Déjà rêvé và recurring dream – Những hiện tượng kỳ bí của giấc mơ | Vietcetera
Billboard banner
30 Thg 01, 2021
Tâm Lý Học

Déjà rêvé và recurring dream – Những hiện tượng kỳ bí của giấc mơ

Đã bao giờ bạn trải qua cảm giác mình cứ mơ đi mơ lại một giấc mơ (recurring dream)? Hoặc thần bí hơn nữa là gặp lại giấc mơ ở ngoài đời thực (déjà rêvé)?
Déjà rêvé và recurring dream – Những hiện tượng kỳ bí của giấc mơ

Tất Sỹ @tatsy.wip cho Vietcetera

Giấc mơ, cùng với đó là tiềm thức con người, vẫn là điều mà các nhà khoa học vẫn chưa hoàn toàn có lời giải đáp. Mỗi đêm chúng ta mơ khoảng 2 tiếng, nhưng thường quên đến 95% chi tiết giấc mơ.

Tuy khó để nhớ, có thể bạn đã gặp những hiện tượng thú vị như giấc mơ lặp lại, hay gặp lại giấc mơ ở đời thực. Những hiện tượng này diễn ra như thế nào và có ý nghĩa gì?

Khi bạn gặp lại giấc mơ ở đời thật (déjà rêvé)

Đã bao giờ bạn gặp một hoàn cảnh ngoài đời thực giống với một giấc mơ từng có? Hiện tượng này được gọi là ‘déjà rêvé’ - trong tiếng Pháp có nghĩa là “đã từng mơ”. Theo nhà Tâm lý học thần kinh Sanam Hafeez, déjà rêvé xảy ra khi ký ức, khung cảnh hay cảm giác mà bạn đã từng trải qua trong mơ lặp lại ở đời thực.

alt
Déjà rêvé - khi bạn gặp lại giấc mơ ở hiện thực

Hiện tượng này hay bị nhầm lẫn với déjà vu - trong tiếng Pháp nghĩa là “từng bắt gặp”. Déjà vu là hiện tượng khi chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh mới nhưng lại cảm thấy quen thuộc, giống như đã từng trải qua trong quá khứ.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp vào năm 2011 trên bệnh nhân động kinh phân ra 3 loại déjà rêvé cơ bản:

  • Episodic-like: khi mà người mơ có thể truy hồi trải nghiệm ở thực tại trong một giấc mơ và thời điểm mơ cụ thể. Ví dụ, bạn gặp một người xa lạ và bạn nhớ rằng mình đã gặp họ trong giấc mơ vào hai ngày trước.
  • Familiarity-like: khi người mơ chỉ có những hồi tưởng, viễn cảnh khá mơ hồ truy về một giấc mơ gần đây đối với một sự việc, hiện tượng quen thuộc ở thực tại. Ví dụ, bạn gặp một người lạ mà bạn biết mình đã từng mơ về họ, nhưng lại không thể nhớ rõ hoàn cảnh và thời điểm mà bạn gặp họ trong mơ.
  • Dreamy state: khi người mơ gặp khó khăn phân biệt được thực tại và giấc mơ, không biết rõ mình từng mơ hay từng trải qua sự việc ở thực tại. Ví dụ, bạn nhìn thấy một người mà mình có cảm giác "quen quen" nhưng lại không phân biệt được mình đã gặp họ ở thực tại hay trong mơ.

Theo Thạc sĩ Tâm lý học thần kinh Patrick McNamara, hiện tượng déjà rêvé góp phần củng cố ý tưởng rằng có tồn tại một hệ thống ký ức riêng biệt về những giấc mơ trong não bộ con người. Thông qua hệ thống ký ức này, thế giới trong mơ và thế giới bên ngoài tác động qua lại.

Khi một giấc mơ lặp đi lặp lại (recurring dream)

Bạn thường xuyên mơ về việc trễ một kỳ thi, hoặc bị điểm kém. Kể cả khi đã tốt nghiệp từ lâu, những giấc mơ này vẫn quay lại? Khi còn đi học, căng thẳng thi cử có thể là tác nhân chính.

