Bỉ mở phiên toà xét xử vụ 39 người Việt chết trong xe tải tại Anh | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Bỉ mở phiên toà xét xử vụ 39 người Việt chết trong xe tải tại Anh

Tại sao nhiều người Việt chấp nhận di cư, dù có thể trái phép, đến những nước phát triển?
Bỉ mở phiên toà xét xử vụ 39 người Việt chết trong xe tải tại Anh

Trên thế giới, nhập cư trái phép và di dân tị nạn vẫn là một trong những vấn đề nhân đạo lớn. | Nguồn: BBC.

1. Chuyện gì đang diễn ra?

Ngày 15/12, Bỉ mở phiên tòa xét xử vụ 39 người Việt chết trong xe tải tại Anh. Phiên tòa lần này sẽ xét xử 23 nghi phạm nằm trong đường dây buôn lậu người.

Trước đó, vào tháng 1 năm nay, tòa án ở Anh cũng đã tuyên từ 3 đến 27 năm tù cho 7 nghi phạm vì tội ngộ sát. Tháng 09/2020 tại Việt Nam, TAND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tuyên án tù từ 2,5 năm đến 7,5 năm cho 4 nghi phạm có liên quan đến vụ án.

Phiên tòa ở Bỉ dự kiến sẽ kéo dài hai ngày, và tòa dự kiến sẽ mất vài tuần để đưa ra phán quyết với 23 nghi phạm. Công tố viên hiện đề nghị án tù từ 18 tháng đến 15 năm đối với các bị cáo.

2. Toàn cảnh sự kiện 39 người Việt chết trong container tại Anh là gì?

1 giờ 40 phút sáng ngày 23/10/2019, cảnh sát Anh phát hiện 39 người chết trong xe container nhập cảnh vào nước này ở hạt Essex, gần thủ đô London. Tài xế xe tải Maurice Robinson bị bắt ngay tại hiện trường.

Công cuộc điều tra vụ án ban đầu được cảnh sát Anh thực hiện. Tuy nhiên, cuộc điều tra nhanh chóng mở rộng sang Bỉ, Pháp, Ireland và Đức sau khi phát hiện có dấu hiệu phạm tội buôn người. Quá trình truy lùng và bắt giữ các nghi phạm diễn ra ngay sau đó. Theo kết quả điều tra, 39 nạn nhân chết do ngạt thở và nhiệt độ tăng cao trong không gian kín.

Ngày 07/11/2019, cảnh sát Anh xác nhận toàn bộ 39 nạn nhân là người Việt Nam. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phối hợp để đưa thi thể và tro cốt 39 nạn nhân về nước.

Các phiên tòa xét xử nghi phạm đã và đang được diễn ra.

3. Đường dây buôn người sang Anh hoạt động như thế nào?

Các đường dây buôn người hoạt động theo nhiều tầng. Thấp nhất là “cò”, rồi đến môi giới và cuối cùng là đường dây vận chuyển người xuyên biên giới.

“Cò” ở đây là những người nằm vùng và có mối quan hệ thân thiết ở các làng quê. Những người “cò” sau khi lôi kéo thành công người dân, sẽ giới thiệu họ đến cho những người môi giới. Đây là những người đứng ra tổ chức và quản lý các hoạt động vận chuyển.

Theo báo cáo của tổ chức chống buôn người Precarious Journeys, để được đưa sang Anh, những người nhập cư trái phép sẽ phải trả từ 10 ngàn USD (hơn 230 triệu đồng) đến 40 ngàn USD (khoảng 928 triệu đồng). Sau khi nộp tiền, những người môi giới sẽ kết nối với đường dây, lo cho họ đi từng chặng. Mỗi chặng có một đường dây vận chuyển đứng ra chịu trách nhiệm.

Nếu may mắn, họ sẽ nhập cảnh trái phép thành công vào Anh. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cuộc sống xán lạn tại xứ người. Ngoài việc phải đối mặt với nguy cơ bị chính quyền phát hiện và trục xuất, họ cũng là đối tượng dễ tham gia vào các lao động phi pháp như trồng cần sa, buôn bán ma túy hay mại dâm.

Nhiều địa danh ở Việt Nam thậm chí nổi tiếng vì người dân trong làng mang tiền về xây nhà cao cửa rộng sau những năm tháng xuất khẩu lao động. | Nguồn: Zing.

4. Tình trạng buôn người ở Việt Nam ra sao?

Theo báo cáo năm 2018 về nạn buôn bán người, Việt Nam được xếp ở nhóm 2. Nhóm 2 gồm những quốc gia không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu để xóa bỏ nạn buôn người, tuy nhiên đang nỗ lực đáng kể để giảm thiểu.

Các địa điểm phổ biến nhất để buôn bán người từ Việt Nam là Trung Quốc, Campuchia, Malaysia và châu Âu. Phần lớn nạn nhân là phụ nữ và trẻ em nếu điểm đến là châu Á, và nam giới nếu điểm đến là châu Âu.

