Red flag là gì mà sao phải né? | Vietcetera
Billboard banner
26 Thg 08, 2021
ThươngBóc Term

Red flag là gì mà sao phải né?

Red flags là điều mà bạn không nên bỏ qua trong các mối quan hệ, đặc biệt là tình yêu.
Red flag là gì mà sao phải né?

Nguồn: phim Fifty Shades of Grey

1. Red flag là gì?

Red flag (cờ đỏ) là dấu hiệu cảnh báo về nguy hiểm tiềm tàng hoặc thảm hoạ có thể xảy ra.

Trong văn hóa đại chúng, red flag thường dùng để ẩn dụ về người, mối quan hệ hoặc tình huống mà bạn nên đề phòng. Ví dụ, một người bạn trai/bạn gái cho thấy hành vi bạo hành về mặt tinh thần sẽ được coi là red flag.

2. Nguồn gốc của red flag?

Cụm từ này bắt nguồn từ văn hoá sử dụng cờ đỏ trong lịch sử. Người ta sử dụng cờ đỏ để đánh dấu các cuộc diễn tập của quân đội, các tàu chở vũ khí, tín hiệu trong các cuộc đua thuyền, thông báo nguy hiểm cháy rừng và vùng biển không an toàn.

alt
Trong lịch sử, cờ đỏ thường được sử dụng để cảnh báo nguy hiểm. | Nguồn: Unsplash

Vào thế kỷ 18, cờ đỏ được xem là dấu hiệu của sự nguy hiểm. Lý giải về việc sử dụng màu đỏ để cảnh báo, đây là màu có bước sóng dài nhất trong tất cả các màu nên ít bị tán xạ nhất, vì thế ai cũng có thể thấy nó ở khoảng cách xa hoặc trong điều kiện thời tiết xấu như sương mù, mưa,...

3. Vì sao red flag trở nên phổ biến?

Về sau, red flag được sử dụng phổ biến hơn trong giao tiếp như tiếng lóng của từ “hãy cẩn thận” hoặc “hãy đề phòng”. Chẳng hạn như trong chứng khoán, red flag dùng để chỉ những điều mà các nhà đầu tư phải đặc biệt lưu ý khi tham gia giao dịch.

Tuy nhiên, bối cảnh mà từ này được dùng nhiều nhất là trong tình yêu. Nếu bạn Google từ khóa “red flags” thì kết quả trả về thường là những bài viết chỉ ra các dấu hiệu mà bạn không nên bỏ qua trong mối quan hệ. Ở Việt Nam, kết quả của google trend cũng cho thấy lượng tìm kiếm về red flag tăng vọt trong tháng 7/2021.

alt
Kết quả trả về của từ red flags trên Google.

Có rất nhiều red flag khác nhau trong tình yêu, từ việc cả hai có nhiều bất đồng trong quan điểm đến việc đối phương cho thấy những hành vi độc hại. Chẳng hạn Mark Manson, tác giả self-help nổi tiếng đã chỉ ra những red flag sau:

  • Liên tục đổ lỗi cho những sai lầm trong quá khứ
  • “Bóng gió" và gây hấn thụ động
  • Dùng mối quan hệ như cái cớ để chỉ trích, hăm dọa người kia
  • Đổ lỗi cho đối phương về cảm xúc của mình
  • Cho rằng phải yêu thì mới ghen
  • Giải quyết bất đồng bằng vật chất

Ngoài tình yêu, mọi người còn tìm kiếm red flag trong tình bạn hay red flag trong công việc.

Thiên kiến tiêu cực (negativity bias) là một nguyên nhân khiến mọi người chú ý đến red flag như vậy. Việc nhận biết sớm những vấn đề được xem là một “tấm khiên” bảo vệ bản thân, khuyến khích bạn đề phòng, tìm giải pháp hoặc thoái lui thay vì mắc kẹt trong mối quan hệ tồi tệ.

Tuy nhiên, bên cạnh việc “vạch lá tìm sâu”, bạn cũng nên để ý đến những khía cạnh tích cực (green flag) thay vì chỉ chăm chăm gắn nhãn red flag lên những mọi thứ.

4. Dùng red flag như thế nào?

Tiếng Anh

A: I don’t know what is going on. My boyfriend keeps ignoring my message.

B: It’s definitely a red flag! You should talk to him about it before everything goes bad.

Tiếng Việt

A: Tao không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Bạn trai tao thường xuyên lờ tin nhắn của tao.

B: Đó có thể là một red flag. Bồ nên nói chuyện nghiêm túc với bạn trai về chuyện đó trước khi mọi chuyện trở nên tệ hơn.