“Bao giờ kết hôn?” - Mỗi thế hệ trả lời một khác | Vietcetera
Billboard banner

“Bao giờ kết hôn?” - Mỗi thế hệ trả lời một khác

Khi các thế hệ hỏi nhau “bao giờ cưới?,” đó không chỉ là một lời chào xã giao, mà là sự toan tính về các điều kiện để duy trì hạnh phúc sau này.
“Bao giờ kết hôn?” - Mỗi thế hệ trả lời một khác

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Yêu đương hay được ca tụng là động lực sống, là chất keo gắn kết con người. Nhưng để bước đến hôn nhân, thì chỉ mình tình yêu là chưa đủ. Người ta sẽ đặt câu hỏi về chuyện “nồi nào úp vung nấy” hay sự thuỷ chung - “Tình chung một khắc nghĩa dài trăm năm.”

Thời điểm hôn nhân được coi là yếu tố quyết định sự bền vững của mối quan hệ này. Gắn kết bao nhiêu trước hôn nhân là đủ để sẵn sàng gìn giữ được một mảnh đời chung? Khi nào lấy nhau thì “vung” khớp “nồi”?

Chữ “bao giờ” không phải luôn gắn liền với một thời điểm cụ thể. Mốc sự kiện tương lai giúp người hiện tại lên kế hoạch về những điều kiện cần và đủ cho cuộc hôn nhân. Nhìn vào lịch sử dù chưa quá xa thời đại này, ta cũng có thể thấy người đi trước nói về những điều họ cần phải chuẩn bị trước khi sẵn sàng đến với nhau, nhiều hơn là “ngày lành tháng tốt” cho chuyện cưới hỏi.

1930s: Cưới khi đất nước độc lập

Chuyên mục tâm sự mang tên “chị Thanh Tâm” của tờ Phụ Nữ Việt Nam nổi tiếng vì đồng hành cùng khán giả trong chuyện tâm lý yêu đương, hôn nhân và gia đình trong hơn nửa thế kỷ. Với chức năng đưa lời khuyên, chị Thanh Tâm vừa đứng ở ngôi tâm tình của một “người chị,” vừa thay mặt cho cả một chế độ xã hội định hình quan hệ hôn nhân của mỗi cặp đôi.

Trong số ra tháng 2 năm 1965, chị Thanh Tâm thuật lại chia sẻ của một cán bộ cách mạng có tình cảm chớm nở từ năm 1929, khi bà 22 tuổi còn người bà yêu 20. Ở thời điểm đó, anh là sinh viên bãi khoá về quê hoạt động cách mạng, chị ở quê vừa làm ruộng, vừa rải truyền đơn. Nhà chị cũng là nơi ẩn náu của nhiều chiến sĩ khác.

Đơn vị nói anh chị hợp nhau vì chung lý tưởng, và nếu cưới nhau thì cán bộ qua lại nhà anh chị dễ dàng hơn. Anh cũng ngỏ lời muốn cưới chị, nhưng chị đáp rằng nước Việt Nam chưa thoát khỏi cảnh nô lệ, anh chị đều hoạt động cách mạng, thì chưa lấy nhau luôn được:

“Bây giờ chưa phải lúc chúng ta vội nghĩ đến chuyện xây dựng hạnh phúc riêng. Nay chúng lùng, mai chúng bắt, nếu chúng ta xây dựng, có con, có cái, chẳng may phải vào tù thì sao?”

Chị Thanh Tâm bình luận: “Người con gái chín chắn ấy đã nói lên đúng điều suy nghĩ thầm kín của anh. Phải, có thể nào xây dựng được hạnh phúc, trong khi nước nhà còn bị nô lệ, nhân dân còn cơ cực, lầm than?

Nếu có “hạnh phúc” chăng, thì cũng chỉ một chút “hạnh phúc” mỏng manh, ngắn ngủi, trong một cuộc sống an phận thủ thường, và cũng luôn luôn bị đe doạ tan vỡ.

