là “thử thách” bà Xuân Phượng nhận được trước ngày quay Yêu Lành mùa 4. Đối với bà, việc mở phòng tranh ở tuổi gần 60 với vốn liếng 2000 USD trong tay là quyết định liều lĩnh nhưng hoàn toàn xứng đáng. Không chỉ giới thiệu hội họa Việt Nam với bạn bè quốc tế, phòng tranh Lotus còn trở thành “bệ phóng” giúp nhiều họa sĩ tạo dựng được tên tuổi trong giới.

Bên cạnh đó, có những bức tranh được bà Xuân Phượng trưng bày và mang đi triển lãm khắp nơi nhưng không bán, bởi chúng phần nào phản ánh những câu chuyện cuộc đời và lý tưởng sống của bà. Trong mùa 4 Yêu Lành, bà cũng đã giới thiệu tới khán giả 4 bức tranh như vậy.

“Đường quê” và những rung động về một nét đẹp đậm chất Việt

Đây là bức tranh sơn dầu của họa sĩ Đỗ Xuân Doãn, từng xuất hiện trong nhiều triển lãm tranh trong nước và quốc tế của bà Xuân Phượng. Không ít người đã hỏi mua, nhưng bà quyết định không bán mà trưng bức tranh trong phòng khách, bởi bà cảm thấy đồng điệu với nó.

Điểm nhấn của bức tranh là hình ảnh lũy tre làng. Tre vốn là loài cây mảnh mai, nhưng khi liên kết lại thành lũy thì khó lòng phá vỡ, giống như sự kiên cường của dân tộc Việt Nam. Ngoài ra có con đường mòn với tông màu vàng hổ phách không chói chang, nhưng đủ mang lại cảm giác rung động. Nhìn vào bức tranh ta thấy ngay nét đặc trưng của mùa thu miền Bắc Việt Nam, không thể bị lẫn lộn với mùa thu châu Âu.

05sep2024doxuandoanoil135cmx150cm1725575299986jpg
Khung cảnh đậm chất Việt Nam của bức tranh Đường quê, không thể bị lẫn lộn với bất kỳ nơi nào khác. | Nguồn: Lotus Gallery

Vì vậy đối với bà Xuân Phượng, đây là bức tranh vô cùng thích hợp với mong muốn giới thiệu hội họa Việt tới bạn bè quốc tế. Nó vừa thể hiện một vẻ đẹp hết sức Việt Nam, vừa ẩn chứa tinh thần đoàn kết và kiên cường vươn lên của người Việt.

Bức chân dung mang trong mình niềm tin và sự kiên định

Đó chính là bức chân dung tự họa của Trương Đình Hào - một viên ngọc quý được bà Xuân Phượng phát hiện và đưa tới thành danh trong làng hội họa Việt. Bà thấy được một phần bản thân trong bức tranh này, cụ thể là giai đoạn đầy đó khăn khi bà mới mở phòng tranh Lotus.

Bức chân dung được ông Hào vẽ trên một tờ báo cũ nát, vào thời điểm ông bị khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng. Ông không bán được tranh, gia đình túng thiếu đủ đằng, xung quanh lại không mấy ai hiểu nỗi khổ của ông. Bộ quần áo cũng được vẽ sọc vằn như quần áo tù nhân, có lẽ bởi khi đó ông thắc mắc rằng, vì sao ta lại phải là tù nhân của cuộc đời đau khổ này?

19aug2024z52333110725226a3fe1c3ae9e831f92c408730dc82aacjpg
Bức chân dung tự họa đượm buồn, nhưng cũng thể hiện tuyên ngôn quyết tâm vượt khó của họa sĩ Trương Đình Hào. | Nguồn: Lotus Gallery

Nhưng sau tất cả, hình ảnh bàn tay ông Hào to hơn hẳn so với khuôn mặt cũng ẩn chứa tuyên ngôn: ông tin tưởng vào con đường mình chọn, dù có khó khăn cỡ nào. Con đường mở phòng tranh của bà Xuân Phượng cũng vậy, dù phải vay nặng lãi để trả phí vận hành, phải cứu từng bức tranh sau một trận hỏa hoạn, nhưng bà vẫn tiếp tục tin tưởng vào điều mình làm.

