"Bỏ Mỹ về với Trung Quốc", vì sao vận động viên này vẫn bị dư luận ném đá? | Vietcetera
Billboard banner
09 Thg 02, 2022
Sáng TạoTruyền Thông

"Bỏ Mỹ về với Trung Quốc", vì sao vận động viên này vẫn bị dư luận ném đá?

Zhu Yi (hay Chu Dịch) đang trở thành một "từ khóa" hot trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. 
"Bỏ Mỹ về với Trung Quốc", vì sao vận động viên này vẫn bị dư luận ném đá?

Vận động viên trượt băng nghệ thuật của Trung Quốc Zhu Yi

Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 đang diễn ra, có rất nhiều tuyển thủ đã từ bỏ quốc tịch gốc và quay về nước nhập tịch để thi đấu trong màu cờ sắc áo Trung Quốc. Trong đó có vận động viên trượt băng nghệ thuật Beverly Zhu (sau khi nhập tịch lấy tên là Zhu Yi – Chu Dịch).

Trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, quyết định của Zhu Yi càng khiến cô được chú ý, không chỉ ở Olympic mà còn ở trên các diễn đàn và mạng xã hội.

Đỉnh điểm là ở môn trượt băng đồng đội nữ ngày 6/2, Zhu Yi đã bị ngã do sai sót và xếp ở vị trí cuối cùng. Ngay sau đó một ngày, 7/2 cô lại bị ngã tiếp và vẫn đứng cuối. Điều này như giọt nước tràn ly, gây nên cơn bão dư luận trên mạng xã hội của Trung Quốc và quốc tế.

Việc nhập tịch hay thi đấu không thành công trong một sân chơi thể thao quốc tế vốn không còn xa lạ, nhưng tại sao ở trường hợp của Zhu Yi, cô lại phải hứng chịu nhiều chỉ trích đến vậy. Và vì sao chủ đề Chu Dịch ngã lại thu hút đến hơn 200 triệu lượt thảo luận chỉ trong vài giờ ở Trung Quốc?

1. Nhập tịch trong thể thao luôn là vấn đề nóng từ trước đến nay

Hiện tượng nhập tịch cho vận động viên như Zhu Yi của Trung Quốc, hiện không còn lạ lẫm trong làng thể thao thế giới. Xu hướng này ngày càng phát triển do sự mở rộng của toàn cầu hóa, cũng như chiến lược quốc gia của nhiều nước khi chú trọng lấy thể thao làm mũi nhọn thu hút sự chú ý của quốc tế. Từ đó mang đến nhiều lợi ích về kinh tế, thương mại, cũng như chính trị.

Trước đó vào ngày mùng 1 Tết năm nay, đội tuyển bóng đá nam của Trung Quốc thất bại 1-3 trước Việt Nam cũng hứng chịu không ít chỉ trích của cổ động viên nước nhà, khi trong đội hình sở hữu gần một nửa các cầu thủ nhập tịch.

alt
Zhu Yi bật khóc sau màn thể hiện không tốt tại Olympic Bắc Kinh vừa qua

Về lâu dài, việc nhập tịch cho các vận động viên hẳn không phải là một cách làm thể thao tích cực. Nó triệt tiêu ý chí vươn lên của các vận động viên bản địa, khâu đào tạo trẻ bị lơ là và dễ dẫn đến những tranh cãi về màu cờ sắc áo.

2. Khi một vận động viên của Trung Quốc lại không thể nói tiếng Trung Quốc

Thái độ của người hâm mộ Trung Quốc dành cho Zhu Yi hoàn toàn trái ngược Eileen Gu, một vận động viên cũng sinh ra ở Mỹ. Ngày 7/2, cô cũng mắc lỗi bị ngã lần thứ hai nhưng phản ứng của cư dân mạng Trung Quốc hoàn toàn khác. Trên Weibo, dân mạng không chỉ khen ngợi cô có biểu cảm dễ thương, tài năng, mà còn yêu cầu đừng tạo áp lực cho cô.

Nguyên nhân được lý giải ở đây là do Zhu Yi mặc dù thi đấu cho màu cờ Trung Quốc nhưng lại không thể nói thành tạo tiếng Trung. Thậm chí bài phỏng vấn của cô với CNN cũng bị chỉ trích vì “từ chối phỏng vấn của CCTV nhưng chấp nhận đài nước ngoài”, hay “không yêu nước thì đừng quay về”.

3. Olympic không chỉ là đại hội thể thao, đó còn là danh dự quốc gia

Các giá trị tinh thần của Olympic từ lâu đã vượt ra khỏi ranh giới của thể thao nói riêng. Thành công của một vận động viên đem lại không chỉ ở trên bảng tổng sắp huy chương hay quốc ca được vang lên khi nhận giải, đó còn là điều khiến quốc gia đó tự hào, được quốc tế đánh giá cao, tạo lợi thế về hình ảnh trên trường quốc tế.

alt
Thế vận hội mùa đông tại Bắc Kinh năm nay có không ít các vận động viên nhập tịch

Hơn nữa, với tư cách nước chủ nhà, thông qua Thế vận hội mùa đông lần này, Trung Quốc muốn thể hiện một biểu tượng và tham vọng với các nước khác. Nên họ càng có nhiều lý do để dễ dàng tấn công các vận động viên khi không thể giành được kết quả như ý.

4. Thể thao thế giới đã từng có những trường hợp như vậy

Zhu Yi không phải là trường hợp đầu tiên bị chỉ trích vì quốc tịch khi thi đấu không tốt trong làng thể thao thế giới. Tháng 7/2018, cầu thủ Mesut Ozil tuyên bố từ giã tuyển Đức vì luôn cảm thấy mình là “con dê tế thần” mỗi khi cả đội chơi không tốt chỉ vì anh là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại vòng loại World Cup 2022, đội tuyển Malaysia cũng nhận không ít chỉ trích từ cổ động viên và truyền thông trong nước khi sở hữu dàn sao nhập tịch nhưng kết quả thi đấu vẫn rất bết bát.

5. Để trở thành một vận động viên dù dưới màu cờ nào, cũng không dễ dàng

Zhu Yi trước khi bị cư dân mạng “ném đá", đã được đánh giá là một trong những tài năng trẻ của trượt băng nghệ thuật trên thế giới. Khi được hỏi sau phần biểu diễn, cô đã nói với truyền thông: "Vẫn còn một số sai sót, tôi hy vọng sẽ điều chỉnh tốt bản thân".

alt
Trước khi gõ xuống những lời chỉ trích, hãy thấu hiểu và động viên họ nhiều hơn.

Netflix từng ra mắt một series tên là Spinning out kể về một vận động viên trượt băng. Trong quá trình tập luyện, Kat và đồng đội mới phải đối mặt với không ít khó khăn, gây tổn thương về thể chất lẫn tâm hồn, hy sinh tài chính và thậm chí là suy nhược trên con đường đến với giấc mơ Olympic.

Với bất cứ vận động viên, dù là ở môn thể thao nào, trước khi được khoác lên mình màu áo của quốc gia bước ra thi đấu, họ cũng phải đánh đổi không ít mồ hôi, nước mắt. Con đường để trở thành một vận động viên chuyên nghiệp vốn không dễ dàng. Vì vậy, trước khi gõ xuống những lời chỉ trích, hãy thấu hiểu và động viên họ nhiều hơn.