Hãy tạm gác sang một bên chuyện gia đình, phấn đấu thực hiện bằng được lý tưởng của người thanh niên cách mạng, để xứng đáng với tình yêu của nhau, để có thể hưởng được một hạnh phúc lâu dài mà lương tâm không day dứt.”

Sau này, đến ngoài 40 tuổi, hai người chiến sĩ mới kết hôn và có với nhau một người con. Motif chiến tranh chia lìa đôi lứa nhưng cả hai vẫn chung thuỷ như mô tả thực ra vô cùng phổ biến, và xuất hiện trong nhiều văn hoá phẩm của Việt Nam thời chiến.

httpsimgvietceteracomuploadsimages23may2023img80801jpeg
Bài hát Trai anh hùng, gái đảm đang - Đỗ Nhuận | Nguồn: Phụ Nữ Việt Nam, số 141, 19/05/1965

Motif chia ly, dù đẩy và hôn nhân vào hoàn cảnh éo le, song ngầm xây dựng đại tự sự về phát triển đất nước: một thứ tình yêu mới ra đời, vĩnh viễn vượt ra khỏi khuôn khổ hôn nhân của chế độ phong kiến. “Bao giờ” là câu hỏi không còn dành cho hạnh phúc đôi lứa, mà cho sự độc lập của quốc gia-dân tộc.

1960s: Cưới khi đủ tuổi do pháp luật quy định

httpsimgvietceteracomuploadsimages24may2023honnhanintext1jpg
Một chế độ hôn nhân tiến bộ hơn ra đời.

Song hành cùng tình yêu thời chiến là những quy định pháp luật về một chế độ hôn nhân mới, “tự do và tiến bộ” hơn so với hôn nhân phong kiến. Đó là nội dung của Bộ luật Hôn nhân và Gia đình đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ra đời vào năm 1959. Điều 2 của Bộ luật khẳng định: “Xóa bỏ những tàn tích còn lại của chế độ hôn nhân phong kiến cưỡng ép, trọng nam khinh nữ, coi rẻ quyền lợi của con cái.” Đây cũng là lần đầu tiên luật pháp quy định về tuổi kết hôn hợp pháp ở Việt Nam:

Điều 6. Con gái từ 18 tuổi trở lên, con trai từ 20 tuổi trở lên mới được kết hôn.

Xây dựng con người mới, gia đình mới, xã hội mới,… là lý tưởng của thời kỳ này. Hôn nhân là một trong những nền móng quan trọng nhất của quá trình kiến tạo nên cái mới này, vì hôn nhân gắn liền với hoạt động sinh con đẻ cái. Những đứa trẻ sẽ trở thành thế hệ kế tiếp dựng xây cuộc đời lý tưởng mà thế hệ trước đã ước ao và lên kế hoạch.

Số Xuân Ất Tỵ của tờ Phụ Nữ Việt Nam năm 1965 đăng tiểu luận mang tên Phấn đấu trở thành người phụ nữ mới. Lý tưởng hôn nhân gia đình của thập niên này có thể được đúc kết bằng những đoạn như:

“Ngày nay, chị em trở thành người lao động làm chủ đất nước, tức là cái vốn quý nhất của chủ nghĩa xã hội. Mặt khác người phụ nữ nào cũng là người mẹ sinh con và nuôi dạy con cái. Mỗi chị em nên nhận thức trách nhiệm tự bảo vệ sức khỏe cho mình và con cái, đó là bảo vệ sức lao động cho xã hội, bảo vệ hạnh phúc bản thân và bảo vệ tương lai con cái. Cần nâng cao trình độ hiểu biết về khoa học, vệ sinh, khắc phục tình trạng tuỳ tiện, ngại khó, chủ động giữ gìn sức khoẻ, cùng với xã hội tích cực thực hiện bảo vệ bà mẹ trẻ em.”

httpsimgvietceteracomuploadsimages23may2023img80821jpeg
Nguồn: Phụ Nữ Việt Nam, số 142, 01/06/1965

