Vận động viên Chi Nguyễn: Ước mơ chinh phục 100 đường chạy quốc tế | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
02 Thg 04, 2018
Chất Lượng Sống

Vận động viên Chi Nguyễn: Ước mơ chinh phục 100 đường chạy quốc tế

Tháng 11 vừa qua, vận động viên Chi Nguyễn xuất sắc cán đích tại vị trí thứ ba trong cuộc đua Techcombank Marathon quốc tế Hồ Chí Minh. Ngoài marathon, Chi còn là một nhân viên marketing thích đọc sách của tác giả Murakami.

Vận động viên Chi Nguyễn: Ước mơ chinh phục 100 đường chạy quốc tế

Tháng 11 vừa qua, Chi Nguyễn tham gia vào đường đua Techcombank Marathon quốc tế lần đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh và xuất sắc cán đích tại vị trí thứ ba với thời gian 3 tiếng 22 phút.

Trước đó, nữ vận động viên chạy đường dài người Việt này cũng đã hoàn thành đường chạy khắc nghiệt Mont Blanc CCC – thử thách đường núi dài 100 km vượt đèo Col Ferret thuộc dãy núi Alpine ở độ cao 2537 m – một thử thách không dễ dàng đối với các vận động viên châu Á. Chi cũng từng chạy 7 cuộc đua marathon trong 7 ngày liên tiếp, rồi lại tiếp tục tham gia đường đua 128 km băng qua tỉnh Siêm Riệp của Campuchia. Thật khó tin rằng cô chỉ mới bắt đầu chạy từ sáu năm trước với lý do đơn giản là để giữ gìn vóc dáng.

Ấn tượng bởi những thành tích chạy đường dài của Chi, chúng tôi đã thách thức nữ vận động viên kiêm nhân viên chuyên ngành marketing thích đọc sách của Murakami này vượt bốn tầng lầu để lên được văn phòng của Vietcetera. Và rồi Chi đến thật, cùng với vô số câu chuyện thú vị.

Vận động viên Chi Nguyễn Ước mơ chinh phục 100 đường chạy quốc tế0

Chi nhận định thành tựu tuyệt vời nhất của mình là gì?

Chi quan niệm rằng, trên đường chạy lẫn trong cuộc sống, những thành tựu lớn vẫn đang chờ đợi mình chinh phục ở phía trước. Cho đến giờ, điều khiến Chi hãnh diện nhất là khi chinh phục thành công đường chạy dài 300 km trong vòng bảy ngày. Đây là một thử thách không hề dễ dàng, nhưng Chi đã làm được. Trong đó, ngày thứ ba là đặc biệt khó khăn khi Chi phải chạy 40 km dưới cái nắng gắt của tháng Năm. Nhưng điều đó khiến Chi nghĩ rằng mình cần phải tăng “đô” lên nữa, thế là Chi ghi danh vào đường chạy 128 km ở Siêm Riệp. Cuối cùng, Chi là người Việt là một trong 3 nữ vận động viên trong số 22 người hoàn thành đường đua đó. Lần khác, Chi tham gia chạy bộ địa hình xuyên đêm ở Sapa, và sau đó là đỉnh núi Mont Blanc trong điều kiện thời tiết rất bất lợi cho người châu Á. Khi đó, Chi đã hoàn thành 100 km. Sắp tới sẽ còn rất nhiều chặng đua nữa.

Thế mạnh của Chi so với các đối thủ khác trên đường đua là gì?

Chi bắt đầu tập chạy từ 6 năm trước vì sợ sẽ phát phì nếu chỉ uống rượu bia mà không rèn luyện thể chất. Trái với nhiều vận động viên khác, Chi hạn chế việc ăn uống hà khắc và tập luyện quá sức. Thay vào đó, Chi cố gắng giảm lượng cồn nạp vào cơ thể và ngủ nghỉ điều độ hơn. Chi vừa nhận ra được tầm quan trọng của chế độ ăn uống trong thời gian gần đây nhờ sự tư vấn của một huấn luyện viên chuyên nghiệp cũng thích chạy bộ. Nói một cách dễ hiểu thì chế độ ăn hợp lý giúp cơ thể tăng lượng protein nạp vào và tránh các loại carb có hại. Vốn dĩ Chi không đam mê ăn uống lắm nên cũng không phải “đấu tranh tư tưởng” nhiều khi luyện tập.

