Trước khi trở về Việt Nam vào năm 2014, Alexander Tú từng đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành trong nhóm Kaba Modern và KM Legacy bên cạnh hoạt động biểu diễn tại nhiều chương trình tên tuổi như ESPY, World of Dance, Hip-Hop International tại Mỹ. Song song với việc hoạt động nghệ thuật, anh cũng theo học cử nhân ngành tâm lý và thạc sĩ/tiến sĩ ngành vật lý trị liệu.
Nhưng thay vì hoạt động lĩnh vực giải trí, trong 9 năm ở Việt Nam, Alexander Tú chọn theo đuổi con đường giáo dục. Anh đồng sáng lập và tham gia giảng dạy tại Học viện Âm nhạc và Trình diễn SOUL đồng thời hướng dẫn nhiều nhóm nhảy trẻ và sáng lập nên nhóm nhảy của riêng mình - LYRICÍST. Tháng 8/2019, LYRICÍST đã vượt qua 14 nhóm nhảy xuất sắc nhất các nước Đông Nam Á để trở thành quán quân cuộc thi nhảy quy mô toàn Đông Nam Á Super 24.
Rhythms of a Nation (nhịp điệu Tổ quốc) là dự án cá nhân của Alexander Tú nhằm khám phá chuyên sâu những khía cạnh văn hóa độc đáo, di sản và phong tục tập quán của Việt Nam mà ở đó, những điệu nhảy cho phép anh kết nối với người dân địa phương. Sau tác phẩm Red City, Air, mới đây nhất, anh đã cho ra mắt tác phẩm Dragon nằm trong khuôn khổ dự án này.
Đâu là những sản phẩm nghệ thuật anh tâm đắc sau gần một thập kỷ tại Việt Nam?
Năm 2014, anh trở về Việt Nam với vai trò biên đạo múa cho chương trình Duyên dáng Việt Nam và MV Just you của Hoàng Thuỳ Linh. Chuyến đi ấy đã kéo dài cho đến tận hôm nay nhờ lời mời giảng dạy tại Học viện SOUL của Thanh Bùi.
Sau một vài sản phẩm hợp tác với Thanh, anh xây dựng nhóm nhảy riêng LYRICÍST. Đầu tiên có thể kể đến tác phẩm nghệ thuật múa của nhóm trên nền nhạc của ca khúc Diễm Xưa do nghệ sĩ Tuấn Mạnh độc tấu piano trong chương trình Nối vòng tay lớn năm 2016.
Sau đó Young Lyricíst trở thành đại diện duy nhất của châu Á được chọn tham gia biểu diễn tại sự kiện Dance Proms 2017 trên sân khấu danh giá Royal Albert Hall tại London. Cho đến tận bây giờ, đó vẫn là một trong những khoảnh khắc quan trọng nhất cuộc đời anh.
Về cá nhân mình, anh có Rhythms of a Nation, một dự án cho anh cơ hội tìm hiểu thêm về văn hoá Việt Nam và các hình thức nghệ thuật nhảy, múa ở những vùng miền khác nhau.
Sinh ra và lớn lên tại Mỹ, có khi nào ngôn ngữ là rào cản của anh chưa?
Gọi là thử thách thì đúng hơn. Những lúc phải truyền đạt, chia sẻ, phát biểu bằng tiếng Việt, anh thấy vừa khó, vừa vui vì đó là thử thách anh muốn vượt qua. Trong suốt khoảng thời gian ở Mỹ, những gì anh biết về văn hoá Việt Nam chỉ gói gọn trong ngôi nhà của mình.
Từ khi còn nhỏ bố mẹ đã dạy anh tiếng Việt nhưng thời gian tiếp xúc với bố mẹ không nhiều nên tiếng mẹ đẻ của anh không tốt. Về Việt Nam anh mới học lại. Đặc biệt là khi làm giám khảo cho chương trình truyền hình thực tế mà anh phải nhận xét bằng tiếng Việt, sự căng thẳng khi đó đã cho anh nhiều động lực để học hơn. Anh không muốn sống ở Việt Nam lâu mà mình lại không nói được nhuần nhuyễn.
Sau này khi có con, anh cũng nhận ra nếu mình không nói được tiếng Việt, anh sẽ không biết và không hiểu về văn hoá của mình, từ đó anh sẽ không thể truyền đạt lại những nét đẹp văn hoá đó cho con.
Thời gian đầu khi tiếng Việt chưa tốt, nhảy là cách để anh truyền đạt ý tưởng của mình. Với những người trong cộng đồng nhảy và hiểu về nhảy, sự chuyển động về cơ thể sẽ giúp mọi người nắm bắt được ý tưởng của anh mà không phải nói nhiều.
Điều gì thôi thúc anh bắt tay vào Rhythms of a Nation?
Anh luôn muốn được học về văn hoá Việt Nam, cụ thể là tới nhiều nơi để tìm hiểu về những điệu nhảy dân gian. Cũng như ở châu Âu có ballet là điệu múa cổ điển, anh muốn đi tìm những hình thức nghệ thuật như vậy ở Việt Nam.
Anh cũng nhận thấy người nước ngoài khi nhắc đến Việt Nam vẫn nói nhiều về chiến tranh, về phở, bánh mì… nhưng văn hoá Việt Nam dày dặn hơn thế với nhiều điều chưa được khám phá.
