Phạm Thiên Ân: “Tôi phải đấu tranh chống lại những cám dỗ trống rỗng” | Vietcetera
Billboard banner
30 Thg 05, 2023
Điện Ảnh

Phạm Thiên Ân: “Tôi phải đấu tranh chống lại những cám dỗ trống rỗng”

Cuộc trò chuyện với Phạm Thiên Ân, đạo diễn có bộ phim đầu tay vừa thắng giải Camera D’or tại LHP Cannes gợi mở nhiều suy ngẫm về hành trình cá nhân và phong cách điện ảnh mà anh theo đuổi.
Phạm Thiên Ân: “Tôi phải đấu tranh chống lại những cám dỗ trống rỗng”

Đạo diễn Phạm Thiên Ân. | Nguồn: Ka Nguyen

“Với Bên trong vỏ kén vàng (Inside the Yellow Cocoon Shell), tôi muốn xem xét hành trình vật chất của một người đàn ông trở về quê hương, dẫn anh ta kết nối lại với quá khứ của mình như thế nào. Lần trở về quê hương này cho thấy mâu thuẫn nội tâm của nhân vật, giữa đức tin mà anh ấy đã bỏ bê và một cuộc sống hiện tại vô cùng bất mãn.”

Chiến thắng tại Cannes (Camera D’or) có nằm trong dự đoán của Ân không khi được chọn tham dự Director’s Fortnight? Sau vài năm theo đuổi giấc mơ làm phim, kết quả đáng tự hào này với bạn có tác động thế nào?

Chiến thắng Camera D’or (Máy Quay Vàng) hoàn toàn không nằm trong dự đoán của tôi. Bộ phim đã đi quá xa so với những gì có thể tưởng tượng.

Khi bộ phim được hoàn thành, bản thân tôi nói với những đồng nghiệp rằng, chúng mình đã thành công rồi. Được lựa chọn ở Director’s Fortnight là điều tuyệt đẹp và quá tự hào, còn thắng giải là điều không tưởng.

Giải thưởng giúp tôi khẳng định con đường làm phim theo phong cách này là đúng. Nhưng kết quả này có vẻ đến quá nhanh, và sẽ ảnh hưởng nhiều cho bộ phim tiếp theo.

Nên tôi để giải thưởng này gắn liền với bộ phim và hy vọng nó sẽ đi xa hơn nữa, còn bản thân tôi sẽ cố gắng trở lại thời điểm khởi đầu để tiếp tục với tình yêu điện ảnh.

Bên trong vỏ kén vàng - nhan đề gợi nhiều ẩn dụ và suy tưởng về những dồn nén cần được giải phóng từ bên trong. Với tư cách biên kịch và đạo diễn, Ân có thể gợi mở một vài điều về nhan đề này không?

Bản chất vỏ kén vàng là ẩn dụ cho vỏ bọc của mỗi người trong xã hội, những thứ mang tính xác thịt, kéo họ vào cuộc chạy đua hối hả của xã hội để tìm kiếm vật chất và sự thành công. Còn bên trong vỏ kén là hình ảnh của con nhộng, tượng trưng cho linh hồn của mỗi con người.

Suốt bộ phim là một linh hồn bị lãng quên và anh ta phải đấu tranh, vật lộn trong thể giới nội tâm để chuyển hoá chính mình, thoát ra vỏ bọc của những cám dỗ, định kiến xã hội và thành một con người mới, sống thật với chính mình.

Ân có thể kể lại hành trình làm bộ phim dài này không? Điều gì khó khăn nhất và điều gì tạo cảm hứng lớn nhất cho bạn đủ tự tin để có thể làm một bộ phim dài tới 3 tiếng?

Khó nhất là tìm kiếm bối cảnh phù hợp vì bối cảnh là thứ quyết định rất nhiều tới bộ phim. Dựa vào bối cảnh tôi mới có thể hoàn thiện về kịch bản lẫn dàn cảnh và nhịp điệu phim.

alt
Đạo diễn Phạm Thiên Ân. | Nguồn: Ka Nguyen

Lúc đầu, khi tôi lựa chọn sử dụng những cảnh quay dài và giới hạn số shot quay, thì việc thời lượng bộ phim dài là điều không thể tránh khỏi. Thực ra bản cắt lúc đầu của bộ phim là 3 tiếng 40 phút.

Điều giữ tôi vẫn tiếp tục làm bộ phim này chắc đó là niềm tin.

Ê kíp sáng tạo chắc chắn có một đóng góp không nhỏ cho thành công của bộ phim, nhất là DOP Đinh Duy Hưng – người cùng với Ân được giới phê bình đánh giá cao về nhãn quan điện ảnh. Ân có thể chia sẻ thêm về họ không?

Việc làm phim trong một nhóm nhỏ gồm những người bạn khiến tôi cảm thấy thật sự tự do và đúng là chúng tôi học tập được rất nhiều từ nhau.

