Được chuyển ngữ từ bài viết “Abraham Maslow on Keeping Romantic Love Alive” của Tiến sĩ Edward Hoffman (bài gốc được đăng tải trên chuyên trang Psychology Today).
Abraham Maslow vốn nổi tiếng với những tư tưởng về quản trị khai mở (enlightened management), sức mạnh kết hợp và nhiều khía cạnh khác của quản trị và phát triển tổ chức. Bên cạnh phạm trù đó, ông cũng nghiên cứu sâu về tình yêu lãng mạn và cách duy trì “ngọn lửa đam mê” của nó. Đây là khía cạnh được Maslow rất quan tâm, song lại ít nổi tiếng hơn các nghiên cứu về quản trị tổ chức và nhu cầu con người của ông.
Điều này xảy ra một phần bởi Maslow hiếm khi trực tiếp viết về tình yêu, nên các góc nhìn của ông không được biết đến rộng rãi. Là người viết tiểu sử của ông, tôi muốn tập trung vào hai khía cạnh của tình yêu lãng mạn mà ông coi là quan trọng: sự lý tưởng hóa và lòng biết ơn.
Khi nào người ta có thể yêu nhau một cách trọn vẹn nhất?
Khi nghiên cứu nhu cầu khẳng định bản thân của cả đàn ông và phụ nữ, một câu hỏi cốt yếu được Maslow đặt ra là, “mối quan hệ lãng mạn của họ diễn ra như thế nào?”. Dựa trên những phát hiện sơ đẳng của mình, ông đã viết một chương sách có tựa đề Love in Healthy People năm 1953, và phát triển chúng thêm trong một bài tiểu luận năm 1954.
Trong suốt quãng đời còn lại, Maslow đã liên tục cải thiện quan điểm của mình về tình yêu bản thể (being-love). Ông thực hiện điều này với những góc nhìn trải dài trong các nghiên cứu khác về tâm lý bản thể (being-psychology) và nhận thức bản thể (being-cognition).
Theo Maslow, người đã ở tầng cao nhất trong chiếc tháp nhu cầu của mình sẽ không còn mong muốn được “vuốt ve” cái tôi hay thống trị người khác quá nhiều. Nhu cầu về tự trọng và tôn trọng của họ cũng đã được đáp ứng, vì vậy họ có thể đồng cảm, quan tâm và yêu thương người khác với trái tim trọn vẹn hơn. Theo thuật ngữ của tâm lý học tích cực ngày nay, những người này có khả năng chánh niệm tốt.
Maslow cũng chịu ảnh hưởng từ những nghiên cứu đột phá của Sidney Jouard về việc bộc lộ bản thân - ông nhận định rằng, người có sức khỏe tinh thần tốt sẽ dễ dàng mở lòng và yếu đuối với người thương, cả về thể chất lẫn tinh thần.
“Lý tưởng hóa” người thương - chìa khóa giúp giữ lửa tình yêu?
Maslow cũng chịu ảnh hưởng từ Đạo giáo phương Đông, và từ những năm 60 ông đã gọi lối suy nghĩ này là “sự tiếp dẫn của Đạo giáo” (Taoist receptivity). Đây là trạng thái được ông coi là điển hình khi một cặp đôi ở trong giai đoạn mê đắm, có thể nhìn vào mắt nhau hàng giờ mà không chán, giống như cách người mẹ nhìn đứa con mới sinh.
Theo quan điểm của Maslow, tình yêu bản thể không chỉ coi người thương là tuyệt vời hay phi thường, mà còn là “nửa kia” hoàn hảo mà bạn không thể sống thiếu họ.
Dù kết luận lối suy nghĩ “lý tưởng hóa” người yêu này không mấy thực tiễn trong cuộc sống thường ngày, Maslow vẫn cho rằng nó cần thiết để duy trì cho tình yêu luôn nồng cháy. Bởi giả sử bạn “nhìn người thương như người thường” thì sẽ chỉ thấy toàn khuyết điểm của họ.
Ông cũng chia sẻ trong cuốn Religions, Values and Peak-Experiences rằng, “việc không “lý tưởng hóa” người yêu có thể trở nên tồi tệ cho cả đàn ông và phụ nữ, và có thể tước đi mọi niềm vui trong đời sống tình cảm của họ”.
Điều thú vị là ở chỗ, cách Maslow nhấn mạnh việc lý tưởng hóa hoặc “hy sinh” hết mình vì bạn đời đã trở thành tiền đề cho những nghiên cứu sau này về ảo tưởng tích cực (positive illusion) trong tình yêu.
Chẳng hạn trong một nghiên cứu dài hạn về các cặp vợ chồng của tiến sĩ Sandra Murray và các cộng sự tại Đại học SUNY Buffalo (Mỹ), các cặp đôi “thần tượng” bạn đời nhất khi mới cưới vẫn giữ nguyên mức độ hài lòng trong hôn nhân suốt 3 năm tiếp theo. Nhiều cặp vợ chồng khác sau thời gian này ghi nhận sự sụt giảm rõ rệt trong mức độ hài lòng lẫn nhau.
Một nghiên cứu khác của tiến sĩ Paul Miller đến từ Mạng lưới Điều trị HIV Ontario (Canada) cũng cho ra kết quả tương tự. Song nghiên cứu này còn phát hiện thêm rằng, các cặp đôi “thần tượng” nhau nhất vẫn giữ được lửa tình yêu sau 13 năm chung sống. Dường như lý tưởng hóa là chìa khóa quan trọng để duy trì đam mê trong tình yêu và đời sống hôn nhân.
Lòng biết ơn “người ấy”: Đến từ những điều nhỏ nhặt trong đời thường
Bên cạnh đó, theo quan điểm của Maslow, những người ở tầng cao nhất của tháp nhu cầu vừa có thể cảm nhận, vừa có thể bộc lộ lòng biết ơn sâu sắc trong hôn nhân. Quan điểm này bắt nguồn từ các nghiên cứu chuyên sâu của ông về trải nghiệm đỉnh cao (peak experiences). Trong các trải nghiệm này, lòng biết ơn (gratitude) thường đi đôi với những khoảnh khắc hạnh phúc mãnh liệt.
Trong một bài tiểu luận khác được Maslow viết một năm trước khi qua đời, ông phát biểu rằng, “Lòng biết ơn rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần. Để tái hiện những trải nghiệm đỉnh cao và để ngăn chặn sự “mất giá” của cuộc sống đời thường (hiện tượng xảy ra khi bạn không còn tìm thấy niềm vui trong các hoạt động hàng ngày), chúng ta cần học cách trân trọng những gì mình đang có. Đừng để đến lúc mất đi chúng, ta mới biết cách trân trọng”.
Nhiều thập kỷ sau khi Maslow viết bài tiểu luận đó, lòng biết ơn đã trở thành trọng tâm của các nghiên cứu tâm lý. Cụ thể, giới chuyên môn ngày càng tìm ra nhiều bằng chứng cho thấy, lòng biết ơn giúp duy trì và nâng cao các mối quan hệ xã hội, bao gồm cả tình bạn và tình yêu.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, lòng biết ơn trong đời sống hôn nhân thường thể hiện qua các cử chỉ nhỏ, tử tế trong cuộc sống hàng ngày nhiều hơn là những dịp hiếm hoi mà họ được “khoa trương” hơn một chút (như sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, Valentine…). Nó cũng làm giảm đáng kể các khó khăn về tài chính trong hôn nhân.
Nói ngắn gọn, bạn càng biết ơn và trân trọng người thương của mình, càng cảm nhận được tình yêu bản thể thì mối quan hệ của hai bạn càng bền vững.