Sự thân mật là yếu tố tạo nên những mối quan hệ viên mãn, hỗ trợ cho chúng ta cả về thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, một số người lại thiếu đi yếu tố này, tạo thành kiểu rắc rối thường gặp của những cặp đôi có một phía rơi vào tình trạng lo sợ hoặc né tránh sự thân mật (fear of intimacy).
Cảm giác sợ hãi sự thân mật (fear of intimacy) là gì?
Thân mật (intimacy) với một người là khi bạn có khả năng bày tỏ bản thân chân thật nhất, bao gồm chia sẻ cảm xúc cá nhân và tiếp xúc cơ thể thân mật với họ. Trong các mối quan hệ, sự thân mật được chia làm 4 kiểu:
- Về trí tuệ: Khả năng chia sẻ ý kiến và suy nghĩ với người khác
- Về cảm xúc: Khả năng chia sẻ những tâm tư thầm kín nhất
- Về trải nghiệm: Khả năng chia sẻ trải nghiệm của bản thân
- Về cơ thể: Khả năng cởi mở và thoải mái tiếp xúc cơ thể
Nỗi sợ thân mật (fear of intimacy) khác với nỗi sợ bị tổn thương (fear of vulnerability), dù đôi khi chúng có mối gắn kết với nhau. Một người có nỗi sợ thân mật vẫn có thể thoải mái thể hiện con người thật của mình với người khác, hoặc ít nhất là với bạn bè, người thân hoặc người mà họ tin cậy.
Dấu hiệu nào để nhận biết nỗi sợ thân mật?
Các dấu hiệu của nỗi sợ này thường khá rõ ràng, nhưng dễ bị nhầm thành nóng giận, thờ ơ hoặc lạnh lùng, khiến người yêu hoặc bạn đời của họ cảm thấy bị ngăn cách. Ngược lại, bản thân họ thì bối rối không biết vì sao mình bị “buộc tội" lãnh đạm, dù vẫn cố hết sức quan tâm và yêu thương người còn lại.
Dưới đây là một số dấu hiệu cần chú ý:
Các mối quan hệ của họ thường thiếu ổn định
Hoặc người sợ sự thân mật sẽ tránh duy trì mối quan hệ, rút khỏi mâu thuẫn hoặc kìm nén cảm xúc gần gũi với người khác. Hoặc họ sẽ kiểm soát hoặc chỉ trích quá mức, cố đeo bám hoặc khiến người khác thấy tội lỗi để thể hiện sự tổn thương của mình. Dù là trường hợp nào thì đều tăng khả năng đổ vỡ mối quan hệ.
Và ngắn hạn
Những người sợ sự thân mật có khả năng trở thành “người hẹn hò hàng loạt" (serial dater), là những người thích hẹn hò với nhiều đối tượng trong thời gian ngắn, nhưng không có ý định thiết lập mối quan hệ nghiêm túc.
Ngoài ra, họ có thể quen biết nhiều bạn bè nhưng không ai thật sự hiểu rõ họ.
Ám ảnh bởi sự hoàn hảo
Ẩn sâu trong những người theo chủ nghĩa hoàn hảo là cảm giác sợ bị từ chối. Vì cảm thấy mình không đáng được yêu thương, họ cố trở nên “hoàn hảo" để chứng minh bản thân xứng đáng.
Ngoài ra, một người sợ sự thân mật cũng thường có những biểu hiện:
- Thiếu tự tin và trân trọng mình
- Thiếu lòng tin vào người khác
- Không thể chia sẻ cảm xúc hoặc bày tỏ cảm xúc
- Chủ động tránh tiếp xúc cơ thể
- Gặp khó khăn khi cần cam kết với các mối quan hệ
- Có ham muốn tình dục vô độ
- Tự cô lập với xã hội
Nỗi sợ này từ đâu mà có?
Cốt lõi của tâm lý này là nỗi sợ mất mát — thường xuất phát từ một trong hai hoặc cả hai vấn đề sau:
- Nỗi sợ bị bỏ rơi (fear of abandonment): Sợ bị người khác bỏ rơi.
- Nỗi sợ bị nhấn chìm (fear of engulfment): Sợ bị người khác kiểm soát, lấn át, từ đó đánh mất chính mình.
