Bữa qua mẹ gọi, hỏi vu vơ “nhớ nồi cá kho của mẹ lắm à?" | Vietcetera
Billboard banner
07 Thg 01, 2023
Cuộc SốngThươngNhật Ký

Bữa qua mẹ gọi, hỏi vu vơ “nhớ nồi cá kho của mẹ lắm à?"

… là mình muốn bỏ hết deadline để trở về. 
Bữa qua mẹ gọi, hỏi vu vơ “nhớ nồi cá kho của mẹ lắm à?"

Nguồn: Chu Ng

Bitis

Bữa rồi Hà Nội trở rét lạnh, ba mình gọi điện ra bảo “Tháng Chạp rồi, đào bắt đầu nở rồi. Đợi mi về dạo chợ Tết, mua đào, quất với mấy đồ lặt vặt cùng ba”. Trước khi gác máy, mình hỏi ba, “Năm nay, mẹ đã làm món tủ cá kho chưa ba?”

Chắc là ba kể chuyện này cho mẹ nên tối qua mẹ gọi điện ra, hỏi công việc cuối năm của mình thế nào rồi nhắc đến chuyện này? Mình cũng muốn ừ cho qua chuyện, để còn chạy nốt mấy cái deadline còn dang dở.

Đoạn mẹ thấy mình cứ ậm ừ trả lời nên cũng không kéo dài câu chuyện nữa. Mẹ cũng chẳng hỏi bao giờ công ty cho nhân viên nghỉ Tết. Trước khi cúp máy, mẹ hỏi vu vơ, “nhớ nồi cá kho của mẹ lắm à?”

Nghe mẹ nói thế, cái mình nôn Tết và muốn trở về nhà luôn.

Nhớ hồi ở quê, ba vẫn tin tưởng lựa chọn mình đi chợ Tết cùng thay vì anh trai. Ba bảo, mình có mắt nhìn hơn nên chọn cành đào, hay hoa quả dâng Tết cũng đẹp hơn. Và năm nào cũng thế, cứ đến cận Tết là hai ba con không ai nói gì, chủ động phối hợp cùng nhau hết sức ăn ý. Dạo chợ Tết rồi lại hì hục sang chậu, lắp đèn chớp, treo mấy thứ đồ trang trí… cứ thế mà phối hợp nhịp nhàng.

Từ hồi mình học Đại học rồi ở lại Hà Nội làm việc, mỗi lần đi trên đường thấy người ta bắt đầu bán đào, bán quất là mình biết ở quê Ba đang để dành mấy ngày giáp Tết đợi mình về để đi chợ cùng.

Ba chẳng bao giờ nói thẳng ra là đợi mình về nhà dạo chợ Tết cùng nhưng sẽ vu vơ nói những câu đại loại như, năm nay lạnh hoa đào chưa nở nụ, hay năm nay sương muối nhiều, lá dong đắt quá. Hay chợ qua dưới huyện năm nay nhiều loại hoa mới đẹp lắm…

Ba có kiểu của ba, mẹ thì có một kiểu chờ con cái về đoàn viên kiểu khác nữa. Cứ Tết là mẹ nấu bao nhiêu món ngon cho gia đình. Không chỉ món tủ cá kho mà các món bò hầm, bò kho, giò thủ… mẹ cũng nấu rất ngon và đẹp mắt.

Ở quê, thực phẩm đề huề nhưng những ngày Tết mẹ không bao giờ quấy quá cho xong. Phải kỳ công chuẩn bị, chọn lựa loại nếp này đồ xôi mới dẻo, loại nếp kia gói bánh chưng mới ngon. Rồi thịt, cá, lợn, gà mẹ cũng phải dặn dò người này người nọ để dành loại ngon nhất để chế biến trong những ngày Tết. Dường như mỗi nhà mỗi khác, nhưng ba mẹ nào cũng chắt chiu, để dành thứ ngon nhất, tốt nhất đợi mình trở về để cùng ngồi quây quần trong mâm cơm gia đình.

Giờ cũng đã đến gần giữa Chạp, chẳng mấy nữa mà Rằm rồi đón Tết ông Công ông Táo. Mẹ lại gọi điện ra, lại chuyện trò năm nay chuẩn bị thứ này, thứ nọ, đã ngâm gạo ngâm nếp, đỗ xanh để gói bánh chưng. Thế là Tết cứ đến gần thật gần, cứ là nhớ là thương quyện lại, cứ thôi thúc được trở về để thưởng thức những món thật ngon chính tay mẹ làm.

Ngộ ở chỗ mọi lần mình gọi về nhà hay ba mẹ gọi ra chẳng mấy đặc biệt như những cuộc gọi những ngày này. Cả một năm ở Hà Nội chẳng mấy bận về nhà vậy mà cứ những ngày cận Tết lại nhớ đến lạ. Kiểu như mình có đi học, đi làm xa, có tự do được làm điều mình thích hay trải nghiệm thì mình vẫn biết có một mái ấm luôn ở đó chờ mình trở về, để làm những điều vẫn thân thương từ khi còn thơ ấu.

Nghĩ thế, cái mình chạy deadline cũng nhanh hơn, để còn nhanh về bên ba mẹ. Tết cũng cần kề, mình cũng mong được về nhà lắm rồi.

Trải qua 6 mùa #ĐiĐểTrởVề, chiến dịch cùng tên đã trở thành thương hiệu của Biti's Hunter, luôn truyền cảm hứng cho những hành trình đi, trải nghiệm và trưởng thành của người trẻ. Qua đó sự trở về nhà – đoàn tụ bên gia đình sẽ ý nghĩa hơn, được họ cảm nhận sâu sắc hơn.
Năm thứ 7, câu chuyện lại tiếp tục được nối dài bằng lời gọi về quê không trực tiếp nhưng đầy khắc khoải: Những món đồ tốt người nhà để dành đợi đứa con xa quê. Trở về đâu chỉ là hành trình của người đi, mà còn là cả nỗi nhớ dằng dặc của người ở nhà, thế nên còn lời hồi đáp nào xứng đáng hơn những bước chân trở về?