Chi 7 tỷ đồng để “bo tròn logo” có đắt? | Vietcetera
Billboard banner

Chi 7 tỷ đồng để “bo tròn logo” có đắt?

"Bo tròn" thôi thì ai cũng bo được? Xiaomi có chi tiền vô lý?
Chi 7 tỷ đồng để “bo tròn logo” có đắt?

CEO Lei Jun giới thiệu logo mới của Xiaomi tại buổi Mega Launch. Nguồn: Documento.

Trong sự kiện Mega Launch do Xiaomi tổ chức vào hôm 30/03 vừa qua, công ty công nghệ này chính thức ra mắt logo và bộ nhận diện thương hiệu mới.

Tuy nhiên, thay vì được nhìn nhận về hướng đi mới tích cực, bộ logo mới của hãng đang trở thành tâm điểm tranh cãi. Các chi tiết thay đổi không nhiều, nếu không nói là rất ít, nhưng lại có giá trị tới 2 triệu nhân dân tệ, tương đương khoảng 7 tỷ đồng.

Điểm khác biệt nhìn thấy rõ nhất trong logo mới nằm ở đường viền bên ngoài được bo tròn mềm mại, thay cho hình vuông trong logo cũ.

Theo Xiaomi, đây là thay đổi để giúp mọi người hiểu được bản chất nhanh nhẹn mà công ty đang muốn hướng tới. Ngoài ra, size chữ được tinh chỉnh lớn hơn 1 chút. Kiểu chữ và màu sắc vẫn được giữ nguyên, với màu cam chủ đạo mang ý nghĩa về sự trẻ trung, nhiệt huyết.

Logo mới vagrave cũ của Xiaomi Nguồn The Verge
Logo mới và cũ của Xiaomi. Nguồn: The Verge.

Những khác biệt nhỏ này đi kèm với số tiền hàng tỷ đồng được xem như một trò đùa. Tuy nhiên, nếu thử đặt bài toán, chúng ta, những người dùng phổ thông, trở thành người thiết kế logo cho Xiaomi, liệu câu trả lời cho hàng loạt câu hỏi chuyên môn sau có đến dễ dàng như cách chúng ta tìm ra điểm khác biệt giữa hai bức ảnh?

  • Bo tròn đến mức nào thì đạt được hiệu ứng thị giác cao nhất và đảm bảo thể hiện được linh hồn của công ty?
  • Có cần đổi kiểu chữ, độ cao, độ rộng chữ, màu sắc? Nếu đổi thì đổi sang kiểu nào, thông số bao nhiêu?

Chúng ta có thể nghĩ rằng “7 tỷ đồng là một con số lố bịch”. Rằng sự thay đổi “như không đổi” này của Xiaomi là một chiến lược truyền thông. Và họ đã thắng khi khiến dư luận chú ý, bàn tán.

Tuy nhiên, tâm lý “chỉ người giàu cách xài tiền” này đến cuối cũng chỉ thỏa mãn được nhu cầu muốn giải trí của chúng ta. Cho dù con số 7 tỷ bị thổi phồng, thì vẫn có những câu chuyện bên sau tấm màn giúp chúng ta hiểu được phần nào sự thay đổi “kỳ lạ” này của Xiaomi.

7 tỷ đồng không chỉ là mua dịch vụ thiết kế…

Mà còn là mua sự tín nhiệm, danh tiếng của nhà thiết kế Nhật Bản Kenya Hara, kiêm Chủ tịch Trung tâm thiết kế Nippon (NDC), kiêm giáo sư Đại học Mỹ thuật Musashino, cùng đội ngũ của ông.

Nhagrave thiết kế Kenya Hara Nguồn The Japan Times
Nhà thiết kế Kenya Hara. Nguồn: The Japan Times.

