Cannes, Millennials và những “đích ngắm” điện ảnh mới | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
29 Thg 05, 2023
Điện Ảnh

Cannes, Millennials và những “đích ngắm” điện ảnh mới

Liên hoan phim Cannes năm nay có 3 nhà làm phim tài năng thuộc thế hệ Millennials, đó là những “ngôi sao mới” chúng ta nên đưa vào tầm ngắm từ bây giờ.
Cannes, Millennials và những “đích ngắm” điện ảnh mới

Đạo diễn Phạm Thiên Ân tại Cannes 2023 | Nguồn: Imago Images

Phạm Thiên Ân – đạo diễn người Việt sinh năm 1989 vừa thắng giải Camera D’or tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 76 là một trong số những nhà làm phim tài năng thuộc thế hệ Millennials được vinh danh.

Họ là đạo diễn của những bộ phim về chính thế hệ họ, hoặc trẻ hơn – gen Z, trên hành trình đi tìm tiếng nói của họ qua điện ảnh.

Cannes chưa từng bỏ qua những tài năng trẻ

Liên hoan phim Cannes, với lịch sử 76 năm rõ ràng “chuộng” các tên tuổi lớn – những đạo diễn mà tài năng và phong cách cá nhân thường được khẳng định ở độ tuổi ngoài 40. Nhưng “thánh đường điện ảnh” này cũng không bỏ quên các tài năng trẻ, thường được họ phát hiện qua những hạng mục phụ, rồi dần vươn lên ở những hạng mục chính thức.

Trong lịch sử của Cannes, không hiếm lần ban giám khảo trao giải thưởng và tôn vinh những tài năng vượt trội ở độ tuổi trên dưới 30. François Truffaut, một trong hai đạo diễn quan trọng nhất của Làn sóng mới điện ảnh Pháp được Cannes trao giải Đạo diễn xuất sắc ở tuổi 27 ngay ở bộ phim đầu tay The 400 Blows (1959).

Đạo diễn Trần Anh Hùng thắng giải Camera d’Or với Mùi đu đủ xanh (1993) ở tuổi 31. Đạo diễn người Thái Lan Apichatpong Weerasethakul còn chiến thắng giải cao nhất – Cành cọ vàng cho bộ phim Uncle Boonmee who can recall his past lives (2010) ở tuổi 39 - sau vài giải thưởng được trao trước đó.

alt
Đạo diễn Trần Anh Hùng tại liên hoan phim Cannes 2023, anh từng thắng giải Camera d'Or ở tuổi 31 | Nguồn: Anasa

Thậm chí, “thần đồng điện ảnh” Xavier Dolan (sinh năm 1989, Canada) được lựa chọn tham dự chương trình Director’s Fortnight từ năm anh mới 20 tuổi với bộ phim I killed my mother (2009) và giành 3 giải thưởng.

Dolan có phong cách làm phim giàu tính cá nhân. Qua cách tiếp cận độc đáo về mối quan hệ phức cảm giữa mẹ và cậu con trai đồng tính (Dolan), anh tiếp tục được Cannes ưu ái với các giải thưởng khác như giải của ban giám khảo năm 2014 với Mommy và Grand Prix với It's Only the End of the World (2016).

Một tài năng nổi trội thuộc thế hệ Millennials khác (những người sinh năm 1981-1996) là Lukas Dhont (1991) – người Bỉ. Anh thắng giải Camera d’Or và Queer Palm bằng phim đầu tay Girl (2018) và tiếp tục được tôn vinh ở Grand Prix với Close – một phẫu thuật tâm lý nhức nhối tuổi về vị thành niên tại Cannes năm ngoái.

Và tại liên hoan phim Cannes năm nay, 3 nhà làm phim tài năng thuộc thế hệ Millennials dưới đây là những “ngôi sao mới” mà chúng ta nên đưa vào tầm ngắm ngay từ bây giờ!

Phạm Thiên Ân (1989) với Bên trong vỏ kén vàng (Inside the Yellow Cocoon Shell)

Vượt qua nhiều tác phẩm đầu tay ấn tượng khác, trong đó có How to have sex của nữ đạo diễn người Anh Molly Manning Walker, chiến thắng của Phạm Thiên Ân với Camera d’Or cho phim đầu tay Bên trong vỏ kén vàng là một bất ngờ ngọt ngào.

Đây là một giải thưởng khiến người hâm mộ điện ảnh Việt Nam nức lòng, bởi Phạm Thiên Ân là một đạo diễn trẻ tự đào tạo ở trong nước và thực hiện tác phẩm đầu tay ở tuổi 33. Chất lượng nghệ thuật đáng kinh ngạc giúp anh xác lập được một "vị thế đạo diễn chắc chắn" – như nhận định của tờ Indiewire.

Bên trong vỏ kén vàng là một bộ phim dài 3 tiếng đồng hồ kể câu chuyện mang tính hành trình của Thiện và đứa cháu trai Đạo – sau khi mẹ của cậu bé qua đời đột ngột vì tai nạn xe máy, còn bố của nó thì đã rời xa hai mẹ con từ lâu.