Nhưng theo thời gian, khi giấc mơ điểm kém gắn với nỗi lo sợ thất bại, nó tái diễn mỗi khi bạn đối mặt với sự kiện tương đồng, như một buổi phỏng vấn hoặc hẹn hò.

alt
Giấc mơ lặp lại có thể phản ánh vấn đề chưa được giải quyết ở thực tại

Theo bác sĩ John Mayer tại Doctor On Demand, giấc mơ lặp lại (recurring dream) thường không giống y hệt, nhưng có các chi tiết hoặc chủ đề chung, phản ánh những vấn đề chưa được giải quyết. Điều này có thể là:

  • Nhu cầu chưa được đáp ứng: Một nghiên cứu năm 2017 chỉ ra mối liên kết giữa các giấc mơ tiêu cực lặp lại và việc chưa được đáp ứng các nhu cầu tinh thần (gồm quyền tự chủ, cảm giác có năng lực, và mong muốn hòa nhập). Theo đó, những người bị thiếu hụt về nhu cầu tinh thần có xu hướng gặp những chủ đề tiêu cực trong mơ, và miêu tả giấc mơ lặp lại của họ với cảm xúc tiêu cực hơn.
  • Tổn thương trong quá khứ chưa được chữa lành: những tổn thương này có thể chuyển hóa thành giấc mơ tiêu cực. Ví dụ, giấc mơ bị đuối nước có thể phản ánh cảm giác bất lực. Trong khi giấc mơ bị mắc kẹt, hoặc chạy với tốc độ bị bóp méo (slow motion) có thể đến từ các chấn thương tâm lý.
  • Ức chế hàng ngày: Nếu bạn đang chật vật để đưa ra một quyết định quan trọng, hoặc gặp một cản trở trong cuộc sống hàng ngày, nỗi căng thẳng này sẽ ảnh hưởng giấc mơ của bạn. Theo Tiến sĩ nghiên cứu về giấc mơ Deirdre Barrett, nỗi lo âu về COVID-19 có thể xuất hiện trong giấc mơ. Chẳng hạn hình ảnh về khẩu trang, cách ly, hoặc mang tính ẩn dụ hơn như những con côn trùng - thứ mà não bộ có thể liên kết với virus.

Nếu các giấc mơ tiêu cực đang ảnh hưởng xấu tới bạn

Mơ có vai trò lớn với trí nhớ - giấc mơ giúp não bộ loại bỏ thông tin thừa, trong khi xử lý và lưu trữ những ký ức cần thiết. Đồng thời, mơ cũng giúp bạn điều hòa cảm xúc và giải quyết các ẩn ức. Vì vậy, nếu những giấc mơ tiêu cực tái diễn, bạn nên nhìn lại để nhận biết các vấn đề về tinh thần.

Ác mộng, hoặc giấc mơ lặp lại có thể là dấu hiệu cho những căng thẳng hàng ngày, hoặc các tổn thương trong quá khứ. Thay vì kìm nén, học cách đối mặt và giải quyết cảm xúc tiêu cực sẽ cải thiện đáng kể tâm trạng và giấc ngủ của bạn.

Một số tips về giấc mơ từ các chuyên gia:

  • Theo bác sĩ Mayer, nếu bạn tỉnh dậy từ một giấc mơ lạ lùng hoặc đáng sợ, hãy nằm xuống, và tưởng tượng mình kết thúc giấc mơ đó một cách tích cực. Chẳng hạn, bạn có thể tưởng tượng mình đang nằm trên ghế sô-pha, trong căn phòng thoảng mùi gỗ đàn hương, bên ngoài là tiếng mưa rơi.
  • Tiến sĩ Barrett gợi ý luyện tập 'giấc mơ sáng suốt' (lucid dream), để đối mặt với những giấc mơ tiêu cực lặp lại. Trong một giấc mơ sáng suốt, bạn nhận thức là mình đang mơ. Nhiều người có thể sử dụng nó để điều khiển giấc mơ và thay đổi chúng.
  • Luôn thư giãn trước khi đi ngủ, tránh làm việc, ăn uống hoặc tập thể dục. Bởi nếu não bộ hoạt động quá nhanh trước khi ngủ, bạn sẽ dễ gặp những giấc mơ khó chịu.