Một điểm khá đặc biệt nữa là cơ thể Chi thường không đòi hỏi quá nhiều năng lượng cho việc luyện tập. Chi chỉ cần nạp 10 gói gel năng lượng là có thể chạy được 100 km. Chi cũng rất dễ sụt cân. Chi mất 2 kg khi chinh phục đỉnh Mont Blanc và 3 kg nữa trong khi tham gia Techcombank Marathon thành phố Hồ Chí Minh. Chi cảm thấy rằng cơ thể càng nhẹ nhàng thì Chi càng chạy nhanh hơn. Thêm vào đó, Chi cũng chưa từng gặp phải bất kỳ chấn thương nào cho dù có chạy bao xa đi chăng nữa. Quá lắm thì cũng chỉ là chuột rút một hai lần.

Vận động viên Chi Nguyễn Ước mơ chinh phục 100 đường chạy quốc tế1

Chi đã xây dựng phong cách cá nhân cho mình như thế nào?

Có một thời gian Chi khá e ngại vì nhìn mình không được nữ tính cho lắm à nó trở thành nỗi ám ảnh trong suốt thời niên thiếu của Chi. Chi luôn ước mình có đôi chân đẹp như của mẹ. Nhưng rồi Chi nhận ra rằng đó là điều bản thân không thể thay đổi được. Kể từ đó, Chi học cách trân trọng và biến nó thành thế mạnh của mình. Với tư cách của một vận động viên chạy bộ, đến thời điểm hiện tại, Chi tự hào về đôi chân mình. Thỉnh thoảng Chi chỉ ước gì mình có thể diện quần skinny.

Từ khi nào Chi nhận ra mình muốn trở thành một nữ vận động viên thể thao vậy? Có sự kiện đặc biệt nào tác động đến quyết định đó không?

Không có sự kiện nào cụ thể cả. Chi thích cảm giác tập luyện, đặc biệt là khi chạy bộ. Cảm giác hoàn thành đường đua khiến Chi hưng phấn hơn cả sử dụng chất kích thích nữa. Có thể vì cơ thể Chi miễn nhiễm với các chất đó hoặc cũng có thể chạy bộ mới thật sự là liều thuốc kích thích của Chi. Nhưng Chi không dám nhận mình là một nữ vận động viên thể thao đâu bởi Chi không giỏi nhiều môn thể thao lắm. Chi không biết chơi bóng rổ, và boxing thì cực tệ.

Chi đã từng thử qua ba môn phối hợp Ironman nhưng phần bơi lội khó quá, bởi chạy bộ đã đốt hết lượng mỡ Chi cần để nổi được dưới nước. Chạy bộ đường dài thường khiến cơ thể bị cứng nên Chi không thể linh hoạt khi ở dưới nước. Vả lại Chi cũng bắt đầu học bơi lội khá trễ, từ khi đến thành phố Hồ Chí Minh để học đại học. Còn nhớ trong cuộc thi bán Ironman tại Đà Nẵng ba năm trước, Chi đã không thể hoàn thành phần bơi lội đầu tiên, kết quả là bị chậm một phút. Khi đó, Chi đã cố năn nỉ ban tổ chức để được thi đấu tiếp nhưng trọng tài không cho phép. Thế là Chi một mình trở về khách sạn, mang giày và chạy một mạch đến Hội An.

Vận động viên Chi Nguyễn Ước mơ chinh phục 100 đường chạy quốc tế2

Là người về đích thứ ba trong cuộc thi Techcombank Marathon quốc tế tổ chức lần đầu tại thành phố Hồ Chí Minh, sự kiện đó có ý nghĩa như thế nào đối với Chi? Và cuộc đua đó có mang lại kinh nghiệm quý giá nào cho Chi không?

Ở nửa đầu cuộc đua Chi chạy rất nhanh, có thể là do lòng tự tôn dân tộc thôi thúc. Chi đã chạy với vận tốc hơn 13 km/h cho tới khi đuổi kịp các nhóm khác tham gia đường chạy 10 km và 21 km vừa bắt đầu sau. Nói chung, Chi không nghĩ đó là một bài học kinh nghiệm mà chỉ đơn giản là một cách để kết giao. Thật hạnh phúc khi nghe mọi người trầm trồ: “Ồ, bạn đến từ Việt Nam và bạn chạy cừ quá!”

Làm thế nào để vận động viên Việt Nam có thể gây ấn tượng sâu sắc hơn trên đấu trường thế giới?

Câu hỏi lớn này nên dành cho Bộ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứ không phải Chi rồi. Theo quan điểm của Chi, nhiều người Việt vẫn nghĩ phải có tài năng bẩm sinh mới chơi được thể thao, bằng không thì có tập luyện cũng vô ích. Thêm vào đó, nhiều vận động viên nước nhà không được nhận đầu tư và trợ cấp tương xứng.