Hành trình đưa xác của chị dâu từ Sài Gòn về quê chôn cất cũng là hành trình Thiện tìm lại đức tin của hai chú cháu. Từ đó, cậu đã trả lời nhiều câu hỏi mang tính tâm linh và siêu hình khác của một thế hệ trẻ nhiều ưu tư và buồn bã.

alt
Một cảnh trong phim Bên trong vỏ kén vàng của Phạm Thiên Ân

Các cây bút phê bình quốc tế đồng loạt đánh giá cao tác phẩm đầu tay của Thiên Ân, đặc biệt là những cú máy dài xuyên suốt bộ phim. Những góc máy rộng và tĩnh dần dần mở ra một thế giới mới, đặc biệt nhất là bối cảnh làng quê của Việt Nam, được đạo diễn và D.O.P Đinh Duy Hùng thiết lập xuyên suốt bộ phim.

“Giống như vòng quay của bánh xe, nhịp điệu nhàn nhã giúp hình ảnh và thiết kế âm thanh đi kèm mô tả sự thanh bình tự nhiên của phong cảnh – từ không gian đô thị đến đồng ruộng và làng quê – phần lớn được quay bằng ánh sáng tự nhiên trở nên sâu sắc hơn đối với người xem” – tờ IndieWire nhận định.

Trong khi đó, cây bút David Katz từ trang Cineuropa đánh giá tác phẩm của Phạm Thiên Ân là gợi lên suy tưởng (hoặc vay mượn có chủ ý) từ hai tên tuổi điện ảnh châu Á đương đại Bi Gan (Trung Quốc) và Hong Sang Soo (Hàn Quốc). Đặc biệt là ở những góc máy theo chân nhân vật chính được quay trên xe máy, mang lại cảm giác trôi dạt đầy thôi miên và kỳ ảo.

Đó có lẽ là lý do khiến bộ phim dài tới 182 phút này vừa không gây nhàm chán đối với người xem mà còn dẫn dắt họ vào một thế giới “nhẹ bồng cái kiếp nhân sinh” – như nhan đề một cuốn tiểu thuyết The Unbearable Lightness of Being của Milan Kundera được dịch ra tiếng Việt.

Anthony Chen (1984) với The Breaking Ice (Nhiên Đông)

Mặc dù không đoạt giải tại Cannes lần này, nhưng bộ phim The Breaking Ice (Nhiên Đông) của đạo diễn người Singapore Anthony Chen (39 tuổi) gây sự chú ý đặc biệt với khán giả trẻ. Đây là một trong những tác phẩm được bán bản quyền phát hành nhiều nhất tại liên hoan phim Cannes năm nay.

Anthony Chen vốn không còn xa lạ gì với Cannes. Bộ phim ngắn Grandma (Ah Ma) của anh giành được giải đặc biệt tại Cannes năm 1997, lúc anh mới 23 tuổi. Sáu năm sau, ở tuổi 29, bộ phim dài đầu tay có tính tự truyện đầy cảm động Ilo Ilo (2013) của Chen thắng giải Camera d’Or cho phim đầu tay xuất sắc nhất.

Từ đó, Anthony Chen trở thành tên tuổi có phim tham dự khá thường xuyên tại Cannes với Wet Season (2019) và The Breaking Away, phim ngắn nằm trong hợp tuyển The Year of the Everlasting Storm (2022) gồm nhiều đạo diễn quốc tế được thực hiện trong giai đoạn đại dịch Covid.

Năm 2023, Chen có bộ phim nói tiếng Anh đầu tiên Drift được chọn công chiếu tại Liên hoan phim Sundance và The Breaking Ice tham dự Un Certain Regard tại Cannes vừa kết thúc.

Bộ phim nói tiếng Trung của Anthony Chen, được quay hoàn toàn tại một thành phố tỉnh lẻ (Diên Cát) ở biên giới phía Bắc Trung Quốc với sự tham gia của 3 diễn viên ngôi sao của nước này là Châu Đông Vũ, Lưu Hạo Nhiên và Khuất Sở Tiêu.

Tác phẩm được quay hoàn toàn trên bối cảnh tuyết trắng mùa Đông, với nhiệt độ -18 độ C trong suốt 38 ngày. Đây là câu chuyện về 3 người trẻ tình cờ gặp nhau trong những ngày ngắn ngủi, tạo nên những kỷ niệm điên rồ rồi chia tay không hẹn ngày gặp lại.

alt
Anthony Chen thắng giải Camera d'Or ở tuổi 29 | Nguồn: LuxArtAsia

The Breaking Ice (Nhiên Đông) được Chen gọi là “một bức thư tình gửi giới trẻ Trung Quốc” và cũng là phép thử của anh tại thị trường điện ảnh tỷ dân.

