"Cha mẹ độc hại" đang bị lạm dụng như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner

"Cha mẹ độc hại" đang bị lạm dụng như thế nào?

Ảnh hưởng tiêu cực của cha mẹ độc hại đã quá rõ ràng, nhưng lạm dụng và hiểu sai khái niệm cũng độc hại không kém.
"Cha mẹ độc hại" đang bị lạm dụng như thế nào?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Trong nhiều năm gần đây, cha mẹ độc hại (toxic parenting) trở thành chủ đề được chia sẻ và thảo luận rộng rãi với khán giả đại chúng. Xuất phát từ nhu cầu nuôi dạy con cái lành mạnh, các bậc phụ huynh làm mọi cách để không rơi vào các dấu hiệu độc hại.

Không thể phủ nhận rằng, sự phổ biến này đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường gia đình và thực hành nuôi dạy con cái.

Tuy nhiên, sự phổ biến của khái niệm cũng kéo theo nguy cơ bị lạm dụng và diễn giải sai lệch. Từng là một thuật ngữ chuyên ngành, cha mẹ độc hại giờ đây trở thành từ khóa để giải thích cho bất kỳ vấn đề nào xảy ra trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Việc lạm dụng thuật ngữ mà không cân nhắc hoàn cảnh cá nhân, yếu tố văn hóa và xã hội, có thể khiến các đứt gãy và thương tổn trong mối quan hệ gia đình trở nên trầm trọng hơn.

Nguồn gốc của khái niệm cha mẹ độc hại

Toxic parenting hay cha mẹ độc hại, là thuật ngữ trong lĩnh vực ngành Tâm lý học (Psychology) và Phát triển trẻ em (Children development). Khái niệm này được sử dụng nhằm mô tả đối tượng phụ huynh với các hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tâm lý, thể chất và cảm xúc của trẻ.

Thuật ngữ này được đào sâu và trở nên đặc biệt phổ biến trong nhiều năm trở lại đây. Đó trước hết là thành quả của nỗ lực tập thể từ các nhà tâm lý học, chuyên gia sức khỏe tâm thần và nhà hoạt động xã hội.

Các công trình nghiên cứu nổi bật về cha mẹ độc hại có thể kể đến cuốn sách Toxic Parents của tác giả Susan Forward, Học thuyết gắn bó (Attachment theory) - phát triển bởi John Bowlby và Mary Ainsworth. Song hành với đó là nhiều phong trào, chính sách nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ trẻ em và nuôi dạy con cái.

Đối với cộng đồng, chất lượng cuộc sống tăng cũng kéo theo nhu cầu tìm hiểu về thực hành nuôi dạy con cái đúng đắn. Việc áp dụng phương pháp lành mạnh, đồng thời loại bỏ các yếu tố độc hại, trở thành mục tiêu của các gia đình hiện đại. Chính từ đây, cha mẹ độc hại trở thành chủ đề được bàn luận rộng rãi trong đại chúng.

Cha mẹ độc hại đã bị lạm dụng như thế nào?

Sự phổ biến lan rộng của khái niệm cha mẹ độc hại kéo theo nhiều vấn đề đáng lưu tâm. Khi bị kéo ra khỏi những cân nhắc nghiêm cẩn của các công trình khoa học, cha mẹ độc hại dễ bị lan truyền với những diễn giải sơ sài và sai lệch.

Điều này kéo theo những kết luận phiến diện và đơn giản hóa quá mức so với thuật ngữ gốc. Cụ thể, cha mẹ độc hại bị quy chụp trở thành nguồn cơn cho mọi vấn đề trong mối quan hệ phụ huynh - con cái.

alt
Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Hành động quy chụp trực tiếp loại bỏ đi hàng loạt yếu tố cùng tác động, bao gồm trách nhiệm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, chất lượng giáo dục cùng vô vàn các yếu tố mà chính các phụ huynh cũng không có khả năng kiểm soát.

Bất chấp tính chất phức tạp và đa chiều trong mối quan hệ gia đình, vốn dĩ chịu ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế - văn hóa - xã hội, mọi vấn đề đều bị nhiều cá nhân quy kết là do cha mẹ độc hại. Những nhãn dán "độc hại" được gán lên mà thiếu đi sự cân nhắc toàn diện, vốn rất cần thiết khi đi sâu vào quan hệ gia đình.

Tại sao việc lạm dụng này nguy hiểm?

Tình trạng lạm dụng khái niệm cha mẹ độc hại kéo theo những vấn đề đặc biệt nghiêm trọng.

Trước tiên, khái niệm này vốn là thuật ngữ chuyên ngành, đòi hỏi nền tảng kiến thức nhất định để áp dụng vào thực tế. Việc sử dụng tùy tiện mà không hiểu rõ ngọn ngành dẫn tới nhận định sai lầm. Điều này có nguy cơ khiến cá nhân đưa ra đánh giá phiến diện và mang nặng định kiến về mối quan hệ với gia đình.