Có thể nói, hôn nhân, sinh đẻ, chăm sóc giáo dục trẻ nhỏ… không đơn thuần chỉ là những thực hành làm người đơn lẻ. Đây là những nhiệm vụ góp phần dựng xây đất nước và cần phải được kế hoạch hoá. Một tiểu luận khác, đăng trên Phụ Nữ Việt Nam ngày Quốc tế Thiếu nhi 01/06 cùng năm khẳng định tương tự:

“Qua cuộc kháng chiến này chúng ta rèn luyện con cháu thành một thế hệ cách mạng mới, đời đời nối nghiệp ông cha, tiêu diệt kẻ thù giai cấp, bảo vệ thành quả cách mạng. Chúng ta rất tự hào về những con em chúng ta ở hai miền Nam Bắc, tuổi nhỏ chí cao, xứng đáng là con cháu của một dân tộc anh hùng. Chúng ta cần giáo dục con em ý thức phòng gian bảo mật và những hiểu biết về phòng không. Điều quan trọng là giúp con em gian khổ học tập 5 điều Bác Hồ dạy, chăm học chăm làm, và tuỳ theo khả năng góp phần chống Mỹ cứu nước.”

Có thể nói, “bao giờ” là câu hỏi gắn liền với bổn phận xây dựng lớp người mới. Đó là lý do vì sao những người bất lực hoàn toàn về sinh lý thuộc về nhóm đối tượng không được kết hôn. Hôn nhân và sinh con đẻ cái, tuy hai mà một, tuy một mà hai.

1980s: Cưới khi có nghề nghiệp ổn định

Hai thập kỷ sau, khi cuộc chiến chống Mỹ cứu nước đã kết thúc, những điều kiện trước khi kết hôn cần có được trả lời một cách tường minh và đi sâu vào thực tiễn của từng cặp đôi. Vào thập niên 80, hôn nhân cần phải có sự chuẩn bị về cả mặt đạo đức và vật chất, bên cạnh việc đáp ứng yếu tố về tuổi tác.

Trong chuyên đề Hôn nhân và Gia đình, mục chị Thanh Tâm năm 1983, một cô gái 19 tuổi tâm sự về tình thế tiến thoái lưỡng nam của mình khi đứng trước quyết định có nên lấy chồng ở tuổi này hay không. Cô cùng gia đình mong muốn sau khi học hết lớp 10, cô sẽ thi đỗ đại học và lên thành phố nhận phân công công việc. Kế hoạch này không thành hiện thực và cô phải ở lại quê. Cô đứng trước quyết định kết hôn với một người bạn của người anh đã hi sinh trong chiến tranh, và ở lại quê nuôi con của hai người trong khi chồng lên thành phố lập nghiệp.

Chị Thanh Tâm khuyên nhủ:

“Chị không nói tới việc phấn đấu ở nông thôn nên như thế nào, ở đây chị chỉ muốn khuyên em qua một vài kinh nghiệm của các bạn khác.

Dù ở lại nông thôn cũng nên có công việc ổn định, tự lập được về kinh tế hãy nên lấy chồng.

Nhiều bạn trẻ như em nghề nghiệp chưa có - nhất là ở thành phố điều đó còn đáng sợ hơn. Ở nông thôn nữ thanh niên lấy chồng phần lớn ở chung với gia đình, nhà cửa, sân vườn, giếng nước của gia đình đã có sẵn - như vậy một cô gái quá trẻ vừa rời ghế nhà trường phổ thông sẽ hoàn toàn phụ thuộc về kinh tế. Những ai khoẻ mạnh, xốc vác, làm nông nghiệp giỏi hoặc có nghề nghiệp giỏi mới có thể có vị trí nào đó trong gia đình.”

Sự chuẩn bị này khá gần với quan niệm hiện tại về hôn nhân. Đồng thời, quyết định chị Thanh Tâm gợi ý tới cô gái trẻ cũng hợp lý trong cuộc sống thời bình. Vào thời điểm đó, nhiều phụ nữ có xu hướng ở nhà làm nội trợ trong khi người đàn ông phấn đấu lên thành phố lập nghiệp, thay vì người phụ nữ làm công nhân còn người đàn ông ra trận như trước đây.

