Chấn thương của Hùng Dũng: Vì sao bóng đá Việt Nam chưa lớn? | Vietcetera
Billboard banner

Chấn thương của Hùng Dũng: Vì sao bóng đá Việt Nam chưa lớn?

Vấn đề về nâng cao tính chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam đã được mổ xẻ từ lâu, nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Chấn thương của Hùng Dũng: Vì sao bóng đá Việt Nam chưa lớn?

Tình huống dẫn đến chấn thương của Hùng Dũng | Nguồn: VnExpress

Chấn thương nghiêm trọng của tuyển thủ quốc gia Hùng Dũng tiếp tục khoét sâu khoảng trống về tính chuyên nghiệp của nền bóng đá nước nhà. Không chỉ được thể hiện qua những pha bóng bạo lực trên sân cỏ, việc chưa hình thành một môi trường bóng đá chuyên nghiệp cho thấy những hạn chế của cách làm bóng đá hiện tại.

Đi cùng với sự phát triển trong tư duy xem bóng đá của người hâm mộ, chuyên nghiệp hóa nền bóng đá Việt Nam là việc cần làm để không bỏ lỡ cơ hội bắt kịp với thế giới.

Sự chuyên nghiệp bắt nguồn từ thái độ

Những người theo dõi bóng đá hẳn vẫn chưa thể quên được những pha phạm lỗi thô bạo trên sân cỏ V-League, điển hình là pha phạm lỗi của Quế Ngọc Hải với Anh Khoa, của Đình Đồng với Anh Hùng và mới đây nhất là của Hoàng Thịnh với Hùng Dũng. Phải chăng đối với cầu thủ Việt Nam, việc đá “máu”, đá “nhiệt” còn quan trọng hơn cả việc giữ chân cho các đồng nghiệp, vốn là “cần câu cơm” của họ để nuôi sống gia đình?

Không phải ai cũng may mắn tiếp tục sự nghiệp sau khi gặp phải chấn thương nghiêm trọng. Đơn cử như trường hợp của tiền vệ Anh Khoa. Nạn nhân trong pha vào bóng triệt hạ của Quế Ngọc Hải năm 2015 đã phải giải nghệ do không thể chữa trị dứt điểm.

Chấn thương cũng để lại gánh nặng kinh tế cho Anh Khoa ở thời điểm đó. Vì không thể tiếp tục sự nghiệp cầu thủ, Anh Khoa bị mất đi phần lớn nguồn thu nhập. Tuy hiện tại anh đã ổn định theo nghiệp huấn luyện nhưng biết đâu sự nghiệp của anh đã có thể phát triển hơn nếu không gặp phải chấn thương.

Nhìn rộng ra bóng đá thế giới, không khó để thấy rằng việc phòng ngự hiệu quả không hề đi đôi với lối đá "chặt chém" và phạm lỗi ác ý. Các hậu vệ của Ý là một ví dụ. Những cầu thủ như Cannavaro, Maldini, hay Nesta luôn nổi tiếng với sự máu lửa trên sân bóng. Tuy vậy, danh tiếng của họ đến từ lối đá thông minh và tư duy chiến thuật. Khi Cannavaro giải nghệ, họ nhắc đến những pha cắt bóng đúng thời điểm cùng những pha chọn vị trí tốt để đánh đầu giải nguy, chứ không hề nói rằng anh đã vào bóng triệt hạ như thế nào.

Bài học về việc giáo dục tư tưởng đạo đức ngay từ khâu đào tạo trẻ vì thế chưa bao giờ là cũ, nhất là khi những vụ án liên quan đến cá độ và cờ bạc vẫn xảy ra mà người tham gia chính là các cầu thủ. Giữa năm ngoái, dư luận rúng động khi 11 cầu thủ U21 Đồng Tháp nhận án treo giò đến hết mùa giải cho hành vi tổ chức và tham gia cá độ. Đây đều là những cầu thủ trẻ đầy tiềm năng, và án phạt đã làm chậm đi rất nhiều quá trình phát triển chuyên môn của mỗi người.