Tình trạng lạm dụng thuật ngữ hoàn toàn có thể hình thành thái độ kỳ thị với các bậc phụ huynh. Nhiều người bố, người mẹ sẽ cảm thấy tội lỗi và xấu hổ với nhãn dán "độc hại" bị gán lên một cách vội vã, ngay cả khi bản thân họ đã nỗ lực để nuôi dạy con cái với tình yêu thương và sự đồng cảm.

Tiếp theo, việc đơn giản hóa và dán nhãn mọi vấn đề đều do cha mẹ độc hại khiến chúng ta rơi vào điểm mù. Ta không nhìn thấy được các yếu tố liên quan cũng có nguy cơ làm nảy sinh các vấn đề, bao gồm điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình, khác biệt cá nhân hay khoảng cách thế hệ.

Điểm mù này gây cản trở với nỗ lực thấu hiểu và chăm sóc lẫn nhau của các thành viên trong gia đình. Cuối cùng, sự quy chụp và kết luận vội vã hiển nhiên sẽ kéo theo giải pháp sai lầm và kém hiệu quả.

Vấn đề này cũng tương tự như chẩn đoán nguyên nhân sai, kéo theo phương pháp điều trị không có tác dụng. Nếu chúng ta lập tức nhảy thẳng vào kết luận mà không cân nhắc, những thương tổn sẽ tiếp tục kéo dài và không được giải quyết.

Để bản thân và cha mẹ không rơi vào bẫy quy chụp độc hại

Điều quan trọng chúng ta cần thừa nhận đó là nuôi dạy con cái là một quá trình phức tạp, lâu dài và đòi hỏi nhiều nỗ lực. Chính vì vậy, những khó khăn và thách thức gây cản trở mối quan hệ là điều khó tránh khỏi. Đồng thời, ta biết rằng quá trình này chịu ảnh hưởng bởi vô vàn yếu tố, và cha mẹ độc hại không phải là duy nhất.

Trong khi nâng cao nhận thức về sự tồn tại và ảnh hưởng tiêu cực của cha mẹ độc hại, chúng ta cũng cần tránh không để bản thân rơi vào bẫy đơn giản hóa và lạm dụng khái niệm. Một cái nhìn đúng đắn và toàn diện sẽ là giải pháp hữu hiệu, thay vì vội vã quy chụp và khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.

Hướng tới sự giao tiếp cởi mở và trung thực

Một không gian nơi các thành viên trong gia đình có thể thành thật bày tỏ suy nghĩ là điều đặc biệt quan trọng. Đây sẽ là nơi khuyến khích mọi người bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc, đồng thời tích cực lắng nghe mà không mang thái độ phán xét.

Những buổi trò chuyện chính là cơ hội để cha mẹ và con cái đặt bản thân vào vị trí của người kia, để cảm nhận cảm xúc và những gì người đối diện phải trải qua.

alt
Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Không gian an toàn để hai bên thấu hiểu và cảm thông lẫn nhau là điều kiện cần thiết để gia đình nhìn nhận những vấn đề và hướng tới cách giải quyết phù hợp.

Giáo dục và chất vấn bản thân

Hãy nhớ rằng, chúng ta không có trách nhiệm phải tìm lý do biện minh cho hiện tượng cha mẹ độc hại. Nhưng chúng ta cần suy xét và cân nhắc cả các yếu tố xoay quanh để tránh lạm dụng và hiểu sai vấn đề.

Liệu có đúng là do cha mẹ độc hại hay không? Hay còn do những nguyên nhân khách quan, hay thậm chí tồn tại cả trách nhiệm của con cái? Những chất vấn này là cần thiết để loại bỏ những nhận định quy chụp, có nguy cơ làm đứt gãy các mối quan hệ.

Hãy chủ động tìm hiểu kiến thức về các phương pháp nuôi dạy con đúng cách. Đọc sách, tham dự các buổi workshop, hội thảo, hay tham khảo các nguồn uy tín để tự có cho bản thân một nhận thức toàn diện về chủ đề cha mẹ độc hại.

Điều này sẽ giúp bản thân chúng ta không rơi vào điểm mù, xác định được đúng vấn đề và từ đó nỗ lực cho những phương pháp thực sự hiệu quả, nhằm mục tiêu nuôi dưỡng và xây dựng mối quan hệ lành mạnh, tích cực với gia đình.

Tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia

Chúng ta đã biết rằng để xác định cha mẹ độc hại, sẽ cần đến kiến thức chuyên ngành, cùng sự đánh giá toàn diện. Nếu có lý do để nghi ngờ bản thân, hay cha mẹ là đối tượng "độc hại," hãy cân nhắc tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia và người xung quanh.

Bác sĩ, nhà trị liệu có thể giúp chúng ta có được một góc nhìn khách quan và toàn diện hơn về vấn đề. Đây cũng sẽ là một quá trình đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực.

Tuy vậy, việc tham vấn sẽ giúp cá nhân thấu hiểu được trải nghiệm của bản thân, đồng thời thực sự hiểu rõ mình đang phải đối mặt với vấn đề gì, nhằm tránh tình trạng hiểu sai vấn đề và đi sai hướng.