Bia kèm lạc - Không đi nhậu sao vẫn mất thêm tiền? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Bia kèm lạc - Không đi nhậu sao vẫn mất thêm tiền?

Dù không đi nhậu nhưng ai cũng có thể mắc phải trường hợp "mua bia vướng lạc."
Bia kèm lạc - Không đi nhậu sao vẫn mất thêm tiền?

Nguồn: Habeco

1. Bia kèm lạc là gì?

Bia hay lạc là những thức quà dân dã và rất quen thuộc với người Việt Nam. Tuy nhiên, cách diễn đạt “bia kèm lạc” không dùng để ám chỉ quán nhậu hay ẩm thực đường phố.

Cụm từ này thường xuất hiện trong bối cảnh mua bán và để ám chỉ việc khách hàng phải mua thêm cả những sản phẩm kèm theo (lạc) để có thể sở hữu sản phẩm chính (bia). Cách diễn đạt này khá gần với cách hiểu về một “combo” sản phẩm nhưng với hàm ý chế giễu, mỉa mai.

2. Bia kèm lạc bắt nguồn từ đâu?

Thuật ngữ này và nội hàm của nó bắt rễ từ một hiện tượng thời bao cấp. Trong giai đoạn này, nền kinh tế bao cấp kiểm soát việc trao đổi hàng hóa. Vì thế, người dân chỉ có thể tìm mua bia và các mặt hàng khác tại những cửa hàng mậu dịch của nhà nước.

04jul2022biahoi314501503752148jpg
Trải nghiệm uống bia chuồng cọp thời bao cấp. | Nguồn: Habeco

Nhờ việc độc quyền mặt hàng bia, các cửa hàng bia nảy ra một “sáng kiến” để tăng doanh thu: bán kèm lạc với bia, và biến lạc thành một sản phẩm bắt buộc, tức là người dùng phải mua cả lạc thì mới có bia. Giá lạc rang tại quán bia thường sẽ đắt hơn lạc mua ở ngoài và chưa chắc đã ngon, nhưng người mua bia buộc phải chấp nhận việc này.

Tới thời điểm hiện tại, cách diễn đạt này không còn chỉ gói gọn trong bia và lạc, mà mở rộng để miêu tả nhiều “combo bắt buộc” ở cả những mặt hàng khác.

3. Tại sao bia kèm lạc lại phổ biến?

Thuật ngữ này rất phổ biến, đặc biệt với các thế hệ phụ huynh và người lớn tuổi đã sống qua giai đoạn bao cấp. Điều kiện sống đặc thù của thời kỳ này làm nảy sinh nhiều cách diễn đạt độc đáo và để lại dấu ấn mạnh. Đây chính là lý do đầu tiên để giải thích cho sự phổ biến của cách diễn đạt bia kèm lạc.

Bên cạnh đó, cũng cần phải nói tới việc các “combo bắt buộc” đang xuất hiện ngày càng nhiều. Thị trường ô tô là ví dụ điển hình: để nhận “xế hộp” trong vài ngày, người dùng phải mua thêm các trang bị khác cho xe. Nếu từ chối, khách hàng phải chờ từ 3 tới 6 tháng để sở hữu sản phẩm.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên thị trường sách giáo khoa. Thông thường, các bạn học sinh sẽ mua sách cho năm học mới thông qua nhà trường, và nhà trường thì chỉ bán trọn bộ một bộ sách giáo khoa.

04jul2022sachgiaokhoa16536267600001101352956jpg
Không phải cuốn nào trong bộ sách giáo khoa cũng được sử dụng. | Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ

Tuy nhiên, bất cứ ai từng đi học đều hiểu rằng có rất nhiều cuốn trong bộ sách ấy bị bỏ xó cả năm, ví dụ như các cuốn sách bài tập của tất cả các môn học. Lý do là bởi trong sách giáo khoa cũng đã có khá nhiều bài tập. Mặt khác, các thầy cô giáo thường ít dùng sách bài tập để làm học liệu.

Vì thế, việc bắt học sinh mua thêm những sách khác như sách bài tập, sách tham khảo,... bên cạnh sách giáo khoa vô tình trở thành một hình thức buôn bán bia kèm lạc.

4. Cách sử dụng thuật ngữ

A: Đi mua ô tô mà tốn thêm cả tiền mua phụ kiện, không thì chắc mướt mùa mới có xe mất.

B: Buôn bán kiểu bia kèm lạc như thế kiểu gì cũng có ngày bị phạt!