Lựa chọn kể một câu chuyện chân thực về giới trẻ lạc lối, Chen chia sẻ với báo giới: “Trong những năm gần đây của điện ảnh đương đại Trung Quốc, không ai thực sự cố gắng vẽ chân dung của một người trẻ nơi đây. Hầu hết phim làm về giới trẻ đều là những bộ phim lãng mạn ngọt ngào. Và tôi không thực sự tin những nhân vật đó.”

Nỗ lực khắc họa một thế hệ trẻ cô đơn và lạc lõng trong vòng xoay của xã hội kiểu mới Trung Quốc, anh nói rằng đây là bộ phim về những người trẻ tuổi đi tìm sự tự do về mặt tinh thần theo một cách khác biệt, cả trước và sau máy quay.

Với Chen, anh đang đặt mình ra khỏi vùng an toàn và thoát khỏi những khuôn khổ làm phim trước đây. Bộ phim tham gia tranh giải trong chương trình Un Certain Regard và nhận được đánh giá khá cao của giới phê bình (88% trên Rotten Tomatoes).

Cây bút Peter Bradshaw của tờ The Guardian đánh giá khá tích cực về bộ phim và so sánh nó với Bande à Part của huyền thoại Jean-Luc Godard ở khía cạnh cùng làm về tuổi trẻ lạc lối.

“Bối cảnh đẹp và hình ảnh mạnh mẽ trong phim của Chen đã tạo ra cảm giác căng thẳng về tình dục một cách thú vị. The Breaking Ice không gây ấn tượng mạnh như tác phẩm đậm tính hiện thực Ilo Ilo nhưng cách làm phim của Chen có sự mạch lạc và cởi mở đáng kinh ngạc.”

Về mặt bản quyền, đây là một trong những phim được nhượng quyền thương mại tốt nhất tại Cannes năm nay. Bộ phim đã bán bản quyền phát hành cho nhiều nước từ Hàn Quốc, Pháp, Thụy Sĩ, Hy Lạp, Ý cho đến Trung Quốc, Hồng Kong và Singapore - quê hương của đạo diễn và dự kiến trình chiếu rộng rãi cuối năm nay.

Molly Manning Walker (1993) với How to Have Sex

Đạo diễn trẻ cuối cùng gây tiếng vang tại Cannes năm nay là Molly Manning Walker, vốn xuất thân là một nhà quay phim. Cô đã chiến thắng giải Phim hay nhất với bộ phim gây sốc How to Have Sex nằm trong hạng mục tranh giải Un Certain Regard.

Sinh ngày 14/9/1993, tức chưa tròn 30 tuổi, bộ phim đầu tay của Molly kể về chuyến đi nghỉ mùa Hè đầy táo tợn của 3 cô gái trẻ 16 tuổi người Anh ở Hy Lạp. Tác phẩm đã tạo nên những phản hồi đầy kinh ngạc của giới phê bình, đặc biệt là cái nhìn về tình dục trong thời đại hậu #metoo.

alt
Đạo diễn Molly Manning Walker | Nguồn: Cinegirl

Về mặt nội dung, bộ phim phần nào được so sánh với Spring Breakers (2012) của đạo diễn Harmony Korine kể về hành trình “good girls gone bad” của các cô gái trẻ trong một kỳ nghỉ phóng túng. Những thước phim là hình ảnh hỗn loạn, nhịp điệu dồn dập và cả sự tổn thương, nỗi u sầu tiềm ẩn sau chuyến hành trình.

Về mặt nghệ thuật, bộ phim đầu tay này được so sánh với Aftersun của Charlotte Wells - nữ đạo diễn người Scotland cũng thuộc thế hệ Millennials gây tiếng vang tại Cannes năm ngoái và được đề cử Oscar đầu năm nay.

Câu chuyện của cô gái trẻ 16 tuổi tìm cách “phá trinh” trong kỳ nghỉ này như một cuộc hành trình đi tìm danh tính thế hệ gen Z. Nó khiến nhiều người lớn tuổi phải há miệng kinh ngạc vì sự táo tợn lẫn mỉa mai, đặc biệt là giai đoạn hậu #metoo.

Vốn là một nhà quay phim đầy tài năng từng chiến thắng tại Liên hoan phim Sundance, Molly Manning Walker mang đến cho bộ phim đầu tay mà cô biên kịch và đạo diễn một nhịp điệu gai góc đặc trưng với phần hình ảnh táo bạo. Tất cả cuốn người xem vào một bầu không khí tiệc tùng chao đảo dường như không có điểm dừng.

Thiết kế âm thanh rung lắc, méo mó phối lại với nhạc nền EDM không ngừng tạo hiệu ứng chóng mặt của bữa tiệc cuồng loạn, để rồi cuối cùng để lại cho họ sự trống rỗng và tuyệt vọng.

Phạm Thiên Ân và Molly Manning Walker nhận được 2 giải thưởng danh giá cho tác phẩm đầu tay. Trong khi đó, phim của Anthony Chen là một trong những bộ phim được bán bản quyền phát hành nhiều nhất. Họ là 3 trong số những nhà làm phim trẻ thuộc thế hệ Millennials được LHP Cannes vinh danh năm nay.