Giám đốc mỹ thuật phim Cám và hành trình "tái sinh" truyền thuyết dân gian Việt | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Giám đốc mỹ thuật phim Cám và hành trình "tái sinh" truyền thuyết dân gian Việt

Các câu chuyện dân gian ít nhiều mang niềm tin, phong tục của nhiều thế hệ. Do đó, chúng là nguồn tư liệu dồi dào cho các sản phẩm truyền thông đại chúng, đủ sức “cạnh tranh” với tác phẩm quốc tế.
Giám đốc mỹ thuật phim Cám và hành trình "tái sinh" truyền thuyết dân gian Việt

Nguồn: Duy Văn cho Vietcetera

Là một người say mê văn hóa dân gian và di sản bản địa, tôi thường trăn trở với câu hỏi: điều gì làm nên một bản sắc Việt? Câu hỏi không dễ để trả lời, nhất là khi thiếu đi sự tra cứu, va chạm và truy vấn chuyên sâu về mọi khía cạnh văn hóa.

Trong hành trình đi tìm những mảnh ghép của một bức tranh rộng lớn, tôi biết đến anh Văn Công Duy (nghệ danh Duy Văn) - một giám đốc mỹ thuật, họa sĩ, nhà thiết kế, nhà nghiên cứu, đồng thời là một người học hỏi, tìm tòi không ngừng nghỉ.

alt
Một số tác phẩm gắn liền với tên tuổi giám đốc mỹ thuật Duy Văn. | Nguồn: Duy Văn cho Vietcetera

Duy Văn đang giữ vai trò giám đốc nghệ thuật tại ProductionQ - một studio chuyên sản xuất các phim kinh dị tại Việt Nam. Trong các dự án phim lớn như Tết Ở Làng Địa Ngục, Kẻ Ăn Hồn và gần đây nhất là Cám, anh tham gia vào đội ngũ thiết kế trang phục, tạo hình nhân vật và đã nhận được nhiều lời khen từ công chúng nhờ sự đầu tư và chỉn chu tạo hình.

Trước khi dấn thân vào con đường hiện tại, anh cũng từng là họa sĩ, tác giả hai phần sách Ma Quỷ Dân Gian Ký, một tài liệu khảo cứu về các truyền thuyết linh dị Việt Nam.

Điều gì ở văn hóa tâm linh dân gian Việt Nam cuốn hút anh đến vậy?

Mối duyên với văn hóa bắt nguồn từ tình yêu lịch sử. Anh học ở mẹ, một giáo viên lịch sử, kiến thức về con người và cội nguồn đất nước từ khi còn rất bé và mang theo nó trong suốt những năm tháng trưởng thành. Lớn lên, tích lũy được vốn văn hóa và học được cách chọn lọc, anh thấy mình luôn cảm nhận được sự tươi mới mỗi khi sáng tạo hay làm dự án văn hóa.

Anh tiếp xúc với văn hóa cổ và truyền thuyết xưa nhiều nhất là qua câu chuyện đối nhân xử thế, khai phá đất đai, và chuyện xưa thời ông bà. Trong những chuyện đã qua thì hấp dẫn hơn cả vẫn là truyền thuyết về ma quỷ.

Ma quỷ cũng được đặt theo những cái tên trực diện, nghe là hiểu “đặc tính”: Ma mặt mâm, mèo tinh, chó ma, quỷ một giò… Đa phần các câu chuyện quỷ dị đều lơ lửng không đầu không kết, không ai biết nguồn gốc, nơi chúng xuất hiện, và cũng chẳng biết chúng sẽ tiếp tục làm gì trên dương thế. Tụi trẻ con vừa sợ nhưng cũng vừa phấn khích vì tò mò.

01oct2024img0608jpg
Bìa sách "Ma Quỷ Dân Gian Ký" tập 2. | Nguồn: Duy Văn cho Vietcetera

Từ sự hiếu kỳ đó, anh bắt tay thực hiện một dự án nghiêm túc về ma quỷ Việt Nam và nhận được hưởng ứng tích cực. Cộng đồng là nền tảng quý giá để anh nuôi dưỡng và phát triển dự án lâu dài. Anh tạo ra một “kho kiến thức” để bất kỳ ai muốn khai thác đề tài tâm linh Việt Nam sẽ có tài liệu tham khảo.

Sau này anh cũng dự định mở rộng ra các khía cạnh tâm linh khác, như đi sâu về hệ thống Thần Thánh có nguồn gốc từ những người có công với đất nước. Đây là dự án dài hơi và đòi hỏi khối lượng lớn thời gian nghiên cứu, học tập.

Anh nghĩ chuyện dân gian phản ánh tâm thức, lối sống, quan niệm đạo đức của người Việt thế nào?

Truyện tâm linh Việt Nam thường đi kèm bài học đạo đức, răn dạy lối sống hoặc lời khuyên về cuộc sống. Người ta dặn không đi tắm sông ở một số thời điểm nhất định không phải vì có ma da kéo giò, mà có thể vì giờ đó nước xiết nguy hiểm. Hay câu chuyện ma lai rút ruột được kể ra để cảnh báo người dân không tiểu tiện bậy, vừa giữ vệ sinh môi trường, vừa phòng tránh bệnh tật.