Bức ký họa “một khung hình, vạn biểu cảm”

Đây là bức ký họa của Dương Bích Liên - họa sĩ thuộc nhóm “Tứ kiệt” của nền hội họa Việt. Khi bà Xuân Phượng hỏi mua bức tranh này khiến người bán cũng bất ngờ, bởi ký họa vốn hay bị coi như tờ nháp, không có giá trị nghệ thuật.

Chỉ trong tờ giấy dài hơn một thước, họa sĩ Dương Bích Liên vẽ được hơn chục ký họa. Hồi đó vốn không có nhiều giấy vẽ, nên ông phải ký họa nhiều hình vào một tờ giấy. Như vậy là đủ để hiểu rằng ông muốn diễn tả rất nhiều thứ, dù điều kiện có phần hạn chế.

05sep2024img1459jpg
Bức ký họa “một khung hình, vạn biểu cảm” của họa sĩ Dương Bích Liên. | Nguồn: Lotus Gallery

Và dù chỉ là ký họa, hình nào cũng được ông trau chuốt hết sức cẩn thận, tỉ mỉ. Chẳng hạn hình 5 bàn chân với 5 hình thái khác nhau, hình em bé có đôi mắt thơ ngây hay hình người đàn bà đi lễ chùa, có đầy đủ tượng hai vị hộ pháp thiện - ác dù vẽ trong khoảng giấy rất bé.

Bà Xuân Phượng trân trọng nỗ lực của ông Dương Bích Liên, bởi dù nghèo khổ, thiếu thốn nhưng ông vẫn diễn tả được ý tưởng của mình. Và những ngã rẽ đời bà cũng có phần tương tự.

Khi về hưu, bà không cam chịu làm người trông xe đạp mà lên đường sang Pháp, rồi mở phòng tranh Lotus ở tuổi gần 60. Khi không thể làm phòng tranh nữa, bà chuyển sang viết sách và duy trì giao lưu với bạn bè đến từ nhiều độ tuổi. Hoàn cảnh không như ý thì ta chủ động thay đổi nó, thậm chí tìm được những cảm hứng mới trong nghịch cảnh như vậy.

“Số phận” - bức tranh tường chừng yên bình, nhưng ẩn chứa sự bất trắc

Một lần nữa, bà Xuân Phượng chọn tranh của ông Trương Đình Hào để kể chuyện đời mình. Trong tranh là một con gà mái đang ấp trứng, nhưng phía dưới có một con dao, bình rượu và chiếc đĩa tráng nước sôi bốc khói - những đồ vật sẵn sàng đưa con gà “lên thớt” bất cứ lúc nào.

Bà Xuân Phượng khâm phục ông Hào khi thể hiện được sự bất trắc của cuộc đời bằng những hình ảnh dân gian, quen thuộc nhất với người Việt. Bà đồng cảm nhiều với bức tranh này, bởi nó gợi nhớ tới một biến cố lớn khiến bà giã từ mái tóc dài, cùng phiên bản hồn nhiên, vô tư trước khi tham gia Cách mạng.

05sep2024img1456jpg
Bức tranh thể hiện sự bất trắc của đời người bằng những hình tượng hết sức dân dã, quen thuộc. | Nguồn: Lotus Gallery

Sự bất trắc dường như luôn ẩn mình sau vẻ bình yên, khiến chúng ta luôn phải “căng não” trong cuộc sống. Dù vậy theo quan niệm của bà Xuân Phượng, ta vẫn nên giữ cho trái tim thiện lương và cởi mở để đón nhận những món quà bất ngờ mà cuộc sống dành cho mình.