Năm đó bố đi bộ đội về, tiền không có nên buổi tối phải ngủ ở bến xe. Mà bến Kim Mã hồi những năm 1990 đèn đóm leo lét, người ngợm thưa thớt, thi thoảng có gió lạnh, bố kể giống phim kinh dị lắm.
Đang hơi "rén" thì có một ông già đang trải áo mưa ra đất nằm vẫy tay, gọi bố đến ngồi cùng cho đỡ rét. Vừa đặt mông ngồi xuống, bản năng bộ đội của bố lên tiếng: “Chết rồi, ông già chủ động gọi mình ra ngồi cùng, lỡ ông ấy tính làm gì mình thì sao nhỉ?”.
Càng nhìn, bố lại càng thấy ông già “gian gian”. Mũi khoằm, môi mỏng, mắt lại còn lòng trắng nhiều hơn lòng đen. Mặt này chỉ có là người xấu thôi, bố em dùng kiến thức phong thủy học lỏm được mấy năm ở với ông nội khẳng định như vậy.
30 phút chuyện trò sau đó, ông già hỏi đủ thứ chuyện trên đời, bố em thì cứ vừa lo trả lời, vừa tay phải nắm chặt cổ tay trái để xem đồng hồ còn hay mất, áp lực chảy cả mồ hôi.
Được một lúc, đột nhiên ông già vỗ vai bố: “À, chú có đi vệ sinh không? Nhà vệ sinh đi đến đoạn kia, rẽ phải…. Túi đồ cứ để đây tôi trông cho, không mất đi đâu được.”
Thôi. Đúng. Rồi. Hóa ra âm mưu của ông ấy là túi đồ của mình. Hồi đấy bố còn thanh niên, lại Trung đội trưởng hẳn hoi, máu “điệp viên” trong người lúc nào cũng sẵn. Tiền bạc bố đều cất trong mùi xoa, gấp rồi nhét trong giày, sau đó cũng ‘giả bộ’ đi vệ sinh.
Đi thẳng đoạn đường khuất, bố vòng ngược lại, đứng sau cái hàng rào. Ông già chỉ cần ra tay là bố chạy đến liền.
Thế mà ông già chỉ ngồi im.
Bố đi tiếp. Nhưng tới cửa nhà vệ sinh lại chạy thục mạng lại chỗ hàng rào, lòng chắc chắn là sẽ nhìn thấy cảnh ông ấy ‘làm gì đó’ đồ đạc của mình. Vậy mà, ổng vẫn ngồi im. Bố em vừa đi vệ sinh thật vừa hoang mang kinh!
Khi bố quay lại, ông già đang mở cái túi nhăn nheo, lấy ra ba miếng sắn nguội ngắt. Ông bảo ông đi thăm con giờ đang ở tù trên Sơn La, gần về đến nhà thì hết tiền.
Bố mở ba lô đưa ông cái bánh chưng. Cả đời, bố chưa từng thấy ai trân trọng một cái bánh chưng đã nguội đến thế...
“Tan Chảy” là series thuật lại những câu chuyện tuyệt đẹp về cuộc sống.