Cave syndrome - Bạn có sợ ra ngoài sau giãn cách xã hội? | Vietcetera
Billboard banner

Cave syndrome - Bạn có sợ ra ngoài sau giãn cách xã hội?

Nhiều địa phương đã có độ phủ vaccine cao, song không ít người vẫn ái ngại ra ngoài vì lo sợ. Cave syndrome chính là hiện tượng họ đang gặp phải.
Cave syndrome - Bạn có sợ ra ngoài sau giãn cách xã hội?

Nguồn: Tairome @ Shutterstock

1. Cave syndrome là gì?

Cave syndrome /keɪv ˈsɪndrəʊm/ (danh từ) là cảm giác lo sợ khi quay trở lại với nhịp sống và các thói quen xã hội trước dịch COVID-19. Sau gần 2 năm sống chung với các đợt giãn cách xã hội, nhiều người đã quen với cuộc sống gói gọn trong bốn bức tường. Họ lo sợ và tránh né các hoạt động xã giao trước kia, mặc dù đã tiêm phòng đầy đủ.

2. Nguồn gốc của cave syndrome?

Cụm từ này được bác sĩ tâm lý Arthur Bregman đưa ra vào tháng 6/2021, khi nhận thấy nhiều bệnh nhân của mình lo sợ việc ra ngoài khi các quy định phòng chống dịch ở Mỹ được nới lỏng (cnn.com).

Về mặt vật lý, hang động là môi trường biệt lập, thiếu ánh sáng so với bên ngoài. Vì vậy, việc ra ngoài sau thời gian dài ở trong hang có thể gây nhiễm trùng. Tương tự, sau khi ở trong nhà quá lâu, tâm lý sợ nhiễm COVID-19 khiến nhiều người e dè với việc tái hòa nhập cộng đồng.

title23nov2021jeremybishop4pwrzxbxkxyunsplashjpg 23nov2021jeremybishop4pwrzxbxkxyunsplashjpg
Nếu ở trong hang động quá lâu, ta có thể bị nhiễm trùng khi ra ngoài. | Nguồn: Unsplash

COVID-19 không phải đại dịch đầu tiên mà con người phải cách ly, phong tỏa. Nhưng ở các đại dịch trước đây, internet và khoa học tâm lý đều chưa phát triển. Phải đến dịch COVID-19, các dữ liệu về cảm xúc con người mới được phân tích kỹ để đặt được cái tên cave syndrome cho nỗi sợ này.

3. Vì sao cave syndrome trở nên phổ biến?

Khi đã có độ phủ vaccine đáng kể, nhiều nước chuyển từ chiến lược “không COVID” sang thích nghi và chung sống an toàn với dịch. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi đa số các địa điểm công cộng đã mở cửa trở lại, hướng tới trạng thái bình thường mới.

Tuy nhiên, nhiều người ái ngại trở lại văn phòng sau thời gian dài phong tỏa, thậm chí xin nghỉ việc nếu không được tiếp tục làm từ xa. Vì lo sợ lây nhiễm, họ tránh đến các nơi công cộng dù đã tiêm đủ hai mũi.

Bên cạnh đó, giãn cách xã hội ảnh hưởng lớn đến kỹ năng giao tiếp của con người. Một nghiên cứu trên các phi hành gia cho thấy, thời gian dài làm việc trong môi trường cô lập khiến họ trở nên khó xử và sợ hãi trước các tình huống xã giao họ từng cho là bình thường trước kia. Giống như các cơ bị teo nếu không tập gym thường xuyên, các kỹ năng xã hội cũng có thể giảm sút sau thời gian dài không được vận dụng (verywellmind.com).

title23nov2021regretfeature2jpg 23nov2021regretfeature2jpg
Giống như cơ bắp, kỹ năng xã hội cũng có thể bị “teo” sau thời gian dài không vận dụng. | Nguồn: Unsplash

Theo nhà tâm thần học Alan Teo, tâm lý sợ ra ngoài sau phong tỏa không khó đoán, đặc biệt với một thảm họa như đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, càng ở lâu trong “hang động”, bạn sẽ càng khó chui ra. Bạn có thể tham khảo phương pháp MAS (Mindfulness, Attitude và Vision) do bác sĩ Bregman gợi ý để vượt qua nỗi sợ này:

  • Mindfulness (Chánh niệm): Bạn có thể lấy lại sự bình tĩnh bằng các phương pháp chánh niệm như thiền và tập thở. Sau đó, bạn thử liệt kê ra điều gì khiến bản thân sợ hãi việc ra ngoài trở lại. Việc thực hành chánh niệm cũng giúp bạn nhìn nhận tình hình kỹ hơn.
  • Attitude (Thái độ): Một khi đã biết nguyên nhân, bạn cần một thái độ tích cực để xử lý nỗi sợ. Ví dụ, bạn có thể nhớ lại không khí vui vẻ khi đi chơi với bạn bè trước dịch. Việc suy nghĩ tích cực rằng mình sẽ có lại điều này giúp bạn có thêm động lực ra ngoài.
  • Vision (Tầm nhìn): Việc xác định tầm nhìn sẽ giúp bạn kiên định với quá trình tái hòa nhập, đặc biệt khi có vấn đề xảy ra. Để làm được điều này, bạn có thể đặt ra các thử thách nhỏ rồi nâng dần mức độ. Ví dụ bạn tự mình đi ăn, sau đó đi cùng 1-2 người bạn và cuối cùng là cả nhóm bạn.

4. Dùng cave syndrome như thế nào?

Tiếng Anh

A: I’ve got both doses, but I’m still too scared to go out. Yet my boss is telling us to return to the office. I think I might have to get a new job.

B: Well, it seems like you’re suffering from cave syndrome. Take little steps one by one, everything will be fine.

Tiếng Việt

A: Mình tiêm đủ 2 mũi rồi, nhưng mình vẫn sợ ra ngoài lắm. Mà sếp mình còn đang bảo tất cả quay lại văn phòng nè. Chắc mình phải kiếm việc mới thôi.

B: Có vẻ cậu bị “hội chứng hang động” rồi đó. Cứ từ từ, tái hòa nhập từng bước một rồi mọi việc sẽ ổn thôi.