Déjà vu lấy những cảnh tượng quen thuộc đó từ đâu? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
18 Thg 11, 2020
Tâm Lý HọcBổ Não

Déjà vu lấy những cảnh tượng quen thuộc đó từ đâu?

Déjà vu là gì? Bộ não lấy những cảnh tượng quen thuộc đó từ đâu mà sao chúng ta có vẻ 'dự đoán tương lai' như đúng rồi?
Déjà vu lấy những cảnh tượng quen thuộc đó từ đâu?

Linh Thảo @in_prairie cho Vietcetera.

Déjà vu là hiện tượng khi chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh mới nhưng lại cảm thấy quen thuộc, giống như đã từng trải qua rồi. Cái tên déjà vu bắt nguồn từ tiếng Pháp, nghĩa là “từng bắt gặp".

Nhờ nhiều nghiên cứu liên quan, con người dần biết déjà vu không phải là thông điệp từ tương lai hay lời nhắc từ quá khứ. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu vẫn đang cố tìm ra lời giải cặn kẽ nhất cho hiện tượng này. Trong số các kết quả, đây là những lời giải phổ biến hơn cả:

Vì thông tin bị lạc đường trong não

Trí nhớ là một hệ thống xử lý thông tin được tạo thành từ 3 bộ phận:

  • Bộ nhớ tạm thời (sensory memory): Thu nhận thông tin ban đầu do được kích thích vào giác quan.
  • Bộ nhớ ngắn hạn (short-term store): Nhận và giữ thông tin từ bộ nhớ tạm thời và bộ nhớ dài hạn.
  • Bộ nhớ dài hạn (long-term store): Nơi lưu trữ thông tin để ta tra cứu lại khi cần.
AtkinsonndashShiffrin memory model
Mô hình trí nhớ của Atkinson–Shiffrin. | Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera.

Các thông tin khi vừa ‘chân ướt chân ráo' bước vào sẽ phải ‘qua ải’ bộ nhớ tạm thời, sau đó là bộ nhớ ngắn hạn rồi cuối cùng mới đến bộ nhớ dài hạn. Tuy nhiên, bằng một cách nào đó, một số thông tin tìm được ‘đường tắt' tới thẳng bộ nhớ dài hạn. Do vậy mà đôi khi déjà vu cho chúng ta cảm giác điều này đã diễn ra một thời gian rất lâu trước đây rồi.

Vì cái tội “râu ông nọ cắm cằm bà kia" của não bộ

Phân phối sai lệch là một trong 7 đại tội của não bộ. Hàng ngày, não tiếp nhận rất nhiều thông tin, vì thế nó phải tự tạo ra hệ thống phân loại và sắp xếp để tránh bị rối loạn.

Một thông tin khi đi vào sẽ được chia thành 2 phần: nguồn của thông tin và nội dung thông tin. Hai phần này được lưu trữ biệt lập, nên dẫn đến tình trạng một thông tin có thể không được liên kết đúng với nguồn gốc khi cần tái hiện.

Khi gặp một cảnh tượng nào đó, não sẽ tự động rà soát xem chúng ta đã từng thấy cảnh này chưa. Nếu bắt được một điểm trùng khớp, nó sẽ nhận định đây là cảnh tượng quen thuộc.

Điều này được thực hiện bởi bộ nhớ nhận biết (recognition memory). Nó cho phép chúng ta nhận ra những gì đã từng trải qua, bao gồm 2 loại:

  • Hồi tưởng (Recollection): Khi ta biết tình huống hiện tại đã từng xảy ra. Ví dụ, bạn thấy một người trông khá quen và nhớ ra đã từng gặp người đó trong thang máy.
  • Quen thuộc (Familiarity): Khi ta thấy tình huống hiện tại quen thuộc, nhưng không nhớ đã từng xảy ra khi nào. Ví dụ, bạn nhìn thấy một người trông khá quen, nhưng không nhớ đã gặp khi nào.

Déjà vu là một điển hình cho kiểu nhận biết dựa trên sự quen thuộc.

Deja vu 1
Chỉ cần bắt được một điểm trùng khớp, não sẽ nhận định đây là cảnh tượng quen thuộc.

Tuy nhiên, déjà vu không có nghĩa là não đang tạo ra ký ức sai lầm

Mà ngược lại, não đang kiểm tra xem ký ức đó có sai không. Đây là phát hiện của nhóm nghiên cứu tại Đại học St Andrews (Anh) dưới sự dẫn dắt của Akira Robert O'Connor.

Bước đầu, họ kích thích những người tham gia tạo ra ký ức sai lầm (false memory) bằng cách đưa ra các từ liên quan với nhau như giường (bed), gối (pillow), đêm (night), giấc mơ (dream), nhưng không nhắc đến từ khoá bao quát là ngủ (sleep). Nhưng khi kiểm tra lại, những người tham gia tin rằng mình đã nghe thấy từ ‘ngủ'.

Tiếp theo, để tạo ra cảm giác déjà vu, nhóm nghiên cứu hỏi họ có nghe được từ nào bắt đầu bằng ký tự ‘s' không. Những người tham gia trả lời là không. Mặc dù có cảm giác quen thuộc như thể đã nghe từ ‘ngủ', nhưng trí nhớ của họ vẫn rà soát lại và phát hiện ra cảm giác đó không đúng.

Kết quả quét não càng giúp nhóm nghiên cứu củng cố phát hiện trên. Nó cho thấy vùng có phản ứng trong giai đoạn déjà vu là vùng não trước – nơi chịu trách nhiệm đưa ra quyết định, không phải là vùng hồi hải mã – nơi gắn liền với trí nhớ.

O'Connor cho rằng, lúc này não phát hiện ra mâu thuẫn giữa điều ta thực sự trải nghiệm với điều ta nghĩ mình đã trải nghiệm. Vì thế nó tiến hành kiểm tra xem bạn có đang nhớ nhầm không.

Phát hiện trên trùng khớp với số liệu rằng déjà vu thường xuất hiện ở những người trẻ độ tuổi 15 - 25 nhiều hơn. Có thể là vì chức năng não của người già suy giảm và trở nên ít nhạy bén trước những mâu thuẫn về ký ức, dẫn đến việc người già không trải qua tình trạng déjà vu nhiều bằng người trẻ.

Cho nên nếu bạn bắt gặp déjà vu thì đừng lo, vì điều đó nghĩa là não của bạn vẫn còn hoạt động tốt.

Còn nếu bạn chưa từng trải qua déjà vu thì cũng đừng vội nghĩ ngay đến trường hợp não mình có vấn đề. Vì theo O'Connor, có thể ngay từ đầu bạn đã có một trí nhớ rất tốt, đến nỗi não không cần phải kích hoạt chế độ kiểm tra nào cả.