Các hiện tượng xã hội mới cũng xuất hiện khi nhiều người lao động Việt Nam sang Đông Âu và mang tài sản về quê hương. Họ còn mang theo cả kiểu tình yêu và hôn nhân có phần phóng khoáng hơn ở đây về. Hiện tượng ngoại tình được thống kê chính thức nhiều hơn, và ly dị không còn là điều xa lạ ở Việt Nam từ thời điểm này trở đi.

httpsimgvietceteracomuploadsimages24may2023honnhanintext2jpg
Khi có của ăn của để, thì hôn nhân cũng có thể tan vỡ theo nhiều cách. Chuẩn bị cho bản thân nghề nghiệp và tài sản là cách để giảm thiểu thiệt hại khi li hôn xảy đến.

Sự chuẩn bị về mặt tài sản vật chất cá nhân là chủ đề trung tâm của nhiều tâm sự gia đình. Khi mỗi người có của ăn, của để, thì khi cuộc hôn nhân tan vỡ, cuộc sống của mỗi người ít có nguy cơ trở nên khó khăn hơn khi họ không quá phụ thuộc vào người cũ. Dĩ nhiên, ly hôn không phải lựa chọn được truyền thông cổ vũ, song những đề phòng sớm như trên có thể là bước tiến lớn về tư tưởng. Bởi lẽ, lựa chọn cá nhân đã được đề cao ngang bằng, thậm chí là hơn cả lựa chọn tập thể.

Kết luận: Nghĩ về đám cưới hôm nay

httpsimgvietceteracomuploadsimages24may2023honnhanintext3jpg
Chúng ta có thể kế thừa điều gì ở quan niệm hôn nhân trước đây, và chuẩn bị điều gì cho quan niệm hôn nhân của tương lai?

Có thể nói, mỗi thế hệ có một thời điểm kết hôn của mình, phù hợp với hoàn cảnh xã hội. Dựa trên những thống kê nhân khẩu học, các thế hệ sinh sau đẻ muộn thường có xu hướng kết hôn muộn hơn các thế hệ đi trước. Họ không còn lo về sức khoẻ sinh sản phụ thuộc vào tuổi tác, đồng thời dành thời gian tuổi trẻ để thử nhiều lựa chọn tình yêu hơn.

Bên cạnh đó, nhiều kiểu tình yêu khác được xã hội ghi nhận và đấu tranh vì, như tình yêu và hôn nhân của người đồng tính. Xã hội cũng cởi mở hơn rất nhiều đối với những người lựa chọn sống độc thân cả đời, hoặc kết hôn nhưng quyết định không sinh con.

Những thay đổi trên sẽ khó xảy ra nếu thiếu sự kế thừa những thay đổi dù chậm chạp của các thế hệ đi trước. Niềm hạnh phúc lứa đôi cần có thời gian để vun vén, và quả thực, mỗi thế hệ tìm ra những hạnh phúc riêng của mình, dù khi ấy quan niệm về hôn nhân và tình yêu có là gì, và thời điểm kết hôn là sớm hay muộn.

Thay đổi đối với các thế hệ trước, dù có thể vấp phải sự phản đối, song phần nào gia tăng sự lựa chọn cho các cặp đôi là họ có thể ly hôn trong hoà bình, nếu cuộc hôn nhân của họ không còn hạnh phúc nữa. “Thời điểm hôn nhân bao giờ là hợp lý?” có lẽ là vấn đề không thể công thức hoá, và luôn có nguy cơ ta lựa chọn một câu trả lời sai. Vì thế, sự hạnh phúc có thể được gìn giữ nếu ta đủ cởi mở để hỏi “Vậy thời điểm kết thúc hôn nhân là bao giờ nếu ta nhận ra mình không hợp chung sống với nhau?”