Ngoài ra, theo Chi, chúng ta cũng nên tận dụng công nghệ vào mục đích rèn luyện thể thao nữa. Qua một số tự truyện của các vận động viên nổi tiếng, Chi thấy rất nhiều người trong số họ đã sử dụng công nghệ để cải thiện thành tích. Thành thật mà nói, Chi cũng không áp dụng công nghệ nhiều cho lắm. Trước đây Chi cũng có dùng qua Strava – một ứng dụng theo dõi thành tích cho vận động viên – nhưng sau đó cũng thôi. Có lẽ Facebook là loại ứng dụng duy nhất mà Chi sử dụng.

Nếu được, Chi sẽ nhắn nhủ gì với Chi của quá khứ?

Chi sẽ rèn luyện để hiểu cơ thể mình hơn và duy trì kỷ luật điều độ hơn. Có nghĩa là nhận thức được khi nào thì nên ngừng để cơ thể được thả lỏng. Một số vận động viên chạy bộ quá chú trọng vào thành tích mà quên mất việc phải chăm sóc bản thân mình nữa. Suy cho cùng, đã chạy là phải vui.

Còn về vấn đề kỷ luật, Chi nghĩ quan trọng nhất là làm sao để rèn luyện sự tự giác. Ví dụ như việc rời khỏi giường lúc 3 giờ sáng mỗi cuối tuần bởi nó chưa bao giờ là việc dễ dàng, thậm chí là với dân chạy chuyên nghiệp.

Vận động viên Chi Nguyễn Ước mơ chinh phục 100 đường chạy quốc tế3

Bí quyết chuẩn bị cho những đường chạy lớn của Chi là gì? Chi có tin vào quan niệm tâm linh nào không?

Cũng không hẳn là bí quyết, như các bạn có thể thấy, khi chạy Chi không bao giờ mang tai nghe vì như vậy rất vướng víu. Chi không hiểu sao một số vận động viên điền kinh lại không thể chạy mà thiếu tai nghe được. Chi có một chiếc bùa may mắn, đó là sợi dây cột quanh balo mà bạn Chi đem từ một ngôi đền ở Thái về. Nó có hiệu nghiệm tới tận bây giờ đấy!

Chi có bí quyết nào để cân bằng giữa công việc và đam mê không?

Châm ngôn sống của Chi đơn giản chỉ là bớt tiệc tùng lại và làm việc chăm chỉ hơn. Hiện tại, Chi đang làm việc cho Havas Media, một công ty truyền thông và marketing toàn cầu đến từ Pháp. Chạy bộ là cách để Chi giải tỏa những căng thẳng hàng ngày như hạn định của công ty và áp lực từ khách hàng. Chi mong có thể xây dựng hình ảnh mới cho công ty, bắt đầu từ nhóm của mình trước. Người làm quảng cáo và truyền thông từ lâu đã không còn là những “kẻ điên rồ” nữa. Thế hệ tương lai phải biết sống khỏe mạnh hơn – làm chăm chỉ, chơi có chừng mực và sống lành mạnh.

Tác giả đồng thời cũng là vận động viên chạy bộ Haruki Murakami từng nói: “Chạy là khi tôi không nghe, không nói điều gì với bất kỳ ai. Chạy là một phần thiết yếu trong ngày.” Chi có cảm nhận tương tự không?

Có chứ, với Chi, chạy bộ giống như liều thuốc an thần. Những lúc như thế, đầu óc Chi nhẹ tênh. Trước khi bắt đầu mỗi đường chạy, suy nghĩ của Chi thường rất hỗn loạn. Nhưng một khi đã vào đường chạy, các dòng suy nghĩ trong Chi được phân chia như những làn đường cao tốc vậy, kỹ càng và sâu sắc hơn rất nhiều.

Hiện có điều gì khiến Chi muốn chạy trốn không?

Chi nghĩ mình đang hướng tới những điều mới mẻ thì đúng hơn. Chi dự định sẽ chạy qua 100 thành phố khác nhau và đến nay thì Chi đã chinh phục được nửa chặng đường rồi.

Chúng tôi nên trò chuyện với ai tiếp theo Chi nhỉ?

Nếu có dịp, các bạn hãy trò chuyện với Lâm Túc Ngân. Mới chỉ 23 tuổi nhưng em ấy đã là một vận động viên ba môn phối hợp đầy triển vọng. Ngân từng là một vận động viên quyền anh nhưng lại bất ngờ chuyển sang Ironman, cũng chỉ vừa được năm tuần thôi đấy.

Vietcetera chân thành cảm ơn Chi đã tham gia vào cuộc trò chuyện này. Chúc Chi luôn thành công với những dự định sắp tới!

Bài viết này được dịch bởi Vy Lam.