Để không còn những sự việc đáng tiếc như vậy, một cơ chế đào tạo trẻ bài bản đi kèm với đào tạo chuyên môn nên được xây dựng. Đây cũng là mô hình mà những nền bóng đá phát triển đang áp dụng. Tại Việt Nam, đi đầu trong xu hướng này trong những năm gần đây là Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VPF. Tại đây, học viên vẫn phải tham gia đầy đủ các lớp học văn hóa và các hoạt động ngoại khóa xã hội, song song với những buổi học đá bóng.

VPF
Các học viên tại VPF trong một buổi tập | Nguồn: VPF

Việc chăm lo toàn diện cho các cầu thủ trẻ về thể chất, tinh thần lẫn chuyên môn của VPF đã bắt đầu có kết quả. Có đến 6 thành viên trưởng thành từ lò đào tạo trẻ VPF góp mặt trong thành phần đội tuyển U23 Việt Nam giành huy chương vàng bóng đá nam Sea Games 30.

Đương nhiên, chúng ta cũng cần biết rằng hậu thuẫn cho lò đào tạo VPF là tập đoàn Vingroup, vốn là đơn vị có tiềm lực tài chính vượt trội so với câu lạc bộ Đồng Tháp. Đây chính là điểm sáng của phong trào mở cửa cho những doanh nghiệp tư nhân có tâm huyết được làm bóng đá.

Tư nhân hóa bóng đá: tận dụng cơ hội từ dòng tiền của các doanh nghiệp tư nhân

Chất lượng sân vận động của các câu lạc bộ tại V-League đa phần chưa được tốt. Trước mỗi mùa giải, đơn vị tổ chức V-League là Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đều tiến hành kiểm tra chất lượng sân vận động của mỗi câu lạc bộ. Tuy nhiên, việc thiếu tích cực trong công tác nâng cấp khiến những nỗ lực cải thiện chất lượng sân vận động của VPF đi vào ngõ cụt.

sacircn xấu
Mặt sân kém chất lượng của sân nhà câu lạc bộ Thanh Hóa tại V-League 2021 | Nguồn: Vietnam+

Việc đại đa số các sân vận động tại địa phương vẫn thuộc sở hữu của Nhà nước khiến cho quy trình giải ngân vốn để xây dựng và tu bổ cơ sở vật chất không hề dễ dàng. Trong khi đó, các doanh nghiệp tài trợ chủ đạo của câu lạc bộ dù mong muốn bỏ tiền để nâng cấp cơ sở vật chất lại chùn tay do họ không phải là chủ sở hữu.

Dù đam mê làm bóng đá một cách lâu dài và bài bản, đa số các doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa mặn mà do lợi nhuận về kinh tế chưa thể được đảm bảo. Họ chưa được toàn quyền vận hành sân vận động – vốn là nguồn thu chủ đạo từ quá trình làm bóng đá. Chỉ khi được sở hữu sân vận động, ban lãnh đạo đội bóng mới có thể quyết định các vấn đề về bản quyền, quảng cáo, bán vé, bán đồ lưu niệm, thức ăn và đồ uống.

Điều này sẽ mở đường cho các câu lạc bộ từng bước tự chủ về nguồn doanh thu của mình mà không nhất thiết phải chờ đợi kinh phí hoạt động từ nguồn ngân sách của địa phương. Các đội bóng sẽ có nhiều không gian hơn cho công tác vận hành và xây dựng chiến lược phát triển, trong khi Nhà nước cũng bớt đi gánh nặng về chi phí và trách nhiệm quản lý.

Một nền bóng đá chuyên nghiệp sẽ sản sinh thêm nhiều lứa cầu thủ tài năng. Trong thời điểm hiện tại khi mà người hâm mộ bắt đầu “yêu” bóng đá trở lại qua sự thành công của U23 Việt Nam, những người làm bóng đá cần tranh thủ sự ủng hộ này để xây dựng một môi trường bóng đá tích cực, bền vững và có tính kế thừa.