Khi kết thúc bộ phim, những người trong nhóm nói với tôi là họ học được rất nhiều thứ trong quá trình làm phim mà họ chưa từng nhận ra khi làm những dự án khác. Tôi hạnh phúc vì điều đó.

Tôi quan niệm mỗi người đều có thế mạnh riêng và nguồn năng lượng đặc biệt để thực hiện một điều gì đó mang tính kỳ tích. Tôi nghĩ bộ phim thành công khi những con người làm phim đều tận dụng hết khả năng và nhiệt huyết của mình để thực hiện nó. Đương nhiên trong quá trình tự nâng cấp bản thân sẽ gặp nhiều khó khăn và đôi lúc có những người bỏ cuộc.

Nhưng hiện tại những người còn lại trong nhóm luôn cảm thấy may mắn và biết ơn khi có duyên gặp gỡ và làm việc cùng nhau. Cho dù chúng tôi là những nhà làm phim không chuyên nhưng tuổi trẻ và sự ham học hỏi tìm tòi đã giúp chúng tôi trưởng thành hơn trong dự án này, chúng tôi nhận ra là đã đi đúng hướng và ngày một tiến xa hơn.

Tôi và Duy Hưng là bạn thân từ nhỏ, không cần giao tiếp nhiều nhưng chúng tôi rất hiểu nhau qua ngôn ngữ điện ảnh, đều chung một quan điểm là dựa vào bối cảnh thực tế để tạo ra composition (kết cấu) và camera movements (chuyển động máy quay). Chúng tôi cố gắng đạt được sự tối giản và tự nhiên nhất có thể trong mỗi khung hình.

Ngôn ngữ điện ảnh chiếm vai trò lớn trong kiến tạo phong cách cá nhân của đạo diễn, đặc biệt với những đạo diễn theo đuổi dòng phim nghệ thuật. Với Ân, ngôn ngữ điện ảnh có vai trò như thế nào? Ân có thể chia sẻ thêm về phong cách cá nhân mà mình theo đuổi?

Với quan điểm nghệ thuật về hình ảnh, ngay từ đầu, tôi đã đặt tham vọng của mình bằng việc sử dụng những cú máy dài, camera chuyển động chậm hoặc tĩnh, và sử dụng ít shot quay nhất có thể để tạo ra bộ phim. Tôi luôn cố gắng đạt được sự tối giản và tự nhiên nhất có thể trong mỗi khung hình.

Sở dĩ tôi chọn cách tiếp cận này vì muốn tạo ra khoảng trống và thời gian để cho người xem tự do quan sát, lựa chọn, chờ đợi. Điều này cho phép những hình ảnh đi được sâu hơn vào tâm trí người xem và làm họ quên đi sự hiện diện của máy quay. Vì thế, nhân vật và câu chuyện được truyền tải sẽ tới một cách tự nhiên.

alt
Nguồn: Ka Nguyen

Đôi lúc tôi cũng phải bổ sung thêm những câu thoại, thay đổi kịch bản của bộ phim trong quá trình “on set” để phù hợp với bối cảnh và giới hạn lúc đó như thời tiết, điều kiện ánh sáng tự nhiên, chất liệu, con người hay tất cả những sự ngẫu nhiên xuất hiện vào lúc đó. Cách diễn đạt này cho phép tôi thể hiện sự tương phản giữa vị trí con người so với thiên nhiên, vũ trụ.

Còn về âm thanh, đối với tôi, hình ảnh và âm thanh đều giữ vị trí quan trọng ngang nhau. Hình ảnh cho người xem bước vào thế giới trong phim, âm thanh sẽ đẩy họ đi sâu hơn vào nội tâm bên trong nhân vật.

Với cách tiếp cận hình ảnh bằng việc sử dụng nhiều cảnh quay dài, tôi luôn phải tìm kiếm trong mỗi khung hình một nguồn âm thanh chính và mang một dấu ấn riêng.

Nguồn âm thanh đến từ nhiều nguồn khác nhau như tiếng môi trường, tiếng bước chân, tiếng thở, tiếng nhạc cụ, tiếng đồ vật, tiếng cơ thể hoặc cũng có thể là sự im lặng.

Theo cách nào đó, âm thanh là thứ khiến người xem chìm đắm vào hiện thực bộ phim, dẫn dắt họ đi qua qua nhiều cung bậc cảm xúc.

Cuối cùng là quan điểm nghệ thuật về diễn viên. Tiêu chí chọn diễn viên của tôi là diễn viên không chuyên, có nguồn gốc xuất thân tại địa phương nơi tôi bấm máy, mang một nét đặc trưng đến từ giọng nói, cử chỉ, dáng bộ, đặc điểm trên cơ thể, nghề nghiệp và có thể là ký ức trong quá khứ của bản thân họ.

Trước thời điểm “onset” tôi để cho họ có nhiều thời gian tự tìm hiểu nhau và tạo dựng một mối quan hệ giữa họ, tôi không can thiệp quá nhiều trong lúc này.

