Những “red flag” thường được lãng mạn hoá trong phim ảnh và tiểu thuyết | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
17 Thg 10, 2021
Thương

Những “red flag” thường được lãng mạn hoá trong phim ảnh và tiểu thuyết

Lớn lên trong những câu chuyện tình yêu mơ mộng từ các tiểu thuyết, đôi khi ta lờ đi những đấu hiệu độc hại trong các trang sách này.
Những “red flag” thường được lãng mạn hoá trong phim ảnh và tiểu thuyết

Nguồn: Series Twilight, Bên Nhau Trọn Đời, Boys Over Flower.

Red flag là những dấu hiệu cảnh báo bạn nên cẩn trọng trong mối quan hệ, đó có thể là sự thao túng, kiểm soát hay hành vi bạo hành. Tuy nhiên chúng lại thường được lãng mạn hóa trong tiểu thuyết và phim ảnh. Vô thức tiếp thu cách nhìn như vậy suốt những năm tháng trưởng thành, tôi và có lẽ là đa phần phái nữ đã mặc nhiên tin rằng “chỉ vì yêu” là đủ để bỏ qua tất cả.

Lãng mạn hoá một số yếu tố để tạo nên một tác phẩm giải trí là cần thiết. Không thể phủ nhận rằng một số red flag vẫn hợp lý trong quá trình phát triển tâm lý nhân vật, giúp đẩy cốt truyện lên cao trào.

Tuy nhiên, bài luận của tác giả Naomi R. Johnson (2010) nhấn mạnh rằng những yếu tố mang tính khuôn mẫu này đa phần phục vụ cho mục đích tiêu thụ hơn là giáo dục khán giả. Các tác phẩm như vậy thường đưa ra góc nhìn hạn hẹp về tính nữ (femininity).

Cách đối mặt của đa số nhân vật nữ – thường là bao dung và tha thứ – lại mang tính chủ quan cao. Vì thế, không thể xem hướng giải quyết của họ là đáp án tiêu chuẩn cho tất cả mọi người.

Đây là lý do người xem phim nên tự học cách phân biệt tình huống nào trong phim là red flag, từ đó có thể đánh giá đúng sai và đưa ra quyết định tốt nhất cho mình nếu gặp phải trường hợp tương tự.

Những red flags thường bị lãng mạn hóa

Red flags: Sự chiếm hữu, kiểm soát quá mức

Theo tiến sĩ John Gottman của viện nghiên cứu Gottman, sự chiếm hữu hay khống chế trong mối quan hệ là một trong những đặc điểm của bạo lực tinh thần. Nó biểu hiện qua việc: theo dõi, kiểm soát việc bạn làm, những người bạn sẽ gặp, cách ăn mặc, hay thậm chí là những quyết định liên quan đến cá nhân.

Trong Chạng Vạng, nam chính Edward đã làm ra rất nhiều hành vi tương tự với nữ chính Bella. Anh lẻn vào phòng cô lúc cô ngủ, theo dõi cô, ra lệnh cho cô không được tham gia một số hoạt động mà anh cho rằng “không an toàn”. Edward còn tự ý đưa ra các quyết định thay cho Bella, đồng thời phớt lờ những dấu hiệu trầm cảm (gặp ác mộng, thay đổi thái độ đột ngột, từ chối giao tiếp) của Bella.

Edward thậm chí còn đã từng đột nhập vào phòng Bella để theo dõi cô ngủ | Nguồn: Series Chạng Vạng

Đặc biệt, phản ứng của Bella trước các hành động xâm phạm quyền riêng tư trên đều là chấp nhận, thậm chí xem nó như cách mà người đàn ông thể hiện tình yêu cùng sự quan tâm.

Ngoài đời, tất thảy những việc này đều có thể xem là hành vi khống chế và ám ảnh kiểm soát. Trong một bài viết được đăng trong disClosure: A Journal of Social Theory, tác giả Mary Ryan cho rằng, độ nghiêm trọng của những hành vi này sẽ được giảm xuống đáng kể khi độc giả nữ tiếp cận từ góc độ của một chuyện tình lãng mạn.

Dấu hiệu red flag: Bạo lực trong lời nói hoặc hành vi

Trong nhiều bộ phim tình cảm Hàn Quốc có sức ảnh hưởng rộng lớn như Hoàng Cung (2006), Boys Over Flower (2009), có rất nhiều phân cảnh nhân vật nam lôi kéo nhân vật nữ một cách cưỡng ép, nhân vật nữ bị đẩy vào tường, bị cưỡng hôn dù các cô đã phản kháng và lớn tiếng nói rằng mình không thích.

Bất kì ai cũng có quyền quyết định và kiểm soát đối với cơ thể mình, chúng ta gọi đó là sự đồng thuận. Khi các nhân vật nam thực hiện những hành vi kể trên mà không quan tâm đến ý kiến của nhân vật nữ, đó là hành vi cưỡng ép.

Song, theo cách diễn tả của những bộ phim, các hành vi cưỡng ép trên lại là công cụ thể hiện sự nam tính, quyết đoán của nam chính. Trước tình huống này, các nhân vật nữ thường sẽ tìm lý do để tự giải thích, như “vì quá yêu nên không kiềm chế được”.