Tuy tình trạng buôn người từ Việt Nam có xu hướng giảm, ngày càng có nhiều người Việt Nam bị buôn bán sang Anh và Châu Âu. Phần lớn sau đó bị cưỡng bức phải lao động trong các trang trại trồng cần sa và tiệm làm móng.

Những tỉnh thành có nhiều nạn nhân của tội phạm buôn người nhất lần lượt là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Phòng và Quảng Ninh.

5. Tại sao nhiều người Việt chấp nhận di cư, dù có thể trái phép, đến những nước phát triển?

Có nhiều lý do khiến nhiều người Việt chấp nhận rủi ro để đặt chân đến những nước phát triển. Một số lý do chính bao gồm:

Áp lực phải lo cho gia đình

Khảo sát World Values (Giá trị nhân loại) của Ngân hàng Thế giới khẳng định “gia đình là trung tâm của đời sống xã hội Việt Nam”. Điều này phần nào lý giải tại sao đa phần trong số 39 nạn nhân là lao động chính trong gia đình họ. Đơn giản, những người này ra đi vì cảm thấy trách nhiệm phải mưu cầu một cuộc sống tốt hơn cho gia đình họ.

Sự bùng nổ dân số ở những nước đang phát triển cũng là yếu tố thúc đẩy di dân. Khi nền tảng kinh tế không tốt, tình trạng “nhà đông con” ở những vùng quê càng đặt thêm áp lực lên những người trưởng thành trong gia đình.

Mưu cầu kinh tế và địa vị xã hội

Lượng kiều hối gửi về từ nước ngoài đôi khi không những đủ để nuôi sống gia đình ở quê, mà còn đủ cho họ có một cuộc sống khá giả. Trong nhiều trường hợp, sự khá giả này khuyến khích suy nghĩ rằng cứ đi ra nước ngoài là giàu.

Ở những vùng quê nơi tồn tại văn hóa làng xã, điều này lại càng thúc đẩy họ học hỏi theo nhau bằng cách “đi nước ngoài” hơn. Nhiều địa danh ở Việt Nam thậm chí nổi tiếng vì người dân trong làng mang tiền về xây nhà cao cửa rộng sau những năm tháng xuất khẩu lao động.

Các chính sách thúc đẩy di dân của chính phủ

Kiều hối chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu GDP của Việt Nam, với số liệu năm 2018 là 6,6%. Việc thúc đẩy di dân với mục đích lao động vì thế là một trong những ưu tiên của chính phủ.

Trên thực tế, Việt Nam đã có thỏa thuận với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước Đông Âu để khuyến khích người dân xuất khẩu lao động hợp pháp. Năm 2016, đã có hơn 126 ngàn lao động Việt Nam ký hợp đồng lao động để làm việc tại nước ngoài.

Ngoài ra, nhiều người cũng muốn di cư vì các lý do liên quan đến giáo dục, môi trường, chính trị hay hôn nhân.

Tuy nhiên, dù chính phủ không bao giờ ủng hộ di dân trái phép, nhưng những chính sách thúc đẩy di dân kinh tế hợp pháp của chính phủ vẫn có thể bị các tội phạm buôn người lợi dụng.

6. Chính phủ Việt Nam làm gì để phòng chống nạn buôn người?

Phòng chống nạn buôn người luôn là ưu tiên của Việt Nam. Trong các giai đoạn từ 2004 - 2010, 2011 - 2015, 2016 - 2020 và sắp tới là 2021 - 2025, chính phủ Việt Nam đã triển khai các Chương trình hành động quốc gia về chống buôn người. Các chương trình hành động này trình bày chi tiết các chính sách và chế tài xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật..

Với riêng nước Anh, Việt Nam cũng đã có hành động. Tháng 11/2018, Chính phủ Anh và Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ về buôn bán người nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác nhiều hơn qua các nỗ lực bảo vệ và chia sẻ thông tin tình báo.

Những nỗ lực này đã góp phần giảm thiểu đáng kể số nạn nhân của tội phạm buôn người tại Việt Nam qua từng năm. Năm 2020, Việt Nam công bố xác định 121 nạn nhân buôn người, giảm nhiều so với năm 2019 (300 nạn nhân), 2018 (490 nạn nhân) và 2017 (670 nạn nhân).

7. Thế giới từng có thảm kịch nào tương tự?

Trên thế giới, nhập cư trái phép và di dân tị nạn vẫn là một trong những vấn đề nhân đạo lớn. Điển hình là Cuộc khủng hoảng người nhập cư vào châu Âu, khi những người từ châu Phi, Trung Đông và Bán đảo Balkan tìm cách đặt chân đến châu Âu qua eo biển Địa Trung Hải.

Nước Anh cũng từng chứng kiến Thảm kịch Dover với những tính chất tương tự sự kiện này. Vào ngày 18/06/2000, ngay trước nửa đêm, 58 thi thể được tìm thấy trong một xe tải tại thị trấn cảng Dover, Anh. Tất cả nạn nhân mang quốc tịch Trung Quốc đều là người nhập cư trái phép.

Cho đến nay, đây vẫn là sự kiện gây thương vong nhiều nhất liên quan đến hành vi nhập cư bất hợp pháp vào Vương quốc Anh.