Người Việt mình thường rất khéo léo lồng ghép ý nghĩa cuộc sống trong những câu chuyện tâm linh. Địa ngục, đầu thai, ma báo oán, tất cả cũng để phục vụ mục đích lớn nhất dạy con người sống hướng thiện và biết lấy chân thiện mỹ làm giá trị tốt đẹp mà nương theo.

Tác phẩm dân gian Việt Nam nổi tiếng lấy chủ đề u huyền có thể kể đến Lĩnh Nam Chích Quái, Thánh Tông Di Thảo, Thoái Thực Ký Văn, Việt Điện U Linh Tập hay Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ. Đây đồng thời là các tác phẩm lồng ghép giá trị nhân đạo và bài học đạo đức. Các câu chuyện tâm linh Á Đông khi truyền sang Việt Nam đều được lược bớt yếu tố kinh dị hoặc biến hóa phù hợp dựa trên nền tảng đạo đức của dân tộc.

Nếu như Trung Quốc phổ biến những chuyện rùng rợn về minh hôn, trộm mộ cướp xác hay cương thi, thì trong quá trình nghiên cứu, anh lại không thấy nhiều tài liệu về đề tài tương tự ở Việt Nam. Có thể thấy rõ về giá trị sống của người Việt không chỉ nằm ở những câu chuyện nguyên gốc mà còn ở trong cách ông bà ta thích ứng với sự du nhập văn hóa.

Nhiều nước châu Á đã thành công tận dụng yếu tố tâm linh, yêu quái vào sản phẩm giải trí. Liệu Việt Nam có thể làm điều tương tự?

Anh đã tham khảo nhiều tài liệu về Yokai (yêu quái Nhật Bản), ma quỷ Trung Quốc phổ biến trên các sản phẩm sách truyện và phim ảnh và thắc mắc vì đâu hình tượng ma quỷ Việt Nam, dù đa dạng và giàu sức sống không kém, nhưng vẫn chưa được khai thác nhiều.

Từ những loài ma quỷ quen thuộc như ma da, hà bá, ma lai rút ruột, đến các loài độc lạ như ma cà rồng Việt Nam với khả năng đút chân vào mũi để bay. Các câu chuyện này ít nhiều mang theo niềm tin, phong tục của nhiều thế hệ, vì thế là nguồn tư liệu dồi dào cho các sản phẩm truyền thông đại chúng, đủ sức “cạnh tranh” với tác phẩm quốc tế.

Tuy nhiên, Việt Nam tồn tại nhiều tôn giáo khác nhau như đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Cao Đài và đạo Hòa Hảo, mỗi đạo có những quy định tâm linh nghiêm ngặt. Sự khác biệt trong cách tiếp cận, định nghĩa hiện tượng dân gian cũng gây khó khăn trong việc xây dựng nền văn hóa tâm linh thống nhất.

Lý do thứ hai là các ghi chép về ma quỷ Việt Nam còn nhiều hạn chế, phần lớn là truyền miệng. Các tác phẩm văn học truyền kỳ như Lĩnh Nam Chích Quái hay Truyền Kỳ Mạn Lục có ghi chép lại một phần nhỏ nhưng chưa có sự tổng hợp bài bản. Trong khi xu hướng hiện đại ưu tiên hiện tượng “mắt thấy tai nghe”, hiện tượng tâm linh dễ bị đánh đồng với vấn đề mê tín dị đoan hoặc bị lợi dụng để trục lợi từ niềm tin tôn giáo.

Các sản phẩm giải trí như phim ảnh hay game đã có nỗ lực sáng tạo dựa trên chất liệu tâm linh dân gian, tuy nhiên cũng gặp hạn chế về kịch bản, hình ảnh hoặc vướng mắc quy định kiểm duyệt nên chưa đủ sức lan tỏa ở thị trường quốc tế. Để khai thác và mở rộng nguồn tư liệu sẵn có, anh nghĩ cần có sự đồng hành và ủng hộ của cơ quan chức năng, và hơn hết là sự đồng lòng từ phía cộng đồng để gìn giữ, phát triển văn hóa dân gian bền vững.

Từ những gì đã quan sát và học hỏi được, anh đã phát triển dự án Ma Quỷ Dân Gian Ký theo hướng mới mẻ. Ma quỷ Việt Nam cần gần gũi với người Việt, anh nghĩ nên được vẽ lại hay trực quan hóa theo phong cách tranh dân gian, vàng mã… vốn đã ăn sâu vào tâm thức người dân, chứ không nên bị ảnh hưởng bởi phong cách anime, manga hay comic nổi tiếng trên thế giới.

01oct2024thaiinoiiccuioiicjpg
Thần Độc Cước | Nguồn: Facebook Ma Quỷ Dân Gian Ký

Chuyện dân gian Việt Nam có tiềm năng phát triển thế nào trong ngành sáng tạo và giải trí?