Tránh sự thân mật không nhất thiết bắt nguồn từ việc không quan tâm. Ngược lại, đây không phải một quá trình có ý thức, mà là phản ứng sinh học đã ăn sâu vào hệ thần kinh qua trải nghiệm tuổi thơ, và bị “kích hoạt" bởi các mối quan hệ không tốt đẹp khi trưởng thành.
Các trải nghiệm từ thơ ấu có thể là: cha mẹ qua đời hoặc ly dị, cha mẹ gặp vấn đề về sức khỏe thể chất hoặc/và tâm lý, đứa trẻ bị ngược đãi về thể chất hoặc tinh thần, bị lạm dụng tình dục,... Tất cả những nguyên nhân này tạo ra vấn đề về kiểu gắn bó cho đứa trẻ.
Nỗi sợ này còn có thể là một triệu chứng của rối loạn nhân cách né tránh. Công nghệ hiện đại đã khiến căn bệnh này khó chẩn đoán hơn do chúng ta có thể dễ dàng giấu mình sau màn hình điện thoại, không cần giao tiếp qua lời nói.
Nên làm gì để dễ dàng mở lòng mình hơn?
Như Robert T. Kiyosaki, tác giả quyển “Cha giàu, cha nghèo” đã nói, “Cảm xúc là yếu tố làm nên con người. Hãy chân thật với cảm xúc, lấy cảm xúc và tâm trí làm lợi thế cho mình chứ không phải chống lại mình.” Vậy làm thế nào để có thể mở lòng hơn với các mối quan hệ trong đời?
Học cách bình tĩnh và đặt tên cho các cảm xúc của mình
Gọi tên nỗi sợ và cảm xúc là bước đầu giúp bạn công nhận bản thân. Khi đó, bạn có thể gợi nhớ về những trải nghiệm quá khứ và tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến hành vi của mình.
Bạn nên dành thời gian để tìm hiểu cặn kẽ về bản thân, viết lại những cảm xúc mình trải qua chứ không phải bạn nghĩ gì về mình (Ví dụ, thay vì viết “Tôi nghĩ là mình ổn.”, hãy viết “Tôi cảm thấy ngượng cùng và lép vế khi nói chuyện trực tiếp với bạn A.”). Bạn cũng có thể liệt kê theo mẫu phân tích nỗi sợ của Tim Ferris.
Tập trò chuyện và lắng nghe chân thành
Khi một người bạn chia sẻ những cảm xúc chân thực hơn với bạn, dù bằng cách than phiền, hãy thử bình tĩnh ngồi lại và lắng nghe. Đừng cắt ngang hoặc phản bác bằng câu “Nhưng…”, mặc dù trong lòng bạn chỉ muốn né tránh những thông tin quá “nhạy cảm” này.
Bạn cũng nên tập trò chuyện về những vướng mắc của mình cho một hoặc hai người thật sự thân thiết. Sự trải lòng tích cực này sẽ có lợi cho bạn, đồng thời là bước đệm để xây dựng lòng tin và sự sâu sắc trong các mối quan hệ.
Tuy nhiên đừng quên tự đặt ra giới hạn, ở mức độ nào thì bạn cảm thấy an toàn và thoải mái, và mức độ nào vượt quá khả năng cho phép.
Dũng cảm chấp nhận những biến số không ổn định
Sự gắn kết giữa con người là nền tảng phát triển của xã hội, dẫu vậy không phải mối quan hệ nào cũng ổn định và mãi mãi. Cuộc sống chẳng có gì là chắc chắn. Tình yêu vẫn có khả năng thăng hoa và chia ly, bạn bè từ nhỏ cũng không thể bên nhau suốt đời. Khi đã ngẫm ra sự thật này, bạn sẽ đủ dũng khí để nhìn xa hơn, “dám” yếu đuối và gần gũi với những người thân yêu xung quanh mình.
Tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ, chuyên gia tâm lý
Nếu cảm thấy những hành động này của mình đang gây ra ảnh hưởng quá lớn đến sức khỏe, công việc, mối quan hệ và các khía cạnh khác của cuộc sống. Tuy nhiên không nên coi chính mình là một “bản lỗi” và cố gắng sửa chữa. Đơn giản là bạn đang xem lại những sự việc trong quá khứ và cố gắng hoàn thiện bản thân trong hiện tại.