Khép lại một phase 4 “hay ít tệ nhiều,” Black Panther: Wakanda Forever ngay khi vừa mở màn đã thu về những con số khủng trong doanh thu phòng vé. Bộ phim nhận được nhiều lời khen từ giới phê bình vì sự đầu tư và chăm chút trong cốt truyện và bối cảnh hoành tráng.
Tiếp nối di sản để lại bởi Chadwick Boseman, Black Panther: Wakanda Forever như một lời tri ân đến chính người diễn viên quá cố, một người đã để lại quá nhiều đau thương và tiếc nuối sau sự ra đi quá đột ngột của mình vào năm 2020. Nhưng cũng chính vì lí do đó, tôi cảm thấy thật khó khăn trong việc kết nối với sự tri ân mà bộ phim muốn đem lại.
Một lời tri ân cho Chadwick Boseman
Vào tháng 8/2020, Chadwick Boseman qua đời vì căn bệnh ung thư trực tràng mà anh đã chiến đấu từ 2016. Căn bệnh này đã được nam diễn viên giữ kín suốt khoảng thời gian đó. Anh vẫn tiếp tục hoạt động nghệ thuật, nén đau đớn để hóa thân thành T’Challa, siêu anh hùng Báo Đen, đem đến cho thế giới nói chung và cộng đồng người da đen nói riêng, một biểu tượng văn hóa.
Căn bệnh này được nam diễn viên giấu kín khỏi tất cả đồng nghiệp của mình. Cho đến tận những ngày cuối cùng, nam diễn viên vẫn vui vẻ nhận kịch bản cho phần Black Panther mới. Đạo diễn/ biên kịch Ryan Coogler, đoàn làm phim Black Panther và cả thế giới đều không thể ngờ rằng chỉ vài tuần sau đó, Chadwick Boseman đã qua đời.
Không chỉ là sự tiếc nuối trong cộng đồng điện ảnh và người hâm mộ, sự ra đi của Chadwick Boseman đã để lại cho những người thực hiện Black Panther một bài toán khó: Làm thế nào để tiếp tục di sản của Black Panther, một điều mà theo anh trai của Chadwick Boseman cho rằng người em quá cố của mình cũng sẽ mong muốn, mà không có mặt của Chadwick?
Sự chân thành trong từng cảnh phim, cái thanh âm lặng lẽ hiện diện tại Black Panther: Wakanda Forever đã phần nào truyền tải được cảm giác trống vắng, thương tiếc mà sự ra đi của Chadwick Boseman để lại. Black Panther: Wakanda Forever là một điếu văn, một bức thư tri ân của những người đồng nghiệp đến Chadwick Boseman.
Một bộ phim “đầy”
Từ những sản phẩm điện ảnh nghệ thuật phản ánh thời đại như Fruitvale Station, đến những thành công thương mại như series Creed, Ryan Coogler là một đạo diễn/ biên kịch có đầy đủ đam mê lẫn tài năng để truyền tải được tất cả những gì mà anh muốn đưa vào bộ phim.
Black Panther: Wakanda Forever là một bộ phim như vậy, một bộ phim với nhiều tham vọng, nhiều thông điệp và nhiều yêu cầu. Tiếp nối Black Panther (2018), bộ phim có thể được xem là một sự kiện văn hóa của cộng đồng người da đen, Black Panther: Wakanda Forever có áp lực phải trở thành một bộ phim kế nhiệm xứng đáng.
Yếu tố “Black Pride” (niềm tự hào da đen) vẫn hiện diện thậm chí nâng tầm. Wakanda, một đất nước của người da đen đứng trước Liên Hợp Quốc và tuyên bố rằng họ là quốc gia hùng mạnh nhất Trái Đất, có thể chống lại bất kì thế lực ngoại xâm nào chắc chắn là một hình ảnh ít được thấy trên màn ảnh thế giới.
Những thông điệp đánh sâu vào lịch sử của người da đen, những góc nhìn về chế độ thực dân, sự tự cường khi đứng trước những kẻ xâm lược da trắng, tất cả những yếu tố trên được thẳng thắn truyền tải ở bộ phim qua cách tiếp cận vấn đề cực kì trực diện của Ryan Coogler.