Thông qua những dự án như Rhythms of a Nation, anh muốn mang những nét đặc trưng về văn hoá của Việt Nam ra thế giới để nhiều người biết đến vẻ đẹp của nước mình hơn. Anh cũng muốn thông qua sản phẩm của mình, anh có thể truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ để họ tiếp nối, làm tốt hơn, hay hơn, đẹp hơn.
Còn về tên gọi, trong một lần vô tình xem được MV Rhythms of a Nation của Janet Jackson, anh nghĩ đến sự đồng điệu, sự thống nhất của một đất nước. Khi nghĩ tới Việt Nam, anh cũng cảm nhận được một nhịp điệu thống nhất giữa mọi miền Tổ quốc. Từ đó anh quyết định lấy luôn tên Rhythms of a Nation.
Với Dragon, anh muốn kể câu chuyện gì?
Anh muốn kể câu chuyện về nghệ thuật múa lân. Ý tưởng này đã bắt đầu từ cuối năm 2018, đầu năm 2019 rồi. Anh đã tìm đến các làng nghề lân sư rồng để tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa tục múa này, về cách các nghệ nhân làm nên những đầu lân, đầu rồng đầy sắc màu cũng như cách múa.
Trong quá trình ấy, anh đã gặp nghệ sĩ nhân dân Lương Tấn Hằng để tìm hiểu cách lồng ghép, truyền tải văn hoá dân tộc vào những tiết mục của Đoàn Nghệ thuật Lân – Sư – Rồng Hằng Anh Đường do Lương Tấn Hằng xây dựng.
Theo anh, đâu là cái khó khi kết nối nghệ thuật nhảy và văn hoá?
Anh là người thích phối, thích phá cách, “chơi đùa” giữa cái truyền thống và hiện đại. Cũng giống câu chuyện của Dragon khi anh thay con lân bằng con rồng, anh muốn mang lại màu sắc mới mẻ dựa trên một nét văn hoá truyền thống đẹp.
Cách làm của anh cũng tương tự như các bạn rapper Chips, Jombie và Sona mang những văn hóa cũng như giai điệu của người Khmer đến gần hơn với người nghe bằng cách sử dụng ngôn ngữ Khmer trong bài rap. Tuy vậy, Việt Nam có sự tôn trọng lớn với văn hoá nên anh luôn lo lắng liệu sự phá cách của mình có bị nhìn nhận là thiếu tôn trọng không.
Bên cạnh văn hoá, còn thông điệp gì anh muốn gửi gắm qua Dragon không?
Dragon hay Rhythms of a Nation nói chung là nơi anh cho mọi người thấy anh đang thử thách bản thân với những điều anh chưa từng làm trước đó. Với dự án này, anh vừa là nhà sản xuất, đạo diễn, biên đạo, vừa tham gia nhảy. Là một người nghệ sĩ, anh luôn muốn thử thách bản thân mình không chỉ ở phần nhảy.
Vậy nên qua đó, anh muốn nói rằng: Hãy là chính mình và cố gắng hết sức cho những điều bạn cảm thấy đúng đắn.
Nói thật, anh không phải Gen Z, cũng không phải Millennial, anh chỉ muốn trở thành một phần trong hành trình trưởng thành của người trẻ, giúp họ thêm yêu văn hoá Việt Nam và nghệ thuật trình diễn.
Từng học và làm bác sĩ, có bao giờ anh muốn “dừng chân" với nghệ thuật và quay trở lại làm một bác sĩ?
Không bao giờ.
Anh bắt đầu học nhảy khi hip hop, cụ thể hơn là breakdance, bước vào giai đoạn “thịnh vượng" bên Mỹ. Nhưng trước đây anh chưa bao giờ nghĩ breakdance có thể trở thành một con đường sự nghiệp mà chỉ là nơi để anh thể hiện suy nghĩ, cá tính của bản thân.
Thời điểm anh tốt nghiệp Đại học chuyên ngành tâm lý và chuẩn bị theo học thạc sĩ, nhóm nhảy của anh bên đó được lên truyền hình, mở ra nhiều cơ hội hơn cho anh và nhóm.
Sau này khi về Việt Nam rồi, nghệ thuật trở thành công việc chính nhưng anh vẫn áp dụng kiến thức y học vào các phương pháp vũ đạo nhằm hỗ trợ quá trình phát triển của thế hệ trẻ. Cũng bởi vậy, đề tài luận án tiến sĩ chuyên ngành vật lý trị liệu mà anh chọn chính là "Tác động tích cực của vũ đạo đến sự phát triển của trẻ em Việt Nam".
Kế hoạch sắp tới đây của anh và LYRICÍST là gì?
Năm nay là năm thứ 7 của nhóm rồi, anh mong muốn sản phẩm phải ngày càng chất lượng hơn.
Mới đây LYRICÍST vừa tham dự vòng chung kết của cuộc thi nhảy Summer Jam. Thời gian tới anh sẽ cùng nhóm đang lên kế hoạch để lan tỏa nghệ thuật trình diễn đến nhiều người hơn chứ không chỉ trong cộng đồng nhảy. Còn về phía anh, anh sẽ tiếp tục với dự án Rhythms of a Nation với nhiều yếu tố văn hoá thú vị hơn.