Người trong ngành biết đến Kenya Hara như bậc thầy của triết lý “Hư không” (Emptiness), nghĩa là bỏ qua vật chất, tập trung vào những điều giản dị. Không cố gắng để khác biệt, mà cố gắng để tốt hơn. Đây cũng chính là bản chất làm nên thành công của thương hiệu bán lẻ MUJI nổi tiếng tại Nhật Bản, nơi ông từng làm việc với tư cách Giám đốc sáng tạo.

Với kinh nghiệm làm việc thâm niên, thành tích được giới chuyên môn chứng nhận, cùng với việc dẫn dắt cả một đội ngũ làm việc bên dưới, một nửa số tiền 7 tỷ đồng có thể được hiểu là đã nằm ở công việc quản lý, lãnh đạo.

Trông bình thường nhưng không đơn giản

Nhà thiết kế Kenya Hara giải thích ông đã sử dụng công thức toán học “siêu hình elip” (superellipse) cho logo mới của Xiaomi. Đây là công thức được phát hiện bởi nhà toán học người Pháp Gabriel Lamé vào thế kỷ 19, được dùng để tạo ra các đường cong gần giống với elip, có tính cân bằng hoàn hảo giữa hình vuông và hình tròn.

Nhagrave thiết kế Kenya Hara trong buổi Mega Launch 303 Nguồn Weibo
Nhà thiết kế Kenya Hara trong buổi Mega Launch (30/3). Nguồn: Weibo.

Để chốt hạ được chiếc logo như hiện tại, Xiaomi đã phải duyệt qua vài chục mẫu thiết kế. Và từ lời giải thích của nhà thiết kế, ta có thể hiểu đằng sau mỗi thiết kế là sự kỳ công trong việc tinh chỉnh các công thức toán học.

Caacutec phiecircn bản logo của Xiaomi Nguồn Weibo
Các phiên bản logo của Xiaomi. Nguồn: Weibo.

Logo hiện tại của các hãng lớn như Apple, Twitter… đều trải qua quá trình toán học hóa tương tự. Dù nhìn qua ta có thể nghĩ rằng một đứa trẻ cũng có thể nguệch ngoạc được. Nhưng tính chính xác của chúng trong thiết kế in trên sản phẩm là điều mà một người thường không thể nào hiểu hết. Cái khó là làm cho chúng trở nên đơn giản.

Khung design của Twitter logo Nguồn Flyingsaucernyc
Khung design cơ bản cho logo của Twitter. Nguồn: Flyingsaucer.nyc.

Tại sao chỉ thay đổi nhỏ?

Năm 2015, Facebook cũng từng trải qua một lần thay đổi logo mà nhiều người không muốn thừa nhận đây là sự thay đổi.

Khi được hỏi ý kiến theo góc nhìn của một người trong ngành, Jowey Roden, đồng sáng lập Koto Studio, chia sẻ rằng: Những thay đổi này, mặc dù nhỏ, nhưng nhằm mục đích không ngừng cải tiến sản phẩm trong một thế giới đang chuyển động không ngừng. Facebook không thay đổi bản chất của nó và những cải tiến về logo phản ánh điều đó. Họ vẫn trẻ trung, hiện đại, nhưng “nghiêm túc, trưởng thành” hơn.

Logo của Facebook cũ vagrave mới năm 2015 Nguồn Facebook
Logo của Facebook (mới và cũ), năm 2015. Nguồn: Facebook.

Và hơn nữa, những thay đổi nhỏ không đi một mình. Facebook chứng minh điều đó thông qua loạt 8 tính năng mới giới thiệu trong cùng năm.

Dựa trên bối cảnh sự kiện giới thiệu sản phẩm mới của Xiaomi, có thể hiểu rằng logo mới của Xiaomi cũng nằm trong một chuỗi thay đổi khác. Và hãy để các bước tiến tiếp theo của công ty chứng minh cho câu nói của CEO Lei Jun “Xiaomi không chỉ đổi logo từ hình vuông thành tròn mà còn đổi 'tinh thần nội bộ' cũng như tư duy của thương hiệu”.