Tất cả những thông điệp vĩ mô đó, chỉ mới là một phần của Black Panther: Wakanda Forever. Cùng như bao bộ phim Marvel tại Phase 4 khác, Black Panther: Wakanda Forever phải đáp ứng đủ tất cả những gạch đầu dòng mà vũ trụ điện ảnh này đưa ra.
Bộ phim không chỉ phải tìm kiếm một nhân vật mới để kế thừa di sản của Black Panther, mà còn phải đảm bảo đưa tất cả những mạch truyện phụ và giới thiệu những siêu anh hùng mới nhằm hoàn thành đúng nhiệm vụ của một phần trong vũ trụ điện ảnh MCU. Và ở giữa tất cả những điều đó, là cái chết của T’Challa và bức điếu văn dành cho Chadwick Boseman.
Mất mát, tưởng nhớ và siêu anh hùng
Phần này có tiết lộ nội dung của Black Panther: Wakanda Forever
Có lẽ ai cũng sẽ bước vào rạp phim Black Panther: Wakanda Forever với một hy vọng tràn trề, một hy vọng rằng sau tất cả những tác phẩm tệ hại mà Marvel đã đưa ra trong phase 4, bộ phim này sẽ kết thúc khoảng thời gian ấy bằng một nốt thăng.
Wakanda Forever là một bộ phim có quá nhiều điều để thích. Sự nguy nga và hùng vĩ của vương quốc Talokan, khoảnh khắc Namor xác nhận mình là người đột biến đầu tiên của MCU, một nhân vật nữ da màu thay thế Iron Man, Shuri kế thừa Black Panther và trị vì Wakanda, tất cả những điều đó có lẽ sẽ khiến cho bất kì người hâm mộ Marvel nào cũng nhảy cẫng lên vì sung sướng.
Nhưng thật khó để cảm thấy phấn khích khi mọi phương tiện truyền thông và cả bản thân bộ phim đã rất rõ ràng khẳng định với khán giả rằng đây là bộ phim được làm ra để tưởng nhớ Chadwick Boseman, để đóng vai trò như một bức điếu văn mà đoàn làm phim dành cho người đồng nghiệp quá cố.
Hai từ “tưởng nhớ” ám ảnh tôi khi xem phim. Đứng giữa những phân cảnh đánh đấm, những cháy nổ, những siêu anh hùng bay lượn, những câu hỏi dần dần hiện lên, “Liệu đây có phải là cách mà Chadwick muốn mọi người nhớ về anh?”
Bộ phim này hoàn toàn có thể là cách mà Chadwick Boseman muốn mọi người nhớ về anh. Nhưng có một sự thật rằng không ai có thể thật sự hỏi ý kiến anh về điều đó.
Tôi không đổ lỗi cho những người thực hiện Black Panther, sự chân thành của họ đã được thể hiện ở trong từng cảnh phim và có lẽ bất kì ai cũng sẽ thấy rõ được điều đó. Nhưng sự “tưởng nhớ” ấy liên tục kéo bộ phim về với sự thật rằng Chadwick Boseman là một con người thật đang được tưởng nhớ trong một bộ phim siêu anh hùng dưới duy nhất một vai diễn trong cả cuộc đời của anh.
Xem Black Panther: Wakanda Forever là xem một sản phẩm của MCU, là xem một sản phẩm “tưởng nhớ” Chadwick Boseman bằng những nhân vật CGI được vẽ bởi những họa sĩ bị công ty giải trí này chèn ép làm việc quá sức, là xem một tác phẩm tôn vinh di sản của Chadwick Boseman bởi một công ty chưa thật sự có một đóng góp thực tiễn đáng kể nào cho cộng đồng người da đen.
Tôi không trách những con người đã cố gắng hết sức để có thể làm một bộ phim tưởng nhớ Chadwick Boseman, nhưng tôi cũng không chắc rằng đây là một phương tiện thích hợp để thực hiện điều đó.