Phong trào làm mới văn hóa dân gian không mới nhưng đã đạt được thành tựu đáng tự hào trong những năm trở lại. Các gameshow gần đây lấy chủ đề văn hóa, tình yêu đất nước thu hút được lượng lớn tương tác.

Mạng xã hội cũng tràn ngập những bình luận sôi nổi về cổ phục hay tranh dân gian. Thị trường tiêu dùng và thời trang không thiếu những sản phẩm kết hợp yếu tố văn hóa dân gian. Người trẻ chủ động tìm hiểu kiến thức mới và học được cách phân biệt giữa tinh thần bản địa và ngoại lai.

Trong mảng văn hóa tâm linh, nhiều đạo diễn và nhà sản xuất Việt đã mạnh dạn khai thác yếu tố bản địa, lấy cảm hứng từ nhân vật, ma quỷ, và phong tục Việt Nam. Những tác phẩm như Tết Ở Làng Địa Ngục, Kẻ Ăn Hồn, Cám của Trần Hữu Tấn - Hoàng Quân, hay Quỷ Cẩu, Linh Miêu của Võ Thanh Hòa, Ma Da của Nhất Trung, cùng các series Ai Chết Giơ Tay, Nhà Gia Tiên của Huỳnh Lập là những ví dụ nổi bật. Khán giả Việt yêu thích trang phục trong phim, bàn tán về từng chi tiết, và đặc biệt ấn tượng với những thước phim chỉn chu của Việt Nam.

Trong ngành công nghiệp game, chúng ta đã có các tựa game như Thần Trùng, Cỏ Máu, Tai Ương, Đoạt Mệnh từ các nhà phát triển Việt và cũng nhận được nhiều hưởng ứng tích cực.

Game Black Myth: Wukong của Trung Quốc gần đây đã gây sốt toàn thế giới. Anh nghĩ Việt Nam có câu chuyện nào có thể dựng nên thế giới hoành tráng như vậy?

Anh đã chơi game và rất ấn tượng với đồ họa và cách xây dựng thế giới game dựa trên nền tảng truyện Tây Du Ký. Thế giới trong game hấp dẫn đến nỗi kích thích người chơi tò mò tìm hiểu thêm về tác phẩm gốc. Đây là thành công lớn của Trung Quốc khi phát triển sản phẩm giải trí dựa trên di sản văn hóa dân tộc.

Việt Nam, với hệ thống văn hóa dân gian đa dạng và hệ thống thần thoại, cũng có tiềm năng tương tự. Chúng ta không chỉ có truyền thuyết về người Kinh mà còn có sử thi dân tộc đặc sắc như Đẻ Đất Đẻ Nước của người Mường, Đăm Săn của người Ê-đê.

Nếu phải đề cử một tác phẩm với chất liệu phong phú, anh nghĩ anh sẽ chọn khai thác câu chuyện của Lạc Long Quân. Bởi đó là người anh hùng đánh bại yêu ma quỷ quái như Quỷ Xương Cuồng, Hồ Tinh, Ngư Tinh để mang lại thái bình, rồi kết duyên cùng Âu Cơ và sinh ra bọc trăm trứng - cũng là khởi nguồn dân tộc Việt.

Anh có thể chia sẻ thêm về các tác phẩm điện ảnh mình đã từng tham gia thực hiện?

Khi làm Giám đốc mỹ thuật (Art Director) cho các dự án Kẻ Ăn Hồn, Tết Ở Làng Địa NgụcCám, anh giữ vai trò triển khai hình ảnh để truyền thông cho phim. Công việc bắt đầu từ thảo luận với đạo diễn và nhà sản xuất về tạo hình nhân vật và trang phục. Phim đề tài cổ trang thì đặc biệt cần chú trọng khâu phục trang.

Nhưng làm sao để vừa giữ được tinh thần cổ trang mà vừa mang đặc điểm riêng của nhân vật? Làm sao để sáng tạo, phá cách vừa đủ mà không gây phản cảm? Đây là thử thách anh cần vượt qua. May mắn là phần lớn sản phẩm đều nhận được phản hồi tích cực. Ngoài ra, thiết kế hình ảnh cũng phải bám sát concept phim, từ poster, teaser đến ấn phẩm truyền thông khác.

01oct2024img2032jpg
Giám đốc mỹ thuật Duy Văn (phải) làm việc với đạo diễn Trần Hữu Tấn (trái). | Nguồn: Duy Văn cho Vietcetera

Đây là công việc mà anh yêu thích và sẽ tiếp tục gắn bó, bên cạnh việc phát triển nội dung cho Ma Quỷ Dân Gian Ký. Anh mong được gặp gỡ nhiều cá nhân trong lĩnh vực văn hóa và phim ảnh kinh dị, để có thể tiếp tục sáng tạo và quảng bá văn hóa Việt qua những sản phẩm nghệ thuật độc đáo.