Bóc Term: Holiday Paradox - Vì sao Tết trôi qua nhanh? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Bóc Term: Holiday Paradox - Vì sao Tết trôi qua nhanh?

Tại sao các kỳ nghỉ, đặc biệt là Tết lại trôi qua nhanh vậy?
Bóc Term: Holiday Paradox - Vì sao Tết trôi qua nhanh?

Nguồn: Hân Nguyễn cho Vietcetera

1. Holiday Paradox là gì?

Holiday Paradox (Nghịch lý kỳ nghỉ) miêu tả cảm giác kỳ nghỉ trôi qua nhanh, nhưng khi nhìn lại thì thấy dài.

Phiên bản Mỹ của từ này là Vacation paradox. Nghịch lý kỳ nghỉ lễ sẽ giải thích tại sao ta thấy thời gian trôi nhanh khi nghỉ lễ (Tết là một ví dụ). Nhưng mỗi khi nhìn lại, ta sẽ cảm giác “hình như nó dài hơn là mình nhớ”.

2. Nguồn gốc của Holiday Paradox?

Tác giả sách và nhà tâm lý học Claudia Hammond đã nhắc tới khái niệm này qua cuốn sách Time Warped: Unlocking the Mysteries of Time Perception. Cuốn sách thảo luận về ý tưởng thời gian được tạo ra từ trong tâm trí của chúng ta.

“Khái niệm về thời gian đã được “xây dựng" từ trong tâm trí, vậy nên ta có khả năng thay đổi cách nhìn nhận về sự việc từ bên trong."

Lý thuyết này của Claudia Hammond có sự tương đồng với khái niệm của nhà tâm lý học Daniel Kahneman, tác giả cuốn Tư duy nhanh và chậm, về sự mâu thuẫn của “trải nghiệm của bản thân" (experiencing self) và “ký ức nhớ lại" (remembering self).

Tương tự như vậy, Nghịch lý kỳ nghỉ lễ được tạo ra theo cách tâm trí ta nhìn nhận thời gian theo 2 hướng khác nhau: nhìn tới tương lai (prospectively) và nhìn về quá khứ (retrospectively).

Nói cách khác những gì ta nhớ và những gì ta đã trải nghiệm đôi khi sẽ rất khác nhau.

3. Vì sao Holiday Paradox trở nên phổ biến?

Nhớ lại những kỳ nghỉ hè hay Tết khi còn bé, ta luôn có cảm giác nó thật dài. Khi ta trải nghiệm sự việc theo đúng hướng “nhìn tới tương lai" (prospectively), thời gian dường như trôi nhanh hơn trong khoảnh khắc đó, đặc biệt là khi ta vui.

Ngược lại khi ta nhớ lại về những sự kiện đã trải qua (retrospectively) não bộ khiến ta nghĩ rằng khoảng thời gian đó kéo dài hơn, dựa trên “số lượng các ký ức".

‘Số lượng các ký ức’ đang nhắc tới ở đây là những trải nghiệm mới xảy ra trong kỳ nghỉ để não bộ chuyển nó thành ký ức. Trong cuộc sống thường ngày, việc thức dậy, đi làm, về nhà,... tất cả mọi thứ được làm theo một lịch trình sẵn, lặp đi lặp lại tạo ra những ‘ký ức quen thuộc'.

Tuy nhiên trong các kỳ nghỉ, lịch trình này này bị xáo trộn và thay đổi bởi nhiều hoạt động khác nhau tạo ra những ký ức mới. Ký ức mới này được não bộ tiếp nhận khiến thời gian trong hồi tưởng dài hơn.

Đây cũng chính là lý do ta cảm thấy khi lớn lên, thời gian dường như trôi qua nhanh hơn (Nguồn: scientificamerican.com). Khi còn bé việc chúng ta luôn học được những điều mới, điều này tạo ra nhiều ‘kỷ niệm’ cho não bộ, khiến nhận thức về thời gian của chúng ta ở khoảng thời thơ ấu trở nên dài hơn.

Việc lớn lên bắt buộc ta sinh hoạt theo lịch trình cụ thể, sự tò mò về thế giới cũng không còn nhiều. Các kỷ niệm mới dần trở nên ít hơn khiến nhận thức về thời gian từ đó cũng ngắn đi.

Cách não đếm thời gian và ghi nhớ các sự kiện cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như cảm xúc, kỳ vọng vào thời điểm đó,... Điều này đồng nghĩa với việc nếu chúng ta càng tạo ra nhiều sự kiện mới và thú vị thì chúng ta sẽ có cảm giác thời gian “dài hơn" (nbcnews.com).

Đây là lý do ⅓ khoảng thời gian đầu đời luôn thật dài trong ký ức với tất cả những trải nghiệm “đầu tiên": lần đầu đi học, lần đầu ở biển, lần đầu nắm tay,... Thời gian có thể ảnh hưởng lên ký ức nhưng ngược lại ký ức cũng xây dựng trải nghiệm về thời gian.

alt
Nguồn: Burrito Bowl Diaries

3. Cách dùng Holiday Paradox?

Tiếng Anh:

A: Time flies so fast, Tet feels like yesterday.

B: That's what we call: The holiday paradox:

Tiếng Việt:

A: Thời gian trôi nhanh ghê, cảm giác như hôm qua mới ăn Tết vậy!

B: Cái đó là do Nghịch lý kỳ nghỉ lễ á!