1. Chuyện gì đã xảy ra?
Vào khoảng gần sáu giờ tối (giờ địa phương) ngày 27/06, một công nhân tại thành phố San Antonio, bang Texas nghe thấy một tiếng kêu cứu. Anh nhanh chóng phát hiện ra nơi tiếng kêu xuất phát: một chiếc xe container 18 bánh bị bỏ hoang, bên trong thùng xe chứa 46 thi thể chồng lên nhau.
Cảnh sát xác định vụ việc là hệ quả của nạn buôn người từ các nước Nam Mỹ vào Hoa Kỳ thông qua biên giới phía nam của nước này với Mexico. Ngoài 46 nạn nhân, các đơn vị y tế đang tiến hành cấp cứu cho 16 người sống sót trong tình trạng nguy kịch, bao gồm 4 trẻ em và 12 người lớn.
Các đơn vị điều tra không tuyên bố nguyên nhân chết, nhưng có đề cập tới những điều kiện ngặt nghèo như không có nước, kín khí, và không có thiết bị giảm nhiệt. Có lẽ các nạn nhân đã qua đời vì sốc nhiệt, mất nước, và kiệt sức trong cái nóng hơn 38 độ C tại vùng Texas cằn cỗi.
Chính quyền bang Texas cho biết đã có ba nghi phạm bị bắt giữ để phục vụ điều tra, tuy nhiên không khẳng định mối liên hệ giữa ba người này với đường dây buôn người. Đây là một trong những vụ liên quan tới nhập cư nghiêm trọng và nhiều thương vong nhất tại Mỹ trong vòng 20 năm trở lại đây.
2. Chúng ta biết gì về danh tính của các nạn nhân?
Hiện chưa có báo cáo chính thức về danh tính của 46 người đã qua đời. Trong số 16 người sống sót, có hai người được xác định là công dân Guatemala.
Nhiều quốc gia khu vực Nam Mỹ đang xác định liệu công dân nước mình có mặt trên chiếc xe xấu số hay không. Mexico và Honduras là hai nước đang tích cực tham gia vào quá trình xác minh bằng cách gửi đại diện tới gặp chính quyền bang Texas và tới hiện trường vụ việc.
3. Buôn người có phải là một vấn nạn nghiêm trọng tại Mỹ?
Chúng ta không thường xuyên thấy “buôn người” và “Mỹ” đi kèm với nhau. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nạn buôn người và vấn đề người nhập cư là những chủ đề “đau đầu” với không chỉ chính quyền Mỹ mà cả người dân nước này.
Trong quá khứ, nước Mỹ đã chứng kiến nhiều vụ việc thương tâm xảy ra theo motif “chiếc xe tải xấu số” dẫn tới cái chết của hàng ngàn người nhập cư. Một trường hợp tương tự vụ việc này từng diễn ra vào năm 2003, trong đó ghi nhận cái chết của 18 người, bao gồm một bé trai 7 tuổi.
Một vụ việc khác xảy ra vào năm 2012 dẫn tới cái chết của 14 trong số 23 người trong một chiếc xe tải. Các nạn nhân không chết vì bị bỏ rơi trong tình trạng ngặt nghèo, mà vì tài xế đã đâm phải cây trên đường cao tốc.
Điều đáng nói là cả hai vụ việc trên đều diễn ra ở bang Texas. Hầu hết các vụ việc buôn người bị phát giác cũng xảy ra tại bang này. Lý do là bởi Texas tiếp giáp với Mexico và có địa hình khá hiểm trở. Do đó, Texas cùng New Mexico và Arizona trở thành những điểm nóng nhập cư trái phép tại Mỹ.
Vấn đề buôn người và nhập cư như một bóng ma ám ảnh các đời Tổng thống Mỹ, dẫn tới sự chồng chéo của các chính sách qua mỗi lần Nhà Trắng đổi chủ. Bên cạnh đó, sự lây lan của dịch Covid-19 cũng có nhiều ảnh hưởng tới chính sách biên giới và bảo vệ người nhập cư của quốc gia này.
4. Vì sao người Việt cần quan tâm tới sự kiện này?
Khi tiếp nhận sự việc, nhiều người Việt lập tức đặt câu hỏi: có nạn nhân nào mang quốc tịch Việt Nam không? Lý do là bởi vụ việc tại Mỹ mang nhiều điểm tương đồng với vụ án buôn người Essex tại Anh cách đây ba năm, dẫn tới cái chết của 39 người Việt.
Khi vết sẹo Essex vẫn còn nhói, vụ việc tại San Antonio một lần nữa nhắc nhở chúng ta về tình trạng buôn người và di cư bất hợp pháp đang diễn ra trên toàn thế giới nói chung, và tại Việt Nam nói riêng.
Dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn nạn buôn người, đây vẫn là một vấn nạn nhức nhối. Tổ chức Blue Dragon ghi nhận 102 vụ việc buôn người bị lật tẩy tại nước ta trong khoảng thời gian từ 2012 tới 2021. Đó là chưa kể tới những vụ việc chưa được phát giác.
Những kẻ buôn người thường dụ dỗ các nạn nhân bằng những lời hứa hẹn về môi trường làm việc thuận lợi với mức đãi ngộ tốt ở nước ngoài. Chúng nhắm tới những người thiếu kiến thức, hoặc những người trẻ đang tìm kiếm cơ hội lao động tại các nước khác.
Họ ra đi với ước mơ và khát vọng mà không biết rằng “miền đất hứa” mà họ đang hướng tới chỉ là ảo vọng.
5. Tại sao người ta lại chọn di cư bất hợp pháp?
Mặc dù có những cách di cư hợp pháp, nhiều người vẫn chọn "đi chui” thông qua những đường dây buôn người hay tìm cách né các đơn vị tuần tra biên giới để tự đi vào quốc gia khác. Đói nghèo và mù chữ được liệt kê như hai lý do quan trọng, nhưng không phải là hai nguyên nhân chính.
Trong một số trường hợp, người ta di cư bất hợp pháp vì không còn sự lựa chọn nào. Đây là lý do của hàng chục ngàn người nhập cư Ukraine sang các nước lân cận sau khi đất nước của họ bị tàn phá bởi xung đột vũ trang. Trước viễn cảnh cửa nát nhà tan, họ buộc phải tìm sự an toàn ở một đất nước khác.
Một số nguyên nhân khác có thể kể tới là sự bất ổn kinh tế, tình trạng sống bấp bênh,... khiến nhiều người phải bỏ xứ ra đi. Tìm cơ hội việc làm có thu nhập cao là lý do của nhiều nạn nhân buôn người.
Nhiều người di cư bất hợp pháp cho rằng mình không có cơ hội được chấp nhận nhập cư thông qua đường chính ngạch của các đại sứ quán. Họ không đáp ứng đủ điều kiện để nhận visa, và quy trình thủ tục là quá phức tạp với một số người. Vì thế, họ tìm tới những đường dây buôn người.
Sau vụ Essex, chính quyền Việt Nam đã rất nỗ lực để nâng cao nhận thức trong việc lựa chọn di cư hợp pháp thay vì "đi dù,” "đi chui.” Tuy vậy, cần có sự can thiệp toàn diện của chính quyền và sự chung tay của toàn xã hội để ngăn chặn triệt để vấn đề này.