Trong một nghiên cứu về lãng mạn hoá bạo lực được đăng trong Seattle University Undergraduate Research Journal, tác giả Emily Boynton đã liên hệ đến bộ truyện/phim Chạng Vạng như một ví dụ cho việc lãng mạn hoá bạo lực. Nhân vật chính Bella Swan nhắc đến những vết bầm tím trên cơ thể cô tựa như những đóa hoa đang nở sau cuộc ân ái (tác giả Meyer dùng từ “blossoming”).

Bella không hề xem những vết bầm đó là vấn đề | Nguồn: Series Chạng Vạng

Nói một câu công bằng, Edward đã tự trách bản thân rất nhiều vì để lại thương tổn cho người yêu trong tình huống không khống chế được. Tuy nhiên, thái độ của Bella thể hiện rằng những tổn thương đó gần như là một dạng “hiến dâng” đáng được tự hào.

Trong cuộc sống, việc lãng mạn hoá hành vi bạo lực như một hình thức thể hiện tình cảm xuất hiện nhiều hơn ta nghĩ. Bài viết "Đồng thuận tình dục tại Nhật Bản" (2018) của Japan Times đã nhắc tới hành vi cưỡng hôn và ép vào tường trong phim ảnh đã dần bước ra ngoài đời thật. Đáng nói hơn, đa số những hành động này thường không bị cân nhắc như hành vi quấy rối tình dục.

Những hành vi quấy rối, bạo hành tinh thần thường được xem nhẹ vì nó không tạo ra thương tổn vật lý. Bạo lực trong một mối quan hệ, dù cố ý hay không, cũng cần phải có sự tách bạch giữa hai khái niệm “bạo hành" và “tình yêu”.

Thao túng cảm xúc cũng là một dạng red flag

Thao túng cảm xúc, hay còn gọi là gaslighting. Hành vi này bao gồm chỉ trích, đổ lỗi, đe doạ với mục đích trốn tránh trách nhiệm, hoặc “gài bẫy” để người khác làm theo ý mình. Hành vi này thường tới từ sự chênh lệch về địa vị trong xã hội của các nhân vật nam chính (thường là người có tiền và địa vị) so với nhân vật nữ chính.

Nhiều fan cũng đã chỉ ra sự thao túng của nam chính trong Boys Over Flowers trong phim | Nguồn: K-Drama Confession

Điển hình là trong tiểu thuyết tình cảm nổi tiếng đã chuyển thể thành phim: Bên Nhau Trọn Đời. Nam chính Hà Dĩ Thâm được ca ngợi là một nhân vật tài hoa và cực kì thâm tình. Tuy nhiên, anh đã từng đưa nữ chính đi đăng ký kết hôn mà không hề quan tâm tới ý kiến của cô. Khi nhân vật nữ vẫn còn đang hoang mang thì anh đưa ra cho cô 2 lựa chọn: một là chia tay, hai là phải kết hôn cùng anh.

Đặt trong bối cảnh của phim, người xem hiểu được rằng lý do Hà Dĩ Thâm hành động như vậy là vì nữ chính đã từng bỏ rơi anh. Cả hai nhân vật chính cũng may mắn nhận được cái kết đẹp như mơ.

Tuy nhiên, thực tế thì không đơn giản như vậy. Dù không cố ý thì bản chất việc ép buộc người yêu đưa ra lựa chọn dưới áp lực cũng được tính là thao túng. Chính áp lực này khiến nạn nhân ngầm hiểu rằng mình nên đưa ra lựa chọn làm vừa lòng đối phương.

Để nhận biết rõ hơn các dấu hiệu này, ta có thể tham khảo bảng câu hỏi khảo sát về bạo hành tinh thần của tiến sĩ Neil Jacobson và tiến sĩ John Gottman. Trong đó, những dấu hiệu báo động trong mối quan hệ bao gồm:

  • Ép buộc bạn làm điều gì trái ngược với ý muốn;

  • Tỏ vẻ nghi ngờ tình yêu của bạn với họ;

  • Cố tình đe dọa/làm điều bạn sợ.

Những điều bạn không thoải mái có thể là bất kì điều gì, từ không sử dụng biện pháp an toàn cho đến từ bỏ một sở thích, một người bạn hay một công việc. Nhưng tình yêu không nên là cái cớ cho việc thao túng cảm xúc và khống chế nửa kia.

Tạm kết

Việc nhập nhằng về các tình tiết độc hại trong phim ảnh/tiểu thuyết và thế giới thật có thể làm tổn thương chính bạn trong mối quan hệ ngoài đời thật. Vậy nên, bạn không cần phải bao dung với những điều sai trái, hay lờ đi những báo động đỏ như những nữ chính trong các tác phẩm giả tưởng.

Khó có thể dùng những sản phẩm này như một cuốn cẩm nang mở để học yêu, nhưng vẫn có thể xem nó như một dạng bài tập gọi tên các tình huống red flag. Từ đó, ta cũng có thể học cách nuôi dưỡng tư duy cởi mở cũng như lòng thấu cảm trong hành trình yêu thương.