Khi “onset”, tôi cho họ nhiều thời gian để tập dượt trước ống kính máy quay, lúc này tôi mới can thiệp sâu vào phần diễn xuất như giọng nói, thời gian thoại, dáng bộ, cử chỉ, các chuyển động cơ thể, biểu cảm khuôn mặt, ánh mắt.

Trong điện ảnh nghệ thuật, ai là đạo diễn mà Ân chịu ảnh hưởng nhiều nhất?

Tôi nghĩ mình chịu ảnh hưởng từ nhiều đạo diễn như Luis Buñuel (Tây Ban Nha), Kenji Mizoguchi (Nhật Bản), Theo Angelopoulos (Hy Lạp), Bela Tarr (Hungary), Andrei Tarkovsky (Nga)…

alt
Nguồn: Ka Nguyen

Tôi tin là những đạo diễn như Bi Gan cung chịu ảnh hưởng giống như tôi nên chúng ta đều là vay mượn và lặp lại, điện ảnh đã có quá lâu rồi.

Hành trình của nhân vật chính Thiện và đứa cháu trai Đạo trong bộ phim này mang một ý nghĩa như thế nào? Đi tìm chính mình hay đi tìm niềm tin tôn giáo trong một thế giới thất lạc niềm tin? Thiện và Đạo, tên của hai nhân vật trong phim, rõ ràng cũng có chủ ý chứ không phải là những cái tên đơn thuần?

Để trả lời câu hỏi này tôi xin trích đoạn ghi chú về bộ phim như sau:

“Tôi sinh ra và lớn lên ở một thị trấn quê yên bình, nơi sản xuất cây công nghiệp là nghề chính. Ở vùng này, hầu hết mọi người thức dậy vào sáng sớm và bắt đầu ngày mới bằng cách tham dự thánh lễ trong nhà thờ. Chập choạng tối, họ quây quần đọc kinh, cầu nguyện và tạ ơn Chúa sau một ngày dài lao nhọc và dành thời gian thinh lặng cho tâm hồn.

Khi còn trẻ, tôi vào Sài Gòn để học và làm việc. Không nhận ra, tôi đã dấn thân vào một cuộc chạy đua vô nghĩa, nó lặp đi lặp lại để kiếm tiền và đạt được thành công. Cuối cùng tôi đối mặt với không có gì ngoài sự thất vọng, bối rối và bất an.

Để thoát khỏi, tôi cảm thấy cần phải trở nên sáng suốt hơn, trở thành một con người mới và sống thật với chính mình. Tôi phải đấu tranh chống lại những cám dỗ trống rỗng ngay từ đầu đã lôi kéo tôi vào vòng tròn bất tận này.”

alt
Nguồn: Ka Nguyen

Với Bên trong vỏ kén vàng, tôi muốn xem hành trình vật chất của một người đàn ông trở về quê hương dẫn anh ta kết nối lại với quá khứ của mình như thế nào. Lần trở về quê hương này cho thấy mâu thuẫn nội tâm của nhân vật, giữa đức tin mà anh ấy đã bỏ bê và một cuộc sống hiện tại vô cùng bất mãn.

Cuộc hành trình phản ánh các chiều kích khác nhau trong tâm hồn con người, thứ chúng ta không ngừng tìm kiếm nhưng không bao giờ có thể đạt được trọn vẹn. Điều kết nối với ước mơ, đam mê của chúng ta và cái chết là không thể tránh khỏi.

Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều hướng về tinh thần để vượt qua sự hối hả của xã hội hiện đại bề ngoài. Dù tin vào Chúa hay không, người ta không tránh khỏi việc đặt câu hỏi mình là ai trong vũ trụ này.

Văn hóa và bối cảnh Việt Nam có vai trò như thế nào trong điện ảnh của Ân? Và đề tài mà Ân muốn làm phim tiếp theo là gì? Chủ đề hoặc phong cách nào mà bạn muốn hoàn thiện trên con đường điện ảnh của mình?

Văn hoá và bối cảnh Việt Nam thực sự ảnh hưởng rất lớn trong tất cả tác phẩm điện ảnh của tôi. Tôi luôn cố gắng tìm tòi chúng và đưa theo một hướng tối giản và tự nhiên nhất.

Đề tài phim tiếp theo của tôi vẫn tiếp tục gắn bó cùng đức tin, cuộc sống ở những số phận con người khác nhau trong xã hội đương đại, qua những nét đẹp trong văn hoá, hình ảnh thiên nhiên siêu việt thể hiện trong những cú máy dài và chậm.

Cuối cùng, điều gì Ân muốn chia sẻ cho những nhà làm phim trẻ Việt Nam, đặc biệt là những đạo diễn phim nghệ thuật và độc lập với quá nhiều khó khăn và thách thức mà họ phải đối mặt, thậm chí trả giá?

Tôi chỉ muốn nói là các bạn làm bộ phim của mình với sự chân thành và tâm huyết thì sự thành công của bộ phim ắt sẽ đến.